Cúi xuống nhìn quả tim của mình

246

Chương 1: Bệnh kiêu ngạo (4/6)

Cúi xuống nhìn quả tim của mình

Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sept maladies spirituelles, Sơ Catherine Aubin.

Xin hướng lòng chúng ta về với Người, để chúng ta bước đi trên mọi nẻo đường của Người (1 V 8, 58).

Các bản văn Thánh Kinh hướng sự chú ý của chúng ta đến các dân tộc “cứng đầu cứng cổ”. Hàng chục câu trích dẫn nói đến sự cứng lòng của trái tim bằng cách đưa nó đến gần cổ, gần gáy. Vì thế Đức Chúa nói với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ” (Xh 32, 9). Trong sách ông Ba-rúc, sự ám chỉ rất rõ ràng, dân tộc không nghe lời là dân tộc có cái cổ cứng đơ:

“Nếu các ngươi không nghe Ta, thì giữa chư dân, nơi Ta sẽ phân tán chúng, đám dân vĩ đại và đông đảo này chắc chắn sẽ trở thành nhỏ bé. Ta vẫn biết rằng chúng sẽ chẳng nghe Ta đâu, vì đó là một dân cứng cổ. Nhưng trên đất lưu đày, chúng sẽ hồi tâm, và sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đôi tai biết lắng nghe.32 Trên đất lưu đày, chúng sẽ ca ngợi Ta, và sẽ tưởng nhớ danh Ta. Chúng không còn cứng cổ nữa, cũng sẽ chẳng có những hành động xấu xa, vì chúng sẽ nhớ lại cách ăn nết ở của cha ông chúng, những kẻ đã phạm tội trước nhan Đức Chúa” (Br 2, 29-33).

Tương tự như vậy, Etienne, trong phán xét của mình trước Hội đồng Công tọa đã tuyên bố: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần!” (Cv l, 51)

Cứng cổ hay cứng gáy liên hệ đến sự không vâng lời, từ chối lắng nghe và không làm theo lời của người khác. Nó tượng trưng cho tình trạng nội tâm cứng như thép, ngược với dịu dàng. Một cái cổ cúi xuống là biểu hiện một quả tim biết lắng nghe, ngược với cái cổ cứng, không chịu vâng lời và lắng nghe. Giáo huấn Kinh Thánh dạy chúng ta một trong các cám dỗ lớn nhất của con người là nghĩ mình có thể làm mà không cần đến Thiên Chúa, không lắng nghe Ngài, không tiếp nhận Ngài là Đấng chỉ dẫn con đường thật của Sự Sống. Cái gì là cứng cổ nếu không phải là giữ thái độ cứng nhắc làm cản trở tầm nhìn, xem cái đồ “che mắt” là thật để không thấy các sự thật khoa học, triết lý, tôn giáo, bị “hạn chế” trong các giới hạn của chúng ta? Tìm lại được sự linh hoạt của cái cổ, là tìm lại được khả năng nhìn cao hơn, nhìn sâu hơn những gì làm cho chúng ta sống, chúng ta thở, mang lại cho con người, cho sự vật tầm quan trọng sự hiện diện của họ, bỏ đi các phóng chiếu để tiếp nhận một cái nhìn khác, cá biệt, độc dáo và duy nhất. Đó là nhìn trong tất cả các chiều kích này để cuối cùng ánh sáng có thể lọt vào.

Từ hài hước đến khiêm tốn 

Phúc cho ai biết cười chính mình, họ không bao giờ hết cười. 

Khiêm tốn đưa chúng ta về mảnh đất nội tâm của mình, về “mùn” của mình, có nghĩa là về các giới hạn của chúng ta. Chúng ta không thể biết tất cả, chúng ta không thể làm tất cả, chúng ta không thể có tất cả mọi sự; trong đức khiêm tốn có một ý thức lớn về thực tế, và về những gì thực tế cho chúng ta. Trong ý thức này là một sự không bám dính mọi sự, và nhất là không bám dính vào chính mình. Và chính ở đây là tính hài hước bước chân vào với khả năng tự trào. Người khiêm tốn là người vui vẻ khi mình được tinh tuyền. Cùng đích của sự vui vẻ này là có một khoảng cách đối với chính mình: không tuyệt vọng, không mỉa mai nhưng có lòng nhân từ, nhân hậu và sự thật về tính cách của mình, đôi khi rất nặng nề và phức tạp. Cách đối xử của người khiêm nhường là cách đối xử không bám dính vào mình trong tất cả mọi sự, không bám vào gì, không xem cái gì là đã có được, vì thế luôn đón chờ Sức thổi của Thần Khí. Điều này được phản ánh trong sự không tin tưởng vào phán xét riêng của mình và áp đặt ý kiến của mình, không nói ngược và ngay cả tranh luận, từ bỏ tranh chấp và chống đối, và thường dẫn đến một thái độ im lặng và lắng nghe. Lòng khiêm tốn đưa chúng ta vào chiều kích nội tâm của một thinh lặng trọn vẹn và hiệp thông sâu đậm với Chúa.

Khiêm tốn: một ơn của Chúa

Anh em hãy hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11, 29).

Lòng khiêm tốn không ngừng cầu xin Chúa; Chúa Giêsu đã nói theo cách của Ngài trong Tin Mừng: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Cầu nguyện là đi vào con đường khiêm tốn, là biểu hiện sự bất lực, sự lệ thuộc của chúng ta để tự mình nhận ra công việc của Chúa. Xin ơn khiêm nhường là nhận mình không thể hoàn tựu việc gì, cũng như giữ được gì mà không có sự trợ giúp của Chúa. Một cách nào đó, cầu nguyện làm cho mình khiêm tốn, và khiêm tốn làm cho mình cầu nguyện, cám ơn không ngừng trong ý thức tất cả những gì nhận được đều không do mình. Trong chúc thư của mình, Thánh Đa Minh đã viết: “Hãy có lòng bác ái, hãy giữ đức khiêm nhường, hãy có đức khó nghèo tự nguyện.”

Trở nên hoa anh túc?

Hoa hồng nở vì nó là không có tại sao. (Angélus Silésius)

Để trở nên như cành hoa anh túc khiêm tốn, quan trọng là nhận biết qua lời giảng dạy của các Giáo phụ một vài phương pháp giúp chúng ta vào đức khiêm nhường. Chẳng hạn đừng chú ý đến lỗi của người khác, đừng phán xét, cố gắng có từ tâm, có lòng nhân hậu trong mọi hoàn cảnh; cố gắng giữ đúng chỗ của mình khi chúng ta ý thức phẩm chất và khả năng của mình. Chúng ta hãy nhìn hoa anh túc: nó hướng tất cả nặng lực của nó về mặt trời và dạy chúng ta cũng vậy, chúng ta hướng về sâu thẳm con người của mình để đến với ánh sáng. Để giữ định hướng này, chúng ta phải đứng thẳng; nó dạy chúng ta giữ cột sống thẳng, thẳng để cảnh giác, thẳng để hướng về ánh sáng nhưng không kiêu ngạo. Hoa anh túc không những dạy chúng ta thẳng thắn mà còn dạy chúng ta mềm dẻo theo ngọn gió với đức khiêm nhường cao cả. Thật vậy, sự dạy dỗ của cây anh túc cũng nằm trong sự mong manh của nó. Hoa nở, hoa tàn như lời thánh vịnh: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình. Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn” (Tv 102, 15-17).

Marta An Nguyễn dịch

(Còn tiếp)

Xin đọc thêm: Từ kiêu ngạo đến khiêm nhường. Từ thông minh đến kênh kiệu 1-6

 Khiêm tốn để đứng thẳng  2-6

Nhận ra sự thật con người mình và nguồn gốc của mình 3-6