Lời nói giá trị (2-3)

117

Lời nói giá trị (2-3)

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

 Các chủ đề phù hợp

Các điểm chung này được đưa ra, sau đó chúng tôi sẽ tìm một số yếu tố cụ thể từ các tiết mục đã được thiết lập:

– Các bài giảng về thánh vịnh;

– Các bài giảng thông thường về các thánh;

– Các bài giảng về thời đại;

– Các phù hợp đạo đức của Kinh Thánh;

– Trình bày các huyền bí về Sách Thánh;

– Thánh ca về Đức Mẹ. 

Mặt trời và bông hoa

Sau đây là trích đoạn trong các bài giảng Thánh Antôn mượn hình ảnh nên thơ từ thiên nhiên để đi từ nghĩa bóng của từ ngữ đến ý nghĩa đạo đức của chúng trong tâm hồn con người:

“Con Thiên Chúa là mặt trời của trí tuệ. Mặt trời chiếu sáng cho chúng ta, sưởi ấm và làm tâm hồn hân hoan. Liệu sự nồng ấm với tia nắng có yếu đi với mùa đông không? Nhựa cây ngừng chảy; cây cối buồn hiu và trụi lá; tất cả đều đông lại, tất cả đều chết. Nhưng ngay khi mùa xuân mang hương thơm ấm áp của những cơn gió nhẹ, mang ánh sáng tuyệt vời của mặt trời thì vạn vật xanh tươi trở lại. Nhựa cây dồi dào chảy; cây cối xanh tươi và cành cây sẽ phủ đầy hoa trái.

Trật tự đạo đức cũng vậy. Khi, vì sự nổi loạn của chúng ta, chúng ta đuổi đi mặt trời công chính, tất cả mờ dần, khô héo và tắt lịm. Liệu mặt trời có vào được tâm hồn chúng ta không? Mọi thứ được tái sinh, mọi thứ trở nên sống động, trở nên khởi sắc trong sự phong phú của gia tài trên trời, những chuyện duy nhất đáng mong muốn vì chúng là những chuyện duy nhất không hư thối.”

Chúng ta hãy bước vào lãnh vực thiên nhiên. Thánh Antôn tìm thấy trong bông hoa nét đẹp của màu sắc, dịu ngọt của mùi thơm và hy vọng của hoa trái. Và ngài nêu ra những điểm tương tự: trong khiêm nhường có nét đẹp của đạo đức, mùi thơm của điều tốt lành được chinh phục và phần thưởng vạn bội trên trời. Và để kết thúc, ngài giải thích chữ Nadarét có nghĩa là “bông hoa” và “khiêm nhường”.

Từ tiên tri I-sai-a đến Chúa Giêsu

Ví dụ sau đây cho chúng ta thấy sự phù hợp giữa Cựu Ước và lời cầu khẩn đến Chúa Kitô. Trước hết Thánh Antôn trích dẫn lời tiên tri I-sai-a:

“ Dậy đi, dậy đi! Hãy mặc lấy uy hùng, hỡi cánh tay của Yavê! Hãy tỉnh dậy, như những ngày xưa kia, những thế đại dĩ vãng.” Thánh Antôn viết tiếp như sau: “Ôi Con Thiên Chúa, Ngài là cánh tay của Chúa Cha, xin Ngài hãy đứng dậy khỏi ngôi của Ngài; xin hãy ra khỏi vinh quang tràn ngập nơi Ngài. Xin Ngài đứng dậy mặc lấy xác phàm chúng con; xin Ngài mang lấy sức mạnh thần thánh để chiến đấu với hoàng tử của thế gian này, để không có một sức mạnh nào bứt phá được sức mạnh của Ngài. xin Ngài hãy đứng dậy để chuộc lại nhân loại như những ngày Ngài đã cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ của người Ai Cập…”

Thánh Antôn còn phối hợp lời của tiên tri I-sai-a với Tân Ước:

I-sai-a: “Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi!”

Tin Mừng: “Sau đó Ngài đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài.”

Thánh Antôn bình luận:

“Xuống đi, ngồi trên cát bụi, con gái Babylon và Con Thiên Chúa đã xuống thế. Kiêu ngạo khủng khiếp khi cho mình ở trên cao, ở trên ngôi còn cao hơn các tầng trời, ngồi trên núi của Di chúc. Hãy đi xuống, tôi xin bạn, vì Chúa Giêsu đã đi xuống… Rằng kênh kiệu ngầm phải cúi đầu xuống vì người là sự kiên nhẫn của Chúa đã đi xuống.”

Sau khi đưa ra việc Chúa Giêsu rời đền thờ, nơi Ngài ngồi giữa các tiến sĩ khi mới 12 tuổi, Thánh Antôn có những lời như sau: “Và Ngài hằng vâng phục cha mẹ. Mọi kiêu ngạo tan ra như sáp; mọi kháng cự đều đầu hàng, mọi bất tuân đều bị sỉ nhục.”

Thánh Antôn trích lời tiên tri I-sai-a:

“Ai mà không vâng phục Đấng mà chỉ bằng lời của mình đã kéo nhân loại ra khỏi hư không? Đấng mà theo tiên tri I-sai-a đã đong nước trong lòng bàn tay mình…, Đâng nâng vũ trụ bằng ba ngón tay… Đấng mà ông thánh Gióp đã nói: “Người lay chuyển đất rời khỏi chỗ, và cột chống đỡ nó phải lung lay”… Chính Ngài là Đấng làm mọi chuyện phi thường, chính Ngài là người vâng phục. Và Ngài vâng phục ai? Vâng phục người thợ mộc và một trinh nữ nhỏ bé. Lạy Chúa, Chúa là người đầu tiên và là người cuối cùng! Lạy Chúa, Chúa là vua các thiên thần! Chúa khiêm nhường phục tùng con người! Từ nay người triết gia hạ cố vâng phục và phục tùng kẻ có tội, người thông thái phục tùng kẻ đơn sơ, người uyên bác phục tùng kẻ không có chữ, và người trên cao phục tùng người thấp bé.”

