Phi hành gia Philippe Perrin: “Tôi đi vào vũ trụ với tượng Đức Mẹ trong túi”
Khi phi hành gia Pháp Thomas Pesquet chuẩn bị bay lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) ngày 23 tháng 4 năm 2021, báo La Vie đã gặp phi hành gia Philippe Perrin, một trong mười người Pháp đã du hành trong không gian.
lavie.fr, Sixtine Chartier, 2021-04-21
Phi hành gia Pháp Philippe Perrin trong chuyến đi đầu tiên ngoài phi thuyền (EVA) quanh Trạm Không gian Quốc tế (ISS) tháng 6 năm 2002. Ảnh NASA PHOTO / AFP
Gần 20 năm sau, phi hành gia Philippe Perrin vẫn còn nguyên cảm xúc trong giọng nói khi ông nói về thời gian ở trong không gian. Tháng 6 năm 2002, cựu phi công máy bay chiến đấu đã lên Trạm Không gian Quốc tế 14 ngày. Một nhiệm vụ tuy ngắn ngủi nhưng nặng cường độ vì nó sẽ dẫn đến ba chuyến đi ngoài phi thuyền (EVA). Ba thời điểm mà phi hành gia đối diện với chân không vũ trụ, chỉ được bảo vệ bởi một bộ áo không gian đơn giản, để gắn các hệ thống mới vào trạm.
Khi trở về, sau một vài năm làm việc cho Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA), ông là phi công thử nghiệm của công ty Airbus. Ông hiện là phó thị trưởng thành phố Toulouse. Ông kể cho báo La Vie ký ức về không gian, cảm giác ngạc nhiên trước hành tinh xanh như thể treo lơ lửng trong chân không, và cuộc đi tìm tâm linh về nguồn gốc cho tiếng gọi đi làm phi hành gia của mình.
Tháng 6 năm 2002, ông đã sống 14 ngày trên Trạm Không gian Quốc tế. Đời sống không trọng lực sẽ như thế nào?
Phi hành gia Philippe Perrin: Người Trái đất chúng ta đã quá quen với hàng trăm ngàn năm tiến hóa, đứng thẳng đến mức chúng ta quên mất thế nào là trọng lực, một lực khổng lồ tác động lên chúng ta. Với tình trạng không trọng lực, tất cả mọi bó buộc đều được xóa bỏ, nên có thể đưa chúng ta vào trạng thái hưng phấn. Bạn bỗng thấy mình thật nhẹ nhàng, như bào thai trong bụng mẹ. Nó giống như một điều rất tự nhiên.
Kinh nghiệm này mạnh đến mức khi trở về lại Trái đất, con người khó có thể chịu đựng được trọng lực. Trong giấc ngủ trưa đầu tiên sau thời gian ở trên không gian, nằm trên giường mà tôi cảm thấy như có bàn tay đẩy tôi xuống đất và cơ thể tôi như làm biến dạng cái nệm. Tôi cũng mất thói quen, cứ thả đồ vật nghĩ nó sẽ vẫn ở trên không… Ngay cả một chuyến bay ngắn như chuyến bay của tôi, cũng đủ để tôi có những phản xạ sống trong tình trạng không trọng lực.
Không trọng lực là một giải thoát hay một bó buộc?
Lúc đầu, đó là một giải phóng, nhưng nó nhanh chóng trở thành một bó buộc vì mình phải suy nghĩ thấu đáo cho mọi hành động của mình. Trước hết phải giữ đôi chân ổn định, phải cột chúng vào các thanh kim loại của trạm. Để cạo râu, phải giữ bọt xà phòng trong giấy nếu không nó sẽ bay mất.
Không trọng lực buộc chúng tôi phải thường xuyên sắp xếp các đồ vật. Tuy nhiên, chúng thường biến mất và chúng tôi có thể tìm lại trước các ống thông gió. Đó là lý do vì sao cơ quan NASA phát minh ra Velcro!
Không trọng lực cũng ảnh hưởng đến sinh lý. Tai trong hoàn toàn mất phương hướng. Trên Trái đất, tai trong giúp chúng ta xác định phương thẳng đứng mà đầu óc chúng ta cần để định hướng. Trong không gian, không còn phương thẳng đứng tự nhiên. Do đó nó phải định hình một cách tùy tiện.
Trên trạm, mọi người đều cố gắng có cùng chiều dọc để cuộc sống xã hội được tổ chức. Một cách tự nhiên, chúng tôi chọn Trái đất, ở bên dưới chúng tôi. Có lần, tôi đã làm đổ thùng rác vì ở tình trạng không trọng lực nó rất nhẹ. Một trong các bạn của tôi, người đã ở trên trạm sáu tháng, đã giúp tôi đặt lại cho đúng hướng.
Trong thời gian ông ở trên Trạm Không gian Quốc tế, ông đã ba lần ra ngoài trạm, và ông đã có gần 20 giờ làm việc. Xin ông cho chúng tôi biết kinh nghiệm này.
Ngay từ khi bạn bước ra khỏi trạm, bản thân bạn trở thành chiếc xe nhỏ trong quỹ đạo quay quanh hành tinh. Tôi nhớ những ngôi sao băng vụt qua dưới chân tôi và những buổi rạng đông nam cực tuyệt đẹp trên bầu khí quyển. Thật ngạc nhiên, không ai nói với tôi là ở trong tình trạng không trọng lực lại có thể thấy rất rõ như vậy!
Tôi cảm nhận được thế nào là sung mãn. Và ấn tượng về một vẻ đẹp bao la và của một tình trạng mong manh thực sự.
Xung quanh tôi là bầu trời đen thăm thẳm, ngay cả ban ngày. Sự phát sáng của Trái đất phát ra rất mạnh vì nó không bị suy giảm bởi các bộ lọc tia cực tím trong khí quyển. Chúng ta thấy nó như một quả bóng lớn không dựa trên cái gì, trong khi trên đất liền hay trên máy bay chúng ta vẫn quen nhìn trái đất như một cái đĩa. Mặc dù chúng tôi biết luật trọng lực nhưng vẫn tự hỏi: “Quả đất làm gì ở đó?”
Và đó cũng là một kinh nghiệm thiêng liêng, gần như thần nghiệm. Tôi cảm nhận được thế nào là sung mãn. Và ấn tượng về một vẻ đẹp bao la và của một tình trạng mong manh thực sự. Cuộc sống, tất cả những gì chúng ta biết, đang ở trước mắt chúng ta. Các quốc gia không trải rộng như vậy. Chúng tôi nhanh chóng bay qua. Biên giới không tồn tại. Tất cả con người đều có chung một bầu khí quyển. Khi chính bản thân mình đang sống sót trong con tàu vũ trụ nhỏ với phương tiện hạn chế, Trái đất cũng xuất hiện giống như một con tàu vũ trụ.
Đi ngoài phi thuyền (EVA) là một hoạt động cực kỳ nguy hiểm. Ông có bị căng thẳng không?
Không, ngược lại, tôi vô cùng bình tĩnh. Thông thường, các phi hành gia không cảm thấy căng thẳng, đặc biệt là lần đi đầu tiên ra ngoài phi thuyền của họ. Chúng tôi thật sự dấn thân làm việc để thành công, đến mức chúng tôi không nghĩ chúng tôi thuộc về chúng tôi, giống như khi ở trong quân đội. Chúng tôi ở đây vì một nhiệm vụ, không thắc mắc liệu có nguy hiểm hay không.
Tôi nhận thức rõ hơn những gì tôi làm trong lần đi thứ hai và thứ ba. Tôi nhận ra điều này khi tôi là phi công máy bay chiến đấu và phi công thử nghiệm: các phi công trẻ họ không biết rủi ro. Chỉ khi già đi, chúng ta mới hiểu ra.
Trong không gian, tôi nội tâm hóa những nỗi sợ hãi, đặc biệt là khi sợ hết không khí.
Nhưng điều này không có nghĩa là không có căng thẳng. Trong không gian, tôi nội tâm hóa những nỗi sợ hãi, đặc biệt là khi sợ hết không khí. Vài tháng sau chuyến bay, tôi không thể lấy một cái gì dưới gầm giường. Tôi sợ một loại đóng kín mà trước đó tôi chưa bao giờ sợ.
Ông ý thức về sinh thái từ sai khi ông ở trong không gian phải không?
Trên tất cả, tôi ý thức được sự liên kết giữa những người đang sống. Sự sống có khả năng kết hiệp. Linh mục Dòng Tên, nhà cổ sinh vật học Pierre Teilhard de Chardin đã đưa ra giả thuyết: các nguyên tử hút nhau, các phân tử trở nên phức tạp hơn và tạo ra các vật thể có khuynh hướng tự sản xuất nhờ RNA (những phân tử này là kết quả của DNA cho phép tổng hợp các protein cấu thành tế bào). Do đó, sự sống được tạo ra.
