Cha Thánh Piô và các giáo hoàng

1014

Cha Thánh Piô và các giáo hoàng

cath.ch, I.MEDIA, 2018-03-16

Sáng thứ bảy 17 tháng 3, Đức Phanxicô sẽ đi các thành phố Ý Pietrelcina và San Giovanni Rotondo theo bước chân Cha Thánh Piô, người tận tụy và vâng lời các vị kế nhiệm Thánh Phêrô, bù lại Cha Piô được các giáo hoàng kính trọng nhưng không phải là không gặp thử thách.

Từ khi vào nhà Dòng, sự kính trọng giáo hoàng của Cha Piô (1887-1968) được thể hiện qua việc cha chọn tên. Năm 1909, khi khấn Dòng các Tiểu đệ Capuxinô, Francesco Forgione lấy tên Piô để vinh danh Thánh Giáo hoàng Piô (1566-1572), người đã cống hiến triều giáo hoàng của mình để Cải cách đạo công giáo qua Công đồng Trente.

Được các giáo hoàng hướng dẫn

Lòng kính mến các vị kế nhiệm Thánh Phêrô được thấy rõ trong thư cha viết cho Đức Phaolô VI (1963-1978) ngày 12 tháng 9 – 1968: “Con xin dâng lời cầu nguyện và sự đau đớn hàng ngày của con để Chúa nâng đỡ cha bằng ân sủng của Ngài, để cha tiếp tục con đường ngay thẳng và khó khăn, để cha bảo vệ chân lý vĩnh cửu”. Cha Piô còn tái khẳng định đức tin và sự “vâng lời không điều kiện theo các chỉ dẫn sáng suốt” của Đức Giáo hoàng trong thời Giáo hội gặp xáo trộn.

Cha Thánh Piô cũng ngưỡng mộ các giáo hoàng khác, Thánh Giáo hoàng Piô X (1903-1914). Trước khi Giáo hoàng Piô X qua đời, Cha Piô cho biết “đây là một vị thánh đích thực, một vị thánh với hình ảnh của Chúa chúng ta”. Còn về Giáo hoàng Piô XII, cha xin một linh mục trong dịp linh mục này về Rôma: “Xin cha nói với Đức Thánh Cha, tôi dâng đời tôi cho ngài, lòng tôi rất hân hoan”.

Các quan hệ với Tòa Thánh không phải lúc nào cũng đơn giản

Tuy nhiên các quan hệ giữa cha và Vatican không phải lúc nào cũng dễ. Nhất là các hiện tượng siêu nhiên chung quanh Cha Piô – đặc biệt là các dấu thánh – trong thời gian đầu đã nảy sinh ra các ngờ vực. Đúng trước lòng mến mộ đôi khi quá độ của các tín hữu, Tòa Thánh buộc cha phải ngưng mọi sinh hoạt với công chúng, cha chỉ được dâng thánh lễ riêng, phải lui về tu viện để sống.

Dù năm 1933 lệnh cấm này được Đức Piô XI cất bỏ nhưng các dè chừng vẫn còn. Năm 1960, Đức Gioan XXIII ra lệnh làm một cuộc điều tra kỹ về cha, sau cuộc điều tra này, Tòa Thánh lại hạn chế các xuất hiện trước công chúng của cha. Phải chờ đến năm1964, theo lời yêu cầu của Đức Phaolô VI, Cha Piô mới được dâng thánh lễ không hạn chế. Cha Antonio Belpiede, hiện nay là bề trên tổng quyền Dòng Capuxinô, gần đây cha cho biết, “Đức Gioan XXIII đã không được thông tin đúng” về chuyện này.

Dấu thánh thứ sáu

Nếu Cha Piô bị một số giáo hoàng dè chừng thì Đức Gioan-Phaolô II lại tôn kính cha đặc biệt. Năm 1947, Karol Wojtyla lúc đó là một linh mục trẻ, cha đến San Giovanni Rotondo gặp Cha Piô và xưng tội với cha. Lúc đó Cha Piô tiên đoán về việc bầu chọn giáo hoàng của Karol Wojtyla: “Con sẽ là giáo hoàng nhưng sẽ có máu và có bạo lực”. Một giai đoạn ít được người biết, nhà vatican học Ignazio Ingrao viết chi tiết này trong quyển sách của ông Dấu ấn của Cha Thánh Piô.

Trong lần gặp này, Cha Piô cũng nói cho vị giáo hoàng tương lai biết, cha còn một dấu thánh khác cực kỳ đau đớn mà không ai biết: vết thương của Chúa Kitô trên vai do sức nặng của Thập giá. Các chi tiết này được ghi lại trong quyển sách Điều tra về Cha Piô. Một quyển tiểu sử kín đáo do linh mục Francesco Castelli điều khiển, linh mục là sử gia về việc thỉnh nguyện án phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II.

Vài năm sau, năm 1962, Karol Wojtyla xin Cha Piô cầu nguyện cho bà Wanda Poltawska, một trong các bạn thân của ngài bị ung thư. Bà là người Ba Lan, mẹ của bố đứa con và được chữa lành như một phép lạ do lời cầu bàu của Cha Thánh Piô. Bà giải thích chuyện này trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fides của Vatican năm 2002. Cũng năm đó, ngày 16 tháng 6, bà tham dự lễ phong thánh Cha Piô, do Đức Gioan-Phaolô II… cử hành.

Hai hình ảnh của sự thánh thiện

Còn về phần Đức Bênêđictô XVI, năm 2009 ngài đi hành hương ở San Giovanni Rotondo để vinh danh Cha Thánh Piô. Lúc đó ngài nêu lên hai hình ảnh song song giữa cha xứ Ars và Cha Thánh Piô, hai hình ảnh của sự thánh thiện mà cuộc đời của hai ngài đã tận hiến cho Phép Thánh Thể, cho cầu nguyện và cho giải tội.

Và cuối cùng là Đức Phanxicô, trước khi là giáo hoàng, hồng y Jorge Mario Bergoglio cũng đã mến mộ Cha Piô. Năm 2004, trong lần gặp linh mục Marciano Morra, Dòng Capuxinô, Đức Bergoglio cho biết, ngài được đánh động mạnh qua “hoạt động xã hội mà Cha Thánh Piô đã để lại trong thành phố của ngài  (…) qua việc ngài cho xây bệnh viện Casa Sollevio della Sofferenza”. Hồng y Jorge Mario Bergoglio có lòng mến mộ sâu xa Cha Thánh Piô sau khi cha được phong thánh năm 2002, có rất nhiều nhóm cầu nguyện với Cha Thánh Piô được tổ chức ở Argentina, Đức Bergoglio đã gởi người đại diện của ngài đến San Giovanni Rotondo. Hai năm sau, năm 2004, Hồng y gặp các người có trách nhiệm trong các nhóm cầu nguyện ở Buenos Aires và năm 2006, ngài dâng thánh lễ cho họ ở nhà thờ chính tòa, nhấn mạnh đến sứ điệp và linh đạo của Cha Thánh Piô. Năm 2011, các tu sĩ Dòng Capuxinô gởi một chiếc găng của Cha Thánh Piô cho hồng y Bergoglio, hiện nay chiếc găng này được giữ ở nhà thờ chính tòa Buenos Aires. Tháng 2 năm 2016, nhân Năm Thánh Lòng thương xót, Đức Phanxicô cho rước di hài của hai thánh Dòng Capuxinô, Cha Thánh Piô và Thánh Leopoldo Mandic, hai vị thánh suốt đời ngồi tòa giải tội về Vatican. Khi đến San Giovanni Rotondo ngày 17 tháng 3, Đức Phanxicô sẽ đến thăm bệnh viện phi thường này.

Từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã tôn Cha Thánh Piô làm một trong các thánh bổn mạng của Năm Thánh Lòng thương xót. Chắc chắn vì đặc sủng ngoại thường của cha giải tội, người nổi tiếng trong toàn nước Ý và khắp thế giới. Đó cũng là lý do đặc biệt mà di hài của Cha Thánh Piô được đưa về Rôma từ ngày 5 đến 11 tháng 2 – 2017 ở Đền thờ Thánh Phêrô để các tín hữu khắp nơi đến viếng.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: “Vườn ươm đức tin, căn nhà tình thương”
“Nhà xoa dịu đau thương”, một trong các ‘phép lạ’ của Cha Thánh Piô
Khoảng 50 000 người sẽ chờ đón Đức Phanxicô ở San Giovanni Rotondo