Từ các tác giả Hy Lạp đến các Giáo phụ

 Trong một bối cảnh khác, Thánh Antôn xem hình thức kiêu ngạo này là tham vọng. Ngài tham chiếu trong Cựu Ước, các Giáo phụ hay các tác giả Hy Lạp. Thánh Grêgôriô viết: “Quý vị là người chạy theo những người quyền cao chức trọng, quý vị làm hủy hoại ân sủng của mình để đánh đổi danh tiếng và có nguy cơ làm cho cuộc đời của quý vị sụp đổ, và sụp đổ nặng vì quý vị té từ trên cao… Như thế quý vị đừng ngồi hàng ghế đầu vì rồi quý vị sẽ bị kết án và xuống ngồi hàng cuối cùng, và điều này sẽ làm cho quý vị đau khổ.”

Triết gia Aristote nói:

“Hãy bằng lòng với chút ít kẻo té!”

Sách Châm ngôn thì viết: “Ai nâng quá cao tay mình chuẩn bị cho sự hủy hoại… Hãy nghĩ về cái chết vì ai đứng trước ký ức này sẽ không khao khát quyền cao chức trọng.”

Thánh Jérôme nói một cách khác: “Ai dễ dàng coi thường những thứ trên cõi đất, ai thường hay nghĩ mình phải chết! Ai đi như người lữ hành, người khách lạ ở Quả đất này; ai luôn ở hàng cuối thì khi đó người ta sẽ nói với họ: “Bạn của tôi ơi, xin mời bạn lên trên cao”.

Sự Thương Khó là điểm mốc 

Chúng ta đã thấy nhiều ví dụ nói lên tài hùng biện của Thánh Antôn. Các đoạn dựa trên điểm mốc là Sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Đoạn trích sau đây là các câu hỏi và các lời xin liên tục để chạm đến tận đáy lòng người nghe. Thánh Antôn dùng hai vế đối ngược nhau, một bên là ơn nhưng không của Con Thiên Chúa và bên kia là sự vô ơn của người được hưởng các ơn của Chúa. Ngài bắt đầu với Giuđa:

“Chúa Giêsu bị môn đệ nộp: ‘Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?’… Ôi đau đớn! Ông đặt một giá cho người vô giá! Ôi Giuđa, ông sẽ bán Con Thiên Chúa. ‘Ông chi cho tôi bao nhiêu?’ Và họ có thể cho ông gì? Khi họ cho ông thành phố Giêrusalem, Galilê, Samaria, với giá này họ có thể mua được Chúa Giêsu? Khi họ cho ông Trời và các thiên thần, quả đất và nhân loại trên đó, biển cả và tất cả những gì của biển… họ có thể mua Con Thiên Chúa cho ông được không?… Đấng Tạo hóa có thể bán tạo vật của mình được không? Ông quên là với lòng khiêm nhường vô song và trong sự khó nghèo mà Ngài muốn sinh ra đó không? Ông quên lòng lành của Ngài, ông quên bài giảng ngọt ngào thấm thía của Ngài ư, các phép lạ Ngài gieo trên bước chân Ngài ư? Ông ở đâu khi Ngài khóc cho thành phố Giêrusalem, trên mồ của ông Ladarô? Ưu tiên nào ông được khi Ngài chọn ông làm tông đồ để ông ở trong vòng thân tín của Ngài?… Tất cả những kỷ niệm này và còn nhiều kỷ niệm khác đáng lý phải làm cho tâm hồn ông xúc động, để ông có được lòng thương xót mà không nói câu nói đáng sợ: ‘Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?’”

Mỗi người nghe và ngay cả chúng ta, sau khi nghe những lời mạnh mẽ như vậy lại không cảm thấy mình có dự phần sao? Chẳng phải Giuđa đã hối hận khi phản bội và xúc phạm đến Chúa lòng lành như vậy sao?

Và các lời của diễn giả đặt vào miệng Chúa Giêsu đã có một cường độ cảm xúc rất mạnh:

“Các môn đệ của tôi bỏ trốn; các bạn của tôi bỏ tôi; Phêrô chối tôi; nguyện đường đội mũ gai cho tôi; người lính đóng đinh tôi; người Do thái sỉ nhục tôi, họ báng bổ tên tôi; họ cho tôi uống giấm… Có bao giờ có ai thấy có người đau khổ như tôi không?”

Sau đó Thánh Antôn đưa ra một loạt dẫn chứng, tất cả đều nao lòng:

“Như sách Diễm ca viết, bàn tay của Ngài đẹp như vàng lại bị đóng đinh; đôi chân có thể làm cho biển đông lại thì bị cột vào thập giá bằng đinh sắt; khuôn mặt Ngài trước đây sáng chói như mặt trời buổi trưa bây giờ lại xanh xao nhợt nhạt như sắc chết; đôi mắt của tình yêu tỏa ra bây giờ khép kín… Và trong cơn hấp hối, Ngài chỉ còn một nơi nương tựa là Chúa Cha: “Con phó thác linh hồn con trong tay Cha!”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Lời nói giá trị (1-3)