Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận: Một hồng y phi thường
famillechretienne.fr, Charles-Henri d’Andigné, 2019-01-21
Bị giam mười ba năm trong gông tù cộng sản, người với vóc dáng cao và cử chỉ đôn hậu đã làm rạng tỏa đức tin của mình ở Việt Nam và ở cả bên kia thế giới. Một quyển tiểu sử để vinh danh ngài.
Trong sứ điệp gần đây nhân ngày Thế giới Hòa bình, 1 tháng 1, Đức Phanxicô đã trích “Các mối phúc của chính trị gia” của Hồng y Phanxicô Xaviê Thuận (1928-2002). Sử gia Anne Bernet, tác giả của nhiều tiểu sử và các câu chuyện lịch sử đã viết quyển tiểu sử đáng quý về ngài.
Các mối phúc của chính trị gia
“Phúc thay cho chính trị gia ý thức vai trò của mình. Phúc thay cho chính trị gia thấy vinh dự của mình được kính trọng. Phúc thay cho chính trị gia làm việc cho lợi ích chung chứ không vì lợi ích riêng. Phúc thay cho chính trị gia luôn tìm cách nhất quán và tôn trọng các lời hứa khi tranh cử. Phúc thay cho chính trị gia thực hiện được sự hiệp nhất và đặt Chúa Giêsu vào trọng tâm và bảo vệ Ngài. Phúc thay cho chính trị gia không cảm thấy sợ, trước hết là sợ sự thật. phúc thay cho chính trị gia không sợ truyền thông, bởi vì khi phán xét, họ chỉ trả lẽ trước mặt Chúa”. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Đức Hồng y Thuận xuất thân từ gia đình công giáo, nhà quan, rất yêu nước và nói tiếng Pháp. Có đức tin sâu đậm, từ khi còn nhỏ song thân ngài đã dạy ngài cầu nguyện và tôn kính Đức Mẹ. Bà Anne Bernet viết: “Đó là một em bé có sức khỏe không được tốt, đạo hạnh sớm trước tuổi, mở ra với các bí ẩn của thế giới vô hình, ngài nhạy cảm trước các chuyện xuẫn ngốc”. Học sinh thông minh, đó là “ví dụ hoàn chỉnh của một nhân vật mạnh, thêm vào đó là ơn bẩm sinh và trí thông minh sắc bén, có năng lực đáng kể nhờ lợi thế của một trí nhớ phi thường”. Năm 20 tuổi ngài thoát được bệnh lao phổi một cách kỳ lạ, thụ phong linh mục năm 1958 lúc 30 tuổi, sau khi dự định sống đời sống chiêm nghiệm. Đức Hồng y là người tế nhị, thanh cao cả thể chất cũng như tinh thần, toát ra từ một nền giáo dục tinh tế mà ngài đã nhận được. Vui vẻ, ngài không để lộ ra bên ngoài các xáo trộn bên trong dù thực tế là có (ngài thường cầu nguyện với cảm nhận Chúa sẽ không nhận lời), ngài có năng khiếu hài hước và một tài năng còn hiếm hoi hơn, đó là tài bắt chước mà ngài làm suốt đời, kể cả bắt chước Đức Gioan-Phaolô II. Được bổ nhiệm làm giám đốc tiểu chủng viện Hoan Thiện, đường hướng giáo dục của ngài nổi bật qua phương pháp dịu dàng cảm hứng từ Thánh Gioan Bosco, người đã thành công trong việc giáo dục thiếu nhi.
Ngài cũng nổi tiếng qua tính đơn sơ của mình. Năm 1967, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Nha Trang, trong bữa ăn đầu tiên mừng ngài, ngài đã làm mọi người ngạc nhiên khi tự phục vụ và vào bếp nói chuyện với các nữ tu, một chuyện ít thấy hồi đó! Chỉ là ngài chưa rửa chén! Không mặn mà mấy với danh dự, với bề ngoài, ngài từ chối căn hộ đẹp được cung cấp, ngài ở một căn phòng nhỏ vừa dùng làm văn phòng. Ngài dửng dưng trước các chống đối. Sử gia Anne Bernet tóm tắt lời ngài nói: “Chúng ta phải sống tinh thần khó nghèo. Rao giảng và sống những gì mình giảng phải đi đôi với nhau.”
Chúng ta đang ở thời điểm của đầu những năm 1970. Việt Nam bị kẹt giữa búa tạ cộng sản miền Bắc và áp lực Mỹ miền Nam. Năm 1973 quân đội Mỹ rút, mở chiến trường tự do cho quân đội của Đại tướng Giáp thôn tính miền Nam hai năm sau. Đức cha Thuận bị bắt không lâu sau đó, ngài không chờ lâu. Dĩ nhiên các bài viết rõ ràng và sáng suốt của ngài về cộng sản (và về tam điểm) đã không làm cho chế độ mới hài lòng. Không quan trọng với ngài. Ngài tuyên bố: “Tôi sẽ là người tử đạo cho đức tin của tôi. Đó là vai trò bình thường của một giám mục”. Mười ba năm tù bi thảm xác nhận cho lời tuyên bố của ngài.
“Tôi không thú nhận điều gì vì tôi không có gì để thú nhận”
Trong thời gian ngài bị giam, các tên canh tù làm hết cách để ngài thú nhận “tội ác” của mình. Họ hỏi cung ngài liên tục, biệt giam ngài, bắt ngài phải chịu đựng những điều sỉ nhục nhất, giam ngài trong xà lim tăm tối hôi thối, không bao giờ có ánh sáng, bị nhiễm côn trùng, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì oi bức. Họ không khai thác được gì. Ngài trả lời với những người hành hạ ngài: “Tôi không thú nhận điều gì vì tôi không có gì để thú nhận”. Một ngày nọ, ngài bị đau, ngài năn nỉ xin người canh ngục gọi bác sĩ: “Xin thương xót, anh gọi bác sĩ giùm cho tôi!” Người canh ngục từ chối: “Ở đây không có thương xót, không có thương yêu gì, chỉ có trách nhiệm.”
Trong thời gian bị giam giữ, ngài xoay xở để có được cây thánh giá tạm bằng gỗ cột vào sợi dây điện: “Một giám mục phải có cây thánh giá, đó là điều bắt buộc.”
Ngài đứng vững nhờ cầu nguyện và nhớ câu khẩu hiệu giám mục của mình “Gaudium et spes” (Vui Mừng và Hy vọng). Khi ngài tiếp xúc với các tù nhân khác – một số là gián điệp -, ngài thường an ủi họ và giảng Tin Mừng cho họ. Với những người canh giữ ngài, kể cả những người được lệnh không bao giờ được nói chuyện với ngài, ngài đã thành công nhờ tấm lòng nhân từ và tính hiền lành của mình, ngài đã phá vỡ bức tường im lặng và thù địch của họ. Và đã có nhiều người chấn động.
Trong những giờ phút đen tối nhất, bị dằn vặt vì đau khổ, vì đói khát hay tuyệt vọng, ngài vẫn giữ nụ cười: một người bạn hỏi bí mật này của ngài, ngài trả lời: “Thánh giá dường như nhẹ đối với người chân thành mang nó.” Bị đưa từ trại này qua trại khác – các người có trách nhiệm không biết phải làm gì với ngài -, ngài khuyến khích hòa giải với những người cộng sản trước đây, tháo bỏ các vụ dứt phép thông công, giải tội cho các người bội giáo, tha tội cho họ sau khi họ trở lại. Chính phủ xem ngài là một tù nhân “đặc biệt” và “rất nguy hiểm”; họ không lầm!
Lợi dụng điều kiện giam giữ được nới lỏng, ngài xoay xở để có được cây thánh giá tạm bằng gỗ cột vào sợi dây điện, với sự thẳng thắn quen thuộc của mình, ngài nói với người canh ngục: “Một giám mục phải có cây thánh giá, đó là điều bắt buộc”, ngài giấu thánh giá này trong cục xà-bông. Thêm nữa ngài còn lén lút dâng thánh lễ. Đồng thời ngài viết các bài viết thiêng liêng trên mảnh giấy nhỏ và đem được ra ngoài. Từ đó có Con đường Hy vọng, Người hành hương của Con đường Hy vọng, Con đường Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công đồng Vatican II, và một tiểu luận về Maximilien Kolbe. Được tự do, ngài ngạc nhiên biết mình là nhà văn nổi tiếng không những ở Việt Nam mà ở cả nước ngoài, lòng can đảm của ngài được thể hiện qua tính khiêm nhường của ngài.
Năm 1998 ngài được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, sau đó được phong hồng y năm 2001, những năm cuối đời của ngài, ngài đi khắp thế giới để làm chứng, để giảng tĩnh tâm và diễn thuyết, ngài còn viết quyển sách Năm cái bánh và Hai con cá. Ngài qua đời trong thánh thiện tại Rôma vì căn bệnh ung thư, ngài thắng tất cả nhưng chỉ thua căn bệnh này. Án phong chân phước của ngài đã được mở ra năm 2007 và đã được phong bậc đáng kính năm 2017.
Nhà báo Pierre Darcourt, tùy viên báo L’Aurore tại Việt Nam năm 1972 nói: “Đó là người của Chúa. Và đó là một nhà lãnh đạo”. Tất cả đã được nói.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Hồng y Thuận
Một giám mục đối diện với chế độ cộng sản