Adam Tooze: “Quy mô của cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trước mắt chúng ta”
lemonde.fr. Marie Charrel, 2020-05-01
Theo nhà sử học kinh tế, giáo sư Đại học Columbia thì “thế giới chưa bao giờ trải qua một cú sốc lớn như vậy.”
Nổi tiếng với công trình về cuộc khủng hoảng năm 2008, nhà sử học kinh tế Adam Tooze, giáo sư tại Đại học Columbia tin rằng suy thoái liên quan đến đại dịch coronavirus sẽ dẫn đến một làn sóng phá sản khó tránh khỏi. Nếu ông thấy “đạo đức giả khi khẳng định toàn cầu hóa là một chuyện xấu”, thì ông biện hộ cho một sự tăng trưởng hợp lý, tuy vẫn sợ một tình trạng khẩn cấp sinh thái thêm một lần nữa lại bị rơi vào tình trạng thứ yếu.
Trong các thế kỷ qua, có bao giờ nhân loại trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng này không?
Không. Ngừng cùng một lúc vừa sản xuất, vừa trao đổi và du lịch trên gần như tất cả mọi nước… Chưa bao giờ thế giới trải qua một cơn sốc dữ dội như vậy, và tầm mức quy mô ngày càng trầm trọng dưới mắt chúng ta. Trong năm tuần, 26 triệu người Mỹ thất nghiệp. Khi tôi đang nói chuyện với bà, trước cửa sổ, tôi thấy một hàng dài gần 300 mét trước tiệm thuốc với những người đứng cách xa nhau 2 mét. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh này ở Mỹ.
Làm thế nào để tránh phá sản dây chuyền và thảm họa xã hội?
Chính phủ các nước công nghiệp đã làm rất nhiều để giúp các hãng xưởng và các gia đình – chúng ta nên nhớ tiêu dùng ở nước Mỹ là động lực chính của kinh tế thế giới, như thế điều cần thiết là phải duy trì nó. Tuy nhiên, thiết hại sẽ không tránh khỏi. Đa số các doanh nghiệp hạng trung và nhỏ, ở Mỹ cũng như ở các nước, sẽ có rất ít điều kiện kinh tế để xoay xở. Họ không có gì để giữ vững trong nhiều tuần qua, thậm chí các tháng qua. Sẽ có nhiều vụ phá sản.
Sẽ cần bao nhiêu thời gian để phục hồi?
Đã có nhiều cuộc thảo luận lớn về hình thức phục hồi: trong “U”, trong “V”, trong “L”, trong “W” ? Không thể nào có được câu trả lời, vì không ai biết đại dịch sẽ tiến triển như thế nào và do đó không biết kinh tế sẽ khởi động lại như thế nào. Tuy nhiên cường độ ở Âu châu không mấy lạc quan. Cũng không có gì chắc cho nước Đức, rất phụ thuộc vào xuất cảng, sẽ là một trong các động cơ để phục hồi.
Nợ nần thường xuyên là chất men cho các cuộc cách mạng trong lịch sử. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này sau khủng hoảng?
Đây là một câu hỏi rất chính trị. Các quốc gia có thu nhập thấp đang ở trong tình trạng khó khăn vì họ rất phụ thuộc vào các quốc gia giàu có để được tài trợ. Trường hợp nợ công của các quốc gia công nghiệp thì khác. Nếu chúng ta giản lược hóa, thì các nước này nợ tiền của chính họ: người đóng thuế sẽ hoàn trả nợ cho các gia đình khác giàu có của nước mình.
Như thế, thực chất vấn đề nợ là tái phân bố: ai trả bây giờ hay sau này, sẽ lấy thuế của ai nhiều hơn để hoàn trả? Và duy trì các nợ này rất lâu trên bảng cân đối kế toán của họ, ở Ngân hàng Trung ương Âu châu và Cục Dự trữ Liên bang để làm nhẹ bớt một phần vấn đề.
Liệu sự suy giảm tái chính công có thể làm dễ dàng cho việc áp dụng một loại thuế tối thiểu toàn cầu trên các công ty như Âu châu và Mỹ đã thảo luận trước cuộc khủng hoảng không?
Đây là một ý tưởng tuyệt vời, cũng như ý tưởng thiết lập một hệ thống thuế ít lũy tiến về sự giàu có. Nhưng khó được sự đồng ý chung của các nước G20. Thật khó để hình dung Liên minh Âu châu, trong đó có một số Quốc gia thành viên thúc đẩy tối ưu hóa thuế theo cách ít hợp tác, và các người bảo thủ đã áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng năm 2008, đi theo hướng này.
Căng thẳng với Bắc Kinh, khủng hoảng ở các nước mới nổi, thiếu lương thực… Nguy cơ nào ông lo nhất?
Các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như quan hệ giữa Mỹ và Âu châu thì khó đọc vào lúc này. Tất cả đều bị đình chỉ, và có thể sẽ bị đình chỉ cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới.
Tôi lo lắng nhiều đến tình hình ở các nước mới nổi, đặc biệt là các nhà sản xuất khí hydrocarbon. Lấy ví dụ Algeria: 85% các khoản thu ngoại tệ đến từ khí đốt và dầu mà giá cả đang giảm mạnh.
Làm thế nào để tiếp tục trả lương cho công chức, đảm bảo chi tiêu công trong các điều kiện này?
Hậu quả kinh tế và xã hội sẽ rất lớn. Tình trạng cách ly giới hạn việc dân chúng phản kháng lúc này, nhưng vì chính phủ Algeria mong manh đang lên kế hoạch cắt giảm ngân sách khoảng 30%, nên tình trạng yên ổn có thể không kéo dài.
Làm thế nào, sau tình trạng cách ly hóa giải quyết được tình trạng khẩn cấp của xã hội và khẩn cấp sinh thái?
Chuyện này còn khó hơn. Tôi không mấy thiện cảm với những người khẳng định đại dịch mang đến cơ hội tốt để xem lại lối tiêu thụ và chấp nhận cách tăng trưởng đi xuống. Cuộc khủng hoảng này không phải là một cơ hội, nó là một thảm họa! Điều này minh họa rất rõ ràng chuyện gì sẽ xảy ra, khi chấp nhận tăng trưởng đi xuống thì hàng triệu người mất việc làm và bị đói. Bài học rút ra là phải chuẩn bị một cách chính xác sự chuyển tiếp nếu chúng ta muốn thay đổi mô hình của mình, bằng cách nhìn kỹ xem ai đang khổ vì ngưng hoạt động.
Đại dịch cũng đưa ra một vấn đề đau đớn: nếu chúng ta không do dự khi tạm dừng kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút và cứu mạng sống, tại sao chúng ta không sẵn sàng làm như thế để ngăn chặn tình trạng khí hậu nóng lên? Có thể vì trong trường hợp khí hậu, kết quả sẽ không thấy được trước nhiều năm chăng…
Dù vậy chúng ta có thể nào hy vọng thế giới ngày mai sẽ khác hơn không?
Theo tôi có vẻ đạo đức giả khi khẳng định toàn cầu hóa là một chuyện xấu. Tình trạng cách ly này cho chúng ta thấy, chúng ta cần du lịch, cần trao đổi, cần giao tiếp biết bao. Nhưng ngược lại, chắc chắn chúng ta phải quản lý tốt hơn các nguy cơ, các việc tái-khu vực hóa một phần của sản xuất, như sản xuất các khẩu trang và máy thở. Tóm lại, để hướng tới một sự toàn cầu hóa có ý nghĩa hơn thì điều này không có nghĩa là ngừng lại ở đây.
Đâu là các bài học khác chúng ta rút ra từ cuộc khủng hoảng này?
Tổng thống Emmanuel Macron đã không sai khi ông nói về sự “thay đổi nhân học”. Ở New York, Paris, New Delhi hay Bắc Kinh, mọi người đã thấy gần như cùng một lúc, đời sống hàng ngày của họ đã bị đảo lộn. Trong hai mươi năm nữa, tất cả trẻ em ngày nay, bất kể các em ở nước nào, các em sẽ hỏi nhau: “Còn bạn, bạn đã làm gì trong thời đại dịch?”
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giống loài chúng ta. Đây cũng là lần đầu tiên, tất cả các nước, hoặc gần như tất cả, đều đồng ý về sự cần thiết là phải cứu đời sống con người. Đây không phải là trường hợp thời cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Chúng ta trở lại với nước Mỹ. Các xử lý khủng hoảng tùy tiện của tổng thống Donald Trump có làm thuận lợi cho Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử sắp tới không?
Đúng là Donald Trump đã không lợi dụng việc chiếm lại được lòng dân trong các tuần vừa qua, ngược với trường hợp của bà Angela Merkel ở Đức hay thống đốc Andrew Cuomo (đảng Dân chủ) bang New York. Nhưng cũng khó để rút ra kết luận cho cuộc bầu cử tháng 11. Điều này một phần tùy thuộc vào việc phục hồi kinh tế ở các Tiểu bang của đảng Cộng hòa.
Đây có phải là một thử nghiệm mới cho sự sống còn của Liên minh Âu châu không?
Chắc chắn, Liên minh Âu châu đã thực hiện các biện pháp để tránh điều xấu nhất xảy ra và hạn chế quy mô cú sốc, nhưng thật khó để bằng lòng với chuyện này. Đứng trước sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất mà thế giới trải qua từ năm1945, hiểm nguy của một sự lạm phát, thì không có thì giờ để tránh né. Nhưng các do dự của Bắc Âu về các kế hoạch phục hồi và về sự cần thiết, hay không, để tăng cường tình đoàn kết lại nuôi dưỡng sự bực tức và phẫn nộ ở Ý và Tây Ban Nha, kể cả những người yêu Âu châu nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm:Christophe André : “Tôi khám phá lại việc xét mình trong cách bình thường của nó”