Tố cáo tấn công tình dục: “Nó cho phép tôi được chữa lành”
lapresse.ca, Émilie Bilodeau, 2020-07-18
Kể lại một vụ tấn công tình dục là khó khăn, và lao vào quá trình tố tụng là một công việc lâu dài. Vào lúc các cáo buộc đang gia tăng trên mạng xã hội, báo La Presse gặp các nạn nhân báo cáo với cảnh sát người tấn công họ. Và họ đã có được kinh nghiệm tích cực dù kết quả khiếu nại có như thế nào.
Bà Guylaine Lebreux đã phải chịu nhiều cuộc tấn công tình dục từ 6 đến 15 tuổi. Năm 2009, bà và người chị quyết định đến sở cảnh sát Sherbrooke để tố cáo các người tấn công họ. Ngày hôm đó, bà Lebreux, khi đó 41 tuổi, đã kể trong năm giờ liền bốn người chú đã làm gì cho bà trong suốt thời thơ ấu.
Bốn người đàn ông bị buộc tội có hành vi không đúng đắn, vô liêm sỉ về các tội ác họ đã phạm trước năm 1983. Bà Lebreux cho biết một trong các giai đoạn đầu tiên của quá trình tư pháp, thời gian điều tra sơ bộ thì thật là khủng khiếp. Điều này cho thấy phải có đủ bằng chứng để ra tòa.
Bà nói: “Tôi làm chứng trong hai giờ. Tôi phải mô tả căn nhà, xác định vị trí các phòng, tả nơi đã gây ra tội ác”. Tôi cảm thấy mình là nhân chứng cho tội ác mà mình đã phải chịu.
Bà Guylaine Lebreux, nạn nhân của tấn công tình dục
Bà Lebreux không bao giờ dùng bình phong để kể về nỗi kinh hoàng mà bà đã trải qua, dù có nhiều người trong gia đình có mặt trong phòng xử. Trong một số trường hợp, việc sử dụng bình phong hoặc hội nghị truyền hình là các biện pháp giúp việc làm chứng của nạn nhân được dễ dàng hơn. Bà Lebreux nói: “Một điều tôi muốn, điều cực kỳ quan trọng đối với tôi, là đứng trước mặt họ. Đó là một phần trong quá trình chữa lành của tôi. Tôi không còn muốn họ có tác động trên tôi nữa. Tôi muốn lấy lại quyền làm chủ đời tôi”.
Hai người chú cuối cùng nhận tội tấn công tình dục. Hai người khác bị kết tội về các việc họ đã phạm. Họ đã nhận án tù từ 12 tháng đến năm năm.
Tự thách thức
Trong một buổi tối với bạn bè cách đây năm năm, bà Marie-Pier* ngủ thiếp trên ghế sofa vì rượu. Khi tỉnh dậy, một người đàn ông ở bên cạnh bà. Bà kể, “ông ấy sờ soạng tôi”. Khi đó bà 21 tuổi, bà đã khóc rất nhiều trong những ngày sau đó. Và bà quyết định tố cáo người tấn công mình với cảnh sát.
Bà kể bước đầu tiên khó khăn này: “Quả thật quá khó khăn. Lòng tôi đầy cảm xúc. Tôi đã phải cố gắng để làm cho bà cảnh sát đằng sau khung kính hiểu chuyện gì đã xảy ra với tôi, nhưng có những người khác đang chờ trong phòng về các chuyện khác. Tôi đã khóc rất nhiều, tôi gặp khó khăn khi nói chuyện, chính bà cảnh sát đã nói các chữ “tấn công tình dục”.
Ngày hôm đó, lần đầu tiên bà Marie-Pier kể câu chuyện tấn công mình. Ba tháng sau, bà lặp lại câu chuyện của mình trước ống kính. Một nữ điều tra chuyên về tội phạm tình dục đã hỏi bà hàng chục câu hỏi để tìm hiểu các chi tiết nhỏ nhất trong ngày hôm đó. Các câu hỏi từ thời tiết đến màu chiếc quần lót.
Sau đó, công tố viên báo tôi biết, luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ thách thức tôi về việc tôi đồng ý để người đàn ông này vuốt tóc tôi, họ sẽ cố làm mất uy tín tôi.
Marie-Pier, nạn nhân của tấn công tình dục
Ngay trước phiên tòa, bà công tố viên Crown đã thỏa thuận với các luật sư của kẻ tấn công để ông nhận tội với các cáo buộc giảm xuống thành vụ tấn công thông thường. Các cáo buộc tấn công tình dục không còn nhưng bà Marie-Pier được nhẹ nhõm. Bà rất sợ khi nghĩ phải làm chứng trước những người lạ có thể có trong phòng xử án.
Bà nói: “Tố cáo giúp cho tôi được lành. Tôi không chắc tôi sẽ làm việc được 100% nếu tôi không tố cáo”.
40 năm sau
Bà Monique đã đợi 40 năm trước khi tố cáo cha mình. Bà kể: “Em gái tôi và tôi đã thử mọi cách. Tôi đã gửi thư cho cha tôi xin cha thú nhận. Không được. Chị tôi bỏ nhà ra đi và vẫn chờ một lời xin lỗi. Cũng không được”.
Cách đây 10 năm, chị của bà Monique quyết định đến Trung tâm giúp đỡ và đấu tranh chống tấn công tình dục và bạo lực đối với phụ nữ (CALACS). Bà Monique không muốn biết bất cứ điều gì về việc nộp đơn khiếu nại, nhưng bà cũng dự cuộc gặp. Và cuộc gặp đã thay đổi cuộc đời bà.
Họ thật tuyệt vời! Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được lắng nghe và tin tưởng.
Bà Monique, nạn nhân của tấn công tình dục
“Họ giải thích cho chúng tôi toàn bộ quy trình pháp lý, tất cả những gì đã xảy ra với chúng tôi, sự khó khăn sẽ xảy ra. Họ nói thời gian sẽ lâu, có thể mất hàng năm. Thật khó để kể, kể, kể hoài”, bà Monique nhấn mạnh điều này để các nạn nhân của bạo lực tình dục đến trung tâm CALACS, dù họ muốn hay không muốn tố cáo người tấn công mình.
Vài ngày trước phiên tòa, năm năm sau khi nạp đơn kiện, người cha của bà Monique đã nhận tội – trên đầu môi – các việc ông đã làm trên hai người con của mình. Theo lời xin của các con, người đàn ông 80 tuổi đã thụ án tại nhà.
Thời hạn dài
Bà Bianca Bernier Brassard, nhân viên cộng đồng tại CALACS cho biết: “Tố cáo thì dễ để nói, nhưng khó để làm”. Tuy nhiên, bà đồng ý, trong những năm gần đây hệ thống tư pháp đã được cải thiện, cảnh sát, công tố viên và thẩm phán được đào tạo tốt hơn về tác động của bạo lực tình dục trên đời sống nạn nhân.
Bà Brassard cho biết, vẫn còn các điểm cần cải thiện, đặc biệt là thời gian tố tụng. Kể từ vụ bắt ông Jordan năm 2016, thời hạn tối đa cho quy trình xét xử là 30 tháng trong các trường hợp cáo buộc hình sự. Trước đây, một vụ án có thể mất tám, có khi đến mười năm trước khi đưa ra phán quyết.
Bỏ khiếu nại
Cô Karine sống trong một mối quan hệ vợ chồng độc hại khi mới 16 tuổi. Cô tố cáo bạn trai cũ vào tháng 10 năm 2018, vài tháng sau khi chia tay. Người này bị buộc tội tấn công tình dục, nhưng tháng 12 năm ngoái cô Karine quyết định bỏ khiếu nại vì quá trình tố tụng quá lâu. “Cô nói: “Nó quá khó và quá dài đối với tôi. Kẻ tấn công tôi đã ra tòa bốn hoặc năm lần mà không có tôi, nhưng tôi không bao giờ biết chuyện gì đang xảy ra. Tòa không cho tôi biết những gì đang xảy ra. Tôi xoay sở để tốt hơn, nhưng mỗi lần có một ngày quan trọng đến gần, tôi lại tái phát. Tôi quá lo lắng”.
Khiếu nại nhưng không buộc tội
Bà Marie-Pierre gửi đơn khiếu nại chống người chồng cũ đã tấn công tình dục bà vào buổi tối ly thân. Bà kể: “Tôi đã để đồ đạc của anh ấy ngoài cửa, nhưng anh ấy trở lại căn hộ của tôi và đặt tôi lên giường. Anh ấy bắt tôi mang vớ jarretelle. Tôi quá sợ anh sẽ đánh tôi chết nên tôi đã mang. Tôi nghĩ nếu đó là những gì anh ấy muốn để ra đi thì tôi sẽ mặc.” Ngày hôm sau, bà Marie-Pierre ra sở cảnh sát nhưng quên nói chiếc vớ. Chồng cũ của bà nói đến chi tiết này. “Điều tra viên gây tôi vì tôi quên chi tiết này. Nhưng đầu óc tôi không còn… Vì thiếu bằng chúng, họ bác bỏ lời khiếu nại của tôi, nhưng tôi nghĩ họ cho rằng lời chứng của tôi không đáng tin cậy”, dù sao bà Marie-Pierre cũng thanh thản với kết quả của vụ khiếu nại của mình.
Chúng tôi mơ có một tòa án cho các vụ tấn công tình dục và bạo lực gia đình sẽ không chỉ làm những chuyện này. Chúng tôi mơ một quá trình nhanh hơn vì phụ nữ sống với chấn thương. Mỗi lần ra tòa là mỗi lần họ phải đối diện với kẻ tấn công mình thêm một lần nữa, dù họ ở đằng sau màn hình, họ phải nhớ lại các chuyện khủng khiếp. Về mặt sức khỏe tinh thần, điều này rất khó.
Vào cuối năm 2018, hệ thống tư pháp đã có các thay đổi để hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực tình dục và gia đình tốt hơn. Bây giờ họ được cùng một công tố viên theo dõi từ đầu đến cuối quá trình của họ. Luật sư Legault giải thích: “Như thế giúp cho họ có một quan hệ tin tưởng và dễ dàng trao đổi”.
Một cuộc họp bổ sung được dự trù giữa công tố viên và nạn nhân để giải thích cho nạn nhân hiểu tiến trình của vụ án. Luật sư Legault giải thích tiếp: “Trong cuộc họp này, chúng tôi có thể để nạn nhân làm chứng ở bên ngoài phòng, đằng sau bình phong. Chúng tôi có thể cho nạn nhân có được người tin tưởng hoặc chó dịch vụ đi cùng”.
Từ giữa những năm 1970, các công tố viên không cần xác minh để buộc tội chống kẻ tấn công. Luật sư Legault nói: “Điều quan trọng là các nạn nhân được nghe. Chúng tôi không cần xác minh. Lời của họ là đủ để nộp đơn khiếu nại. Đủ để mở hồ sơ tấn công tình dục. Lời khai của họ là bằng chứng.”
Marta An Nguyễn dịch
* Luật pháp không cho phép chúng tôi nêu tên nạn nhân các vụ tấn công tình dục có vụ án đã bị truy tố. Chỉ những người xin thẩm phán dỡ bỏ lệnh cấm nêu tên thì tên của họ mới được nêu lê, Đó là trường hợp của bà Guylaine Lebreux. Trong bài viết này, chúng tôi dùng tên riêng thật của nạn nhân với sự thỏa thuận của họ.