Nét phong phú của huyền nhiệm Thiên Chúa

338

Ronald Rolheiser, 2010-05-30 

G.K. Chesterton từng nói một trong những lý do ông tin vào Ki-tô giáo là vì Ki-tô giáo có đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Ki-tô giáo do người thường dựng nên thì ở trọng tâm của nó hẳn đã không có cái khái niệm khó có thể nắm bắt hay giải thích này được: đó là ý niệm Thiên Chúa tồn tại như nhất thể nhưng lại ở trong ba bản vị.

Chúng ta hiểu Ba Ngôi như thế nào đây? Chúng ta không hiểu được! Thiên Chúa, theo định nghĩa, là không thể nào mô tả được, vượt ra ngoài nhận thức, ngoài sức tưởng tượng, không thể diễn tả được bằng lời. Đức tin của ki-tô hữu vào Thiên Chúa Ba Ngôi càng cho thấy huyền nhiệm về Thiên Chúa phong phú như thế nào, và trải nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa luôn luôn phong phú hơn nhận thức và lời lẽ của chúng ta có về Thiên Chúa.

Đây là chuyện hiển nhiên trong lịch sử tôn giáo. Ngay từ thuở hồng hoang, con người đã luôn luôn trải nghiệm Thượng đế và đã tôn thờ Thượng đế. Tuy nhiên, cũng ngay từ thuở ban đầu đó, con người đã có cảm giác rằng Thượng đế là quá sức phong phú và hết-sức-vượt-ra-ngoài bất kỳ một dạng phân loại duy nhất nào, nên không một khái niệm nào của con người có thể phản ảnh hết được. Vì vậy, đa số người cổ xưa theo thuyết đa thần. Họ tin rằng có nhiều vị nam thần và nữ thần. Họ có trải nghiệm về năng lượng thiêng liêng và nhu cầu tán tụng năng lượng thiêng liêng đó trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, có các vị thần nam nữ theo từng lĩnh vực. Vì vậy, họ có các nam thần và nữ thần dành cho từng ước muốn và hoàn cảnh cụ thể, từ chiến tranh, trồng trọt mùa màng, tình dục, tới việc hiểu được vì sao cha không ban phước lành cho con…, luôn luôn có một vị nam thần và nữ thần nào đó để người ta hướng tới.

Đôi khi họ tin vào một thượng đế tối cao duy nhất, là người thống trị hết thảy các vị thần thấp hơn, nhưng họ cũng cảm nhận rằng năng lượng thiêng liêng này là một thực tại quá phong phú tới mức không thể bó hẹp trong một hiện thể duy nhất. Họ cũng tin rằng đôi khi các vị thần gây chiến với nhau. Các vị nam thần và nữ thần cũng thỉnh thoảng dính tới cuộc sống của người trần, dàn xếp những thỏa thuận đặc biệt với người trần, yêu đương, và thậm chí đôi khi còn có con với người trần.

Nhiều trong số những câu chuyện huyền thoại mạnh nhất từng được kể xuất phát từ trải nghiệm về tính chất phong phú vô biên của Thượng đế và sự bất lực của người xưa trong việc diễn đạt theo bất kỳ một nhận thức nào về Thượng đế và hoạt động của Thượng đế. Dù đa thần giáo và các câu chuyện huyền thoại thời cổ đại có nói gì đi nữa về các vị thần nam nữ, thì những cách hành đạo thời cổ đại và các tín điều khó tin của chúng đều cho thấy trải nghiệm của con người về Thượng đế quá phong phú, không thể nào biểu đạt hết, vượt ra ngoài sức tưởng tượng và ngôn ngữ quá đơn giản của con người. Người cổ đại tin rằng những trải nghiệm của họ gợi cho biết có nhiều vị thần hiện hữu.

Sau đó xảy ra một chuyển biến hàng loạt: Do Thái giáo, và ngay sau đó là Ki-tô giáo và Hồi giáo đưa ra một tín điều mạnh và rõ ràng rằng chỉ có một Thượng đế duy nhất. Từ đây, tất cả quyền năng và năng lượng thiêng liêng được nhìn nhận là phát sinh từ một nguồn duy nhất, độc thần, Gia-vê, Cha của chúa Giêsu, Allah. Không còn có vị nam thần hay nữ thần nào nữa.

Nhưng từ thời điểm chúa Giêsu phục sinh, các ki-tô hữu bắt đầu đấu tranh với độc thần giáo. Họ tin rằng chỉ còn một Thiên Chúa duy nhất, nhưng trải nghiệm Thiên Chúa của họ đòi hỏi họ tin rằng Thiên Chúa này bằng cách nào đó là “ba”. Nói một cách đơn giản, khi Chúa Giêsu sống lại, các ki-tô hữu lập tức gán thiên tính cho người, nhưng không coi người là Chúa Cha. Chúa Giêsu được hiểu là Thiên Chúa, nhưng một cách nào đó lại khác so với Chúa Cha. Hơn nữa, trong trải nghiệm này, họ lại cảm nhận một năng lượng thiêng liêng thứ ba mà họ không thể nào đồng nhất hoàn toàn với Chúa Giêsu hay Chúa Cha, đó là Chúa Thánh Thần.

Trải nghiệm này khiến họ thắc mắc và đôi khi lúng túng: Họ là những người độc thần giáo, một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa. Vậy nhưng Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần cũng vậy. Trải nghiệm của họ về ân sủng và hành động của Thượng đế trên thế giới không tương thích với nhận thức quá đơn giản của họ về độc thần.

Thượng đế là nhất thể, vậy nhưng Thượng đế cách nào đó là ba. Làm sao để dung hợp hai điều này? Các kitô hữu phải mất ba trăm năm, cuối cùng mới tìm ra được một thể thức vinh danh được tính phong phú của trải nghiệm Ki-tô về Thiên Chúa. Công đồng Nicea vào năm 325 đã cho chúng ta thể thức đức tin để chúng ta theo ngày nay: Chỉ cóù một Thiên Chúa trong ba bản vị; trừ việc họ viết thể thức đó bằng tiếng Hy Lạp và từ ngữ trong tiếng đó mang nghĩa đen là Thượng đế là một thực thể trong ba quan hệ hiện hữu.

Thể thức này không giúp chúng ta thấy rõ ràng hoàn toàn. Không thể thức nào có thể nắm bắt thực tại về Thượng đế, bởi lẽ Thượng đế quá phong phú, không thể nào nắm bắt được, thậm chí một nửa cũng không được, dù cho bằng trí tưởng tượng, tư tưởng hay từ ngữ. Thượng đế mà vô thần giáo phủ nhận chính là một Thượng đế qua khái niệm, một Thượng đế bó buộc trong một bức tranh. Rốt cuộc, vô thần giáo ít trung thành với trải nghiệm của con người hơn so với đa thần giáo, vốn cảm nhận một cách đúng đắn hơn về các vị thần, nam thần và nữ thần, ẩn trong từng phiến đá.

Điều này hướng chúng ta đến cái gì?

Sự khiêm nhường. Tất cả chúng ta, tín hữu lẫn vô thần, cần phải khiêm nhường hơn khi nói về Thượng đế. Ý niệm về Thượng đế cần được trải rộng chứ không phải thu hẹp sức tưởng tượng. Trải nghiệm thực sự của chúng ta về Thượng đế, cũng giống như đa thần giáo thời cổ xưa, sẽ luôn luôn lấn át hết mọi khái niệm đơn giản quá mức về Thượng đế. Tạ ơn Chúa vì tính phức tạp vi tế của tín điều Ba Ngôi!

J.B. Thái Hòa dịch