.famillechretienne, Pierre Jovanovic, 2015-11-14
Đại tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng điệp vụ quân đội ở Liên Hiệp Quốc, New York, đã từng phục vụ ở Liban, ở cựu Yougoslavia và Phi Châu, theo ông, các cuộc tấn công khủng bố sẽ có tác động quyết định trên cuộc xung đột ở Syria.
Ông cảm nhận gì từ những cuộc tấn công này?
Đây là một ghi nhận khá đơn giản và ít đặc biệt, nhưng chiến tranh đang ở trước nhà chúng ta. Điều tệ là nó có thể do chính người Pháp làm. Loại tấn công này chỉ có một mục đích: giết nhiều người nhất, không cần chuẩn bị gì lớn lao.
Đâu là thái độ chúng ta cần phải có?
Khi tôi ở Liban, chúng tôi sống trong tình trạng bất an thường xuyên, thật khủng khiếp cho quân sĩ và cho gia đình họ. Nhưng tình trạng này là bản chất của nhiệm vụ, chúng tôi là lính. Cái khác biệt là ngày hôm nay nó lan ra cả nước Pháp. Từ nay người công dân phải hiểu vấn đề an ninh là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Trong hoàn cảnh này, phải thực tế và phải giúp lực lượng an ninh.
Đâu là vai trò của quân đội Pháp trong các sự kiện này?
Quân đội có ba nhiệm vụ: trước hết là củng cố an ninh chung như chúng ta thấy bây giờ, các lực lượng quân đội đang tăng viện ở thủ đô. Kế đến là cho thấy tinh thần cương quyết và hiệu quả, khơi dậy nơi người công dân tinh thần chiến đấu để họ hợp tác với quân đội. Cuối cùng là chiêu mộ binh lính: các biến cố này giúp cho người dân Pháp thấy cần phải bảo vệ quốc gia. Và điều này rất được khích lệ, sau biến cố thảm sát ở tòa báo Charlie tháng 1 năm 2015, việc nhập ngủ đã được gia tăng. Đó là bằng chứng người Pháp luôn giữ lòng ái quốc trong tâm hồn họ.
Nhà nước Hồi giáo Tự xưng nhận các cuộc tấn công này do họ làm. Như thế đây có phải là sự tấn công của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đối với Âu Châu không?
Trên thực tế, Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đang bị thiệt hại nghiêm trọng: ở Syria, đứng trước lực lượng của Nga, các binh đoàn chiite và các lực lượng thường trực, còn ở Irak thì các lực lượng Peshmerghas kurde. Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tìm cách trả đũa bên ngoài: hạ máy bay Nga ở Sinai, vụ nổ bom gần đây ở Bêirut chống lực lượng người chiite và bây giờ là ở Paris. Đó là phản ứng bình thường của một nhóm đang gặp khó khăn. Boko Haram ở Nigeria cũng làm như vậy khi họ tấn công nước Tchad và Niger.
Chế độ Syria có được củng cố nhờ các cuộc tấn công này không?
Rõ ràng ngay từ đầu, Bachar al-Assad đánh ván bài hướng về Phương Tây: chúng ta cùng ở trên một trận chiến chống quân khủng bố Hồi giáo. Nhưng tôi nhấn mạnh trên sự kiện, vì tôi trả lời cho một nhật báo Kitô giáo, rằng nguồn gốc tính cách thế tục của chế độ Syria bảo đảm một cách tốt hơn cho tín hữu Kitô ở địa phương, càng ngày họ càng lo nếu người sunnite cực đoan lên nắm chính quyền thì sẽ như thế nào. Tôi nghĩ bây giờ, đa số người dân Syria ủng hộ chế độ Bachar al-Assad. Tuy nhiên, tôi không hề nghĩ cơ quan tình báo Syria can thiệp trong những vụ tấn công này như một số người đã nghĩ. Họ đã quá khó khăn để bảo vệ cho chính mình trên chính đất nước mình. Chế độ ở Damas chỉ cố để sống còn. Nếu phải thấy bàn tay của tình báo đàng sau Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, thì đó là bàn tay của các cựu tình báo chế độ Irak, như của Saddam Hussein, đã chứng tỏ và đã mô phỏng theo các cơ cấu của tổ chức. Tất cả chỉ là hậu quả của cuộc chiến tranh Irak năm 2003.
Đâu là chiến lược phải theo để chống lại Nhà nước Hồi giáo Tự xưng?
Để thắng cuộc chiến tranh này thì tuyệt đối phải đánh trên bộ với sự yểm trợ của không lực. Vì người Phương Tây không muốn đánh trên bộ, thì họ phải hỗ trợ về mặt không lực cho các lực lượng thường trú của người Syria và người Kurde. Cũng phải để các bộ lạc sunnit vào tham chiến, đó là điều chính quyền Irak đã thất bại bây giờ. Cần thiết là phải thắng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng. Một khi các sự phối hợp quân đội được bảo đảm thì khi đó đến giai đoạn thương thuyết.
Các cuộc tấn công này có thật sẽ đưa đến một giải pháp ngoại giao ở Syria không?
Chắc chắn một vài nước sẽ thay đổi đường lối chính trị đối ngoại của họ. Và nhất là người Nga, họ đã vào việc. Chính họ là người dẫn đầu trên địa hạt quân sự cũng như ngoại giao. Bộ trưởng ngoại giao Nga Serguẹ Lavrov, tôi biết ông ở New York khi ông làm đại sứ Nga ở Mỹ, ông là người rất đáng kể. Chính họ mới là người có chìa khóa trong tay cho giải pháp chính trị ở Syria. Vì người Phương Tây sẽ không bao giờ chấp nhận duy trì chế độ Bachar al-Assad tại chỗ, người Nga sẵn sàng làm cho chế độ này ra đi, để đảm bảo cho chế độ của họ có một lối thoát cao đẹp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch