Vatican Insider | Andrea Tornielli | 15-02-2016
Tại San Cristóbal De Las Casas, Chiapas, Mễ Tây Cơ
‘Thật đáng để mỗi người chúng ta xét mình, và học biết nói lên rằng, ‘Tha thứ cho tôi!’ Thế giới ngày ngay, bị tàn phá bởi văn hóa thải loại, cần anh chị em!’ Đây là tiếng chuông thức tỉnh của Đức Phanxicô, khích lệ xét mình về những gì mà các dân tộc thổ dân đã phải chịu, những người ‘bị hiểu lầm và bị loại trừ khỏi xã hội’ do bởi truyền thống của họ bị xem là ‘hạ đẳng,’ trong khi những người có tiền, có quyền, và xu thế thị trường lại chiếm đất đai và ‘truyền nhiễm’ cho họ.
Ngày 15-02, Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ tại trung tâm thể thao San Cristóbal De Las Casas, thuộc bang Chiapas, miền bắc Mễ Tây Cơ. Nơi này có thể chứa đến 100.000 người. Một vài nhóm người da đỏ đến từ nước Guatemala láng giềng.
Các cộng đoàn thổ dân sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực, hầu hết không được tiếp cận với nước uống, và phần nhiều đất đai của họ nằm trong tay chính phủ. Người da đỏ sống ở các vùng ngoại ô, và thường bị kỳ thị chủng tộc, họ phải cố gắng lắm để có được những công việc tử tế, và thường không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Truyền thống và văn hóa của họ không được thừa nhận, và ngôn ngữ của họ cũng không được dạy ở bất kỳ trường công nào.
Đạo binh Giải phóng Quốc gia Zapatista (EZLN) khai sinh năm 1983. Đạo binh này đứng sau cuộc nổi dậy hồi tháng giêng 1994, ngày mà Hiệp ước Tự do Thương mại Hoa Kỳ-Canada-Mễ Tây Cơ có hiệu lực. Bảy trong số các thành phố tự trị ở Chiapas bị chiếm đóng trong một đêm, hầu hết là không cần tiếng súng, chiếm đóng một cách tượng trưng. Tuy nhiên, đụng độ có xảy ra ở một vài vùng dân cư. Một trong các thành phố bị vây hãm là San Cristóbal De Las Casas, nơi Subcomandante Marcos công bố tuyên ngôn đầu tiên về quyền của người thổ dân. Cuộc nổi loạn thoái triệt ngay ngày hôm sau, nhưng EZLN đã dành được chiến thắng chính trị lớn, được cộng đồng quốc tế nhìn thấy, do đó tránh được các cuộc trả thù của quân đội liên bang.
Trong bài giảng, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về Thiên Chúa nhìn đến dân Người, về quan hệ nhân loại với tự nhiên, và di sản truyền thống văn hóa phong phú của người thổ dân da đỏ.
“Li smantal Kajvaltike toj lek”, [tiếng thổ dân da đỏ ở đây] nghĩa là, ‘Luật của Đức Chúa hoàn hảo, làm hồi sinh linh hồn.’ Dân Israel nhận từ tay ông Moses, một luật giúp Dân Chúa sống trong tự do mà họ được kêu gọi. Dân Israel đã trải qua kiếp nô lệ và ách bạo chúa của Pharaoh, họ đã chịu đau khổ và đàn áp đến mức Thiên Chúa nói, ‘Đủ rồi! Không được nữa!’
Popol Vuh, người thổ dân, có nói: ‘Bình minh trỗi dậy cho tất cả mọi bộ lạc. Gương mặt của trái đất được chữa lành ngay lập tức nhờ ánh mặt trời.’ Và như thế, Mặt trời trỗi lên cho những con người thuộc nhiều thời đại khác nhau đi trong những thời khắc tăm tối của lịch sử. Trong câu nói này, người ta nghe thấy tiếng kêu khắc khoải mong được sống trong tự do, một khát khao hướng về đất hứa nơi không còn đàn áp, ngược đãi, và sỉ nhục. Trong lòng con người, và trong ký ức nhiều dân tộc, ghi khắc một khắc khoải về một vùng đất, một thời đại mà tình huynh đệ thắng sự hủ hoại, đoàn kết thắng bất công, và hòa bình làm câm bặt bạo lực.
Có nhiều nỗ lực đủ cách muốn bịt miệng và trì trệ khắc khoải này, có đủ chước cách muốn làm tê liệt linh hồn chúng ta, và có đủ phương thế muốn đè nén và ru ngủ con cái chúng ta vào một uể oải bằng cách cho rằng không sự gì có thể thay đổi, không giấc mơ nào có thể thành hiện thực. Đối mặt với những mưu chước này, tự nhiên tự mình phản kháng: Chị trái đất đang kêu lên với chúng ta, bởi những gì chúng ta đã gây hại vì sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng tài nguyên mà Thiên Chúa đã ban cho địa cầu. Chúng ta xem mình như những ông hoàng ông chúa, tự cho mình quyền tự ý trên trái đất. Trong trái tim chúng ta có bạo lực, tâm hồn chúng ta bị tổn thương bởi tội, và nó cũng phản ánh nơi căn bệnh rõ ràng của đất, của nước, không khí và mọi dạng sống.
Chúng ta không còn có thể thinh lặng trước một trong những khủng hoảng môi trường nặng nề nhất lịch sử. Về mặt này, anh chị em có nhiều điều để dạy cho chúng tôi. Như các giám mục Mỹ La tinh đã nhìn nhận, Dân tộc của anh chị em biết cách để tác động trong hòa hợp với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên là ‘nguồn đem lại của ăn, là một mái nhà chung, và là bàn thờ chia sẻ của nhân loại.’
Vậy mà truyền thống và văn hóa này bị xóa sổ. Nhiều lần, bằng những phương thức có tổ chức và hệ thống, người ta hiểu lầm và loại trừ dân tộc của anh chị em ra khỏi xã hội. Có người còn xem các giá trị, văn hóa và truyền thống của anh chị em là hạ đẳng. Có người, bị băng hoại vì tiền, vì quyền, và xu thế thị trường, đã cướp hoặc làm nhiễm độc đất đai của anh chị em.
Thật buồn, quá buồn. Thật đáng để mỗi người chúng tôi xét mình, và học biết nói lên rằng, ‘Xin Tha thứ cho tôi!’ Thế giới ngày ngay, bị tàn phá bởi văn hóa thải loại, thế giới cần anh chị em! Trước một nền văn hóa tìm cách đè nén tất cả di sản văn hóa và đặc tính riêng, để chạy theo một thế giới cào bằng, thì giới trẻ ngày nay cần phải bám chặt vào sự khôn ngoan của những bậc lão thành! Thế giới ngày nay, bị tiện nghi thắng thế, cần phải học cách làm mới lại giá trị của lòng biết ơn.’
Cuối thánh lễ, một đại diện cho các cộng đoàn thổ dân, cảm ơn ‘jTatik Francisco’:
‘Cảm ơn cha đã viếng thăm chúng con, dù cho nhiều người khinh thị chúng con. Cha đến đây và cha nhìn nhận chúng con, cũng như Đức Mẹ Guadalupe đã làm với thánh Juan Dieguito thưở xưa.
Cha mang lấy chúng con và văn hóa chúng con trong lòng, với những niềm vui nỗi buồn, với những bất công mà chúng con đã chịu … Dù cha sống rất xa, ở Roma, nhưng chúng con thấy cha rất gần. Xin cha tiếp tục truyền niềm vui Tin mừng cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con bảo vệ chị và mẹ trái đất mà Chúa đã ban.
Cảm ơn cha, vì đã chấp thuận phong phó tế vĩnh viễn cho người thổ dân với các nét văn hóa đặc thù, và đã phê chuẩn cho việc dùng ngôn ngữ của chúng con trong thánh lễ.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch