lavie.fr, Laurence Desjoyaux, 10-02-2015
Ngày 10 tháng 2-2015, Vatican công bố tài liệu “hướng dẫn để giảng lễ”. Từ năm 2013, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô đã giải thích nhiều thế nào là một bài giảng hay. Sau đây là một số “cẩm nang”.
Hiểu tầm quan trọng của việc chuẩn bị bài giảng
Nếu Đức Phanxicô dành nhiều trang để nói về bài giảng trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của mình là trước hết, bài giảng là bài được nghe nhiều nhất nhưng lại không được nghe cho đúng. “Những than phiền về chuyện này thì rất nhiều và chúng ta không thể làm ngơ. (…) Trên thực tế, chúng ta biết tín hữu đặt cho các bài giảng một tầm quan trọng; và tín hữu cũng như các linh mục đều khổ, người khổ vì nghe, người khổ vì giảng. Thật đáng buồn đã có tình trạng như vậy.”
Đức Phanxicô nhắc bài giảng phải được chuẩn bị kỹ chính Chúa nói với dân mình qua lời của mục tử. “Chúng ta canh tân niềm xác tín của mình trong bài giảng, xác tín rằng Chúa muốn đến với dân mình qua người rao giảng và người rao giảng phải lan tỏa sức mạnh của Chúa qua lời của mình”, Đức Phanxicô viết.
Đừng lầm với bối cảnh: Bài giảng không phải là bài của lớp giáo lý, không phải là buổi trình diễn.
Sự việc bài giảng nằm trong thánh lễ nói lên tính đặc biệt của nó. “Bài giảng phải có một giá trị đặc biệt đến từ bối cảnh bí tích Thánh Thể nên nó vượt lên mọi bài học giáo lý, vì Thánh Thể là giây phút cao nhất trong đối thoại giữa Chúa và dân của Người, trước khi rước lễ”, Đức Phanxicô nhắc lại. Chính vì bối cảnh này mà “không được biến bài giảng thành một loại trình diễn để giải trí” và nó phải “ngắn” (…). Nếu bài giảng kéo dài thì nó sẽ làm hại cho nghi thức phụng vụ ở hai điểm: sự hài hòa giữa các phần trong thánh lễ và nhịp điệu của nó”.
Chính dưới ánh sáng bối cảnh này của thánh lễ mà người giảng phải thích ứng vào vai trò của mình. “Điều này đòi hỏi người giảng không được lấn quá nhiều chỗ, Chúa phải rọi sáng hơn người giảng.”
Dành thì giờ để chuẩn bị bài giảng
“Một vài cha xứ thường viện lý do vì có quá nhiều việc phải chu toàn nên không có thì giờ soạn bài giảng; tuy nhiên, tôi xin mỗi tuần các cha nên dành ra một số thì giờ để soạn bài giảng, dù phải hy sinh thì giờ của những việc làm khác ít quan trọng hơn.”
Theo “con đường của sự thật” và tìm thông điệp trọng yếu của Phúc Âm
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nghiên cứu chính xác bản văn, “phải hiểu đúng ý nghĩa các lời chúng ta đọc. (…) Bản Thánh Kinh mà chúng ta học đã có từ hai ngàn năm, ngôn ngữ của nó khác với ngôn ngữ chúng ta dùng ngày nay. Dù gần như chúng ta hiểu các lời này được dịch trong ngôn ngôn ngữ của mình, điều này không có nghĩa là chúng ta hiểu đúng những gì mà các thánh sử muốn diễn tả.”
Là một tu sĩ Dòng Tên, Đức Phanxicô đề nghị phương pháp của Thánh I-Nhã: “Chú ý từng chữ được lặp lại hay được nổi bật, với cấu trúc và năng động riêng của bản văn, xem kỹ cương vị của từng nhân vật, vv.” Mục đích là nắm nội dung chính chứ không phải chi tiết. “Nếu người giảng không cố gắng làm đúng việc này thì có khả năng bài giảng của mình sẽ không nhất quán, cũng không có thứ trật; bài giảng chỉ gom lại một số tư tưởng đủ loại nhưng chúng không dính cái này với cái kia, không thu hút được người nghe.”
Đức Phanxicô cũng khuyên nên suy ngẫm Lời Chúa “lectio divina.” Người rao giảng không được tách suy ngẫm Lời Chúa ra khỏi trọng tâm của bản văn Thánh Kinh: ngược lại, nó phải khởi đi từ bản văn này để khám phá những gì thông điệp này nói với đời sống của mình.”
