Tấm khăn liệm thánh, một bí ẩn vĩnh cửu

547

Tấm khăn liệm thánh, một bí ẩn vĩnh cửu

Những “bóng ma chữ viết” được ông André Marion tại Viện Quang học Orsay giải mã: “In necem ibis”, “Ngươi sẽ vào cõi chết”. © Pierre Perrin/Sygma/Getty

parismatch.com, Arthur Herlin, 2024-03-27

Tấm khăn liệm Turin nổi tiếng tiếp tục gây tranh cãi. Với một số người, đó là thánh tích, với một số khác, đó chỉ đơn giản một mảnh vải khảo cổ. Được bảo tồn từ thế kỷ 16 tại nhà thờ chính tòa Turin, dải vải lanh dài mang dấu vết của một thi thể bị đánh đòn và bị đóng đinh. Có lẽ đó là của Chúa Kitô. Trong hơn một trăm năm, các nhà khoa học đã tranh luận về mảnh vải này với rất nhiều lập luận và phản biện. Thận trọng, Giáo hội không quyết định. Hình ảnh vẫn giữ được bí ẩn và tiếp tục thu hút nhiều người. Nhà sử học Jean-Christian Petitfils, chuyên gia về chủ đề này giải thích cho chúng ta tấm khăn liệm không phải là một tấm vải giả.

Qua nhiều thế kỷ, con đường nào để tấm khăn liệm được biết đến và đã được chứng thực?

Jean-Christian Petitfils. Tấm khăn liệm lớn này dài 4,42 mét và rộng 1,13 mét, có hình bóng kép của mặt bụng và mặt lưng một người đàn ông bị đóng đinh, bị đánh đòn, bị tra tấn, mang tất cả các dấu hiệu Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô và xuất hiện vào khoảng năm 405, khi chân phước Daniel xứ Galash đến Edessa, thuộc vùng thượng lưu Lưỡng Hà (ngày nay là Urfa ở Thổ Nhĩ Kỳ) để tôn kính hình ảnh bí ẩn acheiropọete, có nghĩa là “không phải do bàn tay con người’ làm ra, của Đấng Thiên Sai, có lẽ đã đến vào năm 388 từ thành phố lớn của Antioch, nơi có nhiều tín hữu kitô sống từ thời các tông đồ. Kể từ đó, tất cả các ảnh tượng về khuôn mặt của Chúa Kitô, hình ảnh tượng trưng hoặc đồng xu Byzantine đều bắt đầu theo các đặc điểm của hình ảnh này (tóc dài rẽ giữa, có râu hai bên, giữa hai lông mày là ô vuông, máu chảy ra trên trán thường bị các nghệ sĩ nhầm với mái tóc).

Sau đó bức ảnh được lưu giữ tại nhà thờ chính tòa Thánh Sophia ở Edessa trước khi người Byzantine mua lại từ Emir năm 944, ngày 15 tháng 8, tấm khăn được long trọng chuyển đến Constantinople, thủ đô của Đế chế La Mã Phương Đông. Giống như hầu hết các di tích của cung điện hoàng gia Boucoléon, tấm khăn thoát khỏi các vụ cướp bóc của quân Thập tự chinh năm 1204. Tháng 9 năm 1241, hoàng đế Latinh Baudouin II, Courtenay của Constantinople đã nhượng khăn lại cho Thánh Lu-i, ngài đặt khăn liệm ở Nhà nguyện thánh ở Paris, bên cạnh mão gai, được mua hai năm trước đó, và nhiều thánh tích khác của Cuộc Khổ Nạn. Tháng 9 năm 1347, vua Philippe VI của Valois không biết nguồn gốc và giá trị đặc biệt của tấm khăn liệm đã tặng nó cho người mang cờ hiệu dũng cảm Geoffroy de Charny. Năm 1452, cháu gái của ông vì thiếu tiền đã bán cho vua Lu-i của Savoy. Sau đó tấm khăn được chuyển đến Geneva, rồi đến Chambéry và Turin ngày 1 tháng 6 năm 1578. Năm 1983, gia đình Savoy tặng lại cho Vatican với điều kiện tấm khăn phải được lưu giữ ở Turin, nơi tấm khăn vẫn còn ở đó.

Vì sao chúng ta phải chờ đến sự xuất hiện của ngành nhiếp ảnh mới hiểu được ý nghĩa của thánh tích này?

Ngày 28 tháng 5 năm 1898, lần đầu tiên hiệp sĩ Secondo Pia ở Turin đã chụp ảnh tấm khăn liệm trong nhà thờ Thánh Gioan Tẩy giả. Sau đó, ông ngạc nhiên thấy âm bản trong tấm phim bạc có một hình ảnh rất rõ: đen trở thành trắng và trắng trở thành đen! Ấn tượng thật ấn tượng! Sau đó bắt đầu lịch sử khoa học của tấm khăn liệm với những tiến bộ đáng kinh ngạc: năm 1973, ông Max Frei người Thụy Sĩ phát hiện phấn hoa từ những loài thực vật chỉ mọc giữa sa mạc Negev và Biển Chết. Từ năm 1973 đến năm 1976, ông Paul Gastineau, người Pháp, ông John P. Jackson và R. W. Mottern người Mỹ đã tiết lộ đặc điểm ba chiều của hình ảnh, cường độ của nó tỷ lệ nghịch với khoảng cách giữa cơ thể và tấm vải lanh. Năm 1981, ba mươi ba nhà khoa học từ Sturp (Dự án Nghiên cứu Tấm khăn liệm Turin) đã đưa ra kết luận: đó không phải là sơn hay chất tạo màu, mà là một chất màu nâu bị phân hủy nhẹ và bí ẩn chỉ ảnh hưởng đến phần ngọn của sợi lanh có độ dày từ 20 đến 20. 40 micron.

Jean-Christian Petitfils tại nhà riêng ở quận 15 Paris. Sau quyển tiểu sử về Chúa Giêsu (Fayard), ông đã viết quyển sách về tấm khăn liệm thánh. Paris Match / © Frédéric Lafargue

Người ta đã phân tích vết máu trên tấm khăn chưa?

Chắc chắn đã phân tích. Năm 1980, người Mỹ John H. Heller và Alan D. Adler đã phát hiện ra vết máu người bằng phân tích hóa học và sự hiện diện của chất lỏng huyết thanh trong vết roi bằng cách chụp ảnh huỳnh quang. Kể từ đó, chúng tôi đã xác định được nhóm máu: AB (4% dân số thế giới), cùng một nhóm máu trong hai thánh tích khác của Cuộc Khổ Nạn, tấm vải liệm Oviedo, đã đến Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 7 (một loại vải lanh được dệt kiểu cổ, dài 85 cm và rộng 52 cm, che khuôn mặt của Chúa Kitô từ khi Ngài chết cho đến khi táng xác trong mồ), và chiếc áo Argenteuil đến Pháp vào thế kỷ thứ 9, tấm vải Chúa Giêsu đã mang trên con đường thập giá. Một vài vết máu trùng một cách ngạc nhiên với vết máu trên tấm vải liệm.

Mang tính thiêng liêng của tôn giáo, tê cứng trong cái chết… “Hơn cả một hình ảnh, đó là sự hiện diện!” thi sĩ Paul Claudel kêu lên.

 

Mỗi lần tấm khăn liệm triển lãm đều thu hút hàng triệu lượt khách. Vì sao tấm khăn liệm này vẫn còn sức hút đến như vậy?

Hình ảnh người đàn ông trong tấm khăn liệm tuyệt đối lôi cuốn, một hình ảnh nói lên sự thật. Đó là hình ảnh của một người bị đóng đinh, của một vẻ đẹp bí ẩn, mang tính thiêng liêng của tôn giáo, tê cứng một cách thanh thản trong cái chết. Thậm chí còn lôi cuốn hơn khi chúng ta chiêm ngưỡng âm bản của nhiếp ảnh và hình ảnh ba chiều của nó. Thi sĩ Pháp Paul Claudel nói: “Hơn cả một hình ảnh, đó là sự hiện diện!” Còn Đức Gioan-Phaolô II nói: “Một nhân chứng câm lặng, nhưng cũng là một nhân chứng hùng hồn đáng ngạc nhiên.”

Có hợp lý để tin vào tính xác thực của tấm khăn liệm không? Có phải kết luận của cuộc nghiên cứu carbon14 năm 1988 đã phá hủy uy tín của tấm khăn liệm Turin đó sao?

Ngày nay có rất nhiều bằng chứng ủng hộ tính xác thực đến mức không còn được phép nghi ngờ nữa. Đây thực sự là tấm khăn liệm đã bọc Chúa Giêsu Nadarét buổi tối Ngài qua đời, ngày 3 tháng 4 năm 33! Đúng là phân tích carbon14 được các phòng thí nghiệm ở Oxford, Zurich và Tucson làm năm 1988 với sự đồng ý của Vatican đã đưa đến một phạm vi niên đại đáng ngạc nhiên, trái ngược với mọi điều được biết về tấm khăn liệm vào thời điểm đó: 1260-1390. Tin tức này đã có tác động trên toàn thế giới vào lúc đó và người ta nghĩ rằng cuộc tranh luận đã kết thúc.

Những khác thường này được giải thích nhờ công trình đặc biệt của nhà hóa học Mỹ Raymond Rogers, năm 2005 ông đã chứng minh vùng nơi thu thập mẫu đã được nghiêm túc làm bằng cách chèn các sợi bông vào. Ông Thibault Heimburger người Pháp cũng phát hiện một sợi dây đến từ khu vực này có dấu vết có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi của một mối nối, do đó là một vết vá. Phát hiện mới vào tháng 4 năm 2022: Giáo sư Liberato De Caro, từ Viện Tinh thể học Bari, được giáo sư Giáo sư Giulio Fanti của Đại học Padua hỗ trợ, đã dùng một kỹ thuật xác định niên đại mới gọi là “tán xạ tia X góc rộng” (Waxs), bao gồm đo độ lão hóa của xenluloza vải lanh bằng tia X góc rộng, đã đưa ra kết luận tấm khăn liệm có cấu trúc rất giống với mẫu vải lanh được tìm thấy trong tàn tích Masada, thành cổ của người Do Thái bị thất thủ vào năm 73, có niên đại rất lâu đời, thế kỷ thứ 1 sau công nguyên.

Các đặc tính của loại vải này có phù hợp với phong tục thời Chúa Kitô hay nó là một loại vải đặc biệt?

Một số chuyên gia về thời tiền-cổ đã xác nhận, trên con mắt của người trong tấm khăn liệm có những đồng xu cổ nhỏ, đặc biệt là trên mắt phải có một lepton (hạt cơ bản) được dập vào thời Quan Philatô trong khoảng thời gian từ năm 29 đến năm 31. Phong tục này được quan sát trong các hộp sọ cổ của người Do Thái, nhất là từ thế kỷ 1. Đến mức mà chúng ta tự hỏi không biết ông Giuse người Arimathê và Nicôđêmô người chôn cất Chúa Giêsu, có muốn cho ngài tước hiệu “hoàng gia” hay không. Ngài là Đấng Thiên Sai của họ sao? Nên họ mới mua loại vải lanh hình xương cá cực kỳ đắt tiền này thay vì một tấm khăn trải giường đơn giản.

Cũng nên lưu ý, dọc theo thi thể và trên thi thể có những bó hoa cắt từ vườn, có lẽ do các nữ thánh cắt, như ông Alan Whanger người Mỹ của Đại học Duke, và ông Avinoam Danin người Israel của Đại học Do Thái ở Giêrusalem lưu ý, đó là những bông hoa đồng nhỏ bé màu trắng, xanh hoặc tím, có nhị hoa màu vàng hoặc tím, tất cả đều mọc ở Palestine. Hơn nữa, kỹ sư người Pháp André Marion của Viện Quang học Orsay, đã phát hiện ra những “bóng ma viết” bí ẩn dọc theo khuôn mặt: NAZARENU, the Nazarene, INNECE, đó là di tích còn lại của công thức bản án tử hình do thừa phát lại La Mã sao chép, “In necem ibis” (“Ngươi sẽ đi vào cõi chết”).

Những nghiên cứu này ở đâu? Những phát hiện mới nhất và các vùng màu xám là gì?

Bí ẩn lớn nhất vẫn là sự hình thành của hình ảnh mà ngày nay chúng ta không thể tái tạo một cách y hệt. Liệu đây có phải là hiện tượng điện, có thể so sánh với “hiệu ứng hào quang”? Từ “tia sáng phục sinh” không? Linh mục Jean-Baptiste Rinaudo, tiến sĩ vật lý sinh học đưa ra ý tưởng về bức xạ kép của proton và neutron do hạt nhân deuterium vỡ ra, các nguyên tử của chúng được phân bố với tỷ lệ rất nhỏ trong cơ thể con người, nhưng giả thuyết của tiến sĩ còn lâu mới được cộng đồng nghiên cứu nhất trí.

Đức Phanxicô trước tấm khăn liệm tại nhà thờ chính tòa Turin, ngày 21 tháng 6 năm 2015. EUTERS / © Giorgio Perottino

Theo ông, đâu là khía cạnh hấp dẫn nhất của tấm khăn liệm này?

Ngoài sự đảo ngược màu sắc được ngành nhiếp ảnh phát hiện năm 1898 và bản chất ba chiều của hình ảnh, chúng ta phải thêm bốn hiện tượng không thể giải thích một cách hợp lý: 1- không có dấu vết phân hủy của cơ thể, điều này cho thấy có thể do nó không tồn tại hơn ba mươi sáu giờ trong tấm vải liệm; 2- mô hình hoàn hảo nhất về cục máu đông không cho phép chúng ta hiểu làm thế nào cơ thể có thể không để lại dấu vết nào dù nhỏ nhất; 3- mặt bụng và mặt lưng có mật độ như nhau, như thể cơ thể ở trạng thái không trọng lượng; 4- cuối cùng, sự hiện diện trên các hình ảnh phân cực các của dây chằng bàn tay, răng và xương mặt, như thể tấm khăn liệm do bị chùng xuống, đã quét qua cơ thể đã trở nên trong suốt. Tất nhiên, từ thánh tích duy nhất này, chúng ta không thể nào chứng minh tính chất vật chất của phục sinh: một hành vi đức tin chỉ các tín hữu kitô được mạc khải trọn vẹn mới hiểu được.

Giả sử tấm khăn liệm này xác thực, thì tấm khăn này dạy chúng ta điều gì?

Năm 1930, tất cả đã được bác sĩ Pierre Barbet của bệnh viện Thánh Giuse ở Paris cho thấy, bằng roi, dánh 120 cú bằng chiếc roi gọi là flagrum, có những nút thắt nhỏ nối với nhau như quả tạ; patibulum, thanh ngang của thánh giá mang sau lưng; những chiếc đinh đóng vào cổ tay chứ không phải vào lòng bàn tay, cuối cùng là ngọn giáo đâm vào bên phải làm bằng một cây thương lá dẹt. Việc đọc lại lịch sử Cuộc Thương Khó với tính hiện thực thật đáng kinh ngạc!

Tấm khăn liệm Turin: chứng từ của Cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu Kitô, (Le saint suaire de Turin : témoin de la Passion de Jésus-Christ, Jean-Christian Petitfils, nxb. Tallandier)

Marta An Nguyễn dịch

Bác sĩ pháp y giải thích các nguyên nhân đưa đến cái chết của Chúa Kitô: “Ngài cực kỳ đau đớn”