Mỗi năm, có hơn 1000 vụ việc được ghi lại về các phụ nữ thuộc những nhóm tôn giáo thiểu số bị bắt cóc, cải đạo, và ép buộc kết hôn.
Vatican Insider – Paolo Affatato – 28/10/2015
Cô đã nói ‘không.’ Cô có tự do, và không muốn kết hôn với người đàn ông Hồi giáo đang theo đuổi mình, và cô cũng không muốn cải theo đạo Hồi. Lời cự tuyệt đã khiến cô Sonia Bibi, 20 tuổi, Kitô hữu ở Multan, phải trả giá bằng mạng sống. Kẻ thủ ác đã tưới xăng và thiêu sống cô. Bây giờ, cô đang trong bệnh viện, chiến đấu giành lại mạng sống, khi bị bỏng 80% cơ thể. Còn Latif Ahmed, đang ở trong tù, đã có hành động tàn bạo sau khi lời cầu hôn của anh bị từ chối không biết bao nhiêu lần.
Vụ việc này đã đưa ra ánh sáng một hiện tượng vốn xảy ra suốt ở quốc gia này và cả trên tầm thế giới. Đó là các cô gái thuộc những cộng đồng tôn giáo thiểu số (Kitô hữu và Ấn giáo) bị bắt cóc, cưỡng hiếp, xâm phạm và bạo lực, cũng như bị ép buộc kết hôn theo Hồi giáo.
Việc này là một căn bệnh cố hữu ở Pakistan, và theo các nguồn của hãng tin Công giáo Fides, thì nó tác hại đến khoảng 1000 thiếu nữ mỗi năm. Và chuyện này còn tệ hơn, do bởi tình trạng xã hội bị xem là hạ đẳng của phụ nữ ở Pakistan, nhất là vùng thôn quê. Nhưng các phụ nữ thuộc những nhóm tôn giáo thiểu số, thì càng dễ bị làm hại hơn nữa, bởi đàn ông Hồi giáo cảm thấy mình được miễn trừ hình phạt khi phạm tội xâm hại, và thậm chí còn được cảnh sát và tòa án hỗ trợ.
‘Thật rất khó để bảo đảm công lý và đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm tội ác sẽ bị trừng phạt. Thường trong những vụ này, cảnh sát chẳng làm gì cả, hay tệ hơn, còn đứng về phía kẻ hãm hiếp.’ Ông Gill đã xử lý nhiều vụ thế này. ‘Người ta gây áp lực trên các gia đình Kitô giáo hay các nhân chứng để họ rút đơn kiện. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, thường bị nhấn chìm trong thinh lặng, các câu chuyện này không bao giờ được đưa ra ánh sáng.’
Luật sư Gill tiếp tục nói về một vụ việc mà ông từng giải quyết. ‘Fouzia, 25 tuổi, Kitô hữu, đã kết hôn và có 3 mặt con, bị một người đàn ông Hồi giáo, tên Muhammad Nazir, 55 tuổi bắt cóc hồi tháng 7 năm ngoái. Người này buộc cô cải theo Hồi giáo và làm vợ ông ta. Nazir là chủ mảnh đất mà Fouzia và gia đình cô, những nông dân nghèo, làm việc ở vùng Pattoki, Punjab. Sau khi vụ việc được khai báo, Nazir tuyên bố cô Fouzia đã cải theo Hồi giáo, và đe dọa rằng nếu gia đình cô cố gắng thưa kiện, thì sẽ có ‘hậu quả nghiêm trọng.’
Các chuyện thế này thường theo một kiểu như nhau: gia đình nạn nhân nộp đơn kiện, nhưng kẻ bắt cóc cũng nộp một đơn kháng cáo, nói rằng người phụ nữ đã ‘có chọn lựa theo ý chí tự do của mình.’ Trong phần lớn vụ việc, các nạn nhân là những thiếu nữ vị thành niên, đối tượng của các hành vi xâm phạm tình dục và xâm hại trong gia đình. Nếu vụ việc lên đến tòa án, thì các cô gái, vì bị đe dọa và phải chịu áp lực không tả nổi, phải xác nhận là họ đã có chọn lựa tự do, và làm chứng có lợi cho kẻ làm hại mình. Thế là khép lại vụ việc. Luật sư Gill nói rằng những vụ này hiếm khi kết thúc với việc các cô gái được về lại với gia đình.
Hiện tượng này cũng đã được xác nhận bởi các NGO và trung tâm nghiên cứu độc lập khác nhau, chẳng hạn như báo cáo của Aurat Foundation, một tổ chức ở Pakistan với tổng hành dinh đặt tại Karachi. Trong báo cáo với tiêu đề ‘Cưỡng hôn và Tước đoạt Thừa kế,’ tổ chức này mô tả tình trạng khó khăn mà các phụ nữ ở Pakistan phải đối diện, đồng thời xác định cụ thể vấn đề kỳ thị tôn giáo.
‘Ép buộc cải theo Hồi giáo, là một tội ác đang lan tràn, nhưng lại không được cảnh sát và các nhà chức trách quan tâm đủ.’
Các vụ này, thiếu điều tra nghiêm túc, như thể một cơ chế vậy. Có một yếu tố chủ chốt của mọi vụ việc này: ‘Khi một đơn tố cáo đệ lên, và bắt đầu gây tranh cãi, thì cô gái vẫn tiếp tục bị kẻ bắt cóc giam giữ cho đến khi tòa mở màn, và trong thời gian đó phải chịu đủ mọi bạo hành và thống khổ.’ Người ta bảo rằng, bây giờ họ là người Hồi giáo, và nếu theo đạo khác, thì án phạt là cái chết.
Tổ chức Aurat đã có một đề xuất pháp chế để ngăn chặn việc cưỡng bức cải đạo này. Tổ chức đã kêu gọi cảnh sát và nhà chức trách hãy vạch trần việc này, và cứu các cô gái thuộc những nhóm tôn giáo thiểu số.
Chính quyền tỉnh Punjab, Pakistan, mới đây đã đưa ra một dự luật để bảo vệ cho các phụ nữ nạn nhân của bạo lực, và từ đó lập một ủy ban giám sát và lập ‘các trung tâm đặc biệt’ để chào đón và chữa trị cho các nạn nhân. Các hỗ trợ toàn diện này, bao gồm cố vấn và tư vấn pháp lý. Trung tâm đầu tiên sẽ được mở ở Multan.
Cho đến nay, tự do và quyền của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Pakistan, vẫn rất báo động. Trung tâm nghiên cứu danh tiếng Jinnah ở Karaci, xem đây là ‘sự cực đoan hóa xã hội’ phải bị lên án.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch