Để hiểu Đức Phanxicô, hãy nhìn vào các tu sĩ Dòng Tên

481

Washington Post, Religion News Service, David Gibson, 12-3-2014

Thành phố Vatican – Vì sao Giáo hoàng Phanxicô đã đảo ngược quá nhiều kỳ vọng, chính xác ngài đã thay đổi Giáo hội Công giáo như thế nào trong năm đầu tiên nhiệm chức của mình, ngài dự tính gì cho tương lai- những điều này đã trở thành câu chuyện đầu môi của người Công giáo.

Và chìa khóa duy nhất có thể đưa ra câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi này vẫn là: Căn tính linh mục Dòng Tên của Đức Phanxicô.

Đó chính là đặc nét đầy chuyên nghiệp và cũng đầy cá tính mà cựu hồng y Jorge Bergoglio đã có từ thời ở Buenos Aires, và cũng là điều tiếp tục định hình gần như tất cả mọi việc ngài làm với tư cách Giáo hoàng Phanxicô.

“Có vẻ ngài hành động như một tu sĩ dòng Phanxicô nhưng suy nghĩ theo Dòng Tên”, cha Thomas Resse, một tu sĩ Dòng Tên, và cũng là nhà viết bình luận cho báo National Catholic Reporter, đã bình luận như thế.

Thật vậy, khi nhìn vào việc ngài nhấn mạnh đền việc giúp đỡ những người ở ngoài lề xã hội và quyết định lấy danh hiệu là Phanxicô Đaxi, vị thánh bảo trợ cho người nghèo, chúng ta sẽ dễ nhầm lẫn tân giáo hoàng của mình là một tu sĩ Dòng Phan Sinh. Nhưng ngài là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, một dòng tu nổi danh vì có những nhà truyền giáo, các thánh tử đạo và cũng vì có những nhà trí thức uyên bác về mặt thế tục.

Thật vậy, “Dòng Tên” cho chúng ta một lịch sử hàng thế kỷ và đặc nét độc nhất vô nhị về đào tạo thiêng liêng, để từ đó đi được một bước dài trong việc tìm hiểu Đức Phanxicô là ai và ngài sẽ đưa giáo hội về đâu.

Từ lòng nhiệt tâm đối với công bằng xã hội và lòng nhiệt thành truyền giáo, cho đến đặt trọng tâm xây dựng một thế giới rộng mở hơn, cũng như ưu tiên chọn những hành động hợp tác thay vì ép buộc, tất cả đã cho thấy Đức Phanxicô là một tu sĩ dòng Tên từ đầu đến cuối. Và với tư cách là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, ngài gợi lại mạnh mẽ những ký ức hằn sâu về một dòng tu đã phải chịu nhiều ngờ vực bởi Rôma, và gần đây nhất là bởi người tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđictô XVI.

Các linh mục Dòng Tên rõ ràng là đã được khuyên không nên làm giám mục, lại càng không làm giáo hoàng, và thái độ đứng ngoài này giúp giải thích cho việc ngài sốt sắng tự nguyện từ bỏ, một truyền thống đã được bảo bọc suốt hàng bao thế kỷ.

“Chúng ta không bao giờ tưởng tượng việc một tu sĩ dòng Tên có thể trở thành giáo hoàng. Đó là một việc bất khả thi,” đây là lời của cha Antonio Spadaro, một tu sĩ dòng Tên, và là người đã có bài phỏng vấn dài với giáo hoàng cũng như biết ngài rất rõ. “Một cách nào đó, tôi thấy thật khủng hoảng khi ngài được bầu. Người ta tin rằng, chúng tôi, những tu sĩ Dòng Tên nên phục vụ giáo hoàng chứ không làm giáo hoàng.”

Một tu sĩ dòng Tên là một tu sĩ như thế nào?

Dòng Chúa Giêsu, hay Dòng Tên, được thánh Inhaxiô thành Loyola sáng lập vào những năm 1530, ngài là một quân sĩ xứ Basque, trong thời gian dưỡng thương, ngài đuợc biến đổi tận căn về mặt thiêng liêng. Inhaxiô lập nên Linh thao, dùng để hướng dẫn các buổi tĩnh tâm nổi tiếng của Dòng Tên, và rồi năm 1540, ngài cùng với sáu sinh viên thần học khác của trường Đại học Paris, được giáo hoàng Phaolô III thừa nhận là một dòng tu chính thức của Giáo hội.

Xét nhiều mặt thì Dòng Tên cũng như các dòng tu khác, Dòng Phanxicô hay Dòng Đa Minh. Các tu sĩ dòng Tên có lời thề khó nghèo, khiết tịnh, và vâng lời, họ sống thành cộng đoàn, chia sẻ mọi sự với nhau. Nhưng không giống như các linh mục giáo phận, họ không được phong chức theo giáo phận nào cả, và cũng không phục vụ cho giám mục địa phương.

