“Trong Giáo hội, chúng ta đi từ một nền văn hóa im lặng qua một văn hóa mặc cảm tội lỗi chung”
lavie.fr, Loïc M., 2019-03-06
Đầu tháng 3-2019, một linh mục cựu tuyên úy Hướng đạo Âu châu bị Tòa lưu động Pyrénées-Orientales kết án tội hãm hiếp và tấn công tình dục trên các trẻ vị thành niên. Các vụ này xảy ra từ năm 2006 đến 2009. Ông Loïc M., cha của một trong các nạn nhân của linh mục giáo xứ Saint-Joseph de Perpignan nói lên con đường chông gai của gia đình ông.
“Ngày thứ sáu 1 tháng 3 – 2019, sau mười năm chờ đợi và một phiên tòa lưu động diễn ra trong năm ngày khổ ải, con trai tôi và hai nguyên đơn khác đã được Tòa án lưu động Perpignan công nhận là nạn nhân, Tòa đã lên án linh mục hãm hại con chúng tôi mười lăm năm tù.
Không có lợi gì để quay lại chuyện không tưởng tượng này: ‘Làm thế nào một linh mục lại có thể hành động như vậy?’ Chúng tôi đã trải nghiệm điều này trong thân xác mình, không ai có thể tránh được sự dữ, lại là sự dữ đen tối nhất, đến mức người đứng đầu tòa án đã chất vấn tôi: ‘Nhưng sau các vụ này, làm thế nào ông lại còn giữ đạo công giáo?’ Không những tôi vẫn còn là người công giáo, nhưng tôi còn muốn nói, dù con tôi bị một linh mục lạm dụng, điều này không giảm đi một chút nào lòng kính trọng của tôi đối với tất cả các linh mục khác, mỗi ngày họ tận tâm phục vụ cho chúng ta. Ba linh mục trẻ cùng làm việc với bị can đã làm chứng, đôi khi trong nước mắt trước mặt chúng tôi. Họ xin chúng tôi tha lỗi, tha lỗi vì đã không thấy sớm sớm hơn, tha lỗi vì đã không tin sớm hơn. Họ bị người anh trong chức thánh, người họ ngưỡng mộ phản bội, bôi bẩn. Tôi bày tỏ lòng tôn trọng họ và tôi nói với các giám mục: như những người cha, xin các cha chăm sóc các linh mục của mình vì thế giới này gay go với họ, lỗi của một người không được làm mất uy tín các người khác. Tôi chống hôn nhân cho các linh mục, nhưng tôi không chống tình phụ tử của các giám mục.
Khi tôi nghe về tất cả những chuyện này, ‘đó là tội tập thể’, tôi phẫn nộ. Chúng ta đi từ một nền văn hóa im lặng qua một văn hóa mặc cảm tội lỗi chung. Các linh mục này không lãnh các tội ác của đồng hữu họ. Nếu là người cha, tôi giận vì đã không ngăn được những gì đã xảy ra, nhưng tôi không cảm thấy tội lỗi, theo bất cứ cách nào với những kẻ săn mồi này. Các linh mục này không nên có mặc cảm tội lỗi nữa. Còn đối với hệ thống cấp bậc, tôi sợ loại ý kiến chung kiểu mới này chỉ là một cách để trốn trách nhiệm. Cấp bậc Giáo hội phải nhận thấy lỗi của mình một cách cá nhân và không nhận chìm tất cả vào một trách nhiệm tập thể mơ hồ… Các nạn nhân không muốn họ tha thứ cho người vô tội. Họ hy vọng một ngày nào đó người hành hạ họ sẽ xin lỗi, và họ cũng sẽ nhẹ nhõm khi giám mục của họ cũng làm như vậy. Trong trường hợp của chúng tôi, Giám mục André Marceau thời đó chưa bao giờ tiếp con trai chúng tôi, chưa bao giờ hỏi tin tức con chúng tôi hay chúng tôi, không bao giờ tỏ ra thương xót cho nạn nhân… trong mười năm tại phiên tòa, như một công chức của Chúa đến nói ‘Tôi đã làm những gì tôi phải làm’, có nghĩa là không làm gì. Thậm chí giám mục cũng không nhìn chúng tôi, không nêu lên nỗi đau đớn của các nạn nhân, không có một lời cho các con chúng tôi… Ông Tổng biện lý đánh giá thái độ này của giám mục là ‘có tác động xấu’ và Tòa thừa nhận ở phiên tòa dân sự về khoản bồi thường mà các nạn nhân yêu cầu, nhưng Tòa đã từ chối đồng âu kim bồi thường tượng trưng mà giáo phận yêu cầu. Cử chỉ này của công lý đã là một khích lệ cho các gia đình.
Chúng tôi chỉ là các tín hữu đơn sơ. Chúng tôi không nghe gì ở các bài diễn văn cải cách hay ho khi nào cũng được loan báo, những buổi họp lớn, các ảnh hưởng của thông báo… Những gì chúng tôi thấy, đó là thực tế của Tin Mừng. Điều gì sẽ thấy ở khía cạnh này của thứ bậc, một lời thương xót, một lời trắc ẩn? Con trai chúng tôi chờ nghe lời này, chúng tôi cũng vậy. Lời không đến và sẽ không đến. Họ sợ gì? Họ sợ nói lên thì tỏ ra mình yếu đuối chăng? Một lời thú tội chăng? Tôi không thể tin những điều này là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô. Chừng nào các giám mục chúng ta không có thái độ phúc âm đơn sơ này thì các bài diễn văn hay ho của họ chẳng dùng để làm gì. Chừng nào họ không làm cha cho các nạn nhân, cho các linh mục của họ, cho tín hữu… thì họ sẽ không có uy tín và sẽ không giúp chúng tôi duy trì niềm tin vào Giáo hội, để yêu Giáo hội bất chấp tất cả.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm:“Bây giờ các giám mục phải công khai tường trình”