Cảnh giác nội tâm, bạn sẽ phát triển
Thứ tư: cảnh giác nội tâm, bạn sẽ phát triển
Hoặc làm thế nào để phát triển hệ thiêng liêng của tôi, sự tập trung
Trích sách Hãy về sống lại với nội tâm, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf.
Chúng ta đã khám phá ba nền tảng cơ bản của nghệ thuật sống có lợi cho sự phát triển nội tâm của các Giáo phụ: lắng đọng tâm hồn/thanh đạm, mở lòng ra với người khác/đoàn kết, thiền định/trở về với chính mình.
Có một điều thứ tư, đó là liên tục trông chừng những chuyện đang đi qua trong đầu, để làm chủ mình một chút!
Chúng ta cùng ở bên nhau chứ?
Giáo phụ Antôn nhắc lại: “Khi cá mắc cạn âu, chúng sẽ chết. Các đan sĩ cũng vậy! Khi họ ở ngoài tịnh phòng lâu hoặc khi họ dành thì giờ ở với người ngoài lâu quá, họ mất đi bình an sâu lắng trong lòng. Như con cá nhanh chóng về với nước, chúng ta cũng nhanh chóng quay về tịnh cốc của mình và không quên cảnh giác nội tâm.”
“Nó quá nhanh đối với tôi, tôi hoàn toàn bị phân tán và bây giờ tôi như chỉ sống còn.” Một người nghiện màn hình thú nhận họ muốn chận lại các thông báo dụ họ phải bám vào máy tính-điện thoại từng giây phút, họ muốn để điện thoại và các dụng cụ kỹ thuật số của họ ở chế độ im lặng trước khi vào giấc ngủ. Cũng như hệ thống tim mạch, đời sống nội tâm của chúng ta cũng có hệ thống của nó, đó là sự tập trung chú tâm. Không có khả năng chú tâm thì không thể có đời sống nội tâm.
Chú ý đến việc ăn cướp có chủ tâm
Chuyển động tự nhiên của tâm trí chúng ta là chuyển động ly tâm; tinh thần lúc nào cũng bị phân tán, lạc lối. Phân tâm và vu vơ là lối sống quen thuộc của chúng ta. Sự phân tán này không chỉ mệt mỏi mà còn làm mất thăng bằng đời sống nội tâm. Nếu tôi không cẩn thận, tôi sẽ làm theo suy nghĩ, ý tưởng của tôi, tôi sẽ như người vắng mặt với mình, thậm chí còn tin mọi chuyện lướt qua đầu tôi! Đó là lý do vì sao sự chú tâm (hay cảnh giác nội tâm) là cần thiết cho đời sống nội tâm. Các Giáo phụ sa mạc gọi đây là “cánh cửa bảo vệ trái tim” và họ đánh giá cao tầm quan trọng của nó; khoa nhận thức hiện đại đã làm sáng tỏ điều này. Ngày nay có vẻ như tác nhân chính cho tất cả các việc gây nhiễu loạn nội tâm là tình trạng siêu “thôi thúc, mời mọc”. Nó ở khắp mọi lãnh vực: thực phẩm, sản phẩm vật chất, tình dục, giải trí, hình ảnh về mình, hời hợt, biếm họa, v.v. Nó huy động tất cả các giác quan và tâm hệ chúng ta: thị giác, thính giác, khứu giác, trí tưởng tượng, trí nhớ, ham muốn. Sức mạnh của các hình thức siêu kích thích này phần lớn do sự tràn ngập của quảng cáo, do kỹ thuật số xâm chiếm, do màn hình hiện diện khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Cũng có thể do sự lạm phát cảm giác mà tôi luôn vất vả chạy theo để “nhặt nhạnh”; thường là chạy theo thôi thúc của các lời mời mọc mà tôi không đi tìm cũng không đi xin, nó chỉ dí vào mặt tôi.
Các siêu thôi thúc mời mọc này đặt ra câu hỏi “ai” quyết định cho những gì tôi phải chú tâm. Và ở đó, các tế bào thần kinh không thương hại cho tính kiêu ngạo của chúng ta. Quá trình đánh giá tính hữu ích của thông tin là kết quả của quá trình đo lường quá nhanh và phần lớn chúng ta làm trong vô thức. Trung bình mỗi giây chúng ta quyết định từ ba đến bốn quyết định, đến mức muốn đánh giá và ý thức cho mỗi quyết định là chuyện hoàn toàn viển vông! Tôi không còn là người quyết định, người suy nghĩ cân nhắc chuyện gì, ai là người tôi phải chú tâm, nhưng là người đang ở trước giác quan và tâm hệ của tôi, chúng sẽ phản ứng ở chế độ “người máy hoặc động vật”. Đó là lý do vì sao việc mời mọc quá tải làm cho chúng ta hoạt động ở chế độ “lái tự động”. Sự tự động hóa nội tâm này chi phối hiện tại. Hiện tại hành động ngay lập tức, không có độ lùi. Mặt khác, sự chú tâm giúp chúng ta biết nhận thức và làm theo tự do của mình.
Do đó, hoạt động diễn ra như sau: sự chú tâm cho chúng ta phương tiện để quan sát, để ý thức, cho chúng ta khả năng biết được cảm giác khi quan sát, do đó huy động ý chí tự do của chúng ta và cho phép chúng ta rời đi chế độ “tự động hóa nội tâm”. Trái lại, khi chúng ta không chú ý đến bản thân, chúng ta tự động hóa nội tâm, để rồi không còn tự do, khi đó chúng ta hành động theo chế độ tự động, ngay lập tức, lặp đi lặp lại và không có độ lùi.
Chúng ta là nạn nhân của một sự chệch hướng, của việc cướp đi khả năng chú tâm của chúng ta và ít nhiều chúng ta đồng thuận trong việc này. Vậy mà sự chú tâm lại quyết định mối quan hệ của chúng ta với chính mình và với thế giới. Vì thế quan trọng là phải giành lại quyền kiểm soát sự chú tâm của mình.
Theo các Giáo phụ sa mạc, quan trọng hơn cả việc biết mình, đó là chú tâm đến mình
Điều răn lớn của họ: “Hãy quan sát chính mình.” Nhiều câu châm ngôn nói lên điều này, Giáo phụ Antôn đã nói: “Antôn, hãy chú tâm đến bản thân anh.” Hay: “Một người anh em hỏi một Giáo phụ: ‘Vun trồng tâm hồn mang lại hoa trái gì?’ Giáo phụ trả lời: “Theo tôi, vun trồng tâm hồn là suy niệm trong cảnh giác (…)’” Một Giáo phụ nói: “Nếu một người không cảnh giác bên trong thì bên ngoài họ khó cảnh giác được.”
Giáo phụ Basile đã nghiên cứu vấn đề tập trung chú tâm rất nhiều. Từ chương 15 của sách Đệ nhị luật và đặc biệt là lời dạy: “Hãy quan sát chính mình” mà Chúa đã nói với ông Môsê, ông đã có một bài giảng dài:
Chú tâm của những người có lý trí thì cũng như bản năng nơi con vật (…). Có hai cách chú tâm: bằng con mắt thể xác để nhìn những chuyện hữu hình, và bằng sức mạnh tinh thần để chiêm ngưỡng những chuyện vô hình.
Sau đó, ngài liên kết hoạt động và sự chú tâm:
Người thợ săn phải chú ý để con mồi không bị lọt, người kiến trúc sư phải chú ý để đặt nền móng vững chắc, người thợ cày phải chú ý khi đào xung quanh cây vả khô cằn, người mục tử phải chú ý để đem con chiên đi lạc về, người vận động viên phải chú ý đến các luật lệ thể thao.
Ngài dựa trên Sách Thánh để nhấn mạnh đến bổn phận phải chú ý:
Ông Môsê nói. Mỗi loài động vật đã nhận từ Đấng Tạo Dựng tất cả mọi sự và có bản năng cần thiết để bảo tồn giống loài của mình. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy hầu hết các động vật đều có ác cảm bẩm sinh với những gì có thể gây hại cho chúng, và bản chất tự nhiên của chúng là hướng về những gì có lợi cho chúng. Và Chúa cũng ban cho cho chúng ta điều răn lớn lao này để nâng đỡ chúng ta như thiên nhiên đã cho các con vật; để chúng ta hoàn tựu, nhờ thường xuyên chú ý và liên tục canh chừng chính mình, những gì con vật làm một cách hoàn toàn máy móc chẳng cần biết lý do (…). Như thế quan sát chính mình để có thể phân biệt được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu.
Và ngài nói tiếp:
Quan sát chính mình có nghĩa là xem xét mọi khía cạnh. Đừng để con mắt tâm hồn nghỉ ngơi, nó phải canh chừng liên tục (…) Để dằn xuống sự sôi nổi của suy nghĩ và các căng thẳng của tinh thần, để ngăn chặn trí tưởng tượng đi lạc hướng, Sách Thánh nói với chúng ta lời dạy cao cả và khôn ngoan: Hãy quan sát chính mình.
Giáo phụ Diadoque thành Photicée liên tục mời gọi phải chú tâm:
Khi hệ thống tâm hệ bắt đầu tự thanh lọc bằng cường độ chú tâm của nó, thì, giống như phương thuốc của sự sống, nó cảm nhận một tiền đề thần thánh.
Giáo phụ Poemen nói:
Hãy là người canh cổng tâm hồn mình; cảnh giác, chú tâm đến chính mình, phân định là các hướng dẫn của tâm hồn.
Giáo phụ Hyperechios nói:
Người tu sĩ biết canh chừng, họ canh chừng ban ngày cũng như ban đêm.
Các Giáo phụ xem sự chú tâm như một phương thuốc mà chức năng của nó là “trả lại những gì trái với tự nhiên về cho những gì hợp với tự nhiên”. Đó là trọng tâm chủ đề thăng bằng nội tâm.
Để thực hiện sự cảnh giác nội tâm này, các nhà Trị liệu sa mạc đã làm “người bảo vệ trái tim”. Vì thế lời khuyên đầu tiên là chú ý đến những gì đang diễn ra trong lòng chúng ta.
Cảnh giác là một phương pháp thiêng liêng và với sự trợ giúp của Chúa, sẽ giải thoát con người ra khỏi suy nghĩ và lời nói sôi nổi, cũng như các việc làm xấu xa nếu nó tiếp tục lâu dài và hăng say. Canh chừng dạy chúng ta hành động trên ba phần của tâm hệ (theo truyền thống kitô giáo là trí thông minh, ham muốn và sức mạnh.)
Thái độ này bao gồm việc từ chối, giết trong trứng nước tất cả những gì làm chúng ta phân tâm.
Cảnh giác là kiên trì tập trung vào một suy nghĩ đang canh cánh cửa quả tim. Một tập trung như vậy sẽ nắm bắt các suy nghĩ nảy sinh, nó quan sát, lắng nghe các suy nghĩ này. Công việc này cho chúng ta kinh nghiệm của cuộc chiến tâm linh.
Bảo vệ trái tim trước hết là huy động sự chú ý nội tâm. Thánh Basile nói tiếp: “Quan sát chính mình, nếu bạn không muốn để mình bị bất ngờ bởi một suy nghĩ nào đó.”
Giáo phụ Évagre nói: “Hãy chú ý đến chính mình, là người canh cửa tâm hồn, không để một tư tưởng nào vào mà không chất vấn nó; đặt câu hỏi cho từng suy nghĩ và nói với nó: Bạn là người của chúng tôi hay đối thủ của chúng tôi?” Do đó, phân định là chính yếu. Các tư tưởng có thể là tốt, là khách quan hay bệnh hoạn. Nhận biết chúng là nền tảng của đời sống nội tâm:
Chúng ta phải luôn (…) xem xét với một tinh thần phân định sáng suốt cho tất cả mọi ý nghĩ nảy sinh trong lòng; đầu tiên là phát hiện ra nguồn gốc và nguyên nhân; biết nó từ đâu để đưa chúng ta đi về hướng đó, với giá trị của những người đã truyền cảm hứng. Như thế, theo lời Chúa dạy, chúng ta sẽ trở thành những người khéo léo thay đổi. Những người này bằng kỹ năng khéo léo và khoa học, họ biết phân biệt đâu là vàng tinh khiết, đâu là vàng không tinh khiết. Sự thận trọng của họ không làm cho họ bị lừa vì vàng thau lẫn lộn. Sự khéo léo còn giúp họ phân biệt được đồng tiền có hình bạo chúa và cả đồng tiền mang dấu ấn của vị vua hợp pháp nhưng đã bị làm giả. Với sự khôn ngoan sâu sắc của họ, cuối cùng họ đã dùng đến phép thử của các chiếc cân để đảm bảo không có gì xén bớt trọng lượng hợp pháp của nó.
Nếu tôi thấy một tư tưởng quấy rầy, làm mất tập trung hoặc tiêu cực cho sự thăng bằng của tôi, tôi có thể dựa vào hai chiến lược của các Giáo phụ: bác bỏ hoặc bác lại.
Bác bỏ là không cò cưa với suy nghĩ và dứt khoát cắt dòng suy nghĩ này ngay khi nó mới ở giai đoạn đề nghị: “Người cự lại các dọ dẫm đầu tiên cắt đứt hết các chuyện tai tiếng”. Giáo phụ Maxime, người Giải tội khuyên “đừng kéo dài suy nghĩ”. Với các dọ dẫm lui tới: “Ngay khi thấy các đề nghị là lập tức cắt đứt khi chúng mới phát sinh”. Tóm tắt chiến lược đầu tiên này: cắt ngay, dứt điểm ngay, tấn công vào gốc rễ, không để bị cuốn theo, v.v.
Còn bác lại là đã để cho tư tưởng gây rối đi đủ sâu vào trái tim tạo một cuộc thảo luận với nó. Mục đích là phản bác, chống nó, cho nó là sai, chống lại bằng các lập luận trái ngược với những gì nó gợi ý. Đây là điều mà Giáo phụ Évagre gọi là “phương pháp bác bẻ”: chống lại một tư tưởng bằng một lời phù hợp, đặc biệt là từ Kinh thánh. Nhưng hãy cẩn thận, phương pháp này không phải là không có rủi ro và các Giáo phụ khuyên nên “mang đai đen của đời sống thiêng liêng” hơn là mang đai của những người mới bắt đầu.
Một ví dụ: nếu kẻ phá rối khuyến khích tôi nên hiếu động trong nghề nghiệp vì tiền bạc hay vì danh dự, thì lời khuyên là câu trong sách Châm ngôn (11, 4): “Trong ngày thịnh nộ, của cải ích lợi chi, chỉ đức công chính mới cứu khỏi tử thần.”
“Việc canh giữ trái tim”, cảnh giác nội tâm không phải là việc xét mình. Đầu tiên, nó được làm “liên tục”, có nghĩa là bất cứ lúc nào và không phải ở các lãnh vực riêng biệt. Thứ hai, sự canh gác diễn ra trong hiện tại, như nó đang xảy ra chứ không phải việc xem lại về sau các hành động hoặc các suy nghĩ trong quá khứ. Thứ ba, đây là sự quan sát do hiếu kỳ và tinh tế về những gì đang diễn ra, trong khi xét mình là thứ trật của sự khám phá.
Những gì tôi giữ lại từ kinh nghiệm của các nhà trị liệu trong sa mạc
Khi hoạt động bình thường, tâm trí tôi có các suy nghĩ, nghiền ngẫm, cảm xúc và dự đoán. Nội tâm của tôi có một “cơ quan” thiết yếu, đó là sự chú tâm. Tôi có thể sử dụng nó như phương tiện canh gác nội tâm của tôi, giúp tôi phân biệt được những chuyện không có lợi cho sự thăng bằng của tôi.
Đề nghị
Mục tiêu của việc canh giữ trái tim là có được tự do trước những chuyện gây nhiễu loạn nội tâm. Phương tiện của nó là huy động sự chú tâm và cảnh giác nội tâm. Nếu các suy nghĩ tốt và đáng an ủi xuất hiện, thì chúng ta nên chào đón; nhưng nếu chúng là mầm mống của xao lãng, càm ràm, dự đoán hay ám ảnh, thì cứ để chúng sinh ra và tự diệt, không phán xét và nhẹ nhàng.
Bài tập cá nhân
Tăng sức cho cơ quan của bạn. Tôi đang nói về cơ quan của đời sống nội tâm, đó là sự chú ý. Thực hành bảo vệ trái tim. Để làm được điều này, bạn ngồi một nơi thoải mái, yên lặng nhắm mắt và quan sát những gì đang xảy ra bên trong bạn. Vào một lúc nào đó các suy nghĩ, các hình ảnh, các lo lắng sẽ ập đến: tin nhắn cần phải gởi, email này cần trả lời, xe đậu không đúng chỗ, lời trách móc của vợ/chồng sẽ nhanh chóng làm ngưng bài tập này. “Tôi còn các việc khác để làm, không thể cứ quan sát nội tâm của mình.” Ngưng! Bây giờ là lúc bắt đầu thú vị đây! Hãy chiến đấu nhẹ nhàng để không làm theo suy nghĩ này. Cự lại nó, nó sẽ đi qua như bóng mây, bạn đừng lo. Trong khi chờ đợi, sau khi đã cân nhắc suy nghĩ, bạn xem tác động việc từ bỏ bài tập này tạo ra phản ứng gì cho cơ thể bạn: căng thẳng ở chân, nhịp thở có thay đổi, nhận thức về âm thanh có thay đổi không? Hãy cho thấy mình có cá tính và không tuần phục nó. Và đừng tạo áp lực cho chính mình, điều này có thể học được. Với những ai trong số các bạn phải cố sức, bạn biết qua kinh nghiệm, nếu bạn ngừng tập dượt, ngay khi nó giãn ra một chút, bạn sẽ không bao giờ tiến bộ!
Câu châm ngôn để suy gẫm
Giáo phụ Germain hỏi Giáo phụ Môsê: “Làm thế nào mà thường thường rất nhiều ý nghĩ, tư tưởng xấu dày vò, đánh lừa chúng ta mà gần như chúng ta không nhận ra, không biết, chúng kín đáo tinh vi len lỏi, đến nỗi khó có thể ngăn chúng xâm nhập, và ngay cả không nhận ra chúng? Chúng ta cũng muốn biết liệu suy nghĩ chúng ta có hoàn toàn tự do và không hề bị giao động không?” Giáo phụ Môsê trả lời: “không thể được, tư tưởng không bị giao động vì ý nghĩ này, ý nghĩ nọ, nhưng nó tùy thuộc vào việc đón nhận nó, ngừng lại với nó hay vứt bỏ nó. Vì việc chúng đến không tùy thuộc chúng ta, nhưng chúng ta có quyền từ chối chúng, chỉnh suy nghĩ của chúng ta là do ý chí của chúng ta”.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Làm thế nào để tạo ra một môi trường thăng bằng