Dòng Tên chỉ có dòng nam, không có dòng nữ. Dòng có một cấu trúc và đặc nét gần như theo phong cách quân đội, với những đạo quân hùng mạnh sẵn sàng đến bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào Giáo hội cần. Họ “chiêm niệm trong hành động”, theo lời thánh Inhaxiô, và có một thời gian đào tạo và dọn lòng đặc biệt kéo dài trước khi khấn trọn, thường là khoảng 10 năm hoặc hơn.

Và quá trình đào tạo vẫn chưa dừng ngang đó. Vài năm sau đó, hầu hết các tu sĩ Dòng Tên khấn lời khấn thứ tư là vâng phục giáo hoàng “trong sứ mạng”.

Nếu Giáo hội cần đưa người theo đạo Tin Lành trở lại đạo, thì Giáo hội phải gởi các tu sĩ Dòng Tên đi. Nếu Giáo hội cần đưa đạo Công giáo đến những vùng đất mới, như Á châu hay Châu Mỹ La Tinh, thì các tu sĩ Dòng Tên sẽ lên đường ngay, không nghĩ đến ngày về. Để thăng tiến việc truyền giáo cho Giáo hội, các tu sĩ Dòng Tên đã định hướng tâm trí cho không biết bao nhiêu thế hệ qua các trường đại học như Georgetown, Fordham và Boston College.

Dù khởi đầu đơn giản, nhưng Dòng Tên nhanh chóng trở thành (và vẫn còn là) dòng lớn nhất trong Giáo hội Công giáo. Bề trên Tổng quyền của dòng được gọi là “Giáo hoàng đen” vì  chiếc áo chùng thâm đen đơn sơ đặc biệt của ngài cũng như quyền lực to lớn mà ngài đang nắm. Không ngạc nhiên mấy khi các hồng y không bao giờ muốn bầu một tu sĩ Dòng Tên làm giáo hoàng, và cũng không ngạc nhiên khi Dòng lại là mục tiêu triệt hạ của Giáo hội mà dòng được kêu gọi để phục vụ.

Năm 1773, các quốc vương Công giáo ngờ vực ảnh hưởng và sự độc lập của Dòng Tên, nên đã gây áp lực với giáo hoàng Clement XIV để giải tán dòng, tuyên bố dòng “vĩnh viễn bị giải tán và xóa sổ”. Nhưng năm 1814, dòng được phục hồi, và năm nay các tu sĩ dòng Tên mừng 200 năm sự kiện này cùng với kỷ niệm tròn 1 năm, một người trong dòng được kế vị ngai tòa Phêrô.

Vào thập niên 1960, các tu sĩ Dòng Tên cùng nhau chọn một bước ngoặc quyết định là tập trung vào phục vụ người nghèo và công bằng xã hội. Trong các nước đang phát triển, Dòng Tên đứng đầu chiến tuyến của các phong trào nổi bật vì người nghèo, như thần học giải phóng, và cũng có số tu sĩ tử đạo nhiều nhất: ở El Salvador, sáu tu sĩ Dòng Tên, cùng với người giúp việc và con gái của bà đã bị một đơn vị quân đội Salvador hành quyết tàn nhẫn vào năm 1989.

Cùng lúc đó, Vatican dưới thời giáo hoàng Gioan Phaolô II – với phụ tá đặc trách về giáo lý là hồng y Joseph Ratzinger – đã điều tra, phạt vạ, và đôi khi bịt miệng những thần học gia của Dòng Tên, những người được xem là quá hăng hái trong việc gắn Tin Mừng vào những phong trào xã hội đáng ngờ.

Dòng Tên cũng trở thành nạn nhân của cái gọi là “tử đạo trắng” trong tay giáo hoàng. Gần đây, năm 2005, linh mục Thomas Reese đã bị buộc thôi chức biên tập viên của tạp chí America của Dòng Tên, khi người đối lập quan điểm với cha là hồng y Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng Bênêđictô XVI và đã ra lệnh Dòng trục xuất cha.

Vậy Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên theo kiểu nào?

Là tu sĩ Dòng Tên ở Argentina, được phong chức năm 1969, Jorge Bergoglio cũng xác định đặc tính của mình trong đống hỗn loạn náo động của hoàn cảnh thời đó. Ban đầu, ngài vào Dòng Tên vào những năm 1950 vì “bị lôi cuốn bởi quan điểm của dòng, sống theo khuôn khổ quân đội, và là đội tiên phong của Giáo hội”. Nhưng ngài đã không biết nhiều về mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến sắp đặt ra trước mắt mình.

“Chiến tranh bẩn” ở Argentina bùng nổ vào thập niên 1970, và bạo lực lan tràn khắp nước, đe dọa đến nhiều linh mục, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên, cho dù chế độ thời đó cũng nhờ nhiều vào hàng giáo phẩm. Ở tuổi 36, Bergoglio được bổ nhiệm làm Bề trên Giám tỉnh của Dòng Tên ở Argentina, bị ném vào một khối hỗn loạn cả bên trong lẫn bên ngoài, một thử thách khó khăn cho cả những ai dày dạn nhất.

“Thật là điên rồ. Tôi đã phải đối phó với những tình thế thật khó khăn, và tôi đã ra những quyết định một cách cộc lốc và chỉ dựa vào bản thân mình”, Đức Phanxicô đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, và nhìn nhận rằng “lối ra quyết định độc đoán và quá nhanh đó đã dẫn tôi đến những rắc rối nghiêm trọng và bị quy kết là người bảo thủ cực đoan”.

Bergoglio hoàn toàn theo sát bước ngoặc căn bản của Dòng Tên là đứng ra bảo vệ người nghèo, cho dù bản thân ngài lại bị xem là kẻ thù của thần học giải phóng và của nhiều thành viên trong dòng, nhưng có một số khác trong dòng lại hết lòng ủng hộ ngài. Ngài tránh xa chủ nghĩa truyền thống nhưng vẫn bị nhiều người xem là quá chính thống. Những người chỉ trích cho rằng ngài hợp tác với chính quyền quân phiệt Argentina mặc dù tiểu sử của ngài cho thấy rõ ngài đã thận trọng hành động để cứu mạng sống của nhiều người.

Tuy thế, những mưu toan chống lại Bergoglio trong nội bộ Dòng Tên vẫn tiếp diễn, và đầu thập niên 1990, ngài bị đẩy ra khỏi Buenos Aires “lưu đày” đến một thành phố vùng ven, và theo lời ngài thì đó là “thời gian nội tâm bị khủng hoảng vô cùng”.

Tuy nhiên, theo truyền thống cổ điển của Dòng Tên, thì Bergoglio phải tuân theo lệnh của dòng và tìm ý Chúa trong mọi sự. Ngược đời thay, sự ghẻ lạnh của Dòng Tên lại thúc đẩy hồng y Antonio Quarracino của Buenos Aires bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá cho mình vào năm 1992.

Một người trong Dòng Tên Argentina thời đó đã nói rằng, “Một tu sĩ dòng Tên xấu có thể trở thành một giám mục tốt.”

Năm 1998, Bergoglio kế vị Quarracino làm tổng giám mục Buenos Aires. Năm 2001, giáo hoàng Gioan Phaolô II phong ngài làm hồng y, một trong hai tu sĩ Dòng Tên duy nhất trong 120 thành viên của Hồng y đoàn.

Nhưng sự thăng tiến của ngài trong hàng giáo phẩm dường như chỉ củng cố thêm các ngờ vực trong lòng những người đối lập với ngài trong Dòng Tên. Trong những chuyến viếng thăm thường niên đến Rôma, Bergoglio không bao giờ ở lại nhà mẹ của Dòng Tên, mà lại đến ở nhà khách linh mục cùng với các giám mục khác. Năm 2005, Mật nghị Hồng y đã bầu lên giáo hoàng Bênêđictô XVI, Bergoglio là người về nhì, nhờ đó nhiều tu sĩ Dòng Tên được thở phào nhẹ nhõm.

Rồi khi Bergoglio được bầu làm giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013, người ta có thể thấy rõ sự kinh ngạc chung trong các cộng đoàn Dòng Tên khắp thế giới.

“Sự thật là trong nội bộ ngài đã phần nào bị các tu sĩ Dòng Tên loại trừ, nếu không thì ngài đã không làm giám mục”, đó là lời chia sẻ của cha Humberto Miguel Yanez, một tu sĩ dòng Tên Argentina như Đức Phanxicô, và là trưởng ban thần học luân lý của Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rôma – một trường của Dòng Tên còn được gọi là “Havard của giáo hoàng”.

Và nếu ngài đã không thành giám mục, thì ngài cũng sẽ không thành hồng y, và cuối cùng là sẽ không thành giáo hoàng, vì theo truyền thống, Hồng y đoàn sẽ chọn một người trong hàng ngũ của mình để kế vị thánh Phêrô.

“Hòn đã người thợ xây vứt đi, trở thành hòn đá tảng góc tường.” Yanez dùng lời của Chúa Giêsu trong Phúc âm thánh Matthêu để nói đùa.

