Các thiên thần của đời sống thực tế

235

petitapetitour.com, 23-9-2014

Từ hơn một năm nay, đa số các e-mail của tôi đều bắt đầu bằng câu giới thiệu sau: “Chúng tôi là ba sinh viên Pháp, chúng tôi xúc động vì lời kêu gọi đi ra vùng ngoại biên của Đức Phanxicô (….)” ».  Nhưng từ vài tháng nay tôi không dám nói câu này nữa. Tôi không thể. Câu này hoàn toàn đúng, rất đúng là khác; nó còn giúp tôi tóm tắt tiến trình của chúng tôi trong vài chữ ngắn gọn. Nhưng nó có dễ sợ lắm không? Đâu là tình yêu trong những chữ này? Đâu là niềm vui? Đâu là hy vọng?

Hôm nay tôi muốn cho câu này có chất liệu hơn. Vì chúng tôi vừa mới đến Buenos Aires, thành phố thân thiết của Đức Phanxicô mà khái niệm “ngoại biên” mang trọn ý nghĩa của nó. Như vậy tôi xin phép được bổ túc thêm…

Chúng tôi là ba sinh viên Pháp, chúng tôi xúc động vì lời kêu gọi đi ra vùng ngoại biên của Đức Phanxicô! Từ ba ngày nay, vùng ngoại biên là đời sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi đang ở một trong những khu phố nghèo nhất Buenos Aires, khu phố Constitución, nơi chúng tôi được các nữ tu Cộng đoàn Con Chiên tiếp đón. Những “con người nhân đạo” này là thiên thần hộ  thủ của chúng tôi. Không có các xơ, bạo lực đường phố sẽ chốt chúng tôi từ lâu. Nhưng áo dòng, tràng chuỗi, nụ cười của các xơ là mộc che chắc chắn của chúng tôi.

Các nữ tu mặc áo xanh này chỉ sống nhờ khất thực nhưng họ sống trong tinh thần nghèo khó theo nghĩa cao thượng nhất của nó, xem tinh thần nghèo khó không phải là một hình thức của sự khốn cùng nhưng như một phương tiện để tiếp cận trực tiếp với tầm mức phong phú của đời sống thiêng liêng, với chính Chúa Kitô. Vì chính nơi ngoại biên của cuộc hiện sinh mà Đức giáo hoàng nói này không phải là nơi ở của những người không có gì để ăn, không có gì để mặc hay không biết lo cho mình, nhưng chính là nơi ở của những người từ chối không nhận biết Chúa. Khi đến gần người nghèo ở ngoài đường, các nữ tu  không mang thức ăn, không mang áo mặc, không mang thuốc men, họ chỉ có Chúa trong túi xách của họ.

Như thế, thứ sáu vừa qua, cùng với tám thiên thần hộ thủ, chúng tôi đến ga Constitución. Chúng tôi đi như rước kiệu, tôi đi đầu cầm tượng Đức Mẹ Luján, thánh bổn mạng của nước Argentina. Đàng trước tôi, người dân tránh ra và họ quỳ gối xuống, sau khi lần bốn tràng hạt, chúng tôi đến nhà ga.

Ở đây tất cả đều chuyển động, vội vã và ồn ào. Khốn cùng và bất công. Trẻ con lao động ở bên cạnh các ông về nhà sau một ngày làm việc. Các cô gái mang thai ở tuổi mười bốn ở bên cạnh các bà mẹ và con cái của họ.

Và trong bóng tối này, các nữ tu đến mang theo một chút ánh sáng của họ: Đức Mẹ Bảo Trợ. Các nữ tu làm thành một vòng và bắt đầu hát. Trẻ con sốt ruột chờ giây phút này – điều này thấy rõ – các em chạy đến gặp chúng tôi. Một em bé gái đến cầm bức tượng. Ngay lập tức tôi nghĩ “Cô bé ấy làm gì vậy?” Cô sẽ lấy bức tượng của chúng tôi sao?”. Không. Cô bé hôn bức tượng Đức Mẹ Luján và lần lượt đưa cho mỗi chúng tôi, xin chúng tôi bắt chước em.

Tất cả mọi xáo động chung quanh, tất cả khốn cùng chung quanh chúng tôi chỉ còn là cát bụi. Vòng tròn nhỏ của chúng tôi trở nên rào chắn, sự dữ của nhà ga không thể xâm nhập vào được, một thành trì kiên cố nơi có bình an ngự trị.

Và đó là mang Chúa đến cho các em bé nghèo này. Mang đến cho các em bình an của Chúa nơi bầu khí chung quanh là bạo lực. Là biến đổi vùng ngoại biên của các em thành ốc đảo bình an, dù chỉ trong khoảng khắc vài phút.

Tôi mong có thêm chất liệu cho câu viết mở đầu quen thuộc các e-mail của tôi. Nhưng rốt cuộc tôi sẽ không thay đổi. Chỉ trong ba chữ, mọi sự đã được nói lên.

Trong Chúa Kitô

Jean

Marta An Nguyễn dịch