“Phong trào Canh tân đặc sủng trở nên hướng nội hơn”

455

Tín hữu của các cộng đoàn Canh tân ca ngợi và thờ phượng Thánh Tâm ở Đền thờ Thánh Gioan Latran ở Rôma ngày 1 tháng 6-2017.

la-croix.com, Céline Hoyeau (Rôma), 2017-06-02

Bà Denise Bergeron, 60 tuổi, độc thân, tận hiến, Giám đốc Trung tâm Cầu nguyện Giao ước, Canada, thành viên trong hội đồng Canh tân đặc sủng Công giáo Quốc tế (ICCRS), bà tham dự ngày Kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào Canh tân đặc sủng ở Rôma.

Theo bà, phong trào thức tỉnh thiêng liêng xuất hiện cách đây 50 năm trong  Giáo hội công giáo bây giờ có tính cách “hướng nội” hơn.

Báo Thập giá: Sau 50 năm ra đời, phong trào Canh tân đặc sủng có còn thích ứng khi bối cảnh đã thật sự thay đổi không?

Denise Bergeron: Về phần tôi, tôi dấn thân trong sứ vụ chữa lành nội tâm và chúng tôi thấy, những người đến cầu nguyện trong các nhà cầu nguyện của chúng tôi không nhất thiết là tín hữu, nhưng họ rất khao khát có một đời sống thiêng liêng, họ có rất nhiều tổn thương trong lòng. Trong một đất nước ở trong cơn khủng hoảng, không còn giữ gốc gác kitô, có tất cả về mặt vật chất như nước Canada, nhưng lại có những tổn thương sâu đậm về mặt đạo đức. Những người này không còn có ai để lắng nghe họ hoặc tỏ một tấm lòng trắc ẩn vô vị lợi đối với họ. Và những người đến trong các nhà cầu nguyện của chúng tôi, cái họ tìm là được nghỉ ngơi, là có bình an nội tâm.

Và cũng tìm chữa lành nữa?

Ở Canada, chúng tôi rất cởi mở về vấn đề chữa lành nội tâm, nhưng đó là một dụng cụ: mục đích không nhất thiết là được chữa lành, nhưng là để gặp Chúa Giêsu. Họ cảm thấy được yêu thương, được đón nhận, họ không còn cảm thấy trơ trọi và đó là điều mang họ lại với đời sống. Thường thường, các tổn thương trong đời sống làm chúng ta cắt đứt quan hệ với Chúa và với người khác, chúng ta co cụm lại và tâm hồn khép kín. Nhưng với lời cầu nguyện, với lắng nghe, đương sự để cho mình được làm quen và tâm hồn được mở ra trở lại, họ tiếp tục lên đường.

Ơn Chúa Thánh Thần xuống, chính xác là như vậy, và lúc đó họ cảm thấy mình được đón nhận: người ta có thể nghe tất cả các lý thuyết có thể có về Chúa, nhưng tại đây, người ta được đánh động vì được nhận ơn Chúa, họ sống được kinh nghiệm có sự hiện diện của Chúa, Đấng làm cho chúng ta hiểu ý nghĩa của cuộc đời với con mắt của quả tim.

Canh tân không hứa hẹn một cách thái quá là chữa lành cho tất cả, đôi khi chập mạch với các trung gian hòa giải của con người?

Ngày nay khi chúng tôi nhìn lại với tất cả những gì đã sống qua, đúng, chúng tôi nhận thấy mình đã có nhiều sai lầm. Chúng tôi đã quá chú tâm đến chữa lành. Cũng có những người không bao giờ có thể đi xa hơn chuyện này: họ xin chữa lành, đó là những gì họ muốn trước hết.

Cá nhân tôi, tôi biết phong trào Canh tân từ năm 1974: Chúng tôi nhận ơn này và chúng tôi không biết làm gì với nó! Chúng tôi đầy tràn ơn Chúa mà chúng tôi không bao giờ cảm nhận gì… Nhưng chúng tôi không được đào tạo cho đủ. Trong hàng chục năm qua, những gì tôi học được, là để mình được dạy dỗ bởi các linh mục, giáo hoàng, bởi sách vở… và đừng bao giờ cảm thấy mình đã đến đích.

Dĩ nhiên, chúng tôi cũng học qua các sai lầm của mình trong quá khứ, nhưng cũng sẽ còn các sai lầm. Nó nằm trong bản thể con người bị tổn thương, nhưng đó không phải lý do để chúng ta ngừng lại. Đôi khi mình còn nghiêm khắc hơn Chúa Lòng Lành! Qua các khốn cùng của chúng ta, Chúa dạy dỗ chúng ta. Có thể qua các thất bại của mình, chúng ta mới được nắm bắt lại. Phong trào Canh tân đặc sủng bây giờ không còn như xưa, không còn là hình ảnh đưa tay lên ca ngợi… Phong trào bây giờ hướng nội hơn. Canh tân đã đi vào thời kỳ trưởng thành, chính xác đó là nhờ các sai lầm đã phạm.

Người ta cũng trách là phong trào Canh tân chưa dấn thân đủ vào thế giới?

Lời trách cứ này khá bất công, vì như quý vị có thể nhìn vào trong tất cả các giáo xứ, giáo dân đến tìm những người ở trong phong trào Canh tân, họ dấn thân ở trong tất cả các lãnh vực, trong các hội từ thiện, trong các công việc phục vụ Giáo hội… Có thì giờ cho tất cả mọi việc, thì giờ để cầu nguyện, thì giờ để hành động nhưng Canh tân đã đáp lại lời mời gọi dấn thân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch