Hồng y Marx: “Tôi không nản chí”

159

Hồng y Marx: “Tôi không nản chí”

Trong cuộc phỏng vấn được tổ chức ở tổng giáo phận Munich ngày thứ sáu 4 tháng 6, hồng y tuyên bố: “Tôi không mệt mỏi cũng không mất tinh thần, dứt khoát là không!” ngài đã trả lời nhiều về việc xin từ chức đã được công khai hóa vào sáng hôm nay.

cath.ch, I. Media, 2021-06-04

Hồng y Marx trả lời các câu hỏi của các nhà báo | © Keystone

Dù ngài cho biết quyết định của ngài đã được suy nghĩ cân nhắc, nhưng ngài không muốn “từ bỏ ý định mang Tin Mừng đến trong xã hội này”. Nụ cười trên môi, ngài cân nhắc: “Việc phục vụ Giáo hội và giáo dân của tôi chưa chấm dứt.”

Tổng Giám mục giáo phận Munich-Freising giải thích việc từ chức của ngài là vì “điểm mù” mà theo ngài Giáo hội công giáo đã không thấy trong vấn đề lạm dụng. Nhưng ngài cũng xác nhận đây cũng có thể là “điểm khởi đầu” cho tương lai. Một nhà báo Đức hỏi ngài, liệu ngài có nêu gương cho các giám mục Đức khác không. Dù không rõ ràng nêu lên, trường hợp của hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục giáo phận Cologne đã nằm trong tâm trí của mọi người.

Một tiến trình cá nhân

Hai hồng y-tổng giám mục thực sự đã phải đối diện với những trường hợp lạm dụng nặng nề trong giáo phận của họ. Tháng 12 năm ngoái, hồng y Woelki, dưới áp lực của một số giáo dân Đức, đã từ chối từ chức dù có những chỉ trích về việc ngài xử lý các vụ lạm dụng trong giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn, hồng y Marx đã bác bỏ mọi so sánh liên hệ, ngài nói quyết định của ngài “hoàn toàn mang tính cá nhân” và không có sự tham gia của các giám mục khác của Đức. Ngài tóm tắt lại diễn biến các sự kiện dẫn đến việc ngài đưa ra quyết định. Ngài nhấn mạnh, nó bắt đầu từ một quan sát về “sự thất bại của cá nhân và thể chế” khi đối diện với các vụ lạm dụng.

Một nhà báo đã làm cho hồng y Marx suy nghĩ

“Trong vài tháng qua, tôi đã nhiều lần cân nhắc việc từ bỏ sứ vụ, xét lại bản thân và cố gắng có một quyết định đúng đắn, qua lời cầu nguyện và đối thoại tâm linh, qua phân định thần loại.” Các sự kiện và các thảo luận trong vài tuần qua chỉ đóng một vai trò nhỏ.

Trong những năm vừa qua, người ta liên tục đặt cho tôi nhiều câu hỏi và những câu hỏi này ở mãi trong đầu tôi, tiếp tục chất vấn tôi. Một nhà báo Mỹ đã hỏi tôi, trong một cuộc phỏng vấn về cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội năm 2010: “Kính Cha, điều này có thay đổi đức tin của cha không?” Và tôi trả lời: “Có!”

Sau đó, tôi nhận ra những gì tôi đã nói. Cuộc khủng hoảng này không chỉ ảnh hưởng đến lãnh vực của một sự cải tiến cần thiết trong cách quản trị, mà nó còn là vấn đề lớn hơn cho một hình thức đổi mới của Giáo hội, một cách sống mới và rao giảng đức tin ngày nay. Và tôi tự hỏi bản thân: điều này có ý nghĩa gì đối với cá nhân tôi?

Một câu hỏi khác đã được đặt ra cho tôi năm 2018, sau khi trình bày ‘báo cáo MHG’ khi một trong các giám mục đã nhận trách nhiệm và xin từ chức. Tôi đã trả lời “không” cho câu hỏi này. Thêm một lần nữa, sau khi trả lời, tôi càng ngày càng thấy vấn đề này không thể đơn giản gạt sang một bên.”

Quyết định ở trong tay giáo hoàng

Hồng y Marx nhấn mạnh, quyết định từ chức đã “chín muồi” trong mùa Phục sinh, dưới ánh sáng của sự kiện trọng tâm này. Ngày 21 tháng 5 năm 2021, hồng y đến Rôma để gặp giáo hoàng và đã trao cho ngài đơn từ chức của mình.

Giáo hoàng xin hồng y suy nghĩ lại về việc này, vài ngày sau hồng y Marx gọi cho giáo hoàng: hồng y giữ lập trường của mình, xác nhận mình không tìm được “giải pháp khác”. Khi đó Đức Phanxicô cho phép hồng y tuyên bố quyết định và đơn từ chức của hồng y ra công khai, nhưng vẫn chưa thông báo về việc từ chức của hồng y.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giáo hội Đức và lạm dụng: hồng y Marx bất ngờ từ chức

Hồng y Woelki “đặt số phận mình” trong tay giáo hoàng

Những cải cách tưởng như không có gì nhưng lại thay đổi tất cả