Dụ ngôn thuyền buồm hay tại sao bỏ thì giờ ra cầu nguyện là quan trọng?

1151

Dụ ngôn thuyền buồm hay tại sao bỏ thì giờ ra cầu nguyện là quan trọng?

Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon

Chắc chắn cuộc cách mạng lớn nhất của thế hệ chúng ta hiện nay là cách mạng về thời gian. Tất cả đều đi rất nhanh và chúng ta không thể sống mà không có chương trình làm việc dù doanh nghiệp hay cá nhân, mà không đồng nhịp theo với điện thoại di động, máy vi tính ở nhà hay ở nơi làm việc. Để có thì giờ cho mình hay cho người khác, chúng ta ngày càng buộc phải có lịch làm việc chặt chẽ.

Tôi là linh mục từ ngày 26 tháng 6 năm 1994 và tôi luôn làm mục vụ cho các bạn trẻ. Tôi đã nghe và vẫn còn nghe câu than phiền:

– Bố con bỏ hết công sức thì giờ để làm việc, nhưng bố con luôn vắng mặt.

Rất nhiều cha mẹ muốn cho con cái mình những chuyện tốt nhất, họ làm việc cực nhọc để con cái không thiếu gì. Nhưng tài sản quý nhất mà cha mẹ cho con cái lại là thì giờ. Thì giờ mình cho ai có một giá trị không lường được, không ai có thể trả lại cho bạn thì giờ này, cho là cho luôn! Thì giờ này lấy trên đời sống của bạn. Vì thế cần thiết phải tìm cho ra thì giờ.

Hình dung bạn có người bạn thân nhất ở cùng khu phố. Ngày xưa bạn có thì giờ để ra quán nhâm nhi ly cà phê với bạn mình. Nhưng bây giờ bạn lập gia đình, việc nhà, việc sở ngập đầu. Gần như ngày nào bạn cũng đi qua trước mặt nhà anh đó nhưng bạn không có thì giờ ngừng lại. Cũng may là có chiếc điện thoại, thỉnh thoảng bạn gọi cho anh ta. Nếu anh bạn cũng có nhịp sống như bạn thì tình bạn này sẽ càng ngày càng hời hợt. Nhưng nếu ngược lại, anh bạn đó muốn giữ tình bạn mật thiết với bạn, nhưng anh không hiểu sự tiến triển của bạn, thì rồi dần dần anh cũng sẽ không là người bạn thân của bạn. Một cách âm thầm, chính công việc của bạn sẽ trở thành người bạn thân nhất của mình.

Cũng vậy trong quan hệ của chúng ta với Chúa. Ngài mong muốn giữ tình bạn với chúng ta, vì thế chúng ta phải dành thì giờ cho Ngài. Còn về phần Ngài thì Ngài luôn có thì giờ, Ngài là thời gian. Thì giờ cho Chúa là thì giờ cầu nguyện. Cũng không phải dễ để lên chương trình dành thì giờ cho Chúa, vậy mà nó lại thiết yếu. Nếu chúng ta không có đủ thì giờ cho Ngài và với Ngài, thì chúng ta đừng ngạc nhiên thấy tình thâm giao của mình với Chúa thay đổi và dần dần biến mất.

Cuộc chiến đầu tiên của tín hữu kitô không phải là cuộc chiến chống kiêu ngạo, chống các tội lỗi về tình bạn, về đức khiết tịnh… Không, cuộc chiến đầu tiên của tín hữu kitô là cuộc chiến cầu nguyện như sách giáo lý đã giải thích rõ:

“Cầu nguyện luôn là một cố gắng. Cầu nguyện là một cuộc chiến. Chống ai? Chống chính chúng ta và chống các mưu chước của Tên Cám dỗ làm mọi cách để chúng ta không cầu nguyện, không kết hợp với Chúa. Cuộc chiến thiêng liêng trong đời sống mới của người tín hữu kitô là dính liền với cuộc chiến cầu nguyện.”

Nói thì dễ, nhưng khó thực hiện. Chúng ta tất cả đều có khuynh hướng ham hoạt động. Đó là nguy cơ chính của đời sống thánh hiến. Tôi là người có kinh nghiệm để nói, ngay cả với các linh mục cũng khó. Nhiều người trong chúng tôi cố gắng trung thành với giờ nguyện gẫm hàng ngày. Nhưng dù linh đạo của chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ không sống trọn vẹn sứ vụ của mình trong những ngày mà chúng ta không cầu nguyện đủ.

Tôi đã có kinh nghiệm này khi tôi còn là phó tế. Trong năm này, tôi lên chương trình rao giảng Phúc Âm khổng lồ. Được một người bạn học kịch nghệ Simon ở Paris giúp đỡ, chúng tôi dàn dựng ba vở rao giảng. Chúng tôi dựng rạp rất lớn với hai trăm chỗ, một xe tải, một xe buýt. Chúng tôi quy tụ bốn mươi bạn trẻ truyền giáo, và chúng tôi đi lưu diễn nguyên tháng 7 năm 1993 ở Port-Camargue, Aigues-Mortes và vùng Gard. Tôi hết lòng hết sức chuẩn bị cho chuyến lưu diễn này nên dần dần theo ngày tháng tôi lơ là nguyện gẫm, có ngày còn bỏ luôn. Vậy mà từ ngày vào chủng viện năm 1986, tôi là người trung thành nhất, có thể thinh lặng cầu nguyện mỗi ngày, vì đó là con đường đào tạo thiêng liêng của tôi.

Chuyến lưu diễn này là một thành công tuyệt vời cho bốn mươi bạn trẻ, họ còn giữ những kỷ niệm khó quên, nhưng hoa quả cho những người đến nghe thì rất ít. Ít người đi, ít có các cuộc gặp ghi dấu. Quá nhiều sinh hoạt nhưng không mang lại kết quả bao nhiêu. Khi đó tôi hiểu công thức thường được nghe: “Cẩn thận, làm việc cho Chúa chứ không phải làm việc của Chúa!” Không để Chúa Giêsu vào trọng tâm, chắc chắn tôi sẽ mất phân định. Tôi đã làm rất nhiều cho Chúa, nhưng không có Chúa. Bây giờ khi chúng tôi làm các chương trình hè với CapMissioAnuncio trên các bãi Hérault, chúng tôi luôn giữ giờ nguyện gẫm mỗi ngày. Với ít phương tiện hơn nhưng chúng tôi đến được với hàng trăm người và có kết quả nhiều hơn. Nhiều người đến cầu nguyện, xưng tội, tìm được con đường đức tin, đến mức năm này qua năm khác, các bạn trẻ chúng tôi gặp trong các buổi rao giảng Tin Mừng, chính họ lại trở thành người đi rao giảng.

Dù đời sống và ơn gọi của chúng ta như thế nào, chúng ta đều phải đặt Chúa Giêsu vào trọng tâm đời sống cầu nguyện của mình. Tôi rất yêu mến cha xứ Ars. Lúc nào ngài cũng bắt đầu ngày làm việc của mình bằng giờ nguyện gẫm trước nhà tạm, trước khi lao mình vào công việc, có khi ngài ngồi tòa 11 giờ một ngày. Ngài kể mình đã xúc động khi thấy một tín hữu đọc lời nguyện gẫm của họ như sau:

“Có một người khi nào đi qua nhà thờ cũng ghé vào. Buổi sáng khi đi, buổi chiều khi về, ông để cái cuốc, cái xẻng ngoài cửa rồi ông vào nhà thờ cầu nguyện thật lâu trước nhà tạm. Có một lần tôi hỏi ông, ông nói gì với Chúa trong những giờ nguyện ngắm lâu như vậy. Bạn có biết ông trả lời sao không? ‘Thưa cha, tôi không nói gì hết. Tôi báo cho Chúa biết, Chúa báo cho tôi biết. Tôi nhìn Chúa, Chúa nhìn tôi’”.

Để Chúa nhìn mình. Điều này có vẻ lạ lùng cho những người chưa quen. Khi các bạn trẻ đến với trường truyền giáo CapMissio của chúng tôi thì các bạn đã có một đời sống cầu nguyện. Khi họ dấn thân vào mục vụ, họ đã giữ đạo đàng hoàng, dĩ nhiên họ đi lễ ngày chúa nhật, có khi còn đi lễ trong tuần. Tất cả đều thường xuyên đọc Lời Chúa. Có người còn thỉnh thoảng lần chuỗi. Nhưng họ chưa có kinh nghiệm nguyện gẫm.

