Đức Giám mục Marc Stenger: “Sự tuyệt vọng của một linh mục là một điều gì đó đặc biệt đáng buồn”

464

Đức Giám mục Marc Stenger: “Sự tuyệt vọng của một linh mục là một điều gì đó đặc biệt đáng buồn”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2020-08-27

 

Đức Giám mục Marc Stenger giáo phận Troyes đã phản ứng trên mạng xã hội Twitter về vụ tự tử xảy ra cách nhau một năm với hai linh mục mà ngài biết.

 

Cha có thể cho chúng tôi biết về hai linh mục mà cha đã biết?

Đức Giám mục Marc Stenger: Một, là linh mục tự tử cách đây vài ngày, linh mục ở giáo phận Langres bên cạnh. Cha là người gốc Phi châu. Vì hai giáo phận chúng tôi cùng làm nhiều việc chung với nhau, nên tôi thường có cơ hội gặp ngài, đặc biệt trong thời gian các linh mục hai giáo phận đi tĩnh tâm chung với nhau. Linh mục thứ hai là một trong các học sinh của tôi ở chủng viện Metz, giáo phận của cha. Tôi vẫn luôn gần cha và cha có đến thăm tôi ở Troyes. Sau khi làm linh mục ở Marly, cha được bổ nhiệm làm cha chính địa phận Aumetz, ở vùng các mỏ sắt cũ, một nơi hơi xa vắng vì lý do kinh tế xã hội. Cha là linh mục rất năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến và nhiệt tình. Khi biết tin cha tự tử, tôi như bị sét đánh. Cả hai đều đã ngoài năm mươi.

Trên Twitter, cha viết: “Trong hai ngày, tôi được tin về vụ tự sát của hai linh mục mà tôi biết, cùng thế hệ (cùng ở tuổi năm mươi). Các mục tử hiến thân cho sứ vụ của mình. Vì sao vậy? Chúng tôi, những người lãnh đạo, chúng tôi có nghe thấy nỗi khổ của họ không?” …

Tôi thêm vào một câu hỏi thứ ba. Khi nghe tin linh mục thứ hai tự tử, lập tức tôi nghĩ đến lời Đức Giám mục Dominique Lebrun nói khi ngài nghe tin Linh mục Jean-Baptiste Sèbe tự tử cách đây hai năm: “Tôi đã không làm gì?” Chúng ta có nghe tiếng kêu của họ không?”

Câu hỏi đầu tiên mọi người đặt cho chúng tôi là liệu chúng tôi có nhận thấy các điểm xám nào không… Điều này dẫn tôi đến câu hỏi tiếp theo: chúng ta có quá bận tâm đến các vấn đề quản trị giáo hội nên không quan tâm đủ đến vấn đề con người không? Tôi không nêu lên ai ở đây, câu hỏi này tôi tự đặt cho tôi trước. Chúng tôi phải nhận ra chúng tôi đã phải đối diện với các tình huống khó khăn trong nhiều giáo phận. Chúng tôi làm việc với lương tâm giám mục, chất vấn chúng tôi về sứ vụ rao giảng Tin Mừng: làm sao nói với những người ở xa? Với phương tiện nào? Đó là mối quan tâm cao cả! Nhưng ở điểm này, với tinh thần và quả tim nặng trách vụ, chúng ta có còn một góc nhỏ nào trong đầu, trong quả tim để nghĩ về các người cộng tác thân thiết nhất của mình không? Nghi lễ truyền chức linh mục nói rõ ràng về vấn đề này: các linh mục là cộng tác viên thân cận nhất chúng tôi, tôi nói điều này không một chút gì mang ý nghĩa giáo quyền. Dĩ nhiên chúng tôi luôn cố gắng cùng đi với giáo dân, như Đức Phanxicô đã nhắc chúng tôi, Giáo hội được tạo ra bởi tất cả dân Chúa chứ không chỉ riêng các giáo sĩ, nhưng dù sao các linh mục cũng là người cộng tác thân cận nhất của chúng tôi. Chúng tôi có thì giờ để nghĩ đến họ không?

Có phải chúng ta quá bận tâm đến các vấn đề quản trị giáo hội đến nỗi không còn thì giờ để quan tâm đến con người không?

Các giám mục có nên được giảm bớt một phần trách vụ để họ rãnh rang hơn không?

Tôi không biết… Vì giám mục phải hoàn thành sứ mệnh được giao. Thách thức phải hiểu là giám mục không hoàn thành trách vụ một mình. Trong Thư gửi Dân Chúa, Đức Phanxicô đã đưa ra các chỉ dẫn mạnh mẽ, ngài nói các tín hữu kitô, họ phải tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội. Giám mục sẽ ít khó khăn hơn trong công việc của mình nếu giáo dân cùng tham dự vào công việc này, nhưng cũng phải được phép. Nếu chỉ có các cộng sự viên tin cẩn ở bên cạnh thì cũng  chưa đủ, chúng ta còn phải tin tưởng ở các người được giao cho chúng ta, tin tưởng vào chức tư tế của người giáo dân được rửa tội.

Điểm này có nghĩa là gì?

Tôi nhận thấy nhiều giáo dân quan tâm đến các linh mục và tôi kính trọng họ về chuyện này, nhưng liệu các linh mục có tin cậy đủ vào giáo dân không? Nhất là trong những lúc khó khăn, họ có biết dựa vào giáo dân không? Đôi khi có một loại phòng thủ: khi các quan hệ đơn giản, giáo dân nhận ra trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào đời sống Giáo hội thì mọi sự diễn ra tốt đẹp. Nhưng khi có khoảng cách, khi giáo dân thấy mình “phục vụ” linh mục, thì làm sao mong linh mục có thể giao việc cho những người làm việc với mình?

Chúng ta nói về một thế giới mới sau cách ly,  nhưng chính chúng ta tạo ra thế giới này qua các cố gắng của mình.

Khi cha gặp các linh mục gặp khó khăn, cha nói gì với họ?

Các linh mục đau khổ về hình ảnh của Giáo hội và về hình ảnh của các linh mục trong Giáo hội. Họ phải chịu đựng điều này, vì giáo dân không phân biệt trong chi tiết: đó là toàn thể các linh mục đều phạm tội lạm dụng, tội do một số người vi phạm. Trả lời cho lời buộc tội này là vô ích, vì thể chế cũng có tội, phải công nhận điều này, tìm cách biện minh cho mình cũng không thay đổi được dư luận. Chung chung các linh mục đau khổ vì họ không còn được yêu thương, dù việc cách ly đã làm cho nhiều linh mục gần với giáo dân, dù các giáo dân đã đi xa và không quay trở lại. Trong thời gian khủng hoảng sức khỏe, nhiều linh mục ý thức được sợi dây liên kết họ với giáo dân của mình. Thực tế vẫn là: Giáo hội có ý nghĩa gì với giáo dân? Có một cái gì đó mới để xây dựng trong quan hệ này. Chúng ta nói về một thế giới mới sau cách ly, nhưng chính chúng ta tạo ra thế giới này qua các cố gắng của mình. Đó là một trách vụ năng động. Tôi muốn truyền hy vọng này cho các linh mục và giáo dân.

Lòng nhiệt thành này các linh mục đã có, nhiều linh mục đã kết liễu đời mình: điều gì có thể chận đứng việc này?

Đó là một bí ẩn lớn. Điều này có thể do giảm nhiệt tình thiêng liêng, quá cô đơn, quá mệt mỏi, làm việc quá độ, công việc nặng nhọc… Chúng ta có các phương thuốc giải độc: cầu nguyện, tình anh em giữa các linh mục, sự gần gũi với giáo dân, những người chúng ta được gởi đến, sinh hoạt thể thao, có đời sống xã hội, đọc sách. Nhưng mỗi người xử lý theo cách riêng của mình. Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên. Giáo luật khuyên nên nghỉ một tháng nhưng mọi người tính theo cách của mình.

Có một suy nghĩ nào cấp bách được thực hiện trong Giáo hội Pháp không?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này, nhưng dĩ nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm. Đây không phải là học sinh đầu tiên của tôi tự tử, cách đây 25 năm đã có một học sinh của tôi tự tử. Đó là một linh mục trẻ, vừa rời chủng viện, vừa được bổ nhiệm làm cha phó, cha học giáo luật ở Paris. Cha viện trưởng lúc đó nói với tôi, linh mục này dậy lúc 5 giờ sáng để đi xe lửa đến Paris, cha làm việc như người tù khổ sai… Làm linh mục là một ơn gọi tuyệt vời… Sự tuyệt vọng của một linh mục là một điều gì đó đặc biệt đáng buồn: một cái gì đẹp bị hư hại và toàn thân chịu đau khổ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch