Giáo hoàng Phanxicô cùng với Thomas Piketty và IMF chống lại ‘Tội’ Bất bình đẳng

205

Huffington Post | 28-4-2014

thomas piketty pope francis

Kinh thánh đã cảnh báo rằng tiền là gốc rễ sinh ma quỷ, và giờ đây giáo hoàng Phanxicô đã đi xa hơn, lên án nạn bất bình đẳng ngày càng tăng là nguyên do gây nên ‘tội xã hội’.

Giáo hoàng lên tiếng cảnh báo trên Twitter sau khi ngài đã có công kích rằng ‘ngẫu tượng tiền bạc’ giúp tạo nên ‘một bạo chúa mới’ của chủ nghĩa tư bản tự do.

‘Giới răn viết rằng ‘Ngươi chớ giết người’, đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị mạng sống con người, ngày nay, chúng ta cũng phải lên tiếng mà rằng ‘ngươi chớ’ với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế giết người.’ đó là lời ngài đã nói hồi tháng 11 vừa qua.

Giáo hoàng có thể cậy đến nhà kinh tế hàng đầu người Pháp Thomas Piketty và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để kết đồng minh trong cuộc chiến chống lại nạn bất bình đẳng. Piketty đã chỉ rõ sự gia tăng chấn động của nạn bất bình đẳng qua thời gian, còn IMF đã phân tích mức độ kìm hãm kinh tế của nạn bất bình đẳng. Ngay cả cựu bộ trưởng Chris Huhne cũng nói rất nhiều về nạn bất bình đẳng trong bài báo đăng trên tờ Guardian.

Trong quyển sách của mình, Tư bản trong thế kỷ XXI, thuộc nhóm bán chạy hàng đầu trên Amazon.com, Piketty đã chỉ ra sự phân bổ tài sản đã thay đổi thế nào qua nhiều thế kỷ.

Theo phân tích đã gây nên nhiều bình luận xôn xao này, thì chưa bao giờ người giàu lại giàu như hiện nay, thậm chí còn hơn thời kỳ sau cuộc Đại Khủng hoảng kinh tế và sau các Thế chiến nữa.

Piketty viết rằng: ‘Từ năm 1977 đến 2007, 10% những người giàu nhất đã nắm đến 3/4 giá trị kinh tế gia tăng. Và cũng trong thời kỳ này, chỉ 1% giàu nhất đã nắm gần đến 60% tổng tăng trưởng thu nhập của Hoa Kỳ.’

Trong khi đó, các nghiên cứu gần đây của IMF cho thấy sự đi xuống của nạn bất bình đẳng có quan hệ ‘vô cùng khăng khít’ với ‘sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.’

Những người ủng hộ tự do thương mại cho rằng các chính sách tái phân bổ tài sản như việc tăng thêm thuế trên người giàu sẽ làm nhụt chí ‘những người làm nên tài sản’ và ngăn trở nền kinh tế, nhưng phân tích của IMF lại phá tan lập luận này.

Thông cáo của IMF viết rằng, ‘Việc tái phân bổ nhìn chung có vẻ tỷ lệ thuận với tác động của nó trên sự tăng trưởng. Như thế những tác động trực tiếp và gián tiếp kết hợp lại của việc tái phân bổ, bao gồm những tác động tăng trưởng đến từ thành quả giảm bớt nạn bất bình đẳng, là sự tăng trưởng vượt bậc theo bình quân.’

Lập luận lặp đi lặp lại và ngày càng tăng, chống lại nạn bất bình đẳng, từ hàng loạt quan điểm chính trị và kinh tế, đã đưa vấn đề này thành trọng tâm thảo luận chung, qua đó các nhà kinh tế, chính trị gia, và các giáo hoàng đã chỉ ra cho thấy sự tăng lên kinh người của nạn bất bình đẳng sẽ gây nguy hại thế nào cho nền kinh tế và vấn nạn này cần giải quyết ra làm sao.

Và cựu bộ trưởng năng lượng Huhne cũng đã cảnh báo rằng: ‘Nếu người ta thức tỉnh nhìn ra chuyện gì đang xảy ra, thì các đảng bảo thủ sẽ gặp vấn đề lớn khi kiếm phiếu bầu đó.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch