Các giám mục Pháp họp khoáng đại tại Lộ Đức tháng 11-2022
la-croix,com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-11-07
Ngày thứ hai 7 tháng 11, những tiết lộ về vụ mười một giám mục Pháp, kể cả hồng y Jean-Pierre Ricard đã tạo cú sốc ở Rôma, một số giám chức thấy cần phải thay đổi các quy tắc giữ bí mật bao quanh giáo luật.
Giáo hoàng có biết về thông báo của Hội đồng Giám mục Pháp ngày thứ hai 7 tháng 11 về vụ công lý dân sự hoặc giáo luật cáo giác mười một giám mục không? Trong cuộc họp báo trên máy bay từ Bahrain về Rôma ngày chúa nhật 6 tháng 11, khi được hỏi về các vụ lạm dụng, Đức Phanxicô không nói rõ trường hợp nào, nhưng một lần nữa ngài khẳng định, Giáo hội muốn “làm rõ mọi chuyện”. Ngài nói: “Có những người trong Giáo hội chưa nhìn mọi thứ theo cách này, đó là thủ tục mà chúng tôi phải can đảm thực hiện và không phải tất cả chúng tôi đều có can đảm.”
Nếu Vatican không phản ứng chính thức trước thông báo của Pháp, nhưng các nguồn tin báo La Croix có được ở Rôma đều cho biết họ bị sốc và kinh hoàng. Chấn động càng mạnh hơn khi chính hồng y Jean-Pierre Ricard trong một thông cáo báo chí đã xác nhận có những hành động “đáng trách” với một cô gái vị thành niên 14 tuổi cách đây 35 năm. Hồng y là thành viên của Bộ Tín Lý có nhiệm vụ xét xử các thủ phạm của tội ấu dâm. Hồng y là hồng y thứ tư của Giáo hội công giáo có những hành vi như vậy. Ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, hồng y Ricard sẽ là hồng y thứ tư của Hồng y đoàn dính líu đến các hành vi ấu dâm sau hồng y Áo Hermann Groër (Vienna), hồng y Anh Keith O’Brien (Baltimore) và hồng y Mỹ Theodore McCarrick (Washington).
Những lời chỉ trích chống lại Ciase
Các dịch vụ của giáo hoàng đã biết rõ về một số trường hợp được chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp nêu ra. Như thường lệ, sứ thần Tòa thánh tại Pháp luôn tham dự các cuộc họp toàn thể của các giám mục. Ngoài ra, một quan chức của Bộ Tín Lý cũng tham dự cuộc thảo luận của họ trong vài ngày.
Những tiết lộ mới này được đưa ra chỉ hơn một năm sau báo cáo của ủy ban Ciase, đã có tác động mạnh ở Vatican. Dù báo cáo của ủy ban Ciase được đón nhận tích cực nhưng cũng đã có những chỉ trích về hai điểm: các số liệu đưa ra và bản chất “hệ thống”, đó là trọng tâm của báo cáo của ủy ban Sauvé. Một số không ngần ngại khẳng định các giám mục Pháp đã tự hại mình.
Ngày nay, nhiều người ở Rôma thấy cần phải “thay đổi mọi thứ”. Sau vụ giám mục Santier, một nguồn tin của Vatican cho biết: “Chúng ta phải cố gắng tìm cách nói mọi thứ, nói sự thật, nhưng không chìm sâu trong minh bạch.”
Một quan sát viên sành sỏi về Giáo triều Rôma dự đoán: “Có khả năng những tiết lộ mới này sẽ gây ra nhiều phản ứng khác nhau, từ những chỉ trích về tính minh bạch của các giám mục cho đến những lời kêu gọi hành động. Điều này dù sao cũng gây một cú sốc đáng kể, sẽ đặt tất cả mọi người đứng trước một văn hóa giáo sĩ đã ăn mòn Giáo hội.”
Hệ quả sau này của vụ này là gì? Khó trả lời ở thời điểm này. Tại Rôma mọi người còn nhớ năm 2018 các giám mục Chi-lê đã xin từ chức tập thể vì họ thất bại trong việc quản lý các vụ lạm dụng ở đất nước họ. Một mô hình khó xảy ra vì ở Vatican, người ta cho rằng sự ra đi đồng loạt của tất cả hay của phần lớn trong số 100 giám mục Pháp sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà Giáo hội Pháp đang ngập sâu.
Hướng tới sự minh bạch của các hình phạt?
Chúng ta có nên minh bạch các biện pháp trừng phạt không? Một nguồn tin ở Vatican trả lời: “Chúng ta phải phân biệt rõ ràng đâu là tội, đâu là tội phạm. Trong trường hợp tội phạm, phải có hình thức công khai.”
Một chuyên gia giải thích: “Về mặt lý thuyết, việc giữ bí mật của các hình phạt không có trong luật. Nhưng đúng là nó đã trở thành phong tục của Giáo triều la-mã. Các giám mục của Pháp đang đặt câu hỏi về thực hành này và nhất định phải thay đổi mọi thứ.”
Như thông lệ sau mỗi lần họp khoáng đại, tổng giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp sẽ đến Rôma trong những tuần tới. Ngoài ra các giám mục Pháp cũng sẽ tham dự các buổi làm việc do Bộ Tín Lý tổ chức. Các buổi làm việc này được Rôma đề xuất cho các giám mục Pháp theo yêu cầu của các giám mục xin có các chuyến kinh lý tông tòa cho tất cả giáo phận Pháp. Nhưng do thiếu nhân lực, Rôma đề nghị với Hội đồng Giám mục Pháp tiến hành theo cách này, và văn phòng của hồng y Ladaria, tổng trưởng Bộ Tín Lý cho biết họ sẵn sàng tiếp các giám mục Pháp tại Vatican.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...