Chống lãnh đạm toàn cầu hóa bằng đồng cảm toàn cầu hóa

184

Vatican Insider | Iacopo Scaramuzzi | 29-04-2016

Đức Phanxicô 20160429

 ‘Chúng ta phải chống lại một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng biến con người thành vật tế thần khi một cơ chế vị lợi thắng thế trên giá trị con người. Phải đương đầu với sự lãnh đạm toàn cầu hóa bằng sự đồng cảm toàn cầu hóa.’

Đây là những lời của Đức Giáo hoàng trong bài diễn văn với những người tham dự hội nghị quốc tế về y học tái sinh. Hội nghị lần thứ ba về dược phẩm tái sinh với tên gọi, ‘Nhận thức tế bào, cách mà khoa học, kỹ thuật, thông tin và truyền thông sẽ tác động đến thế giới.’

Đức Thánh Cha nhắn nhủ, ‘Khi làm mục vụ, cha thường gặp những người mắc những chứng bệnh ‘hiếm.’ Những bệnh này hành hạ hàng triệu người trên khắp thế giới, gây đau khổ và lo lắng cho những người chăm sóc cho họ, nhất là gia đình họ. Hội nghị này diễn ra trong Năm Toàn xá Lòng Thương xót, là một dấu chỉ hi vọng, quy tụ những người, những tổ chức từ các nền văn hóa, xã hội và tôn giáo khác nhau, tất cả cùng một bận tâm sâu sắc cho người bệnh.’

Đức Phanxicô nhấn mạnh ba khía cạnh trong việc chiến đấu với bệnh tật:

‘Một là thêm nhạy cảm. Điều quan trọng căn bản là chúng ta phải thăng tiến sự đồng cảm trong xã hội, đừng cứ lãnh đạm với tiếng kêu cứu của người lân cận trong đó có những người đang chịu đựng bệnh tật. Chúng ta biết rằng mình không thể lúc nào cũng tìm ra những cách chữa trị nhanh chóng những chứng bệnh phức tạp, nhưng chúng ta có thể nhanh lẹ chăm sóc cho những người này, những người thường bị bỏ rơi, bị làm ngơ. Chúng ta phải nhạy cảm với tất cả mọi người, không phân biệt niềm tin tôn giáo, địa vị xã hội hay văn hóa.

Hai là ‘nghiên cứu’ một sự điều hướng cho những nỗ lực của chúng ta, trong hai lĩnh vực không thể tách rời đó là nghiên cứu khoa học đích thực và giáo dục. Thời nay, hơn bao giờ hết, chúng ta thấy nhu cầu khẩn thiết cần một nền giáo dục không chỉ phát triển khả năng tri thức mà còn bảo đảm đảm đào tạo con người toàn diện và tư cách nghề nghiệp ở mức độ cao nhất. Từ quan điểm sư phạm, thì trong y khoa và khoa học sự sống cần phải có những khóa học đa học thuật để tạo điều kiện cho đào tạo con người có tiêu chuẩn đạo đức. Dù là trong hàn lâm hay công nghiệp, khi nghiên cứu đều cần sự chú tâm không chút dao động với những vấn đề luân lý, để nghiên cứu trở nên phương tiện bảo vệ sinh mạng và phẩm giá con người. Do đó, đào tạo và nghiên cứu, là để phục vụ những giá trị cao hơn, như tình đoàn kết, quảng đại, tinh thần cao thượng, chia sẻ kiến thức, tôn trọng sinh mạng, và một tình yêu thương thân ái quên mình.

Cuối cùng là bảo đảm cho mọi người được chăm sóc. Trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, cha đã nêu bật giá trị của tiến bộ con người trong những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và truyền thông. Cha cũng nhấn mạnh nhu cầu phải chống lại một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng biến con người thành vật tế thần khi một cơ chế vị lợi thắng thế trên giá trị con người. Đây là lý do vì sao phải đương đầu với sự lãnh đạm toàn cầu hóa bằng một sự đồng cảm toàn cầu hóa. Chúng ta được kểu gọi để cho khắp thế giới biết về vấn đề những chứng bệnh hiếm này, để đầu tư vào giáo dục thích đán, để tăng thêm quỹ nghiên cứu, và thúc đẩy những pháp chế cần thiết cũng thay đổi luận thuyết kinh tế. Như thế, chúng ta sẽ tái khám phá vị trí trung tâm của con người. Nhờ những nỗ lực cộng tác ở nhiều mức độ và nhiều ngành khác nhau, không chỉ có thể tìm được những giải pháp cho đau khổ đang hành hạ những anh chị em đang bị bệnh, mà còn bảo đảm cho họ được chăm sóc.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch