Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (2/4)

283

Tâm trạng cô đơ trong Tân Ước (2/4)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Các nguyên do của tâm trạng cô đơn

Thánh kinh Do Thái khi phân tích về tâm trạng cô đơn của con người đã định rõ chiều hướng thiết yếu trong nhận thức về vấn đề này. Quan điểm của Chúa Giêsu đơn giản là đào sâu và làm rõ các quan điểm này đến tận cùng. Để có được tốt nhất quan điểm của Tân Ước về tâm trạng cô đơn, chúng ta nên xem xét một cách toàn bộ hơn là chỉ nhìn vào một vài đoạn văn, rồi dựa vào đó cố gắng xây dựng một nền thần học.

Tân Ước nhìn nhận tâm trạng cô đơn của con người, xét đến tận cùng, là do hai yếu tố. 

  1. Tâm trạng Cô đơn của Tội

Cũng như trong sách thánh Do Thái, tội được xem là nguyên cớ tha hóa đầu tiên. Tội làm cho chúng ta đánh mất sự hòa hợp với Thiên Chúa và tha nhân. Vì có tội, chúng ta sống trong cô đơn và cô lập, thiếu nhiều tính mật thiết, thấu cảm và tình bằng hữu, những điều đã bị tâm trạng cô đơn chèn ép.

Khi nói về tội lỗi là nguyên do của cô đơn, Tân Ước nói rõ một vài chiều kích thú vị về vấn đề này. Tân Ước nhìn nhận cô đơn là hậu quả tội lỗi, không phải như một ẩn dụ mà thực ra là trải nghiệm địa ngục. Jean-Paul Sartre, nhà triết học người Pháp, đã từng lưu ý rằng “hỏa ngục là người khác”. Tân Ước lại đảo ngược lập luận này. Hỏa ngục là trải nghiệm tâm trạng cô đơn, là hậu quả của kiêu ngạo, ích kỷ và tội lỗi.

Ý niệm này được trình bày thoáng qua nhiều lần trong Tân Ước, nhưng rõ ràng nhất là ở thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Roma. Thánh Phaolô không nhìn nhận cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, hình phạt của hỏa ngục, như một trừng phạt. Đối với Ngài, không bao giờ có vấn đề Thiên Chúa chủ động trừng phạt vì con người phạm tội (chủ động “ban phát” hình phạt, theo cách nói nào đó). Đúng hơn là hình phạt cuốn theo một cách tự nhiên và xuất phát từ gốc là tội. Một phép so sánh có thể hữu ích cho chúng ta. Nếu một người uống quá nhiều bia rượu, hậu quả tự nhiên là đau đầu nhức nhối. Tuy nhiên, dư vị khó chịu của rượu bia này không phải là điều mà Thiên Chúa hay bất cứ ai cần tác động lên đương sự để họ hiểu được mình vừa làm một việc sai. Men say nhức nhối đó không tuân theo ý muốn của bất cứ ai! Nó là nối tiếp, về mặt bản chất, của việc quá chén. Hình phạt đến từ chính tội lỗi, chứ không phải từ một phán xét hay một tố trạng bên ngoài.

Cũng như vậy, quan điểm trong Tân Ước nhìn nhận hỏa ngục là hậu quả tự nhiên của tội lỗi. Và trên nền tảng này, hỏa ngục là tâm trạng cô đơn, cắt rời chúng ta khỏi người khác và rút lui vào chính mình, chỉ còn bầu bạn với kiêu ngạo và ích kỷ. Hỏa ngục cũng như dư men quá chén, mặc dù hậu quả tồi tệ hơn. Nó không phải là hình phạt đến từ bên ngoài do Thiên Chúa, đấng sốt ruột bảo vệ Công lý của Ngài, và sốt ruột mong chúng ta nhận biết tội lỗi của mình. Đúng hơn, hỏa ngục đơn giản là cơn khát mong đau đớn của một sự tha hóa tội lỗi, không do ý muốn của Thiên Chúa hay bất kỳ phán xét đến từ bên ngoài nào, mà chính là hậu quả bên trong của tội lỗi, do việc tự biến mình thành chúa của mình, chối từ mở lòng ra với tha nhân trong tâm tình cởi mở và vị tha. Tội là một mãnh lực gây tha hóa khủng khiếp ở mọi tầm mức hiện hữu.

  1. Cô đơn của thân phận người hành hương trên mặt đất này

Như chúng ta thấy, sách thánh Do Thái khẳng định có một tâm trạng cô đơn nào đó tồn tại không phải bởi tội hay bất kỳ yếu tố tội lỗi nào, mà bởi tâm hồn con người, do tự bản chất là tham lam vô cùng, ám ảnh bởi vô tận, thèm khát triền miên sự phong phú vô hạn của Thiên Chúa. Tân Ước diễn giải điều này bằng cách đặt nó vào trong một lịch sử cứu độ rộng lớn và một khuôn khổ nhân học.

Tân Ước quả quyết rằng chúng ta cô đơn vì chúng ta là những người lữ hành trên mặt đất. Trên đường đời, khi chúng ta đi tìm sự sống và tình yêu với một ý nghĩa trọn vẹn, thì chúng ta sẽ không bao giờ có được thỏa mãn trọn vẹn, và viên mãn. Tại sao? Vì giống như khách du lịch hay người hành hương ở một đất nước khác, chúng ta không thực sự ở nhà. Có lẽ chúng ta hứng thú với cuộc lữ hành, nhưng không thể tìm được một nơi nào nghỉ ngơi lâu dài mà ở đó có trọn vẹn những gì là của chúng ta và đem lại thỏa mãn trọn vẹn cho chúng ta. Vì thế, trên cuộc đời, ít nhiều chúng ta luôn luôn đi trong cô đơn, thao thức, bất mãn, không thể hoàn toàn có tâm trạng bình an thanh thản tận cùng. Theo lời của tác giả thư gởi tín hữu Do Thái, “Thành đô vĩnh cửu của chúng ta không ở nơi này, nhưng chúng ta tìm kiếm một thành đô đang tới.” Điều này tạo nên một loại tâm trạng cô đơn, vì chính tâm trạng hành hương thôi thúc nên làm cho chúng ta triền miên thao thức khi đi tìm một nơi chốn vĩnh cửu.

Có một câu chuyện nổi tiếng thường được kể đi kể lại để minh họa tình trạng hành hương trên trần thế của chúng ta. Vào thế kỷ mười chín, một du khách Hoa Kỳ viếng thăm vị giáo sĩ nổi tiếng người Ba Lan Hofetz Chaim. Người du khách kinh ngạc khi thấy căn nhà của giáo sĩ chỉ là một căn phòng nhỏ chất đầy sách, một cái bàn và một chiếc ghế dài.

“Thưa thầy, đồ đạc của thầy đâu?”

Giáo sĩ, “Đồ đạc của anh đâu?”

“Của tôi?”. Người du khách bối rối, “Nhưng tôi chỉ là một du khách ở đây, tôi chỉ ghé qua mà thôi.”

“Tôi cũng vậy.”

Tất cả chúng ta chỉ đi ngang qua cuộc đời mà thôi!

Quá hiển nhiên, chúng ta chỉ là người hành hương đi trên trần thế và điều này xuất hiện vô số lần trong Tân Ước, đến nỗi không cần thiết phải chứng minh bằng những trích dẫn đặc biệt, những việc làm của Đức Giêsu. Nó được bao hàm trong toàn bộ thông điệp của Đức Giêsu, và nếu không hiểu phần nền tảng này thì không thể hiểu được trọn vẹn thông điệp của Ngài. Đức Kitô cho thấy rằng, với thân phận ở trong thế gian, tâm hồn con người không thể hoàn toàn tự mình mà được toại ý. Ngài thấy chúng ta chỉ cự ngụ dưới trần thế một thời gian ngắn. Rồi, Đức Giêsu và toàn bộ Tân Ước nối tiếp các Tin Mừng liên tục thúc đẩy chúng ta sống như thể cuộc đời này không phải là tất cả. Chúng ta được mời gọi sống trong tỉnh thức, không hài lòng quá đáng với đời sống này, phải có một chiều kích hướng mình đến một điều vượt trên trần gian đơn thuần này, sẵn sàng hy sinh nhiều điều, có thể là cả cuộc sống của mình cho một đời sống mới và một vương quốc vượt ngoài thế gian này.

Tuy nhiên, có một lưu ý cảnh báo quan trọng ở đây. Thông điệp của Chúa Giêsu và Tân Ước không hoàn toàn là về “cõi mai hậu”. Đức Kitô không hướng chúng ta tập trung hoàn toàn vào những gì nằm ngoài đời sống này, cũng không cho “thuốc phiện” để chúng ta chối bỏ hay khinh khi những gì ở đây và ngay bây giờ, không xem đời này đơn giản chỉ là “thung lũng nước mắt” phải chịu đựng trong lúc chờ đợi một tình trạng ân phúc hơn. Lời hứa về vương quốc Thiên Chúa và sự sống mới trong Tin Mừng mang một chiều kích đã bắt đầu ngay lúc này, trong thế giới này. Ngược lại, không có một điểm nào nói đến lời hứa về vương quốc tình yêu và sự sống mới, về tình trạng hoàn tất trọn vẹn và hợp nhất say mê được nói đến như đồng nhất trọn vẹn với bất kỳ điều kiện hay tình trạng nào ở đời này, cho dù có yên bình đẹp đẽ đến mấy. Vương quốc đó cũng không được đơn thuần xem như kết quả tự nhiên của đức hạnh và tốt lành, đúng hơn đó là một điều mà Đức Kitô đã khơi mào, rồi được nhận ra phần nào trong đời này, nhưng cuối cùng chỉ có thể đi đến viên mãn trong một hành động cao hơn nữa của Thiên Chúa. Đối với phần lớn chúng ta, nếu thế giới này không kết thúc trước khi chúng ta chết, thì sự thỏa mãn tròn vẹn và sự trút bỏ hoàn toàn nỗi cô đơn phải chờ đến sau cái chết của chúng ta. Ở trong đời này, chúng ta luôn phải cô đơn một phần nào đó; bất đạt và khát mong, thao thức và đau đớn, khi chúng ta hy vọng chờ đợi vương quốc đó sẽ đến cách trọn vẹn.

Chúa Giêsu và Tân Ước đặt nền tảng nhận thức tình trạng hành hương của chúng ta trên hai điều liên đới: nhận thức của Ngài và các tác giả Tân Ước về nhân loại và về khuôn khổ thời gian của lịch sử cứu độ.

a- Nhận thức của Chúa Giêsu về Con người nhân loại

Chúa Giêsu và Tân Ước nói chung, nhận thức con người nhân loại được tạo nên theo kiểu có một năng lực nội tại để đón nhận và đáp trả với sự sống của Thiên Chúa, sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh, do đó, Chúa Giêsu tin tưởng và trọn cả thông điệp của Ngài nói lên rằng tâm hồn con người có những năng lực vô tận cho tình yêu và sự sống. Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta sống trong sự sống vô biên của Thiên Chúa là đầu, để cùng ngồi vào bàn tiệc vĩnh cửu với Thiên Chúa và tất cả mọi người chân chính, và là một phần của nhiệm thể Thiên Chúa.

Điều này ngầm cho thấy các khả năng đáng kinh ngạc của chúng ta. Và với khả năng vô tận này, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy chúng ta đạt được một số điều, mà khổ thay, có khi không trọn vẹn.

