Vatican Insider – Domenico Agasso Jr
Buổi gặp cuối cùng trong ngày viếng thăm Sarajevo của Đức Phanxicô là, nói chuyện với những người trẻ Bosnia-Herzegovina tại trung tâm ‘Gioan Phaolô II.’ Đức Phanxicô đã bỏ qua bài diễn văn soạn sẵn và trả lời hỏi đáp với 3 người trẻ.
Câu hỏi thứ nhất là: ‘Có thật cha đã không xem tivi từ lâu lắm rồi không? Tại sao cha không xem tivi?’
‘Đúng, cha đã không xem tivi từ giữa thập niên 1990. Một tối nọ, cha thấy tivi không tốt cho cha, và quyết định sẽ không xem tivi nữa. Bất kỳ lúc nào muốn xem một bộ phim hay, cha đến trung tâm truyền hình ở tòa giám mục, và xem riêng bộ phim đó mà thôi. Nhưng cha thấy mình không phải là mình, khi xem tivi, nó không giúp ích gì cho cha cả. Cha biết cha được sinh ra trong thời kỳ đồ đá, cha xưa cổ lắm, và cha hiểu rằng thời đại thay đổi, hiện nay chúng ta sống trong thời đại hình ảnh. Và điều này rất quan trọng. Trong thời đại hình ảnh, chúng ta cũng phải làm làm những gì phải làm trong thời đại sách vở, đó là chọn ra những gì tốt cho chúng ta. Cha muốn chỉ ra 2 điều rằng. Thứ nhất, là trách nhiệm của các đài truyền hình, sản xuất những chương trình có lợi nhuận, nhưng phải giúp xây dựng xã hội, giúp chúng ta tiến tới chứ đừng khiến chúng ta sa ngã. Rồi, các đài cũng phải sản xuất những chương trình giúp củng cố các giá trị đích thực và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống. Đây là trách nhiệm của các đài truyền hình. Thứ hai, chúng ta phải chọn các chương trình để xem một cách cẩn thận, đây là trách nhiệm của chúng ta. Nếu tôi thấy một chương trình cụ thể nào đó không đem lại tốt đẹp cho tôi, hạ thấp các giá trị và khiến tôi trở nên tầm thường, thì tôi phải đổi kênh. Cũng như những người xưa chúng tôi trong thời sách vở, thời đồ đá, chúng ta cũng làm vậy khi đang đọc một quyển sách không tốt cho mình. Khi một quyển sách làm xấu các con, thì các con phải gạt nó sang một bên. Rồi còn có một điểm thứ ba nữa: sự tưởng tượng xấu, dạng tưởng tượng kỳ quái giết chết linh hồn. Nếu các con, một người trẻ, sống đời mình dán chặt vào màn hình máy tính và trở thành nô lệ của máy tính, thì các con đánh mất tự do của mình, và nếu các con xem những nội dung dơ bẩn trên máy tính, các con đánh mất phẩm giá của mình. Xem tivi và dùng máy tính là tốt, nhưng chỉ khi xem những điều đẹp đẽ và cao thượng. Được thế là tốt.’
Rồi một người trẻ khác hỏi, ‘Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi xem liệu cha có cảm thấy niềm vui và sự yêu thương những người trẻ Bosnia dành cho cha hay không.’
Và Đức Phanxicô trả lời, ‘Nói thật với các con, cha luôn luôn có thể cảm nhận được niềm vui và tình yêu thương mỗi khi cha gặp các người trẻ, không chỉ dành cho cha, nhưng là dành cho những lý tưởng, dành cho cuộc sống. Những người trẻ muốn lớn lên. Nhưng có một điều khác biệt, các con là những người trước hết trong suy nghĩ của cha về thế hệ hậu chiến. Các con là những đóa hoa mùa xuân muốn dấn tới và không quay đầu trở lại sự hủy hoại trong quá khứ, không nhìn lại những gì khiến chúng ta trở thành kẻ thù của nhau. Cha thấy trong các con khao khát này, nhiệt tình này, và đây là một điều mới mẻ với cha. Và cha thấy rằng các con không muốn sự hủy hoại, các con không muốn gây thù địch, nhưng muốn cùng nhau chung bước. Và điều này thật tuyệt vời, cao thượng! Cha thấy trong thế hệ này, nơi các con cùng một cảm nghiệm như khi ở Darko. Không phải là ‘họ’ và ‘tôi’, nhưng là ‘chúng ta.’ Chúng ta muốn trở nên ‘chúng tôi,’ để cứu lấy mảnh đất quê hương này, quốc gia này khỏi sự hủy hoại, bạn là người Hồi giáo, bạn là người Do Thái giáo, bạn là người Chính thống, ban là Kitô hữu … chúng ta là ‘chúng tôi’ đây chính là ý nghĩa của hòa bình. Và đây là điều độc nhất vô nhị của thế hệ các con, và cũng là mong ước của các con. Các con có một ơn gọi quan trọng. Đừng bao giờ xây tường chắn, nhưng hãy chỉ xây cầu nối mà thôi! Đây là niềm vui cha thấy nơi các con.’
Một trong những nữ tình nguyện viên hỏi Đức Phanxicô xem ngài có thông điệp hòa bình gì cho giới trẻ Bosnia-Herzegovina.
Đức Phanxicô trả lời rằng, ‘Để trả lời câu này, cha sẽ lặp lại những gì cha từng nói. Một vài cường quyền trên thế giới nói những lời hay ho về hòa bình, nhưng ẩn dưới những lời này là vũ khí chiến tranh. Cha mong các con thành thật, nhưng là sự thành thật giữa cảm nhận và hành động. Còn nếu hai sự này đối lập, thì đó là giả hình. Vài năm trước cha có xem một bộ phim về thành phố này. Cha không nhớ tên phim, nhưng đó là phim của Bruker, người Đức. Và cha thấy, cây cầu luôn luôn nối kết, nhưng khi nhịp cầu không dùng để đến với người khác, mà bị khóa kín, thì nó trở nên đống hư hoại. Vậy nên, cha mong muốn sự thật lòng nơi thế hệ thứ nhất sau chiến tranh này. Hiệp nhất, xây cầu, và làm sao để có thể đi từ đầu cầu này đến đầu cầu kia. Và đây chính là tình thân ái huynh đệ.’
Giáo hoàng kết buổi gặp gỡ với giới trẻ Sarajevo rằng, ‘Mir Vama (hòa bình) ở cùng các con, những đóa hoa mùa xuân sau thời chiến tranh. Hãy cùng nhau làm việc vì hòa bình. Để nơi đây thành một đất nước hòa bình. Cha thành tâm chúc lành cho các con và xin Chúa chúc phúc cho các con. Xin cầu nguyện cho cha.’
Và trước khi rời đi, Đức Phanxicô cho các người trẻ một nhiệm vụ rằng: ‘Đây là nhiệm vụ cha trao cho các con, hãy chung tay với nhau, kiến tạo hòa bình. Nhưng chú chim bồ câu này là biểu tượng của hòa bình. Hòa bình sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui. Và hòa bình phải được tạo lập giữa tất cả mọi người, Hồi giáo, Do Thái giáo, Chính thống, Công giáo và tất cả mọi tôn giáo. Nguyện xin cho giữa chúng ta không bao giờ còn chia rẽ, nhưng chỉ có tình huynh đệ và hiệp nhất! Cha chào tạm biệt các con, và xin các con cầu nguyện cho cha. Nguyện xin phúc lành của Chúa ở cùng các con. Mir Vama.’