Bảo vệ và truyền lại các di sản của Ukraine

104

Bảo vệ và truyền lại các di sản của Ukraine

Khi các nhà thờ và tác phẩm nghệ thuật bị bom phá hủy, các chuyên gia di sản đang cố gắng hành động, không những ở Ukraine mà còn ở Pháp.

lepelerin.com, Sophie Laurant, 2022-04-15

Tại Odessa, thành phố cảng ở miền nam Ukraine, bức tượng công tước Richelieu được người dân bảo vệ bằng bao cát. © Lyashonok / Ukrinform / Nurphoto qua AFP

Trên đỉnh cầu thang nổi tiếng của thành phố Odessa, bức tượng công tước Richelieu (1766-1822), cựu thống đốc, đã trở thành biểu tượng của di sản kháng chiến chống lại nước Nga xâm lược: các tình nguyện viên dùng bao cát để bao phủ bức tượng. Trên khắp Ukraine, các nhân viên bảo tàng và di tích lịch sử đang cố gắng bảo vệ di sản và chở các các bộ sưu tập di sản Ukraine đến các boongke bí mật, an toàn trước các tấn công phá hủy và cướp bóc. Ông Lazare Eloundou Assomo, giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Unesco (Văn hóa, Khoa học, Giáo dục) ca ngợi: “Các chuyên gia và công dân can đảm này đang liều mạng để bảo vệ một di sản thuộc về toàn thể nhân loại.”

Theo ông Assomo: “Tình hình rất nguy hiểm, theo thông tin chúng tôi kiểm chứng qua các hình ảnh vệ tinh, có hơn ba mươi địa điểm dân sự và tôn giáo quan trọng, các di tích và bảo tàng đã bị hư hại, đôi khi bị phá hủy hoàn toàn, cụ thể ở các thành phố lịch sử Kharkiv và Chernihiv đã bị ảnh hưởng nặng nề.”

Ông lấy làm tiếc về sự mất mát ở thành phố Mariupol: “2.000 tác phẩm gốc đã bị nghiền thành bột trong đó có những bức tranh của Ivan Aïvazovski (1817-1900), được coi là “Slavic Turner” hay của Tatiana Yablonskaya (1917-2005), một nghệ sĩ theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ở Ivankiv, cách 80 km về phía tây bắc của Kyiv, bảo tàng lịch sử địa phương đã bị phá hủy. Với 25 bức tranh của Maria Primatchenko, nổi tiếng với nghệ thuật đắp mặt nạ đầy màu sắc, lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Ukraine.”

Kiệt tác của nhân loại

Những người bảo vệ di sản run sợ nhất cho tình trạng ở Kyiv, đặc biệt trong khu phức hợp có Nhà thờ Saint Sophia – được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO và sáu địa điểm khác của Ukraine. Ông Jannic Durand, chuyên gia về nghệ thuật byzantine và giám đốc bộ phận các tác phẩm nghệ thuật của viện bảo tàng Louvre, Paris, cho biết: “Một vài năm trước, tôi vinh dự được ngắm những bức tranh khảm đặc biệt trang trí dàn hợp xướng và mái vòm. Đằng sau vẻ ngoài theo phong cách baroque, với những bóng đèn vàng, nhà thờ Saint Sophia giữ lại bên trong kiến trúc được xây vào giữa thế kỷ 11, sau việc hoàng tử Vladimir trở lại kitô giáo năm 988.” Sự trở lại này đánh dấu một bước ngoặt nói lên lịch sử của khu vực này, nơi đã trở thành “Rus” của Kyiv mà các nền văn hóa Nga, Belarus và Ukraine ngày nay công nhận. Chuyên gia của Unesco giải thích: “Từ thời đó, đa số các nhà thờ đều xây kiên cố bằng gạch cứng, có nghĩa là bằng gạch với đá gia cố để chống hỏa hoạn … nhưng không phải để bảo vệ các vụ đánh bom.”

Quang cảnh bên ngoài Nhà thờ Saint Sophia ở Kyiv, một di tích được ghi vào danh sách Di sản Thế giới. © Valery Voennyy / stockadobe.com.

Nhà thờ chính tòa có bộ sưu tập tranh khảm và bích họa đặc biệt từ thế kỷ 11. © DR

Một “lá chắn màu xanh”

Trong một nỗ lực giúp đỡ, Viện Bảo tàng Louvre đã gởi vật liệu để đóng gói các bộ sưu tập vì nhà nước Ukraine không muốn kêu gọi các thành phố giúp lưu giữ tạm thời các bộ sưu tập ở nước ngoài. Bộ Văn hóa Ukraine muốn giữ các di sản này ở Ukraine.

Tại Unesco, ông Lazare Eloun-dou Assomo giải thích, “các chuyên gia trả lời các câu hỏi của các chuyên gia Ukraine liên quan đến việc bảo vệ các trữ liệu, sử dụng thiết bị để chở tác phẩm, nguy cơ hỏa hoạn, v.v. Công ước quốc tế được nhiều quốc gia ký kết tại La Haye năm 1954, gồm Nga và Ukraine, đề nghị các bảo tàng, di tích lịch sử và các di tích quan trọng phải được đánh dấu bằng “lá chắn màu xanh” dưới dạng dấu hiệu được sơn hoặc treo ở một nơi có thể nhận dạng rõ ràng để tránh biến chúng thành mục tiêu bắn phá. Ông nói: “Người Ukraine đang làm điều đó. Nếu chúng bị phá hủy bất chấp mọi thứ, cộng đồng quốc tế sẽ có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình.”

Qua các cuộc hội thảo, ông Jannic Durand – cũng như nhiều đồng nghiệp – tham gia vào diễn đàn của giới văn hóa Pháp, do các viện bảo tàng của Rouen và Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia tại Paris khởi xướng để quảng bá nghệ thuật và lịch sử của Ukraine. Tất cả mọi người đều biết: truyền bá để chống sự xóa mờ của một văn hóa, một quốc gia, một ký ức.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chúng ta có nên “bỏ” nước Nga không?

Các thành phố khác ở Ukraine bảo vệ các di tích lịch sử