Chúng ta được gọi để quan hệ với một tình yêu vô tận, để sống trong sự sống vô cùng của Thiên Chúa, và cuối cùng là được kết hiệp say mê ôm trọn với tất cả tha nhân trong thiện ý và thậm chí là với toàn thể vũ trụ vật chất. Thật là một điều quá đỗi kinh ngạc, và, rồi khi đi qua cuộc đời với tất cả những bí ẩn, hụt hẫng và những lời giải cục bộ, chúng ta vẫn đang còn ở mãi trong cô đơn?

b-Hiểu biết của Chúa Giêsu về Khung cảnh thời gian của Lịch sử Cứu độ

Hiểu được ý nghĩa thế nào là người hành hương trên trần gian và tâm trạng cô đơn kèm theo là điều then chốt và cần thiết để đặt chính mình vào trong bối cảnh của lịch sử cứu độ.

Tất cả chúng ta đều có nhận thức nào đó về vị trí của mình trong lịch sử thế giới, và rồi mở rộng hơn một ít, vị trí của mình trong lịch sử vũ trụ, lịch sử của vạn vật. Chúng ta biết rằng mình đang sống trong thế kỷ hai mươi, vài tỷ năm sau khi tạo dựng hành tinh, Trái đất được thành hình; vài triệu năm sau thời nguyên sơ của sự sống; vài chục vạn năm sau sự xuất hiện của con người đầu tiên trên mặt đất này; vài ngàn năm sau buổi bình minh của nền văn minh và sau sự kiện Chúa Kitô Giáng Sinh; và vài chục năm sau hai đại thế chiến cùng với cuộc Đại Khủng hoảng của thế kỷ trước. Theo một số nhà phân tích, chúng ta đang ở vào khoảng tám phần trăm thời gian của nhân loại.

Nhưng chúng ta đang ở vào khoảng đời nào dưới con mắt Thiên Chúa? Thận phận, tình thế và địa vị của chúng ta ở đâu trong khung lịch sử rộng lớn nhất, lịch sử cứu độ? Điều này thật sự là một câu hỏi sâu sắc, một câu hỏi có tầm trọng đại to lớn đối với tự nhận thức của chúng ta và tận cùng là đối với nhận thức về tâm trạng cô đơn của chúng ta. Chúa Giêsu đã định rõ vị trí của chúng ta trong khung thời gian của lịch sử cứu độ. Đối với Ngài, lịch sử trước mắt Thiên Chúa là những thời kỳ được định rõ. Thời kỳ đầu tiên bắt đầu với sự sáng tạo nguyên khởi. Thiên Chúa, qua Thần Khí và Ngôi Lời, đã cho xuất hiện thiên đường và mặt đất. Qua một thời gian (sáu ngày), con người được xuất hiện. Hầu như ngay lập tức, bởi tội lỗi và bất xứng, cần sự giúp đỡ thần thiêng một cách phổ quát để đưa con người có được viên mãn. Chính chúng ta, loài người, và mỗi thành viên trong đó, phải chịu lấy một tâm trạng hụt hẫng căn bản. Bởi thế, Thiên Chúa bắt đầu hành động để mang lại sự viên mãn này. Qua dân Do Thái, Ngài bắt đầu nói một cách rõ ràng với loài người, mặc khải một vài điều về Ngài và Dự định của Ngài. Ngài mặc khải rằng, cuối cùng Ngài sẽ ban một thời kỳ mới trong lịch sử và hứa rằng, trong thời đại mới này, Ngài sẽ nói với chúng ta bằng lời trọn vẹn và cuối cùng của Ngài, tuôn đổ Thần Khí của Ngài, và kéo tất thảy mọi người thiện tâm vào trong sự sống vô cùng của Ngài. Thiên Chúa hứa rằng thời đại mới này sẽ khác biệt vô cùng so với những thời đại trước. Trong thời gian đó, lịch sử sẽ bị đảo lộn diệu kỳ.

Đức Kitô thấu hiểu thời đại cuối cùng này, thời khắc chấm hết, là sự phá vỡ lịch sử khi Ngài đến trong thế gian, đặc biệt là với sự phục sinh của Ngài từ cõi chết. Với điều đó, thời đại cũ đã qua đi, một điều hoàn toàn mới mẻ tận căn đã xuất hiện. Chúng ta đang ở trong thời đại cuối cùng, thời đại được Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước. Lịch sử được đảo lộn.

Tuy nhiên Đức Kitô nhìn nhận thời đại này tự nó có hai giai đoạn: một thời kỳ tạm thời cục bộ và một thời kỳ hoàn thành trọn vẹn. Phân biệt hai giai đoạn trong thời đại chung cuộc này là điều then chốt.

Cùng với Đức Kitô là khởi đầu một giai đoạn mới tận căn trong lịch sử, gần như một tận căn giống như trong thời sáng tạo nguyên sơ. Tuy nhiên, thời đại mới này, thời mà cừu và sói sẽ nằm cạnh nhau và thời mà chúng ta sẽ được hiệp nhất tuyệt diệu với Thiên Chúa và tha nhân, mặc dù đã đến rồi, nhưng chưa được nhận ra trọn vẹn. Thời đại mới này vẫn cần được đưa đến thành toàn viên mãn. Điều này sẽ xảy đến khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang vào thời cánh chung. Trong giai đoạn tạm thời này, trong thời gian giữa sự phục sinh của Chúa Kitô và sự trở lại của Ngài, chúng ta sống trong thời gian áp lực giữa điều đã rồi và điều chưa đến. Chúng ta đã được cứu chuộc, đã được sống trong Thần Khí, đã được cho trỗi dậy từ cõi chết, và đã được thông hiệp căn bản đời sống với Thiên Chúa và tha nhân. Nước Thiên Chúa đã có. Tuy nhiên, nước đó vẫn chưa đến tình trạng viên mãn hoàn toàn. Chúng ta vẫn còn chờ đợi một sự cứu rỗi trọn vẹn, chờ đợi một đời sống hoàn toàn trong Thần Khí, chờ đợi một sự phục sinh viên mãn, và chờ đợi một sự kết hiệp diệu vời với Thiên Chúa và tha nhân.

Chúng ta sống trong thời cuối cùng này, nhưng trong giai đoạn tạm thời. Hơn nữa, giai đoạn chúng ta đang sống không được định hình bởi sự viên mãn trọn vẹn, nhưng đúng hơn là bởi áp lực căng thẳng. Nhà hiền triết xưa Qoheleth có nói: “Có một thời cho tất cả!” Thời của chúng ta trong lịch sử cứu độ là thời của sự viên mãn bán phần, thời của bất toàn, thời của chờ đợi, thời của làm việc, thời của hành hương và cô đơn phần nào. Chúng ta thực sự nắm trong tay một sự sống mới, nhưng nắm giữ trong đức tin, hy vọng và đức ái. Chúng ta sống trong áp lực và bất toàn, có được một điều gì đó, chưa trọn vẹn; sống trong hy vọng nhưng phải hy vọng để hy vọng, sống trong đức tin, nhưng phải đánh cược cuộc sống thực để có được một điều dường như bất thực; sống trong đức ái, nhưng phải yêu thương và làm việc cách không vị kỷ trong tâm trạng bất toàn và cô đơn.

Chúng ta là những người hành hương trên mặt đất này. Chúng ta sống trong thời đại chung cuộc này của lịch sử, nhưng lại được định là phải cô đơn phần nào cho đến khi Đức Giêsu lại đến. Chúng ta chỉ có thể thắng vượt hoàn toàn nỗi cô đơn khi Ngài trở lại, xé toang bức màn che phủ của đức tin, làm cho những gì chúng ta hy vọng được hiển thị hoàn toàn, thổi kèn lên để loan báo rằng tất cả những trông đợi của chúng ta là đáng giá, rằng buổi tiệc tình yêu được bắt đầu trong sự viên mãn của nó, và sẽ có những kinh ngạc tuyệt diệu không thể tin được trước khi buổi tiệc được bắt đầu.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (1/4)