Các doanh nhân Công giáo vật lộn với những công kích của Đức Phanxicô đối với chủ nghĩa tư bản

263

GREGORY J. MILLMAN

Từ khi được bầu, Đức Giáo hoàng Phanxicô thường để tâm nhiều đến hệ thống kinh doanh toàn cầu.

‘Một nền kinh tế không còn hướng đến sự đùm bọc, là một thứ thuốc độc mới, chẳng hạn như nỗ lực tăng trưởng lợi nhuận bằng cách cắt giảm nhân sự,’ đây là những gì giáo hoàng đã viết hồi tháng 11 năm 2013.

Những lời bình luận như thế, tiêu biểu cho các phát biểu, bài viết và thậm chí câu Twitter của giáo hoàng, đã khiến cho các giám đốc điều hành Công giáo phải vật lộn để vừa trung tín với đạo của mình vừa trung thành với các cổ đông của mình.

‘Tất nhiên, tôi nghĩ là ngài đúng khi nói lên những điều này, để cho chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình,’ theo lời của Robert LeBlanc, điều hành tập đoàn bảo hiểm Pháp Aon. Nhưng, ‘khi bạn điều hành một công ty, bạn phải giữ cho nó hoạt động lâu dài. Nếu bạn không thể giữ hết mọi người ở lại, bạn phải làm gì đó.’

Và tranh luận về những điều này không chỉ trong phạm vi giáo hội. Những người Công giáo chiếm 17% dân số thế giới, chiếm đa số ở châu Mỹ La tinh và châu Âu, vậy nên các huấn giáo của giáo hội về kinh doanh có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

‘Bây giờ là một thời khắc then chốt cần phải thống nhất trong giáo hội về việc phân định chủ nghĩa tư bản như thế nào,’ theo lời của Luigino Bruni, giáo sư kinh tế học tại Đại học Lumsa, Roma. Giáo sư Bruni đã giúp tổ chức một hội thảo giáo hội cuối tuần này với mục đích thúc đẩy huấn giáo xã hội của giáo hội.

Hồng y Timothy Dolan, tổng giám mục New York, hồi tháng 5 đã viết rằng giáo hoàng không lên án chủ nghĩa tư bản. Và một vài giám đốc điều hành cho biết họ không có vấn đề gì đối nghịch giữa các lời nhận xét của giáo hoàng về chủ nghĩa tư bản với các trách nhiệm công việc của mình.

Nhưng các tuyên bố của giáo hoàng Phanxicô là một sự đổi hướng rõ rệt khỏi con đường của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi 23 năm về trước, cố giáo hoàng đã viết ra những lời mà thần học gia Công giáo Richard John Neuhaus gọi là ‘một xác nhận rõ ràng dành cho nền kinh tế thị trường.’

Trong khi tán thưởng tinh thần của giáo hoàng, nhiều giám đốc điều hành lại cho rằng sẽ thật khó để thực hành những gì ngài dạy.

‘Tôi đã thấy người ta nói rằng, ‘Tôi hơi chán rồi đấy, hãy xem gã này đang nói gì về chúng ta này,’ đây là lời của Ken Langone, đồng sáng lập Home Depot Inc, khi ông mô tả sự chống đối ông phải chịu lúc cố gắng gây quỹ tu sửa nhà thờ chính tòa thánh Patrick ở New York.

Ông Lagone, chủ tịch và giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Invemed Associates LLC, nhận xét, ‘Hãy nhìn những gì đã xảy đến cho Ba Lan trong 25 năm vừa qua, và nhìn những gì đang xảy ra ở Argentina, họ đang đi ngược về tình trạng ban đầu.’ Ông xem lời phê phán của vị giáo hoàng Argentina dành cho thị trường tự do, có quan hệ với việc ngài chẳng biết nhiều về bất kỳ dạng nào ngoại trừ kiểu ‘chủ nghĩa tư bản dựa trên quan hệ quen biết’ của nước Argentina quê hương ngài.

Domingo Sugranyes Bickel, cựu phó chủ tịch của công ty bảo hiểm Tây Ban Nha Mapfre SA, cho biết ông tự hỏi không biết có bao nhiêu quan niệm của doanh nhân làm phiền lòng giáo hoàng.

Ông Sugranyes, chủ tịch một quỹ được chính giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập, nhận định rằng, ‘Nếu thông điệp của giáo hoàng có tác động, nó phải thực tế. ‘Hi vọng rằng, trong triều giáo hoàng hiện thời, sẽ nỗ lực để trước hết nhận ra được vấn đề thực sự nằm ở đâu, thay vì phủ đầu từ trên xuống như vậy.’

Pierre Lecocq, CEO của tập đoàn Inergy Automotive Systems, cho biết rằng khi mức bán hàng của tập đoàn sụt mất một nửa trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, ông đã cắt giảm đến 1,500 người trong bộ máy nhân sự 5,500 người. Ông Lecocq cho biết ông không có gì khó khăn để hòa hợp những quyết định như thế với huấn giáo xã hội. ‘Tôi không cắt giảm nhân sự để tăng lợi nhuận, nhưng là để cứu công ty. Khi gặp vấn đề sống còn, bạn chẳng còn chọn lựa nào khác’

Một vài doanh nhân Công giáo nói rằng huấn giáo xã hội của giáo hoàng không những không mâu thuẫn với họ, mà còn khuyến khích thực hành kinh doanh đúng đắn.

Jose Ignacio Mariscal, giám đốc công ty thực phẩm Grupo Bimbo của Mexicô nói rằng, ‘Tất nhiên, bạn phải có lập luận và có một cơ cấu điều hành có hiệu quả. Nhưng kết quả là, cuối cùng, chúng tôi có nhiều nhân công hơn lúc ban đầu, bởi công ty phát triển. Chúng tôi phát triển thị trường.’

Francesco Paolo Fulci, chủ tịch công ty bánh kẹo Ý Ferrero SpA, cho biết công ty rất chú tâm đến huấn giáo Công giáo, và hàng năm đều tổ chức buổi gặp chung thường niên tại đền thánh kính Đức Mẹ tại Lourdes, nước Pháp.

‘Những gì tôi có thể nói với bạn là, ở Ferrero SpA này, chúng tôi không có gì phải phiền lòng về tất cả các thông điệp của giáo hoàng.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch