Quyền tự do ngôn luận theo Đức Phanxicô
seletlumieretv.org, Francis Denis, 2020-10-26
Hình ảnh buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28-10-2020 tại Hội trường Phaolô VI
Xã hội chúng ta đang trải qua các biến động: toàn cầu hóa chính trị, cách mạng truyền thông, thế giới công việc thay đổi và đại dịch toàn cầu. Hơn bao giờ hết, các thách thức mà chúng ta đang đối diện với tiến trình dân chủ đòi hỏi sự dấn thân của tất cả mọi người. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết của mọi nền dân chủ là quyền tự do ngôn luận. Thật vậy, chỉ khi nào có được tranh luận cởi mở, đương đầu và xung đột ý kiến thì chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề phải đối diện. Thông điệp Tất cả anh em “Fratelli tutti” của Đức Phanxicô làm rõ điều này.
Quá nhiều thì cũng giống như chưa đủ
Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti trước hết liên quan đến các rủi ro khác nhau của quyền tự do ngôn luận cần thiết cho bất kỳ cuộc tranh luận công khai nào để có được kết quả. Đức Phanxicô gặp rủi ro đầu tiên khi ngài viết: “Việc tích tụ thông tin quá nhiều không đồng nghĩa với khôn ngoan. Khôn ngoan không thể tôi rèn bằng các tìm tòi trên mạng, cũng không thể bằng một tổng hợp thông tin mà tính xác thực không được đảm bảo… ”(số 50). Chúng ta hãy rõ ràng: khích động không phải là thông tin, Đức Phanxicô mời gọi có một phê phán nghiêm túc khi đối diện với nhu cầu thông tin của chúng ta dưới ánh sáng của cái nhìn về tình huynh đệ, có khả năng phân biệt điều gì phù hợp, điều gì không. Chính bằng cách luôn giữ trong đầu vừa lợi ích chung, vừa trách nhiệm của mình mà chúng ta biết dùng lượng thông tin phù hợp.
Đánh giá thấp không phải là đối thoại
Khi chúng ta nhìn môi trường chính trị của các nền dân chủ phương Tây, khó để mà không thấy chúng ta đang đứng trước ngõ cụt. Cuộc khủng hoảng Covid đã làm lộ ra một số sai sót trong các cuộc thảo luận dân chủ. Trong số này có sự gia tăng đảng phái, chính kiến. Các cuộc tranh luận không còn là nơi để tập hợp các ý tưởng phục vụ cho sự đổi mới và khởi động các dự án lớn vì lợi ích chung, chúng thường được rút gọn thành “các công thức tiếp thị nhằm có kết quả tức thì, được thấy trong việc hủy người khác bằng phương tiện hiệu quả nhất. Trong trò chơi nhỏ nhen hạ uy tín này, cuộc thảo luận bị chuyển hướng để tạo ra tình trạng tranh cãi và chống đối thường xuyên” (số 15).
Trong khi chúng ta cần các cuộc thảo luận phong phú dựa trên các phát minh mới nhất của các trường đại học, của di sản địa phương, các đóng góp và khám phá từ các quốc gia khác, đối thoại xã hội thường bị mất đi theo quy luật của kẻ mạnh nhất. Dù vậy sức mạnh chính trị hiếm khi tương đương với khôn ngoan xã hội. Bằng cách này, lời kêu gọi của Đức Phanxicô về tình anh em có thể truyền cảm hứng cho chúng ta một thái độ cởi mở đối thoại và từ đó, đổi mới nền dân chủ của chúng ta.
Các người đối thoại bám rễ sâu
Một nguy cơ khác đe dọa đối thoại công cộng, đó là sự tiêu chuẩn hóa liên tục của các nền văn hóa, ngày càng để lại ít chỗ cho sự đa dạng về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, v.v. Chúng ta thường nói đến chủ nghĩa đế quốc văn hóa Mỹ. Nhưng ngày nay, và điều này cũng có tác động tích cực, toàn cầu hóa đã làm tăng số lượng các quốc gia đương đầu với nhau trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh này, các dân tộc nhỏ nhất và các nền văn hóa không có các phương tiện lớn đang bị đe dọa rất nhiều. Như Đức Phanxicô nói: “Không có cuộc đối thoại nào với người kia mà không có bản sắc cá nhân thì cũng không có cởi mở giữa các dân tộc nếu không khởi đi từ tình yêu đất đai của mình, dân tộc của mình, đặc điểm văn hóa của mình. Tôi không gặp người kia nếu tôi không có nền tảng tôi đang neo và bám rễ (số 143).
Do đó, phát triển một kiến thức tốt hơn, nuôi dưỡng tình yêu cho chính bản sắc của mình là một ưu tiên của nền dân chủ mà tính cấp thiết không được đánh giá thấp.
Một giáo hoàng am tường thông tin
Trong thông điệp này, Đức Phanxicô chứng tỏ cho thấy ngài rất sáng suốt trước các vấn đề của chúng ta. Qua chẩn đoán của ngài về các lôgic không lành mạnh và có hại khiến các nền dân chủ của chúng ta xa rời nền tảng của chúng, tất cả chúng ta được mời để nhìn lại các thái độ thiết yếu để đối diện với các thách thức của mình. Vì vậy, qua tình bạn xã hội, chúng ta sẽ có thể tiếp tục trên “con đường của tình huynh đệ, địa phương và phổ quát, [mà] chỉ có thể đi được nhờ các tinh thần tự do và sẵn sàng cho các cuộc gặp gỡ thực sự (số 50).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thông điệp Fratelli tutti: không có cách nào thay thế cho đối thoại