Antonio Spadaro, SJ: Về Flannery O’Connor

355

 

thinkingfaith.org, 1-8-2014, Antonio Spadaro SJ

Linh mục Antonio Spadaro SJ

Bạn biết được bao nhiêu về một nhà văn Công giáo Mỹ, với không nhiều tác phẩm nhưng lại có ảnh hưởng trên nhiều nghệ nhân từ Quentin Tarantino cho đến Bruce Springsteen không? Ngày chúa nhật, 03 tháng 8 vừa qua, là kỷ niệm 50 năm ngày mất của nhà văn này – Flannery O’Connor.  Antonio Spadaro SJ  lý giải vì sao các tác phẩm của O’Connor quá đầy kích lực.

Bruce Springsteen và Nick Cave, hay các đạo diễn John Huston và Quentin Tarantino, hay các nhà văn Raymond Carver và Elizabeth Bishop, những người này có điểm chung gì? Chẳng gì cả, có lẽ là thế, trừ một điều, chính là Flannery O’Connor (1925-1964), người được tất cả họ tìm đọc, yêu mến, trình bày và noi gương.

Flannery O’Connor xem quê mình là “miền Nam cũ kỹ bùn đất thân yêu”, vùng đất giữa các rặng núi của Georgia và miền đông Tennessee. Bà là đứa con của mảnh đất miền Nam, đã nảy sinh nhiều nhà văn lừng lẫy như Erskine Caldwell, Carson McCullers, Truman Capote, Tennessee Williams, William Faulkner. Tuyển tập tác phẩm của bà không đồ sộ, nhưng đủ để cho bà vị thế tượng đài của một nhà văn được tôn sùng. Bà mất vào tuổi 39, chỉ để lại cho đời hai tiểu thuyết Dòng giống Khôn ngoan (1952) và Bạo lực cất nó đi (1960), cùng một vài truyện ngắn được xuất bản trong hai giai đoạn 1955 và 1965. Tuy nhiên, các tác phẩm ít ỏi của bà được trân quý như mẫu mực, “một quái vật thiêng liêng”, một luận thuyết. Nhà văn người Ý, Attilio Bertolucci, đã từng nói rằng các bài văn trong tuyển tập Huyền nhiệm và Thái độ (Mystery and Manners ) của O’Connor “đầy kích lực”. Kích lực dẫn truyền này có ít nhất 3 chiều kích.

Thứ nhất: O’Connor viết ra cách bà nhìn thế giới. Dù mô tả của bà có vẻ bình thường, nhưng nó thật. Bà có một cái nhìn hiện thực, không có những rối rắm lương tâm hay lãng mạn. Chất liệu cho các truyện của bà có vẻ “bùn đất”, vì theo bà, “truyện là viết về tất cả những gì của con người, và chúng ta được tạo thành từ bụi đất, và nếu bạn khinh miệt chuyện mình bị lấm đất, thì bạn đừng cố viết truyện làm gì.” Từ đó nảy sinh một lời cảnh báo đầy giá trị rằng, bạn không thể khơi gợi cảm xúc nơi độc giả bằng các dòng chữ chứa đầy những cảm xúc hay suy nghĩ không thể kiểm soát, và cũng không phải bằng cách trút tới tấp các suy tư đó từ mọi góc cạnh của câu chuyện. Viết văn không phải là nói xàm, nhưng là trình bày cho độc giả thấy. Nếu một nhân vật cứng đơ, thì họ nên có một cái chân gỗ cứng đờ. Nếu nhân cách người này thay đổi, thì phải có môt tên trộm lấy cắp chiếc chân gỗ đó đi!

Đây là một trong các nguyên tắc nền tảng trong văn luật của O’Connor. Các nhân vật và sự kiện có những yếu tố có thể nhận thấy được, chúng mang tính hiện thể và cụ thể. Người ta tin rằng câu nói “thế giới của người viết truyện đầy dẫy vấn đề” ý muốn nói rằng để làm nên một câu chuyện tuyệt vời cần phải có những cảm xúc hay tư tưởng đầy náo động. Hoàn toàn không. Các khái niệm mơ hồ không làm nên câu chuyện. Chính ý nghĩa và sự cố kết trong đời sống mới đem lại tính chất thật cho sự huyền bí hiện sinh của chúng ta trong thế giới này.

Lý do thứ hai giải thích kích lực dẫn truyền trong các tác phẩm của O’Connor, chính là sự huyền bí trên. O’Connor là tinh hoa của huyền bí. Nhãn quan hiện thực của bà không bao giờ lạnh lẽo và đơn điệu. Nói cho đúng, bà tập trung phần nào vào “sự huyền bí của vị thế chúng ta trên địa cầu.” Chủ nghĩa hiện thực của O’Connor luôn luôn quy hướng về huyền bí, vốn được biểu lộ trong những gì không ngờ đến, hay thậm chí là trong những gì kỳ quặc. “Nếu nhà văn tin rằng đời sống chúng ta đang và sẽ là huyền bí, nếu người dó nhìn chúng ta như những hữu thể hiện hữu trong một trật tự được tạo dựng với những quy luật mà chúng ta đáp lại trong tự do, thì những gì người đó thấy bên ngoài sẽ chỉ lôi cuốn anh khi anh có thể đi xuyên qua nó để đến với cảm nghiệm được chính sự huyền bí.” Và điều này có thể xảy ra với bất kỳ điều gì. Ngay cả những bạo lực không nguyên cớ, sự kỳ dị và kỳ quặc, sự hỗn tạp giữa tấn trò hài và sự kinh hoàng, tất cả đều có thể mở rộng tầm mắt của người đọc. Khi chuyện này xảy ra, nó như thể tác giả vừa tát độc giả, xáo trộn nhận thức của họ bằng cách đẩy mặt họ hướng về một hướng khác, nằm ngoài con đường chính. Và thứ bị hạ bệ chính là cái “nhận thức chung”, vốn thế tục, lý tính, và soi sáng một cách mơ hồ, là thứ băng hoại cảm hứng chân thật. Không phải từ những xúc động mật ngọt của thời đại mới, mà là từ chính chấn động nội tâm này, người đọc mới có thể thu lượm được sự an bình thâm sâu và sự thanh thản nội tâm, vốn sẽ cho nhà văn tâm khí hóm hỉnh tốt đẹp (ngay cả khi nhà văn đó mang căn bệnh ban đỏ ác tính gây chết người, như trong trường hợp của O’Connor).

Lý do thứ ba cho sức kích động dẫn truyền của O’Connor là chủ đề của các truyện của bà là “hành động của ân sủng trong vùng đất đa số bị ma quỷ chiếm cứ.” Đây chính là nơi diễn tiến tấn kịch giữa tốt và xấu, cứu rỗi và đọa đày, của ân sủng và sự dữ. O’Connor đã viết đầy nghịch lý rằng, “Trong các truyện của tôi, độc giả sẽ thấy rằng ma quỷ đã làm rất tốt một nền móng có lẽ là cần thiết để cho ân sủng tác động.” Ý thức về sự dữ chính là bảo đảm cho ý thức về huyền bí, và do đó, theo cách nào đó, sự dữ trở thành một “thiết yếu kịch tính cho nhà văn.”

O’Connor đã lặp đi lặp lại xác nhận mình là một nhà văn Công giáo. Bà yêu thích thánh Tôma Aquinô (Tôi là người non nớt theo phái Tôma), thần học gia dòng Tên người Pháp Teilhard de Chardin (người mà bà xem là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất), triết gia Jacques Maritain, và các nhà thần nghiệm như Têrêxa thành Avila và Gioan Thánh Giá. Không có “nhãn quan” mà đức tin đem lại (như kiểu của Dante, và bà không phải là một người mộng ảo, không phải), các tác phẩm của O’Connor chẳng là gì ngoài những dòng mực trên giấy. Xét về điểm này, thì giáo lý đức tin đóng một vai trò căn bản: bà tin rằng tín lý bảo vệ huyền nhiệm để sinh ích cho tâm trí con người, và như vậy bà có thể nói rằng, “Tôi viết với một niềm tin chắc chắn vào tất cả mọi tín lý Kitô giáo.” Và trong các tín lý, trước hết là sự nhập thể: Thiên Chúa trở nên xác phàm, bụi đất. Từ đó, người ta không thể không có cái nhìn khác đi về một thế giới mà bà đã mô tả là “đầy hình ảnh Chúa Kitô”. Những cội rễ cho diễn đạt đầy lý thú này chính là sự nhạy cảm của O’Connor với sự sắc sảo kịch tính và nghịch lý nhất của Ân sủng, vốn có thể làm thô cứng nhân vật: “các nhà văn với nhãn quan đức tin Kitô giáo, đến lúc nào đó, sẽ có những con mắt sắc sảo đối với những gì kỳ quặc, ngược đời và không thể chấp nhận được.”

“Huyền bí là điều gây nhiều khó chịu với tâm trí hiện đại,” O’Connor nhìn nhận như thế, và do đó, các tác phẩm của bà gây khó chịu khủng khiếp, nhưng có một sức hút không thể cưỡng lại. Nó đã truyền cảm hứng cho bạo lực trong phim Pulp Fiction của Tarantino, và mộc mạc mãnh liệt trong âm điệu của bài Nebraska của Springsteen, tất cả đều được thành hình từ nhãn quan của O’Connor về những vùng đất chết. Nó đã gợi hứng cho tiểu thuyết “Và con lừa thấy thiên thần” của Nick Cave, cũng như bầu khí Bible Belt trong nhiều bài hát của ông, nhưng nó cũng truyền cảm hứng cho suy tư thần học mãnh liệt về quan điểm hiện thực thiêng liêng.  Trong lời tựa cho bản dịch tiếng Ý năm 2001 của quyển Huyền nhiệm và các Thái độ, Kitô hữu Raimo đã cho chúng ta nhìn nhận về nhãn quan lớn của O’Connor, bằng cách liệt kể những câu hỏi toát lên từ tác phẩm của bà:

Tại sao bạn viết văn? Làm thế nào bạn trở thành nhà văn? Ơn gọi là gì? Làm sao để người ta thoát khỏi tính quy ngã của mình? Nghệ thuật là gì? Mối liên hệ giữa nghệ thuật và tiền bạc là gì? Nguyên tuyền nghĩa là gì? Làm sao để bạn có thể chân thật với bản thân mà lại lôi cuốn được độc giả? Bạn chăm bẵm tài năng như thế nào? Một câu chuyện là gì? Trọng điểm của câu chuyện là gì? Bạn làm thế nào để cho các nhân vật sống động? Làm sao để bạn trò chuyện với họ? Làm sao để bạn xây dựng được một điểm nhấn biểu tượng? Và còn một câu hỏi tâm diểm, không thể lảng tránh, đó là: nếu Kinh thánh “chẳng là gì ngoài một tấm gương mờ mịt” (1Cr 13,12), thì làm sao bạn có thể cố gắng hiện thể mầu nhiệm Thiên Chúa trong văn học?”

J.B. Thái Hòa dịch