Ngay những ngày đầu, chúng tôi giúp họ làm quen với đời sống cầu nguyện đặc biệt này qua một giờ cầu nguyện. Chúng tôi bắt đầu bằng kinh sáng 15 phút. Sau đó là thinh lặng 45 phút. Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ đọc các đoạn Sách Thánh trong ngày. Việc đọc Sách Thánh này giúp họ có đường hướng để sống hôm nay với sự hiện diện của Chúa. Đôi khi các bài đọc mời chúng ta hoán cải. Sau khi đọc xong, họ nói với Chúa trong lòng trước nhà tạm. Đầu năm, chúng tôi xin họ giữ giây phút thinh lặng này tối thiểu 15 phút, nếu được thì “giữ” 45 phút. Nhưng rất nhanh chóng, đôi khi ngay cả những ngày đầu, các bạn trẻ đã cầu nguyện cả giờ như thế. Có khi còn hơn vì họ đến trước!

Trong kỳ hè, khi các bạn trẻ về nhà, đây là giai đoạn thử nghiệm xem họ có trung thành với cầu nguyện hay không. Trước khi về nhà, chúng tôi xin họ giữ thói quen cầu nguyện hàng ngày, ít nhất là kinh sáng. Nhưng trong buổi trao đổi sau khi đi nghỉ hè về, họ cho biết không phải dễ để giữ giờ cầu nguyện nếu không có môi trường thuận lợi của nhà nguyện và sự nâng đỡ của các anh em.

Vào cuối năm chúng tôi có thánh lễ với giám mục. Trong thánh lễ này, mỗi người trẻ nói lên một dấn thân của mình trước giám mục. Đây không phải là mẫu có sẵn, mỗi người tự viết điều cam kết của mình để mình có thể thực hiện mai sau. Khi họ rời trường CapMissio thì họ biết họ không còn nhà nguyện, không còn các buổi gặp gỡ với các bạn trẻ khác, chính những buổi gặp này cho họ động lực để đi ra khỏi giường. Phải dậy sớm không chờ ai thức ngoài Chúa, và họ cầu nguyện trong phòng “cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Đa số các bạn trẻ thực tế, họ không nói với giám mục:

– Con cam kết nguyện gẫm mỗi ngày nửa giờ.

Họ biết với nhịp học, nhịp làm việc như thế sẽ rất khó. Nhưng đa số đều cam kết ít nhất mỗi sáng nguyện gẫm 10 phút và cầu nguyện buổi chiều. Họ đã nếm được ơn đặt trọng tâm Chúa Kitô khi bắt đầu ngày làm việc và điều này đã làm thay đổi cuộc đời họ. Các tác giả thiêng liêng lớn đều nói đến điều tuyệt vời của nguyện gẫm: chân phước  linh mục Marie-Eugène và bậc đáng kính Marthe Robin.

Tôi may mắn được làm luận án cao học linh đạo của linh mục Marie-Eugène ở Venasque từ năm 1999 đến năm 2001. Cha viết một quyển sách rất hay về đời sống kết hiệp với Chúa: Tôi muốn thấy Chúa (Je veux voir Dieu). Trong quyển sách này, cha Marie-Eugène viết về linh đạo của ba thánh lớn Dòng Camêlô, Thánh Têrêxa Avila, Thánh Gioan Thánh giá, Thánh Têrêxa Lisiơ. Theo gương các thánh, linh mục cho chúng ta thấy, cánh cửa để kết hiệp đời sống chúng ta với ý Chúa là nguyện gẫm. Cha nhấn mạnh nhiều đến liên hệ giữa thì giờ dành cho Chúa qua nguyện gẫm và thì giờ dành cho hành động:

“Các công việc tông đồ và chiêm niệm được nuôi dưỡng hàng ngày bằng bánh nguyện gẫm có thể kết hiệp một cách hài hòa, làm thanh tẩy, làm phong phú và cùng sinh hoa kết trái. Hài hòa giữa chiêm niệm và hành động hình thành một con người tông đồ trọn hảo.”

Để tìm sự quân bình giữa hành động và chiêm niệm, chúng ta phải thử tìm một nhịp sống phù hợp với ngày, tháng, năm của từng người theo ơn gọi của mình. Cá nhân tôi, mỗi ngày tôi có một giờ nguyện gẫm, mỗi tháng tôi vào một đan viện ở hai ngày và một năm một tuần tĩnh tâm.

Bậc đáng kính Marthe Robin là nhà thần nghiệm lớn, trong 50 năm bà không ăn uống và chỉ sống nhờ bánh thánh. Bà viết một bài rất hay về việc “không thể thay thế nguyện gẫm” trong quyển Nhật ký bà viết ngày 4 tháng 4 năm 1930, mỗi năm tôi đều giới thiệu cho các bạn trẻ CapMissio, thật đơn giản và mạnh mẽ, tôi xin chia sẻ ở đây:

“Nếu có ai hỏi tôi cái gì tốt nhất đáng phải làm: nguyện gẫm hay rước lễ? Cả hai đều đáng làm. Nhưng nếu phải chọn một, thì tôi chọn nguyện gẫm. Thường xuyên rước lễ là chuyện đáng khuyến khích, nhưng nguyện gẫm là một nguyên tắc thiêng liêng. Cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ, thật khó để cầu nguyện liên lỉ nếu tâm hồn không đầy thiện ý, không có tư tưởng thánh thiện, đó là hoa quả của chiêm niệm.

Nguyện gẫm thì nhọc công hơn rước lễ. Rước lễ là một hành vi bên ngoài, tự chính nó là một điều vui, một an ủi, một niềm vui cho tâm hồn… Nguyện gẫm là giao tiếp thầm kín giữa Chúa và tâm hồn thì ngược lại, bó buộc và khó nhọc hơn, nhất là khi mới bắt đầu. Nguyện gẫm đòi hỏi nhiều cố gắng. Rước lễ có thể không thực hiện được trong một thời gian dài, vì các khiếm khuyết mà Chúa gởi xuống để thử thách tạo vật của mình, và vì sự thiếu thốn này, khi nó không tùy thuộc ở chúng ta thì sẽ ngăn cản sự thánh thiện. Còn nguyện gẫm là luôn được, dù chỉ vài phút khi chúng ta rước lễ.

Rước lễ không hẳn khi nào cũng đức hạnh, chúng ta có thể đi rước lễ mà phạm đến Mình Thánh Chúa. Nguyện gẫm mỗi ngày không có nghĩa là mình đức hạnh, nhưng là bằng chứng mình nghiêm túc thực hành để trở nên đức hạnh.

Có người nói: họ thấy các tín hữu kitô đi rước lễ mỗi ngày và phạm tội trọng, các tín hữu hành xác đủ mọi cách nhưng lại phạm tội trọng, nhưng họ không bao giờ thấy một người nguyện gẫm lại phạm tội trọng.

Khi đọc những dòng này, người cha linh hướng không hiểu lầm ý chỉ của tôi, cũng không thấy đây là sự nguội lạnh hay chậm chạp của tôi với rước lễ. Tôi chỉ muốn nói, sai lầm như thế nào của một vài tâm hồn, khi họ lo lắng quá nhiều vì không được rước lễ, không biết mình có thể thay thế vào đó bằng lời nguyện gẫm, mà họ thường rút ngắn hoặc bỏ quên, khi họ cứ chần chừ không biết làm sao thay thế cho việc rước lễ, điều họ có thể thay thế dễ dàng bằng nguyện gẫm.

Vậy mà chúng ta hiểu, ơn của Chúa và chương trình hoạch định Chúa đã có cho mình, buộc chúng ta không được bao giờ cố tình bỏ nguyện gẫm, thay thế nó, làm ngắn gọn hay bỏ nó! Chúng ta nhớ rằng, cũng như rước lễ, bỏ quên nguyện gẫm là để lại một khoảng trống trong ngày của một tâm hồn dâng trọn cho Chúa.” 

Dụ ngôn thuyền buồm 

Kinh nghiệm truyền giáo của tôi với các bạn trẻ ở trường CapMissio và các khuyến khích của linh mục Marie-Eugène và của bậc đáng kính Marthe Robin chứng tỏ cho thấy sự trung thành với nguyện gẫm là một vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta không bỏ thì giờ ra để cầu nguyện thì chúng ta sẽ kiệt sức, tôi xin giải thích qua dụ ngôn thuyền buồm.

Một mùa hè nọ người ta nhờ tôi giảng thánh lễ trên truyền hình ở Pluduno, gần Saint-Brieuc. Nhân dịp đó tôi ra biển chơi với bạn Axel của tôi. Khi lên chiếc thuyền buồm, Axel cho máy chạy để ra khỏi cảng. Ngày hôm đó không có nhiều gió. Vừa rời cảng chúng tôi tắt máy để giương buồm. Axel cầm tay lái, anh xoay bên phải một chút, bên trái một chút. Nhanh chóng anh điều khiển được chiếc thuyền.

Axel đề nghị tôi cầm lái. Tôi nhận lời ngay nhưng tôi không có kinh nghiệm. Tôi cố gắng giữ đúng hướng nhưng vì chúng tôi ra khơi, biển lại rộng mênh mông, tôi không có một điểm chuẩn nào. Dĩ nhiên là có la bàn nhưng nó không rõ ràng. Một cú xoay quá mạnh về bên phải, cánh buồm bị chận gió, tôi bị mất phương hướng và mất gió. Cứ dò dẫm, tôi có thể tìm thấy hướng nhưng tôi không thể duy trì được tốc độ của chiếc thuyền. Axel lấy lại tay lái và chiếc thuyền tiếp tục nhịp điệu của nó.

Chính khi đó tôi thấy một chiếc thuyền buồm không xa chúng tôi. Tôi tò mò vì dù cũng ra biển rộng, nhưng nó đi một hướng hoàn toàn khác hướng chúng tôi. Mà gió thì thổi một hướng cho tất cả các thuyền! Tôi hỏi Axel, anh giải thích cho tôi dù họ có buồm nhưng thuyền đi với động cơ.

Chiếc thuyền buồm có động cơ

Chúng ta so sánh đời sống chúng ta với chiếc thuyền buồm và gió là hoạt động của Chúa. Chúng ta như chiếc thuyền buồm chèo với động cơ. Từ sáng sớm, chúng ta chạy hết năng lực, bên phải, bên trái. Chúng ta phải đổ đầy xăng, thêm năng lực để tiếp tục đi tới. Dù thế nào thì cũng có một nguồn năng lực tự nhiên là gió, nhưng chúng ta có động cơ của mình. Thậm chí chúng ta không nhận ra khi lên tàu chúng ta đã có một phương tiện khác để đi tới, đó là buồm. Buồm vẫn còn gấp lại trên cột buồm. Thật đáng tiếc! Có buồm mà chạy bằng động cơ. Cũng vậy với con người khi con người không quan tâm đến năng lượng Chúa cho mình.

Mở cánh buồm của chúng ta

Nếu chúng ta muốn tiến tới cho có hiệu quả, bắt đầu là chúng ta phải biết nắm được sức thổi của Thần Khí. Mở buồm. Giương buồm. Buổi sáng khi tôi cầu nguyện là tôi để cho Thần Khí thổi các cánh buồm trong ngày của tôi. Chúa Giêsu đã nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; anh nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Ga 3,8)

Khi giương buồm, tôi khám phá thấy một năng lực mới trong đời tôi, không phải năng lực của con người mà năng lực đặc biệt Chúa cho chúng ta. Thì giờ nhưng không dành cho Chúa có vẻ như chẳng thích thú vì nó bất động, hoàn toàn thụ động nhưng thực sự lại giúp tôi dời núi vì tôi nắm được sức mạnh của Chúa.

Chúng ta đừng để cả đời để chèo cho nhọc sức, chúng ta hãy theo con đường nội tâm vì ở đó chúng ta khám phá một năng lực mới, một sức mạnh mới, đó là năng lực và sức mạnh của Thần Khí.

Marta An Nguyễn dịch

Dụ ngôn thuyền buồm hay tại sao bỏ thì giờ ra cầu nguyện là quan trọng?