Edgar Morin, lời thú tội của đứa trẻ của các cuộc khủng hoảng

289

Edgar Morin, lời thú tội của đứa trẻ của các cuộc khủng hoảng

Liệu đại dịch có làm phân tán tập thể, hay nó tạo ra một cộng đồng của vận mệnh không? Công việc từ xa có làm mọi người xa nhau không? Vì đã trải qua tất cả các cuộc khủng hoảng của thế kỷ 20 và 21, nhà triết học có tư tưởng phức tạp Edgar Morin có cái nhìn về hiện tượng đã làm đời sống chúng ta xáo trộn.

lavie.fr, Pascale Tournier, 2020-09-16

 

Theo triết gia Edgar Morin, có nhiều bài học cần rút ra từ coronavirus, bao gồm cả việc quay về với điều bấp bênh trong cuộc sống chúng ta và hồi kết của huyền thoại phương Tây xem con người là “chủ nhân và là người chiếm hữu thiên nhiên”.  Olivier Roller / Divergence

Vào một chiều cuối hè, mưa tầm tã trút xuống trên các đấu trường của thành phố Arles và trên các khán giả mang khẩu trang. Giông tố ầm ầm, tia chớp xé tung bầu trời. Nhưng không phải các yếu tố hay bầu khí nho nhỏ của ngày tận thế sẽ chận được Edgar Morin. Cũng không phải sự yếu đuối về thể chất của ông, người đã đến tuổi 99. Là nhà tiên tri thời hiện đại, nhà trí thức, bao quanh bởi các con thiêu thân – các loài côn trùng có cánh lâu đời nhất -, nói về “thế nào là đời sống” trong khuôn khổ lễ hội Hành động cho người còn sống (Agir pour le vivant) được nhà xuất bản Actes Sud tổ chức. Đời sống của ông dài lâu. Ông đã trải qua rất nhiều và rất nhiều cuộc khủng hoảng. Trong quyển sách mới nhất, quyển Chúng ta hãy thay đổi con đường. Các bài học về coronavirus (Changeons de voie. Les leçons du coronavirus, nxb. Denoël), ông tự xem mình là “đứa trẻ của tất cả các cuộc khủng hoảng” mà ông đã sống qua 99 năm tuổi đời. Ông mang trong da thịt mình các căng thẳng, các đối lập khắc nghiệt nhất, giống như sự tồn tại giữa Eros và Thanatos, giữa Dục lực và Cái chết.

Edgar Morin đã có thể không được sinh ra: thân mẫu của ông bị bệnh tim nên không nên có con. Quá nguy hiểm cho bà. Việc sinh con cũng rất khó. Nhưng cuối cùng thì bà lại chết vì dịch cúm Tây Ban Nha. Cuộc suy thoái kinh tế năm 1929 đã làm cho thân sinh ông lâm vào cảnh bần cùng. Rồi chàng trai trẻ Edgar bước vào Thế chiến Thứ hai, ông gia nhập lực lượng Kháng chiến, bảo vệ nền độc lập cho Algeria, trực diện với đoàn xe tăng ở Budapest năm 1956 – điều làm cho ông trở thành “kẻ thù không đội trời chung của dối trá và áp bức của hệ thống Stalin ”-, cuộc cách mạng phong tục tháng 5 năm 1968 ở Pháp, cuộc khủng hoảng sinh thái ông đã nhận thấy từ những năm 1970… Nhà tư tưởng về sự phức tạp, với các tác phẩm phong phú, ông quan sát các sự kiện đi qua các bộ môn. Luôn luôn di động, ông phá bỏ xiềng xích ý thức hệ, thiết lập một phương pháp để hiểu rõ hơn về các lực làm việc cho tương lai nhân loại, phân tích chiều sâu của bi kịch, thấy ngọn gió Lịch sử đang thổi đến đâu. Người đa chiều, ông đặt lại vấn đề về tất cả sự chắc chắn của chúng ta, đặt câu hỏi về mối liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, cuộc khủng hoảng sức khỏe chỉ có thể truyền cảm hứng cho nhân vật trí thức vĩ đại này.

La Vie: Liệu cuộc khủng hoảng có ngăn cách chúng ta với các rào cản và giãn cách thể lý của nó không? Hay ngược lại, nó có tạo ra các đoàn kết mới, một cộng đoàn của vận mệnh không?

Edgar Morin: Cộng đoàn vận mệnh đã bắt đầu vào năm 1945 với mối đe dọa hạt nhân trên nhân loại, sau đó nó ngày càng sâu đậm và mở rộng với mối đe dọa sinh thái với tất cả sự sống trên trái đất năm 1972, rồi các vấn đề chung và các hiểm họa do toàn cầu hóa tạo ra năm 1990 và một lần nữa qua cuộc đại khủng hoảng năm 2020. Khoảng cách vật lý và khẩu trang là các vấn đề phụ, vì nó chỉ tạm thời. Các phong tục ăn sâu của chúng ta chỉ có thể hướng hội các ràng buộc của chúng; chúng ta không có văn hóa Nhật Bản xây dựng trên giãn cách.

Cuộc khủng hoảng dường như chia rẽ các thế hệ, khơi dậy sự ngờ vực. Chúng ta sẽ nói về một “thế hệ hy sinh” cho các người trẻ, các ông bà lớn tuổi không còn được gặp cháu mình. Đây có phải là sự suy tàn cho nhân loại chúng ta không?

Sự phân chia giữa các thế hệ đối với người này, nhưng lại là sự kết hợp mới với người khác. Nhiều người già quên họ đã từng trẻ, những người trẻ không hình dung họ sẽ già. Cuộc khủng hoảng đánh thức tình đoàn kết đang còn ngủ, nhưng chỉ tạm thời. Theo tôi, rõ ràng là chúng ta nên tìm các cách cùng sống chung và đi chậm lại. Nhưng chúng ta đang chịu áp lực rất lớn từ các thế lực nắm quyền kiểm soát nền văn minh và đang ngăn cản chúng ta làm điều đó.

Các công nghệ mới, đã chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc sống, chúng có là tác nhân mang mối tương quan không? Chúng có làm sống lại liên kết hay ngược lại chúng tạo một khoảng cách mới?

Chúng có hai mặt, vừa giải thoát vừa tha hóa. Tất cả các công nghệ đều có hai mặt, kể từ công nghệ đầu tiên tạo ra công cụ cùng lúc với vũ khí, sau đó là máy móc, chế ngự năng lượng vì lợi ích cho con người, rồi nô lệ hóa con người trong kỹ nghệ hóa. Lấy ví dụ công việc từ xa, nó cũng có hai mặt: giữa làm việc mà vẫn ở nhà với gia đình, cùng lúc nó lại cô lập, bỏ đi tình chung sống với đồng nghiệp.

Cuộc khủng hoảng đánh thức tình đoàn kết đang còn ngủ, nhưng chỉ tạm thời.

Toàn cầu hóa có đi ngược với cái chung không? Ông nói nó tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau nhưng không tạo ra sự đoàn kết…

Toàn cầu hóa là hiện tượng phương Tây hóa kinh tế – kỹ thuật thuần túy, nó được thúc đẩy bằng lợi nhuận. Nó làm nảy sinh ra sự cự lại văn hóa cho sự phương Tây hóa này; đại dịch cũng vậy, thay vì tạo ra một phong trào đoàn kết toàn cầu rộng lớn, thì ngược lại nó đã làm cho các quốc gia khép kín  vào chính họ. Một kỷ nguyên thoái trào toàn cầu đã diễn ra từ vài thập kỷ, với cuộc khủng hoảng dân chủ ở khắp mọi nơi, với bá quyền của các cường quốc kinh tế, chủ nghĩa quốc gia quá khích bùg phát, chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo bùng phát, các cuộc chiến tranh cục bộ với sự can thiệp của quốc tế. Tất cả đều tiếp tục và có xu hướng xấu đi. Nhưng điều xấu nhất là chúng ta sống trong cảnh bấp bênh vì tương lai bất định. Cuộc khủng hoảng này là duy nhất, chưa từng có vì tính đa dạng của nó, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống con người, từ cá nhân đến toàn cầu.

Ông nói cuộc khủng hoảng làm nặng thêm cho cuộc khủng hoảng nhân loại, vốn đã không thể tự cấu thành nhân loại. Theo ông điều này là như thế nào?

Nhân loại vẫn bị phân tán, vẫn bị ngăn từng ô, không thể trở thành một thực tại chung,  có một lương tâm và thể chế chung. Các lo lắng bị khơi dậy do hiện tại bấp bênh cũng như tương lai bất định và đáng lo ngại là khép kín tinh thần vào từng quốc gia hoặc dân tộc, điều này mang lại an ninh, tôn giáo, mang lại hy vọng thay vì đánh thức cảm giác thuộc về cộng đoàn số phận chung của nhân loại.

Việc đặt vấn đề giáo điều tăng trưởng vô hạn, thứ tạo ra và làm trầm trọng thêm thảm họa sinh thái, đòi hỏi một chính sách quốc gia.

Liệu cuộc khủng hoảng có buộc các công ty phải ưu tiên tìm kiếm ý nghĩa, khả năng phục hồi hay buộc họ phải từ bỏ một hình thức tăng trưởng quá mức không?

Một vài công ty nhưng đó là các công ty kinh tế xã hội và đoàn kết không đi tìm lợi ích cho mình. Có một vài công ty công dân hoặc công ty “mang sứ mạng” nhưng vẫn còn ở thiểu số.

Việc đặt vấn đề giáo điều tăng trưởng vô hạn, thứ tạo ra và làm trầm trọng thêm thảm họa sinh thái, đòi hỏi một chính sách quốc gia xác định cái gì nên phát triển và cái gì phải giảm phát triển.

Khái niệm về con đường chống lại khái niệm cứng nhắc về chương trình và khái niệm tĩnh về mô hình xã hội.

Trong suốt sự nghiệp của ông, ông đã tìm cách đưa thế giới khoa học đến gần hơn với xã hội. Tôi xin trích dẫn các nhà khoa học để nói về cuộc khủng hoảng. Nó sẽ đưa chúng ta về lý thuyết của nhà giải phẫu học Cuvier: chúng ta bắt đầu lại như trước? Đối với nhà tự nhiên học Lamarck: chúng ta thích nghi với cùng các giải pháp hay với môi trường mới? Hay của nhà cổ sinh vật học Darwin, người chủ trương sự thích nghi với các biến thể của môi trường?

Cuộc khủng hoảng thúc đẩy chúng ta tìm lại một tư tưởng mạch lạc và rõ ràng, cũng như Marx, người đã đưa ra chẩn đoán cho thế kỷ và đề xuất một con đường mới, nhưng giờ đây quan niệm của ông về con người, về lịch sử và thế giới là chưa đủ. Đó là thích ứng với thực tế để thích ứng với chúng ta. Chủ nghĩa hiện thực không phải để thích ứng với hiện tại, ø nó được vận hành bởi các lực lượng của sự biến đổi. Đó cũng là để nhận biết các trò chơi của các lực lượng đối kháng trong một thế giới đang thay đổi và hoạt động cho các lực lượng liên kết và đoàn kết.

Ông nói đến một “con đường mới” chứ không phải “cuộc sống mới”? Tại sao ? Và nó bao gồm cái gì?

Khái niệm con đường đối lập với khái niệm cứng nhắc về chương trình và khái niệm tĩnh về mô hình xã hội khi mọi thứ đang trong quá trình tiến hóa. Không có mục tiêu cuối cùng để đạt được, mà là một tiến trình để cải thiện. Con đường mới phục vụ một cuộc sống mới.

Liệu cuộc khủng hoảng này có cho phép kết nối lại với thiên nhiên và với bản chất của chúng ta không? Và chấm dứt thuyết nhị nguyên tự nhiên/văn hóa?

Sự tách rời tự nhiên/văn hóa được cấy ghép mạnh mẽ vào nền văn minh chúng ta vẫn sẽ còn hoạt động một thời gian dài trước khi nó thoái hóa thực sự. Muốn vượt lên nó, chúng ta phải nhận ra sự phức tạp của con người, đó là ba khía cạnh: cá nhân/xã hội/giống loài. Đó là ba thuật ngữ liên đới phụ thuộc nhau đồng tạo ra nhau. Loài sinh ra cá thể, và một cặp cá thể sinh ra loài, các cá thể tạo ra xã hội, xã hội mang đến ngôn ngữ và văn hóa, tạo ra cá thể con người. Tôi giới thiệu với ông quyển sách của tôi Nhân loại của nhân loại (Humanité de l’humanité).

Tôi tin vào chân lý của tình yêu và vào tất cả những gì hợp nhất, chống lại tất cả những gì chia rẽ và hủy hoại.

Một số người nói, cách mạng sinh thái sẽ mang tính thiêng liêng hoặc sẽ không. Ông nghĩ sao ?

