Hồng y Marengo: “Những lời của Đức Phanxicô ở Mông Cổ đánh động cả những người không công giáo”

89

Hồng y Marengo: “Những lời của Đức Phanxicô ở Mông Cổ đánh động cả những người không công giáo”

Hồng y Giorgio Marengo và Đức Phanxicô trong thánh lễ Đức Phanxicô dâng ở Oulan-Bator ngày chúa nhật 3 tháng 9

Hồng y Marengo nói cho chúng tôi biết thành quả chuyến tông du thứ 43 của Đức Phanxicô: “Nhiều người viết cho tôi vì họ ấn tượng với những lời ca ngợi vẻ đẹp và giá trị của lịch sử và con người Mông Cổ của Đức Phanxicô. Ngài là người trung gian cho hòa bình, ngài đưa ra thông điệp cho thế giới: ‘ngài cho thấy mọi thứ không chỉ được quyết định bằng logic tính toán, quyền lực và quanh co’.”

vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, Oulan-Bator, 2023-09-05

Hồng y giám quản Tông tòa Oulan-Bator, Giorgio Marengo, ca ngợi chuyến tông du Mông Cổ của Đức Phanxicô, chuyến đi mà hồng y là người tổ chức và đã mang lại “những kết quả tuyệt vời” cho hiện tại và tương lai đất nước. Và không chỉ có thế. Vì thêm nữa, những kết quả “bất ngờ” của một Giáo hội có ít phương tiện nhưng buộc phải tổ chức một sự kiện chưa từng có trong lịch sử: chuyến đi của một giáo hoàng đến đất nước của Thành Cát Tư Hãn; một quốc gia quan trọng ở Trung Á nằm giữa Nga và Trung Quốc và là quê hương của “Giáo hội trẻ em” với chỉ không đến 1.500 người được rửa tội.

Bài học cho Thượng Hội đồng từ “đàn chiên nhỏ” Mông Cổ

Kể từ năm, hồng y Marengo là giám quản tông tòa của Oulan-Bator, ngài là nhân vật được để ý trong công nghị năm 2022 vì mới 49 tuổi ngài là hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn. Ngài ở bên cạnh giáo hoàng trong mọi giai đoạn của hành trình này: từ khi đến sân bay, ngài đã vỗ tay ngay khi nhìn chiếc A330 của ITA Airways, cho đến ngày thứ hai 4 tháng 9 khánh thành Nhà Thương Xót, nơi ngài giới thiệu những người bệnh tật và người khuyết tật với Đức Phanxicô.

Giữa những cuộc gọi điện thoại và những cuộc đến thăm bất ngờ, ngài đón Vatican News ở phủ tông tòa, nơi Đức Phanxicô ở lại trong thời gian ở Oulan-Bator. Bên trong tòa nhà gạch đỏ, nằm ở quận Bayanzurkh, giữa nhà để xe, một siêu thị và một công trường xây dựng, ngài đón chúng tôi bên cạnh các áp phích, các lá cờ của chuyến tông du. Ngoài ra còn có bản đồ hấp dẫn minh họa về sự xuất hiện và phát triển của Giáo hội công giáo ở Mông Cổ.

Hồng y Marengo, hay đúng hơn là “cha Giorgio” như mọi người ở đây gọi cha. Chúng ta bắt đầu với cảm nhận cá nhân của cha khi kết thúc chuyến tông du của Đức Phanxicô. 

Hồng y Giorgio Marengo: Tôi chỉ có thể nói đây là một ơn, hoàn toàn là một ơn, tôi không biết định nghĩa nó như thế nào khác, một ơn to lớn chúng tôi nhận được và giống như bất kỳ một ơn nhưng không nào, nó vượt ngoài mong chờ của chúng tôi. Tất cả mệt nhọc trong việc chuẩn bị, chính xác là chúng tôi quá nhỏ bé, chúng tôi không có phương tiện để tổ chức một sự kiện như vậy, mệt nhọc trong công việc của các ngày qua, nhưng niềm vui có Đức Phanxicô đến, đã cuốn hút chúng tôi, với chứng từ quá khiêm tốn, quá đơn sơ và quá gần của ngài với chúng tôi. Ngay lập tức ngài tạo sự hòa hợp với mọi người và với mọi tầng lớp xã hội. 

Cuộc gặp với cộng đồng công giáo là trọng tâm của chuyến viếng thăm này, nhưng nó có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của dân chúng – những người không có đức tin hoặc những người thuộc các hệ giáo phái khác, nhưng lại là đa số – khi thấy nhân vật đại chúng này đến đây, nói chuyện, làm cho đất nước và vai trò của người dân được biết đến?

