“Hình ảnh của Đức Gioan-Phaolô I không thể bị xóa nhanh như vậy”

317

“Hình ảnh của Đức Gioan-Phaolô I không thể bị xóa nhanh như vậy”

cath.ch, Davide Pesenti, 2021-04-25

Đức Gioan-Phaolô I trong giờ Kinh Truyền Tin  | Wikimedia commons CC BY-SA 2.0

Giáo hoàng phù du, Đức Gioan-Phaolô I đã làm cho nhiều tâm hồn xúc động vì tính khiêm tốn và phong cách gần gũi với giáo dân của ngài. Nhà báo nước Pháp Christophe Henning xuất bản quyển sách Cuộc đời bé nhỏ của Đức Gioan-Phaolô I (Petite vie de Jean Paul Ier), quyển tiểu sử đầu tiên của Đức Albino Luciani bằng tiếng Pháp. Tác giả lần theo cuộc sống và thẩm quyền của “giáo hoàng mỉm cười” theo một chiều kích nhân bản hơn.

Thành phố Vatican, ngày 26 tháng 8 năm 1978: các hồng y cử tri họp để bầu người kế vị Đức Phaolô VI, vừa qua đời 20 ngày trước đó. Trong vòng bỏ phiếu thứ tư, hồng y người Ý Albino Luciani được bầu. Một ngạc nhiên rất lớn. Vì thượng phụ giáo phận Venise không phải là một trong những người được yêu chuộng để thành giáo hoàng. Với biệt danh “nụ cười của Chúa”, Đức Gioan-Phaolô I sẽ tại vị 33 ngày, trước khi qua đời vì một cơn đau tim. Dù triều giáo hoàng rất ngắn, ngài đã mở ra một kỷ nguyên mới cho chức vụ giáo hoàng.

Vì sao bây giờ mới xuất bản một tiểu sử của Đức Gioan-Phaolô I?

Nhà báo Christophe Henning: Năm 2018, nhân kỷ niệm 40 năm ngày bầu chọn và qua đời của ngài, rất nhiều sự kiện được tổ chức, chủ yếu do hồng y Pietro Parolin hướng dẫn, ngài cũng là người vùng Veneto. Nhân dịp này, tôi thấy, ngoài các sách nói về cái chết của ngài, không có quyển tiểu sử nào của ngài. Và từ đó ý tưởng được nảy sinh.

Bất cứ khi nào tôi đề cập đến chuyện này thì ai cũng cười: “Tiểu sử của một giáo hoàng 33 ngày sao? Ông sẽ không có gì để nói!” Tuy nhiên, tôi muốn nhìn kỹ hơn. Vì chúng ta không thể chỉ nói về một giáo hoàng chỉ duy qua triều giáo hoàng của các ngài…

Ông quan tâm đến cuộc đời của ngài để hiểu rõ hơn về triều đại giáo hoàng ngắn ngủi của ngài?

Có, mục đích của tôi là chứng tỏ, không phải ngẫu nhiên mà ngài trở thành giáo hoàng, dù có một loạt các bối cảnh. Có một chiều kích nhân bản, một chiều sâu tâm linh và một độ nhạy cảm về giáo hội trong ngài, nên ngài đã được chiếm ưu thế trong lựa chọn này và không thể bị xóa đi một cách quá nhanh chóng.

Ngài là một người rất giản dị, không ham muốn chức vụ cao và có ý thức phục vụ cao. Kể những chuyện này là điều tôi rất mong muốn. Vì những quyển sách đã được xuất bản chỉ nói về 48 giờ sau khi ngài qua đời. Điều quan trọng là chứng tỏ cho thấy sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô I nằm trong chính sự hiện hữu của ngài, chứ không chỉ đơn giản trong một vài quyết định mà ngài có thể thực hiện trong 33 ngày làm giáo hoàng.

“Điều quan trọng là chứng tỏ cho thấy sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô I nằm trong chính sự hiện hữu của ngài.”

Làm thế nào ông tiến hành quyển tiểu sử này?

Tôi thu thập các bài báo từ khắp nơi từ thời đó, nhưng cũng có thêm các tài liệu gần đây liên quan đến quá trình phong chân phước. Nhưng tôi khó tìm ra các bài viết của ngài, đặc biệt là những quyển biên niên sử nhỏ ngài cũng đã xuất bản bằng tiếng Pháp. Mặc dù không có tài liệu nào là chưa từng có, nhưng theo tôi, quan trọng là phải tổng hợp tất cả các tài liệu này.

Bối cảnh của Giáo hội vào thời điểm ngài được bầu chọn như thế nào?

Một mặt, chúng ta đang ở giai đoạn cuối của Công đồng Vatican II. Mặt khác, đời sống giáo hội phải đối diện với một kiểu thế tục hóa. Nhiều linh mục đặt vấn đề về chức linh mục của họ và họ về kết hôn. Thêm nữa còn có một tinh thần không chắc chắn về phụng vụ, với những đổi mới mà các giám mục sẽ trở lại từng chút một.

Cũng có sự cân nhắc về chiều kích phổ quát của Giáo hội, vốn đã bắt đầu từ Công đồng: Giáo hội công giáo ngày càng trở nên phi tập trung hơn. Và sự việc, cho đến bây giờ, ngài là giáo hoàng cuối cùng người Ý không phải là chuyện không đáng kể. Tại điểm mấu chốt này, Đức Gioan-Phaolô I là người chủ chốt đảm bảo nối kết giữa Giáo hội của thế kỷ 20 và Giáo hội của thế kỷ 21, hướng tới một hình thức mới của việc “làm nên Giáo hội.”

Giáo hội thời nay thực sự bị giằng xé giữa mong muốn giữ được “huy hoàng” của mình và mong muốn có một hình thức đơn giản – điều mà Đức Phaolô VI đã khởi đầu với một quan tâm đặc biệt nhắm đến giới chính trị. Vì đây cũng là những năm đối đầu với khối cộng sản, một mối quan tâm lớn đối với Giáo hội thời đó.

“Đức Gioan-Phaolô I là người chủ chốt đảm bảo nối kết giữa Giáo hội của thế kỷ 20 và Giáo hội của thế kỷ 21, hướng tới một hình thức mới của việc ‘làm nên Giáo hội’.”

Vì những lý do nào mà hồng y đoàn chọn hồng y Luciani để giao quyền điều hành Giáo hội hoàn vũ?

Một mặt, ngài biết rất rõ về Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội Ý. Mặc dù giản dị, ngài là người đã tham gia Công đồng, được Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm Thượng phụ Venise, là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý… Một người vừa kín đáo, vừa sống đời sống phục vụ đến mức ngài được mời đảm nhận nhiều trách nhiệm. Mặt khác, hồng y Luciani thực sự là một người cân bằng giữa hai khuynh hướng trong hồng y đoàn. Đây là yếu tố cơ bản để hiểu về cuộc bầu cử của Đức Gioan-Phaolô I.

Đức Gioan-Phaolô I

Điều đó có nghĩa là?

Khi mật nghị họp năm 1978, có những người muốn thực hiện Công đồng Vatican II và có những người muốn đi lui, xóa bỏ “dấu ngoặc đơn đáng tiếc” là Công đồng. Ngoài ra, cần một người trẻ và hiệu quả, khi Giáo hội vừa ra khỏi những năm rất khó khăn và cái chết của Đức Phaolô VI.

Nơi hồng y Luciani, chúng ta nhận thấy một sự trưởng thành trong mối quan hệ với Công đồng. Ngài có khả năng tìm kiếm những phương cách mới để sống đức tin của mình, nhưng ngài cũng rất tôn trọng trật tự đã được thiết lập. Trong chiều hướng Công đồng Vatican II và hoàn toàn tuân Đức Phaolô VI, ngài là nhân cách tạo được sự yên tâm.

Một triều đại giáo hoàng ngắn ngủi, nhưng đã để lại dấu vết…

Đúng, vì Đức Gioan-Phaolô I là một người rất tự do. Ngài chú tâm hết mực đến các hồ sơ, nhưng ngài lại cảm thấy bị trách nhiệm đè bẹp. Ngài không đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào. Nhưng trên tất cả là một tinh thần sẵn sàng phục vụ. Sự đơn giản và dịch vụ là sợi chỉ đỏ hướng dẫn triều giáo hoàng của ngài. Chẳng hạn khi bắt đầu các bài giáo lý ngày thứ tư hàng tuần, ngài đưa một em bé giúp lễ ra giới thiệu và giải thích ơn đức tin khởi đi từ câu chuyện của em bé này,  – một thái độ sẽ được tìm thấy nơi Đức Phanxicô.

Ngài nhân bản hóa hình ảnh của giáo hoàng, từ chối dùng kiệu giáo hoàng (sedan sedamodatoria), dù sau đó ngài buộc phải dùng vì giáo dân không thấy ngài – hồi đó chưa có xe giáo hoàng!

“Đức Gioan-Phaolô I là một người rất tự do. Ngài chú tâm hết mực đến các hồ sơ, nhưng ngài lại cảm thấy bị trách nhiệm đè bẹp.”

Ngay lập tức, ngài thay đổi phong cách. Dường như ban đêm ngài ra ngoài để đi dạo ở Rôma (giống như sau này Đức Phanxicô đã làm). Điều này đặt những người chịu trách nhiệm về an ninh của Tòa thánh trong tình trạng báo động.

Quá trình phong chân phước đã diễn ra từ năm 2003. Bây giờ đã đi đến đâu?

Chúng ta đang ở giai đoạn chờ một phép lạ. Trong thời gian đầu, một phép lạ đã được công nhận, nhưng sau đó bị từ chối. Thật cảm động; trong chiều kích của sự giản dị vốn có trong con người của ngài, việc phong chân phước cho ngài bị khựng lại một chút, nhưng không vì thế mà chúng ta không thấy ở đây một chút nháy mắt của lịch sử. Ngài sẽ mỉm cười khi nghĩ đến việc được phong chân phước hay phong thánh, vì gần như nó không phù hợp với phong cách giản dị của ngài.

Việc phong chân phước và phong thánh cho ngài sẽ nhắc chúng ta nhớ, một người bình dị có thể đổi mới một cách sống khác, bằng phong cách, bằng ý thức phục vụ, bằng cách đưa Giáo hội vào một không gian khác.

Christophe Henning: Cuộc đời bé nhỏ của Đức Gioan-Phaolô I (Petite vie de Jean Paul Ier, Nxb. Artège, 2021).

Đức Gioan-Phaolô I, “nụ cười của Chúa”

Đức Albino Luciani sinh ngày 17 tháng 10 năm 1912 tại Canale d’Agordo, miền bắc nước Ý. Xuất thân từ một gia đình rất khiêm tốn, ngài thụ phong linh mục năm 1935. Là một sinh viên xuất sắc, ngài có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rôma. Ngài được Đức Gioan XXIII phong làm giám mục Vittorio Veneto năm 1958. Từ năm 1962 đến năm 1965, ngài tham gia Công đồng Vatican II.

Ngày 15 tháng 12 năm 1969, ngài trở thành Thượng phụ Venise và ba năm sau, ngài đảm nhận chức vụ phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý. Ngài được Đức Phaolô VI phong hồng y tháng 3 năm 1973.

Ngày 26 tháng 8 năm 1978, ngài là giáo hoàng thứ 263 của Giáo hội công giáo, kế vị Đức Phaolô VI. Ngài lấy tên Gioan-Phaolô I, để tôn kính hai người tiền nhiệm của ngài (Đức Gioan XXIII và Phaolô VI), nhưng cũng muốn nhắc đến vương cung thánh đường các Thánh Gioan và Thánh Phaolô (San Zanipolo), nơi yên nghỉ của một số lớn tu sĩ của Venise và nơi mẹ của ngài làm việc ở đây. Sự lựa chọn thật đáng ngạc nhiên: chưa bao giờ trong lịch sử Giáo hội công giáo có một giáo hoàng chọn tên kép.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Hồng y Parolin: Đức Gioan-Phaolô I là mục tử có một mức độ nhạy cảm rất cao

Làm sáng tỏ cái chết của Đức Gioan-Phaolô I