Ở tầm mức chúng ta, mỗi cá nhân tương tác và bản thân xã hội trở nên sống động. Đức Phanxicô phát triển hệ sinh thái theo cách này. Cuộc sống là một tổng thể. Vì vậy, chúng ta không làm sinh thái để bảo tồn con người nhưng để cứu sự sống trong tổng thể của nó, có nghĩa tất cả các sinh vật từ nhỏ nhất đến lớn nhất.
Trở lại Trái đất, ông nghĩ gì khi nhìn bầu trời?
Khi tôi đi vào không gian, tôi rất tin. Từ đó tôi mất đức tin. Thật kỳ lạ, đức tin… Hồi đó tôi không nghi ngờ gì, tôi cảm thấy mình mạnh và được nâng đỡ. Khi còn nhỏ, cùng với cha mẹ, chúng tôi thường ngắm các vì sao khi mùa hè đến. Tôi nhận ra điều này có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về chính mình. Tôi đã tự nhủ: “Nếu mình có thể đi lên cao, mình sẽ hiểu một cái gì đó.”
Tôi tìm thấy sự sống, sức mạnh của nó, sự phi lý của nó và mong muốn bảo tồn nó.
Tôi đến đó nhưng tôi không thấy Chúa… Tôi tìm thấy sự sống, sức mạnh, sự phi lý của nó và mong muốn bảo tồn nó. Đó là lý do vì sao sau thời gian ở ngoài không gian, tôi đi diễn thuyết nhiều về môi trường. Rồi tôi bước vào con đường chính trị, làm việc cho Thành phố Toulouse. Sau khi hành nghề ở công ty Airbus, bây giờ tôi phụ trách việc dùng xe đạp!
Có phải chuyến bay vào vũ trụ làm ông mất đức tin không?
Khi tôi có đức tin, đó là chuyện hiển nhiên. Tôi còn mang theo tượng Đức Mẹ trong túi khi đi vào không gian. Tôi cảm thấy mình vượt lên một điều gì đó rất lớn lao. Tôi đã nỗ lực hết mình, tôi đã cố gắng rất nhiều.
Khi tôi trở lại Trái đất, tôi thấy một nhân loại co quặp, tự quy vào mình… Một cách nào đó, bản thân tôi đi theo chủ nghĩa tiêu dùng. Bây giờ tôi đang cố gắng tìm một ý nghĩa.
Bây giờ ông tin điều gì?
Tôi cố gắng già đi trong bình an, tự đặt những câu hỏi mà chuyến du hành vào vũ trụ chưa có câu trả lời. Tôi vẫn gắn bó với kitô giáo theo một cách hơi cơ hội, như tác giả Chateaubriand trong Thiên tài của kitô giáo (Le Génie du Christianisme): nếu Chúa tồn tại, Chúa là tín hữu kitô vì đó là Chúa của tình yêu.
Nhưng một câu hỏi vẫn còn: con người đã xây dựng mô hình tinh thần này, vì chính xác, có phải đó là mô hình tốt nhất không?
Thực chất, dù sao đức tin không thể giải thích. Đó là tất cả điều kỳ diệu của nó!
Với tất cả các vệ tinh mà chúng ta gửi vào không gian, bầu trời không còn thực sự là lãnh vực của Chúa nữa. Vậy có phải là không còn huyền bí nữa không?
Khi con người đi vào không gian như khi leo lên trục quay ở một trung tâm giải trí, khi không gian bị quân đội và thương mại xâm chiếm, khi Space X bão hòa quỹ đạo thấp với các vệ tinh… chúng ta có nguy cơ mất đi chiều kích thiêng liêng của mối quan hệ giữa chúng ta với trời. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm thấy chiều kích này trong các trách vụ lên sao Hỏa.
Nếu chúng ta tìm thấy dấu vết sự sống trên sao Hỏa, những tác động thiêng liêng có thể rất hiện tượng. Tôi luôn bị cuốn hút vào nó, kể từ những bộ phim thời thơ ấu của tôi như 2001: Cuộc phiêu lưu vào Không gian (A Space Odyssey) của Stanley Kubrick. Tôi đã trở thành phi hành gia để đến gần khối đá nguyên khối!
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: “Chúng ta là hạt bụi của các vì sao”
“Tôi hoàn toàn tin chắc có một dạng sự sống sống khác ở một nơi khác”
Phi hành gia Jean-François Clervoy: “Nhân loại một ngày nào đó sẽ phải học cách sống ở nơi khác”