Tôn trọng ý của bản văn Tin Mừng
“Nếu một bản văn được viết để an ủi, thì nó không được dùng để sửa các lỗi lầm; nếu nó được viết để khuyến khích thì không được dùng để dạy dỗ; nếu nó được viết để dạy một điều gì về Chúa thì không được dùng để giải thích các ý tưởng thần học khác nhau; nếu nó được viết để khen ngợi hay có mục đích truyền giáo thì không được dùng để báo các tin tức mới nhất.”
Cá nhân hóa: người giảng cũng phải là một chứng nhân
“Ít nhiều sự thánh thiện của người giảng có một ảnh hưởng thật sự trên cách người đó giảng Lời Chúa”, Đức Phanxicô giải thích trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12, 34). “Ai muốn giảng, trước hết họ phải để Lời Chúa chạm đến mình và phải làm cho Lời Chúa thiết thân một cách cụ thể qua đời sống của mình. Theo cách này, người giảng sẽ ở trong công việc sâu đậm và phong thú, đó là công việc “trao truyền cho người khác những gì họ đã suy ngẫm” (…) Điều này mang tầm quan trọng mục vụ rất lớn. Ở thời buổi này cũng vậy, giáo dân thích nghe chứng nhân: “Họ khao khát sự đích thực […] Thế giới cần những người rao giảng Phúc Âm nói về một Chúa mà người đó am tường và họ biết như chính họ thấy được điều vô hình”.
Đức Phanxicô nói rõ với các mục tử: “Giáo dân không đòi hỏi chúng ta phải tinh tuyền, nhưng đòi hỏi chúng ta phải tăng trưởng, chúng ta sống trong khao khát sâu xa được thăng tiến trên con đường Phúc Âm, và chúng ta không buông tay xuống. Điều thiết yếu là người đi giảng phải có xác quyết vào Chúa mà mình yêu thương, rằng Chúa Giêsu Kitô đã cứu mình, rằng tình yêu của Người là tối hậu.”
Lắng nghe giáo dân
“Người đi giảng phải lắng nghe giáo dân để biết giáo dân cần được nghe những gì. Người rao giảng là người chiêm nghiệm Lời Chúa và cũng là người chiêm nghiệm lời giáo dân.”
“Chúng ta nên nhớ, chúng ta không bao giờ cần phải trả lời những câu hỏi mà không ai đặt; cũng không nói các chuyện thời sự để gây chú ý, những chuyện này đã có đài truyền hình làm. Nhưng cũng có thể khởi đi từ một sự việc mà Lời Chúa có thể vang vọng lên mạnh mẽ để hoán cải, để thờ phượng, để có những thái độ cụ thể trong tình huynh đệ, trong phục vụ, vv., để một vài người thỉnh thoảng thích nghe trong bài giảng có những phản hồi về chuyện thực tế bên ngoài nhưng không vì vậy mà đụng chạm một cách cá nhân.”
Hình thức rất quan trọng! Dùng các dụng cụ mô phạm
Ngắn gọn, súc tích, hình ảnh, ngôn ngữ, trong sáng và hy vọng: đó là tóm tắt các dụng cụ mà Đức Phanxicô đưa ra để làm cho hình thức của bài giảng được êm tai. “Một hình ảnh phù hợp có thể làm cho bài giảng được thích thú hơn, khơi dậy một ước muốn, động viên một ý chí để hướng theo Phúc Âm. Đức Phanxicô cho biết, một vị thầy ngày xưa của ngài nói, bài giảng phải “có ý, có cảm nhận và có hình ảnh”.
Mặt khác, Đức Phanxicô khuyên: “Sự đơn giản đi đôi với ngôn ngữ dùng. Nó phải là ngôn ngữ của người nghe, để họ hiểu, để không bị nói vào khoảng không. Thường người giảng dùng những lời khi họ còn đi học hoặc trong một môi trường cố định nào đó, nhưng đó không phải là những lời của đại đa số giáo dân nghe họ.”
Cuối cùng, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tích cực: “Không nói những gì chúng ta phải làm nhưng đề nghị những gì chúng ta có thể làm tốt hơn. Dù sao, khi cần phải nói một cái gì tiêu cực thì luôn luôn phải tìm một giá trị tích cực nào đó để thu hút, để không chìm vào than vãn, chỉ trích hay hối hận. Ngoài ra, một bài giảng tích cực luôn mang hy vọng, hướng về tương lai và không cầm chân chúng ta lại trong thái độ tiêu cực.”
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch