Ảnh minh họa, lạm dụng trên trẻ em. (© soupstock – stock.adobe.com)
vaticannews.va, Hélène Destombes, Vatican, 2021-09-30
Phỏng vấn bà Marie Jo Thiel, giáo sư thần học và thành viên của Giáo hoàng Học viện về sự sống.
Bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội, Ciase, là kết quả của hai năm rưỡi làm việc, sẽ được công bố ngày thứ ba 5 tháng 10. Phiên điều trần của nhiều nạn nhân bị lạm dụng và các chuyên gia làm sáng tỏ một hiện tượng có hệ thống và khó nghe.
Được Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp ủy nhiệm, ủy ban do ông Jean-Marc Sauvé, Phó Chủ tịch danh dự của Hội đồng Nhà nước đảm nhiệm. Ủy ban có 22 thành viên, tín hữu và không tín hữu là những chuyên gia trong lãnh vực bảo vệ trẻ em, luật hình sự, tâm thần học, y học, xã hội học và thậm chí cả thần học.
Họ đã thu thập thông tin về lạm dụng tình dục trong Giáo hội từ những năm 1950 và phỏng vấn nhiều nạn nhân cũng như các chuyên gia. Trong số các chuyên gia có bà Marie-Jo Thiel, tiến sĩ, giáo sư thần học tại Đại học Strasbourg và thành viên của Giáo hoàng Học viện về Sự sống. Bà nhấn mạnh đến hậu quả của việc lạm dụng cũng như những khiếm khuyết về khả năng lắng nghe, tầm quan trọng của công việc do Ủy ban thực hiện.
Bà định nghĩa như thế nào về sứ mệnh được hoàn thành bởi Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội?
Bà Marie-Jo Thiel: Đây là một tài liệu cực kỳ quan trọng, được mọi người nóng lòng mong chờ. Công việc quan trọng đã được thực hiện. Có rất nhiều phiên điều trần của các chuyên gia nhưng cũng cả một khối lượng công việc đau thương khi nghe các nạn nhân kể câu chuyện của họ, đau lòng kể cả với những người nghe họ. Chính ông Jean-Marc Sauvé cũng đã có lúc nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý, ông đã rất đau lòng trước những tổn thương của các nạn nhân. Thật là kinh khủng. Tôi tin rằng công việc này rất cần thiết cho Giáo hội.
Các khó khăn trong việc lắng nghe nạn nhân và sự không thấu hiểu về ý nghĩa thực sự của lạm dụng – những hậu quả này ở cấp độ cơ thể, ở cấp độ tâm hệ và ở cả mối quan hệ với đức tin – liệu chúng có đang tiến triển không?
Đây là một câu hỏi cực kỳ khó, nhưng nó là cơ sở của tất cả các công việc cần phải làm. Cho đến khi chúng ta chưa hiểu được chấn thương và căng thẳng tổn thương cấp tính của các nạn nhân thì chúng ta không hiểu được vấn đề. Tôi dùng hình ảnh, với một số nạn nhân, chấn thương mạnh đến nỗi giống như công tắc đã ở đúng vị trí, nhưng đã bị chận vì cảm xúc quá mạnh. Vì thế công việc thiết yếu phải làm là phải thừa nhận sự việc. Còn với việc sửa chữa, đó là một từ bẫy. Chúng ta không bao giờ sửa chữa những tổn thương như vậy, nhưng có thể giúp đỡ, chẳng hạn về mặt tài chánh.
Hỗ trợ tài chính có quan trọng trong tính biểu tượng của nó không?
Hỗ trợ tài chính mang tính biểu tượng vì thuật ngữ này có nghĩa là “để chung lại”, có nghĩa là có thể đóng góp nhưng điều này cũng không đủ. Tiền phải được dùng trong những việc chăm sóc cần thiết để cố gắng tìm lại sự nhất quán cho bản thân và ý thức về sự tồn tại của chính mình.
Bà là một trong các chuyên gia lớn về vấn đề lạm dụng ở Pháp. Bà làm việc trên các vấn đề này từ hơn hai mươi năm. Đâu là các đề xuất của bà?
Công việc phòng ngừa đã được khởi làm, tuy rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ. Sau tự sắc “Vos estis lux mundi” (Anh chị em là ánh sáng của thế gian) và các văn bản cuối cùng của Đức Phanxicô, chúng tôi đã bắt đầu thiết lập các cơ cấu phòng ngừa nhưng chúng tôi phải suy nghĩ lại về Giáo hội mà chúng tôi muốn, các sứ vụ của những người đã chịu phép rửa. Không phải chỉ một mình giám mục là người đơn độc xem xét các vấn đề lạm dụng. Các nam nữ giáo dân phải tham gia để công việc giữa các liên ngành được làm.
Làm thế nào bà đánh giá giai đoạn hiện nay và vai trò mà bản báo cáo của Ủy ban có thể có?
Đây thực sự là một thời điểm quan trọng vì nó buộc chúng ta phải tính đến số lượng nạn nhân và từ đó là bản chất hệ thống của những hành vi lạm dụng này. Cho đến nay một giáo phận đã báo cáo có ba, bốn hoặc năm trường hợp. Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội sẽ cho chúng ta biết, chúng ta có hơn 10.000 trường hợp, đó là những gì ông Jean-Marc Sauvé nói với chúng tôi. Đây là một hiệu ứng sóng thần và Giáo hội buộc phải cân nhắc khi xem xét một cách nghiêm túc những gì đã tìm thấy.
Đó là một chủ đề khó, mà tôi cùng với các thần học gia khác rất đau lòng, các ông các bà và các sinh viên của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rất nhiều và đấu tranh rất nhiều để vấn đề này được lên trang nhất các báo. Về cơ bản, tôi tin chúng ta phải làm việc chung với nhau, tôi giữ hy vọng bởi vì hy vọng của tôi bám rễ trong Chúa Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: 1950-1980, những năm đen tối của tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
Đức Phanxicô kêu gọi “nhìn nhận” những “sai lầm” và “thất bại” của Giáo hội về ấu dâm