Vậy một giáo hoàng Dòng Tên sẽ làm gì cho Giáo hội?

Tất nhiên bây giờ, tất cả mọi chuyện đã được bỏ qua. Tổng quyền đương nhiệm của Dòng Tên, cha Adolfo Nicolas nói Đức Phanxicô là “người anh em trong dòng như những anh em khác”, còn Đức Phanxicô đã đề cao tầm quan trọng của Dòng Tên và con đường của thánh Inhaxiô đối với Giáo hội.

Phanxicô cũng biết rằng nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là ở Vatican, vẫn còn nhiều oán giận đối với Dòng Tên, nhưng ngài không để việc này thay đổi dấu ấn của phong cách dòng Tên sâu đậm nơi ngài.

Tháng 12 vừa qua, ngài đã bỏ qua những quy trình thường lệ để phong thánh cho chân phước Peter Favre, một trong những đồng bạn thưở ban đầu của thánh Inhaxiô, người mà Đức Phanxicô ca ngợi là “đối thoại với tất cả mọi người, kể cả những người xa cách nhất và cả những người đối lập với mình”. Và đó cũng có thể xem là phong cách của tân giáo hoàng. Ngài sống đơn sơ, từ chối sống ở Dinh thự giáo hoàng theo truyền thống, ngài sống ở Nhà trọ Thánh Mácta, một cộng đoàn nhỏ bên trong nhà khách Vatican.

Giáo hoàng cũng mạnh mẽ dạy rằng các tu sĩ khác, đặc biệt là trong hàng giáo phẩm, phải biết tránh lợi ích và đặc quyền dành cho địa vị của mình, thay vào đó phải học để biết hành động và sống như người tôi tớ phục vụ đàn chiên, theo đúng ơn gọi của mình.

Phong cách mục vụ của Đức Phanxicô còn thể hiện qua hình thức cai quản của ngài. Một trong những hành động đầu tiên của ngài là đặt ra một hội đồng 8 Hồng y từ khắp thế giới – không một ai trong họ ở trong bộ máy trật khớp của Giáo triều Rôma – họ hoạt động như một nhóm cố vấn không chính thức của Giáo hoàng, gần giống với phương thức tổ chức của các bề trên Dòng Tên. Ngài cũng dùng một kiểu tương tự như thế khi giải quyết những sứ vụ đặc biệt, như việc kiểm tra tài chính Vatican.

Ken Hackett, đại sứ Tòa thánh ở Hoa Kỳ nói, “Toàn bộ ý tưởng là do các ủy ban soạn, được thăm hỏi ý kiến rộng rãi, được quy tụ bởi những người thông minh quanh mình, rồi sau đó bạn quyết định – tôi nghĩ đó là cách các bề trên Dòng Tên điều hành.”

Hình thức nhận định này – lắng nghe hết mọi người, suy nghĩ kỹ mọi điều trước khi hành động – chính là đức tính chủ yếu trong linh đạo của thánh Inhaxiô và điều này nằm sâu trong con người của Đức Phanxicô đồng thời là cốt lõi cho sự tận tâm “biến đổi” cương vị giáo hoàng cũng như toàn bộ Giáo hội. Ông Paul Vallely, người viết tiểu sử của giáo hoàng đã viết, “Hành trình từ Bergoglio đến Phanxicô là một hành trình đi chưa hết”.

Nhưng điều này cũng có nghĩa là khó để nói chính xác điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Đức Phanxicô là người khôn ngoan sắc sảo và đã rất nhiều lần ca ngợi “sự khôn lanh thánh thiện” của Dòng Tên – có thể gọi là “khôn ngoan như con rắn và hiền lành như bồ câu” theo lời Chúa Giêsu. Tuy vậy, sự mở lòng của Giáo hoàng, cũng là một đặc nét của quá trình đào tạo và phát triển trong Dòng Tên, cũng có nghĩa là chính ngài cũng không biết chắc Thần Khí sẽ dẫn dắt ngài đi đến đâu.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Đức Phanxicô đã nói, “Tôi thú nhận, vì tâm tính của tôi, nên những câu trả lời đầu tiên đến trong đầu tôi thường là những câu trả lời sai lầm.

“Tôi không nắm hết mọi câu trả lời. Tôi không nắm hết mọi câu hỏi. Tôi luôn luôn nghĩ về những câu hỏi mới và lúc nào cũng có những vấn đề mới sẽ đến.”

jesuites

Đức Giáo hoàng và các Linh mục Dòng Tên trong Cuộc họp tổng công nghị thứ 36 tại Rôma ngày 24 tháng 10-2016. Bên mặt Đức Phanxicô là Tân Bề trên tổng quyền Arturo Sosa Abascal.

 

Bản dịch của J.B. Thái Hòa