Tôi đã nhận nhiều nhận xét rất tích cực của mọi người, hầu hết họ không ở trong Giáo hội, về cách giáo hoàng đã làm nổi bật vẻ đẹp, sự độc đáo của dân tộc này; các bài phát biểu của ngài có những yếu tố làm mọi người tự hào về con người, với nét đẹp, với sự phong phú của một dân tộc có truyền thống và lịch sử tuyệt vời. Vì vậy, việc chứng kiến một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng thế giới đến đây về hữu hình, dù có những yếu tố mong manh, những lo ngại về sức khỏe, nhưng với thông điệp của tình anh em thuần túy, sự hòa hợp, chắc chắn đã tạo ra một chỗ để len lỏi trong lòng người dân. Và điều này cuối cùng đã làm cho người dân hiểu về ngài và những gì ngài đại diện, mà cho đến trước khi ngài đến, họ vẫn chưa biết rõ lắm, chỉ biết cách hời hợt. 

Khi đánh giá cao vẻ đẹp và lịch sử của Mông Cổ, ngài đã nhấn mạnh đến vai trò của Mông Cổ trên bàn cờ quốc tế vì hòa bình thế giới và qua đó gởi thông điệp đến hai quốc gia láng giềng Nga và Trung quốc. Điều  này có nghĩa gì với cha? Liệu nó có phần nào làm lu mờ chuyến đi hay nó mang lại động lực mới, chính xác do vai trò toàn cầu mà ngài xin Mông Cổ đảm nhận?

Tôi nghĩ chứng từ của giáo hoàng về hòa bình, của sứ giả hòa bình, hay như nhiều lần ngài tự cho mình là người hành hương vì hòa bình, cách tự nhận này chắc chắn đã góp phần tạo một quan điểm. Chính khẩu hiệu “Cùng nhau hy vọng” của chuyến tông du này, có nghĩa là có hy vọng mọi thứ không chỉ được quyết định bởi logic tính toán, quyền lực, quanh co, lợi ích mà còn có một thế giới thiêng liêng thực sự, một thế giới đạo đức dựa trên các quan hệ đích thực có thể tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài. Trên thực tế ngài đã thể hiện một cách đơn giản và trực tiếp trong tư cách là sứ giả hòa bình, tôi nghĩ điều này giúp chúng ta thấy chuyến đi với cặp mắt đúng đắn, mà không cần lý luận, dù có thể không nằm trong ý định của ngài, nhưng bằng cách mở ra một thông điệp như vậy, – ngoài quy mô và trọng lượng tương đối của mình – mỗi dân tộc đều có trách nhiệm xây dựng hòa bình. Người Mông Cổ đã trải nghiệm điều này với “Pax mongolica” như ngài đã đề cập. Trải nghiệm này là một thực tế và có lẽ chúng ta có thể học hỏi từ đó cho hiện tại của mình.

Đức Phanxicô cũng kêu gọi tự do tôn giáo, tôn trọng các quyền và sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo. Theo cha, liệu chuyến đi này có thực sự mở ra những kết quả như vậy, hay nó có nguy cơ phần nào bị kẹt trong sự kiện trọng đại này như tự nó là cùng đích?

Tất cả chúng tôi đều hy vọng hạt giống được gieo qua chuyến tông du của giáo hoàng sau đó sẽ phát triển, bén rễ và ngày càng trở thành hiện thực. Chúng tôi hy vọng những thông điệp được truyền tải một cách can đảm, thẳng thắn và thẳng thắn này sẽ biến thành  chương trình cụ thể về đời sống và sự hợp tác. Chúng tôi hy vọng tất cả những điều này sẽ thực sự trở thành con đường, một con đường cụ thể, vì chúng tôi biết đất nước chúng tôi giữ lời hứa của mình. Vì thế chắc chắn chúng tôi tin sẽ có kết quả tích cực. 

Và với Giáo hội Mông Cổ nhỏ bé, là mục tử, cha hy vọng có được kết quả nào?

Trước hết là sự phát triển, là đào sâu đức tin, đó là điều cơ bản, là sự tái khám phá luôn mới mẻ về vẻ đẹp của đức tin, chắc chắn sẽ thành nền tảng sâu sắc và hiệu quả hơn, và từ đó chúng tôi có khả năng diễn tả đức tin này và sống như một công dân của đất nước. Đó là một món quà và cũng là một trách nhiệm đối với tất cả chúng tôi.

Giáo Hội như một đứa bé, bây giờ thành người lớn…

Đúng vậy, nhưng chúng tôi hy vọng Giáo hội vẫn luôn ở trong tuổi thơ thiêng liêng này, không phải là tính trẻ con, nhưng là cái nhìn hướng về Chúa, được hiện thực hóa trong tin tưởng, trong phó thác, trong khả năng tha thứ và hòa giải.

Marta An Nguyễn dịch