Từ Ukraine đến Nga qua Đàng Thánh Giá: lời cầu nguyện trong thinh lặng cho hòa bình

293
Từ Ukraine đến Nga qua Đàng Thánh Giá: lời cầu nguyện trong thinh lặng cho hòa bình
avvenire.it, Mimmo Muolo, 2022-04-15
Các cặp vợ chồng trẻ, ông bà ngoại, người di cư. Trong bài suy niệm đi Đàng Thánh Giá với Đức Phanxicô, hình ảnh các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn hàng ngày dưới chân thập giá. Để phản đối, các phương tiện truyền thông Ukraine không phát sóng buổi lễ long trọng này.
Hai phụ nữ Ukraine và Nga tại Đấu trường Colosseo, Rôma – Ansa
Tất cả các gia đình trên thế giới dưới chân thập giá, các gia đình với những hoàn cảnh khó khăn hàng ngày và những tín hữu đau thương của lịch sử. Nhưng họ muốn vượt lên đau khổ. Vì họ biết Phục Sinh đến sau Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì Thiên Chúa đã chạm vào nỗi đau của các dân tộc bị chiến tranh tàn phá, nhưng dù vậy, chiến tranh không chạm đến tình bạn của họ được. Vì thế cô Irina (Ukraina) và cô Albina (Nga) vác thánh giá ở chặng 13, rơm rớm nước mắt nhìn nhau. Đó là chặng Chúa Giêsu kêu lên trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”
Trong những ngày gần đây, chính phủ và Giáo hội ở Kyiv lên tiếng phản đối, cho rằng sáng kiến này của Vatican tạo hoang mang và các phương tiện truyền thông Ukraine (kể cả các phương tiện truyền thông công giáo) đã không phát sóng buổi đi Đàng Thánh Giá này. Lại thêm một vết thương. Nhưng nhìn thấy hai phụ nữ trên con đường thập giá ở Đấu trường, họ là hiện thân cho việc khó khăn đi tìm hòa bình, nhưng không phải là không thể. Vì không có gì là không thể với Chúa, như Thánh Phaolô đã nói, dưới chân thập giá, không còn người do thái, không còn người hy lạp. Chặng này đã thay đổi, không đọc lời suy niệm như các chặng khác nhưng thinh lặng: “Đứng trước cái chết, im lặng hùng hồn hơn lời nói. Vì vậy, chúng ta thinh lặng cầu nguyện, mỗi người tự trong đáy lòng mình cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới”. Và phút thinh lặng kéo dài trong những giây dài.
Cảm xúc được khơi lên trong lời cầu nguyện cuối cùng của Đức Phanxicô, ngài không đọc bài phát biểu cuối cùng, nhưng kêu gọi:
“Xin nắm tay chúng con như người Cha, để chúng con không lạc khỏi Cha. Xin hoán cải trái tim nổi loạn của chúng con thành trái tim của Cha, để chúng con biết đi theo các dự án hòa bình. Xin cha dẫn dắt các đối thủ bắt tay, để họ có thể tha thứ cho nhau. Vô hiệu hóa bàn tay anh em chống nhau, để nơi hận thù là nơi hòa hợp. Xin đừng để chúng con cư xử với nhau như kẻ thù của thập giá Chúa Kitô, để chúng con được tham dự vào vinh quang phục sinh của Chúa”.
Đó là hình ảnh, lời suy niệm của Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, được cử hành sau hai năm bị gián đoạn vì Covid. Đức Phanxicô ở đó, ở bờ kè phía trước Đấu trường, ngài chìm lắng trong suy niệm. Và ngài cùng với hơn 10,000 giáo dân, với các gia đình đại diện mang thập giá trong 14 chặng đàng.
Một cặp vợ chồng trẻ kết hôn, một gia đình đi truyền giáo, các cặp vợ chồng già không có con, một gia đình đông con, một gia đình có con khuyết tật, một gia đình quản lý mái ấm gia đình, một gia đình có bố hoặc mẹ bị bệnh, một cặp ông bà, một gia đình nhận con nuôi, một góa phụ và các con, một gia đình có con trai đi tu, một gia đình mất con gái và một gia đình di cư, hai phụ nữ, một người Nga và một người Ukraine.
Trong suy niệm, đau khổ được giảm bớt. Nhưng trên hết là hy vọng. Cuộc chiến ở Ukraine nổi bật trong tất cả thảm kịch của nó. Tuy bài suy niệm được giữ thinh lặng, những câu hỏi vẫn vang lên trong lòng mọi người: “Chúa ở đâu? Chúa đang ẩn ở đâu? Tại sao có những chuyện này? Chúng con đã phạm phải lỗi gì? Tại sao Chúa bỏ chúng con? Tại sao Chúa bỏ dân tộc của chúng con? Tại sao Chúa chia rẽ gia đình chúng con như thế này? Tại sao chúng con không còn khát vọng ước mơ và sống? Tại sao vùng đất của chúng con lại tăm tối như đồi Gôngôta?”
Nhưng không chỉ có chiến tranh. Ngay cả cuộc sống hàng ngày cũng có thể đáng sợ. Với vợ chồng trẻ, đó là “nỗi sợ chia tay, vì đã có nhiều cặp vợ chồng đã chia tay”. Với gia đình có nỗi đau của người mẹ chết khi sinh con, lại còn ở dưới làn bom đạn. Với những người không thể sinh con, nỗi sợ cô đơn. Với người có con dị tật bẩm sinh bị khuyên nên phá thai: “Nó sẽ là gánh nặng cho ông bà và cho xã hội”, phải đối diện với sự xét đoán của người khác. Với những người mất chồng, mất con, đối diện với cái bóng của cái chết. Ngay cả với người chưa chấp nhận con mình đi tu, thập giá cũng có thể rất đáng sợ. Cũng như với gia đình di cư: “Chúng tôi ở đây, chúng tôi sống sót. Chúng tôi bị xem là gánh nặng, là con số. Nhưng chúng tôi là người”.
Nhưng sau tất cả, chính họ là người có tiếng nói quyết định. Đó là điều quan trọng nhất. “Nếu chúng ta không cam chịu chính là vì chúng ta biết một ngày nào đó tảng đá lớn trên mộ sẽ được lăn đi”. Đó là ý nghĩa cuộc sống, xác quyết của những người có lòng tin.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Hình ảnh buổi đi đàng thánh giá ở Đấu trường Colosseo ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.