Nó cần một cuộc cải cách tâm trí, và trước hết là xem trọng thực tại con người chúng ta, vừa sinh lý vừa động vật. Chúng ta thuộc bộ khỉ, động vật có vú, có xương sống, đa bào. Và đồng thời, nhân loại chúng ta là siêu hình-sinh lý, văn hóa và thiêng liêng. Phải hiểu là chúng ta cần đến thiên nhiên nhiều hơn là thiên nhiên cần đến chúng ta. Thiên nhiên cần chúng ta cảm thấy gắn bó yêu thương không chỉ động vật nuôi trong nhà nhưng còn với thế giới động vật và thực vật. Nó cần cảm xúc thơ mộng của chúng ta trước biển cả, núi non, các chuyến bay của đàn ngỗng trời, vẻ thanh bình hùng vĩ của các cây đại thụ. Chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta là những sinh vật sống trong một thế giới sống. Chúng ta phải hiểu các hệ sinh thái và hệ sinh quyển bao gồm các hệ sinh thái là những kỳ quan của sự tự tổ chức tự phát và tự điều chỉnh.

“Tôi có thể tin điều gì, tôi có thể hy vọng điều gì?” Đó là một trong các câu yêu thích của ông, ông muốn nói gì?

Tôi tin vào chân lý của tình yêu và vào tất cả những gì hợp nhất, chống lại tất cả những gì chia rẽ và hủy hoại. Nói cách khác, tôi đứng về phía Eros (Dục lực) chống lại kẻ thù muôn thuở của nó là Thanatos (Cái chết).

Với tuổi của ông, với cái chết gần kề, những điều này có mang lại cho ông một tầm nhìn đặc biệt gì về những gì đang xảy ra ngày nay không? Làm thế nào ông sống với nó?

Tôi biết, tất cả là một tổng thể, đối với tôi, tôi là một hạt phù du ngắn ngủi của nhân loại. Tôi khi nào cũng thấy mình thuộc về cuộc phiêu lưu của loài người, mà chúng ta không biết nó sẽ đi về đâu. Tình yêu và tính hiếu kỳ thường kìm nén nỗi âu lo về cái chết trong tôi.

Giai đoạn này có làm cho ông thay đổi quan điểm của ông về tôn giáo không? Ông có tin vào Chúa, hay ít nhất là ở một dạng siêu việt nào đó không?

Tôi càng ngày càng tin vào Huyền nhiệm, không những nó bao bọc chúng ta mà còn ở trong chúng ta. Điều thiết yếu thì vô hình và không thể nghị bàn. Quan điểm này chỉ có thể tiếp cận – không cần đồng nhất hóa với nó – thần học phủ định hoặc thần nghiệm của Thầy Eckhart (thần học gia Đa Minh người Đức, 1260-1328) mà theo Thầy, Thiên Chúa là Đấng không thể nói và không thể nghị bàn được.

Triết gia Héraclite là một trong các triết gia yêu thích của ông, triết gia sẽ nói gì?

Cũng nói một điều tương tự: “Hòa hợp và bất hòa là cha mẹ của mọi sự.” Hoặc: “Thức dậy, họ ngủ” và tất nhiên: “Tất cả mọi thứ đều trôi qua, Panta rhei”.

Tiểu sử

1921: Sinh ra ở Paris, tên thật là Edgar Nahoum.

1942: Tham gia kháng chiến cộng sản. Ông lấy bút danh là Morin.

1950: Được nhận vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc Gia CNRS.

1951: Ra khỏi Đảng Cộng sản.

1955: Tham dự vào hội đồng chống chiến tranh ở Algérie.

1960-1970: Chuyến đi hai năm đến Châu Mỹ Latinh và một năm ở Viện Salk ở San Diego (Hoa Kỳ).

1977-2004: Xuất bản Phương pháp (La Méthode), ông xây dựng nền tảng của tư tưởng phức tạp. Có sáu tập và được dịch ở 42 quốc gia.

2012: Tham gia thành lập Roosevelt Collective với Michel Rocard.

2020: Quyển sách mới nhất: Chúng ta hãy thay đổi con đường. Các bài học về coronavirus (Changeons de voie. Les leçons du coronavirus, nxb. Denoël), Chủ nghĩa nhân văn thông qua cải cách cá nhân, đường lối làm thuận lợi cho Trái đất, sự quay về của những người nhạy cảm… Triết gia Edgar Morin đưa ra các giải pháp khả thi để đương đầu với khủng hoảng.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Bài phỏng vấn triết gia Edgar Morin về cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay

Edgar Morin: “Cách ly dạy chúng ta phải tế nhị với người phối ngẫu”

Edgar Morin: “Chúng ta phải sống với nỗi bất an”

Một xã hội đoàn kết?