Mở cửa nhà thờ, được. Nhưng như trước thì không

363

Mở cửa nhà thờ, được. Nhưng như trước thì không

presence-info.ca, Philippe Vaillancourt, 2020-05-12

Giống như tất cả việc mở cửa lại các tiệm, các cơ sở, việc mở cửa lại nhà thờ phải chuẩn bị và đặt ra nhiều câu hỏi, dù cho đến nay vẫn chưa có ngày ấn định cho tỉnh bang Quebec, Canada. Trong lòng, ai cũng mong muốn mở cửa nhà thờ lại nhưng như trước đây thì không.

Linh mục Pierre Murray, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Quebec (AECQ) xác nhận: “Chúng tôi có một cuộc đối thoại cởi mở với chính phủ.” Đây là thành quả của một quá trình liên tôn giáo được thực hiện chung với các nhóm kitô giáo, do thái giáo và hồi giáo, ngày thứ sáu 8 tháng 5, một đề xuất cho tiến trình mở cửa nhà thờ đã được gửi đến chính phủ. Tài liệu này dựa trên các tài liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Linh mục Murray giải thích: “Nếu thủ tục được chấp nhận, thì thủ tục này sẽ được dùng như một thỏa thuận và là cơ sở cho mỗi truyền thống để thích ứng với các đặc tính phụng vụ hoặc tôn giáo cụ thể của mình. Cuộc tiếp xúc rất trôi chảy và được lắng nghe.”

Về phần mình, Hội đồng giám mục Québec đang làm việc với một chuyên gia về phụng vụ để tìm cách thích ứng với thực tế các thánh lễ theo nghi thức công giáo. Đặc biệt các kinh nghiệm của nước Đức và Ý được theo dõi chặt chẽ, để theo kịp các thực hành tốt nhất.

Do đó, Giáo hội Québec dựa phần lớn trên các nghi thức được Hội đồng giám mục Ý và chính phủ Conte đã chuẩn tuần trước.

Còn về vấn đề rước lễ, Hội đồng xem ví dụ của nước Đức, thừa tác viên trình bánh thánh và trao bánh thánh nhưng tránh mọi tiếp xúc bằng tay. Không có lời nào được trao đổi. Linh mục Murray giải thích: “Với cách làm này, thì dễ dàng khi có chai thuốc khử trùng phòng khi hai tay lỡ chạm vào nhau. Việc không trao đổi lời nói có thể rước lễ mà để hở khuôn mặt.”

Theo linh mục, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các nhà thờ được mở theo từng giai đoạn, theo loại phụng vụ và độ tuổi của giáo dân và tùy từng khu vực, nhưng riêng thành phố Montréal thì còn chờ. Còn về thông báo, cha nghĩ rằng nó có thể bao gồm một kế hoạch chung để cho phép các cuộc tụ họp giới hạn về số lượng, giống như trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng.

Cha Murray giải thích: “Chắc chắn điều này sẽ có tác động đến cuộc sống của giáo xứ. Quy tắc vệ sinh có khả năng là lâu dài. Về mặt mục vụ, các hậu quả sẽ được thấy trong dài hạn: chúng ta sẽ làm các biên bản ghi nhận và cuộc khủng hoảng cho chúng ta thấy những gì chúng ta sống như một Giáo hội.”

Mở cửa nhà thờ lại

Bị cách ly, Đức Tổng Giám mục Paul-André Durocher, giáo phận Gatineau trong nhiều tuần qua đã tự quay phim giảng giải một đoạn trong Thánh Kinh. Các bài của ngài có tên Bài đọc trong ngày trung bình có 400 giáo dân theo dõi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.  Ngài giải thích: “Tôi phải mất gần hai giờ mỗi ngày để đọc và suy nghĩ về cách tiếp cận các đoạn văn. Đó là một kỷ luật tôi tự quy định từ khi chúng ta ở trong tình huống này, một kỷ luật cá nhân mà tôi có thể làm được.”

Giáo dân ngay lập tức xin ngài tiếp tục giảng giải một khi thời gian cách ly chấm dứt. Một yêu cầu nuôi dưỡng suy tư của ngài về Giáo hội hậu-cách ly. Bởi vì ngài biết ngài sẽ không có thì giờ  để làm việc này trước khi cách ly.

Ngài nói: “Chúng ta muốn có loại nhà thờ nào? Đây là câu hỏi lớn. Khi chúng ta dỡ bỏ cách ly, chúng ta sẽ phải sáng tạo và phân định.” Giống như Giáo hội trẻ đứng trước tình huống chưa từng có thì chúng ta phải liên tục tái sáng tạo.”

Đức Giám mục Dutocher giải thích: “Hầu hết mọi người không muốn trở lại như chúng ta đã sống trước đây. Các mối liên hệ với gia đình, thời gian để suy ngẫm, lắng nghe nhau: chúng ta đã thấy nó quý biết chừng nào. Tôi hy vọng, xã hội – và Giáo hội – sẽ được biến đổi.”

Ngài đã viết cho giáo dân trong giáo phận, ngài  xin họ chờ các chỉ dẫn và hướng dẫn chính thức. Ngài cũng cho biết việc dỡ bỏ cách ly và mở cửa nhà thờ lại sẽ lâu và xin giáo dân kiên nhẫn. Ngài sợ một số người sẽ thất vọng khi không còn thấy nhà thờ mang hình ảnh cũ như họ đã biết.

Có thể nào có nguy cơ Giáo hội hậu-cách ly sẽ bị tràn ngập bởi công việc và không còn thiết lập được mô hình truyền giáo như mơ ước trong nhiều năm qua không? Giám mục Durocher trả lời: “Chúng ta không thể ở trong thế phản ứng. Chắc chắn các nghi thức tang lễ sẽ được yêu cầu. Chúng ta có nhu cầu. Nhưng chúng ta không được cho phép mình chỉ đáp ứng nhu cầu, dù là  hợp pháp. Chúng ta phải suy nghĩ mình sẽ đi hướng nào, ý thức có nguy cơ chỉ muốn đơn thuần quay trở lại như trước.”

Trích lời Linh mục Dòng Đa Minh Bruno Cadoré, giám mục Durocher nhắc lại, trong y khoa chữa lành không phải chỉ đơn thuần trở lại tình trạng trước khi bệnh.

Ngài tin: “Bệnh tật biến đổi con người. Đó là khả năng sống một cách khác với những gì đến với chúng ta. Đây là điều có thể xảy ra cho chúng ta và cho Giáo hội.”

Lặp đi lặp lại các cám dỗ

Cũng tại Québec có các nhóm phản ánh về vấn đề thánh lễ và các bí tích.

Giám mục phụ tá Marc Pelchat cho biết: “Phải suy nghĩ lại tất cả các vấn đề này. Nếu không các giáo xứ sẽ trở lại như trước chứ không khởi đi một cách khác. Chúng ta sẽ rút tỉa bài học từ những gì chúng ta đã sống. Giáo hội có thể suy nghĩ để có các đề nghị cho giáo dân không? Có nên đơn thuần quay lại như trước, trở lại dâng thánh lễ theo hàng chuỗi không?”

Theo ngài, thật là ảo tưởng khi nghĩ thay đổi hoàn toàn Giáo hội chỉ trong vòng hai tháng, nhưng chúng ta phải thấy trong tình hình hiện tại, đây là dịp để suy nghĩ.

Ngài nói: “Một thay đổi chiều sâu phải mất nhiều thập niên. Các biện pháp sức khỏe là thời điểm để chúng ta dừng lại và suy nghĩ về những gì chúng ta đang làm. Và để giúp chúng ta có thể làm những việc khác nhau”.

Ngài nghĩ nhất là chúng ta sẽ có khuynh hướng làm nhiều lễ để bù cho số chỗ bị hạn chế vì giãn cách xã hội. Mặt khác, chúng ta có nên mở lại tất cả các nhà thờ không?

Ngài nói: “Chúng tôi chưa có câu trả lời cho tất cả các chuyện này, nhưng chúng tôi đang cố gắng hình dung chúng tôi sẽ đi hướng nào. Chúng tôi sẽ dùng từ “một cách khác”. Đây không phải chỉ là “sự phục hồi” mà chúng ta mong muốn làm”.

Thánh lễ ngoài trời, phụng vụ Lời kinh nhiều hơn, tang lễ do giáo dân chủ sự: nhiều bối cảnh đang được nghiên cứu. Và rõ ràng rước lễ là một thách thức về mặt sức khỏe.

Về vấn đề này, chúng ta có nên chờ ngày bánh thánh sẽ để trong từng bao bì riêng bọc lại và dùng nhíp để gắp không?

Đức Giám mục Pelchat trả lời: “Tôi hy vọng là không! Như thế sẽ xem Mình Thánh Chúa như một đối tượng tiêu dùng. Nếu các quy tắc về sức khỏe ngăn cản việc rước lễ trong một thời gian thì chúng ta sẽ không rước lễ, dứt khoát là như vậy.”

Dựa trên các nguồn năng lực

Tất cả những người được phỏng vấn trong bối cảnh của bài này đều cảm thấy có một áp lực từ giáo dân về việc mở cửa lại nhà thờ. Giáo phận Trois-Rivières không tránh được điều này và làm mọi cách để mở lại nhà thờ.

Bà Mélanie Charron, điều phối viên mục vụ và truyền thông của giáo phận Trois-Rivières cho biết: “Sẽ có một cú sốc trong quá trình phục hồi, ví nó sẽ không xảy ra như theo chúng ta biết”.

Một thiện nguyện viên làm việc tích cực trong nhà thờ cho biết, các người trẻ sẽ thấy mình làm nhiều việc vì thời gian đầu người lớn tuổi chưa được dỡ bỏ cách ly. Anh thấy mình sẽ tự sắp xếp ghế trong nhà thờ để giữ một khoảng cách…

Một số việc ban điều hành giáo xứ phải được dự trù đứng trước các thực tế này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch