Pêru: Đức Phanxicô sẽ tiếp linh mục Thụy Sĩ Xavier Arbex ở rừng già Amazzonia, Pêru
cath.ch, Jean-Claude Gerez, 2018-01-09
Linh mục Xavier Arbex, người Geneva, Thụy Sĩ sẽ đón Đức Phanxicô ở Puerto Maldonado, vùng rừng già Amazzonia Pêru.
Linh mục Xavier Arbex de Morsier không tìm lời khen ngợi, không tìm ánh sáng máy quay phim. Chính vì vậy mà ngày 19 tháng 1 sắp tới, Đức Phanxicô sẽ gặp linh mục ở rừng già Amazzonia, Pêru. Linh mục Xavier 75 tuổi, người sáng lập căn nhà “Hoàng Tử Bé” (El Principito) để lo cho các em bé và các trẻ vị thành niên.
Chúng tôi gặp nhà truyền giáo Thụy Sĩ đã cống hiến 45 năm đời mình ở Pêru, giữa vùng đồng bằng của các rặng núi Ăng-đơ và rừng già vùng nhiệt đới. Cha không nhân nhượng lời, cha nói thẳng để tố cáo sự khai thác trẻ em và môi sinh, một sự khai thác không chấp nhận được.
“Theo tôi nghĩ, thì thật tâm người dân không muốn Đức Giáo hoàng đến”
Người dân chờ gì khi Đức Giáo hoàng đến Puerto Maldonado?
Theo tôi nghĩ, thì thật tâm người dân không muốn Đức Giáo hoàng đến. Họ không nói lên, nhưng chúng tôi thấy được. Người dân nghĩ rằng Đức Giáo hoàng đến để lên án sự khai thác quặng mỏ và phá rừng bất hợp pháp với các hệ quả xã hội và môi sinh của nó. Họ sợ sau chuyến đi của giáo hoàng, chính quyền có lý do để mang quân đội đến càn quét, làm cho họ không có công ăn việc làm.
Thật khó để biết có bao nhiêu người ở đây sống nhờ việc khai thác mỏ không chính thức và bất hợp pháp này, vì có rất nhiều người gián tiếp làm việc trong các ngành nghề này. Họ sợ hôm trước hôm sau họ không có việc làm. Chúng ta phải biết vùng này là vùng hàng năm sản xuất hàng chục tấn vàng.
Điều tôi quan tâm là xem Đức Giáo hoàng sẽ lên tiếng như thế nào để giúp người dân bản địa và để chống sự hủy hoại môi sinh. Chuyến đi của ngài, viễn cảnh của một thượng hội đồng về Amazzonia vào tháng 10 năm 2019 là các sự kiện quan trọng cho vùng Amazzonia và một hy vọng cho Giáo hội.
Cha đã phản ứng như thế nào khi nghe tin Đức Phanxicô sẽ đến thăm trung tâm đón tiếp “Hoàng Tử Bé” của cha?
Khi Giám mục David Martínez de Aguirre Guinea, giám mục phụ tá giáo phận Puerto Maldonado gọi tôi và cho biết Đức Giáo hoàng muốn đến thăm trung tâm, là công dân Geneva, tôi trả lời: “Thì ngài cứ đến!” Thật ra tôi rất quý mến ngài. Ngày ngài được bầu chọn là một trong những ngày hạnh phúc nhất của đời tôi. Chúng tôi rất vui được tiếp đón ngài tại trung tâm chúng tôi, dù chúng tôi phải làm việc rất nhiều cho chuyến thăm này! Báo chí, nhà nước Pêru, các cơ quan an ninh, Vatican… Từ bốn tháng nay… không ngừng! Tôi phải gởi qua Rôma bài diễn văn tôi sẽ đọc. Nhưng tôi xin giám mục đứng bên cạnh tôi khi tôi đọc, vì tôi nghĩ tôi sẽ rất xúc động không đọc được hết bài!
“Tổng cộng có hơn 250 trẻ em và trẻ vị thành niên ở trung tâm Hoàng Tử Bé.
Đâu là vai trò và cách điều hành của trung tâm này?
Ở đây chúng tôi nhận từ 20 đến 40 trẻ em và trẻ vị thành niên. Các em từ 3 đến 25 tuổi. Nguyên tắc là để các em cảm thấy mình ở trong một gia đình. Các em ở trong nhà mình. Các em đến trường hoặc đến đại học. Đây là nhà các em, chúng tôi không đẩy các em ra đường lúc các em 18 tuổi. Một vài em ở đây vài tháng, một vài em ở đây suốt tuổi trẻ. Tổng cộng có hơn 250 em đã ở trung tâm này, trong số này có khoảng sáu mươi em vẫn còn trung thành với trung tâm, có nghĩa là các em tiếp tục cho chúng tôi tin tức của các em hoặc đến thăm chúng tôi.
Các tiêu chuẩn nhận thì ngày càng khó khăn, vì luật thay đổi từ hai năm nay, luật chủ trương để các em phát triển trong khuôn khổ gia đình. Nhưng để các em trong các gia đình tiếp nhận cũng không hẳn là bảo đảm sự phát triển tốt cho các em. Thường các em là “tay chân lao động” rẻ tiền hay phải canh người già trong các gia đình tiếp nhận. Trước đây chúng tôi nhận các em theo quyết định của tòa. Bây giờ chính cha mẹ đến chưỏng khế ký giấy và cho chúng tôi quyền chăm sóc. Như thế, đa số các em chúng tôi nhận là các em ở trong hoàn cảnh có hiểm nguy cao hay cực kỳ thiếu thốn.
“Chúng ta chỉ thấy với con mắt của quả tim”, Linh mục Xavier Arbex ở trung tâm “Hoàng Tử Bé” © Jean-Claude Gerez
Để điều hành trung tâm, có hai nữ giám đốc, ba người trong ban điều hành, một bà làm bếp và một người làm các công việc linh tinh khác. Các em lớn phải bỏ thì giờ để giúp các em nhỏ làm bài.
Ngân sách của trung tâm cần khoảng 600’000 tiền Pêru, khoảng 180’000 quan Thụy Sĩ mỗi năm. Đây là con số hơi cao so với các trung tâm giống như trung tâm này, nhưng đây là cái giá của chất lượng và chúng tôi phải tài trợ tiền học cho các sinh viên. Chúng tôi được trợ cấp nhờ công việc của ba công ty của chúng tôi: nhà cho thuê du lịch với giá tiết kiệm, tiệm bánh kem ở trung tâm thành phố và một tiệm bán giấy.
Linh mục Xavier Arbex
Linh mục Xavier Arbex chịu chức năm 1968, cha phục vụ 45 năm trong sứ vụ fidei donum ở Pêru (phục vụ ở nước ngoài).
Cha là linh mục từ 50 năm nay, ơn gọi của cha được phát sinh như thế nào?
Mẹ của tôi xuất thân từ một gia đình xưa cổ nhất của phái Calvin ở Geneva. Sau đó mẹ tôi trở lại đạo công giáo. Cha tôi là giáo sư ở trường thông dịch. Tôi không nhận một giáo dục tôn giáo nào đặc biệt nhưng tôi rất thích các sinh hoạt hướng đạo. Vào thời đó, giáo xứ tôi có hai linh mục phi thường. Tôi rất mến họ. Tôi muốn bắt chước họ. Tôi chịu chức tháng 6 năm 1968. Năm nay là 50 năm!
Khi còn đi học, tôi khá theo truyền thống. Tôi lo cho các trẻ vị thành niên có vấn đề với ma túy. Rồi ở Geneva, tôi làm việc trong một giáo xứ thợ thuyền. Vì tôi nói được tiếng Tây Ban Nha nên tôi làm việc với các người thợ Tây Ban Nha bị khai thác. Khi đó tôi nhận ra tôi phải thay đổi cái nhìn. Tôi phải nhìn thế giới từ lăng kính của người nghèo. Điều này giúp tôi có một cái nhìn về Giáo hội, như Đức Phanxicô ngày nay…!
Tại sao Pêru?
Thi sĩ Alfred de Vigny nói: “Cuộc đời thành công là giấc mơ tuổi vị thành niên được thực hiện khi đến tuổi chín chắn”. Khi tôi còn ở tuổi vị thành niên, tôi tự nhủ sau ba mươi tuổi, tôi sẽ đi “thế giới thứ ba”, chữ hồi đó thường dùng để nói đến các nước nghèo, sau ba mươi tuổi vì trước đó người ta chưa biết gì! Một ngày nọ, giám mục người Pháp Louis Dalle, giáo phận Creuse đến giáo xứ tôi, ngài giải thích ở vùng cao nguyên rặng núi Ăng-đơ, phương pháp rao giảng Tin Mừng khởi đi từ văn hóa và từ người dân để họ được Tin Mừng soi sáng. Như thế phúc âm hóa bắt đầu từ câu chuyện của những người nghèo. Và đó là Thần học Giải phóng. Năm 1973, tất cả các giám mục miền Nam rặng núi Ăng-đơ đều ở trong phong trào này. Tôi nhiệt thành với cách phúc âm hóa này, tôi tự nhủ: tôi sẽ đến tận nơi để xem có đúng không. và ngay năm đó tôi lên đường.
Kỷ niệm đầu tiên ở Pêru…
Tôi đến đây vào thời Tổng thống Juan Velasco Alvarado. Ông là người theo chủ nghĩa quốc gia chống người nước ngoài. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ không nhập cảng sản phẩm nước ngoài. Nước Pêru vừa có một trận động đất lớn. Tôi ngủ trong căn phòng còn bị nứt. Và vì không có cha tuyên úy nào ở nhà tù Lima nên tôi tình nguyện đến. Nhưng tôi không hình dung được nó khủng khiếp đến như thế nào! Tôi ở đó 3 tháng. Rồi tôi đến vùng Altiplano ở độ cao 4300 mét. Lúc đó tôi cảm thấy cô đơn và chán nản. Tôi bị lạnh. Tôi thiếu chuẩn bị để hiểu văn hóa địa phương, tôi lại không hiểu ngôn ngữ địa phương quechua. Giám mục đem tôi đến đó chỉ nói: “Con tự xoay xở lấy!” Tôi đi ngựa đến các cộng đoàn xa, ở những nơi cao nhất, lạnh nhất. Tôi được đón tiếp nồng hậu vì ở đây có một sự đồng điệu tôn giáo rất mạnh. Sự hiện diện của tôi thường là dịp lễ hội chính thức để vinh danh các thánh, nhưng thực tế là để vinh danh Pacha Mama. Là người của Giáo hội, tôi cảm thấy bị hụt hẫng một chút khi đến một nơi mà tinh thần thiêng liêng rất sâu đậm, nhưng lại rất xa Tin Mừng. Đó là cảm nhận mà hôm nay tôi vẫn còn cảm thấy. Ở đây các cuộc rước kiệu thường quan trọng hơn Tin Mừng. Nhưng xét cho cùng… Điều quan trọng là người dân có đức tin và có hy vọng, kết quả là họ có cách ứng xử đạo đức thích ứng. Dù đức tin của họ xây trên lý trí hay trên tưởng tượng thì rốt cùng, đây chỉ là hai con đường khác nhau.
Rồi cha xuống rặng núi Ăng-đơ để đến rừng Amazzonia
Khi tôi làm việc ở vùng cao nguyên, người dân ở đây rất nghèo, tôi thường thấy các trẻ em 12, 13 tuổi xuống rừng Amazzonia làm việc hay đúng hơn là bị khai thác làm việc trong các hầm mỏ. Các em phải làm việc 90 ngày, xúc 100 xe cút-kít đất mỗi ngày để kiếm cũng chỉ đủ tiền mua giấy bút. Rất nhiều em không bao giờ thấy trở lại làng cũ. Các em mất hút. Tình trạng này thúc đẩy tôi phải đi Mazuko trong rừng Amazzonia, Pêru. Không ai muốn đến đây vì khí hậu nóng và ẩm dễ làm kiệt sức. Nhưng tôi lại thích! Nhanh chóng, tôi đi gặp các thợ làm mỏ. Tôi dâng thánh lễ ở đây vì tôi muốn nhân cơ hợi này để nói với họ, những gì họ đối xử với trẻ con như vậy là không tốt. Tôi cũng thành lập một trung tâm đón nhận các cô gái trẻ muốn thoát nạn làm điếm.
Giai đoạn sau là ở Puerto Maldonado, nơi cha đang ở bây giờ…
Sau nhiều năm tháng di chuyển bằng ngựa, bằng xe jeep, tôi bị đau lưng, tôi phải về Puerto Maldonado. Với tiền cha mẹ tôi để lại, tôi mua một miếng đất. Chính ở giai đoạn này, tôi thành lập tổ chức Bảo vệ quyền trẻ em và trẻ vị thành niên ở thị xã (Demuna) ở Pêru. Ở Puerto Maldonado, cấu trúc này thật sự không phải là phương tiện để làm việc. Tôi mong muốn được giúp đỡ các em nên năm 1996, cùng với vài người bạn, tôi thành lập “Hiệp hội bảo vệ tuổi thơ và tuổi vị thành niên (Apronia) https://apronia.ch/index.php/fr/en-un-clin-doeil/).
Đầu những năm 2000, tôi bắt đầu làm việc về ảnh hưởng của việc khai thác hầm mỏ trên môi sinh. Nhưng tiếng nói của tôi không được lắng nghe. Mọi người đều bực mình về tình trạng tôi mô tả, nhưng không ai hành động. Tôi rất bất mãn vì tôi thấy môi sinh càng ngày càng xuống cấp.
Linh mục Xavier Arbex ở Puerto Maldonado với các em bé ở trung tâm “Hoàng Tử Bé” © Jean-Claude Gerez
Linh mục Xavier Arbex ở Puerto Maldonado, vùng rừng già Amazzonia, Pêru © Jean-Claude Gerez
Marta An Nguyễn dịch