aleteia.org, Benjamin Coste, 2016-03-19
Gặp ký giả François Vayne, người vừa xuất bản một tác phẩm nhân dịp ba năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.
Người của thế giới truyền thông, từ năm 2013, ký giả François Vayne về ở tại Rôma, chỉ một ít thời gian trước cuộc bầu chọn Đức Phanxicô. Ông mở một trang trên Internet để đăng “nhật ký làm việc hàng ngày” các câu chuyện ở Vatican.
Aleteia: Ông nói đến một giáo hoàng “cách mạng”. “Cách mạng” là như thế nào đối với ông?
François Vayne: Đức Giáo hoàng cách mạng khi ngài tuyên bố, không phải các ý kiến của chúng ta làm thay đổi thế giới, nhưng là gương sống của chúng ta. Trong Thông điệp “Chúc tụng Chúa”, ngài viết: “Chỉ cần một người làm việc tốt là đủ để có hy vọng”.
Đức Giáo hoàng cách mạng trong cái nhìn của lòng thương xót mà ngài mời chúng ta có về mình và về người khác, lời mời gọi này là lời mời gọi giữ vững lòng tin, không bao giờ nản chí. Cách mạng của Đức Phanxicô là tất cả, ngoại trừ suy nghĩ của một vài người cho rằng phải đào huyệt chôn truyền thống công giáo. Ngược lại, triều giáo hoàng hiện nay làm mới lại sứ điệp của Giáo hội Công giáo, làm cho nó vừa tầm tay với đại đa số mà không bỏ một giáo điều nào của Giáo hội.
Làm thế nào mà Đức Phanxicô có thể có kết quả này trong khi các vị tiền nhiệm ít thành công hơn trên lãnh vực này?
Trước hết phải nhấn mạnh một việc, Đức Phanxicô ở trong dòng liên tục của các vị tiền nhiệm. Người ta không thể đếm hết các dấu chỉ yêu thương của Đức Phanxicô đối với Đức Bênêđictô XVI. Gần đây tôi được may mắn mời đến Nhà trọ Thánh Mácta, nơi Đức Phanxicô ở. Dù bây giờ tôi đã biết thói quen của ngài, nhưng tôi rất xúc động khi thấy Đức Phanxicô sắp hàng đi lấy đồ ăn, hoặc ngài đứng dậy đi hâm đĩa thức ăn của mình ở máy vi-ba! Sự đơn giản này, đó là tính nhất quán với những gì ngài giảng và đời sống hàng ngày của ngài. Điều này có tiếng vang ở cả ngoài Giáo hội. Vừa rồi tôi có dịp nói về Đức Thánh Cha với một người không tin và họ nói với tôi: “Có thể người này sẽ làm thay đổi thế giới!”
Đức Phanxicô không có đoàn sủng đặc biệt của một Gioan-Phaolô II hay không có sự dịu hiền của một Bênêđictô XVI: đây là một người bình thường, người có khả năng làm cho sự trao đổi giữa con người với nhau trở nên trong sáng, thể hiện sự hiện diện của Chúa Kitô nơi những người ngài gặp. Theo tôi, đó là kết quả của một đời sống cầu nguyện sâu đậm và đó cũng là một ơn.
Vì sao ông đặt tên quyển sách của ông là “Cám ơn Phanxicô”?
Như nhiều người công giáo, tôi yêu Giáo hội và tôi đau lòng khi thấy Giáo hội bị phê phán không đúng. Tôi cám ơn Đức Phanxicô đã cho Giáo hội một hình ảnh mới mẻ lại. Tôi cũng cám ơn ngài đã làm cho từng người đã được rửa tội ý thức mình có trách nhiệm với Giáo hội, mình là thành viên của cùng một chi thể.
Chữ “cám ơn” này nói lên cho các kitô hữu trên toàn thế giới. Với chủ đề này, đôi khi tôi nghe sự ngờ vực khi chúng tôi nói đến sự mến chuộng của đại chúng đối với ngài. Dù vậy, Chúa Giêsu cũng được mến chuộng vào thời của Ngài và được mến chuộng không phải là một tội!
Điều gì nơi Đức Phanxicô đã đánh động ông nhiều nhất?
Vì là người Pháp, chúng tôi thật khó ở trong lôgic của một lòng tin tưởng tuyệt đối như lòng tin tưởng của Đức Phanxicô. Chúng tôi tưởng ngài lập ra Thượng Hội Đồng Gia đình là để đi đến một kết quả đã được định trước. Ngược lại, ngài đưa ra các tiến trình để cho Thần Khí tác động và trình bày qua những người họp lại với nhau. Đức Phanxicô muốn chúng ta đi ra khỏi các thói quen của mình, và để cho Thần Khí tác động, để làm chúng ta ngạc nhiên và như thế chúng ta mới làm theo ý Chúa chứ không phải ý của chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch