parismatch.com, Emilie Refait, 2015-07-22
Nhà máy thịt, bia, mỹ phẩm, phô mai… càng ngày càng có nhiều cộng đoàn tu sĩ mở các xí nghiệp nhỏ để mưu sinh. Một thị trường tạo công ăn việc làm với một thiện hướng xã hội đích thực và một mục đích: đặt con người vào trọng tâm kinh tế.
Linh mục Máccô, ông chủ thánh thiện của các tiệm thịt của Dòng La Trappe.
Vào giờ mà mười hai đan sĩ Dòng Xitô ở đan viện Bricquebec đang ăn trưa thì linh mục Máccô đang còn thanh toán cho xong các đơn đặt hàng cho hàng trăm cây xúc xích ở nhà máy thịt cách đan viện 30 cây số. Đúng vậy, cứ làm việc theo nhịp này thì cha phải du di thời khóa biểu hàng ngày của nhà dòng, giờ ăn, giờ ngủ, giờ cầu nguyện. “Tôi sẽ không bao giờ nói tôi bị tràn ngập công việc nhưng cũng phải công nhận là có những ngày tôi không còn đếm giờ được nữa”, cha cười, hai mắt khép lại vì mệt. Từ ba mươi năm nay, cha là ông chủ của một xí nghiệp thịt nhỏ ở vùng Cotentin, giữa Cherbourg và các bãi biển Đổ Bộ, “đan sĩ làm ăn”, người trong vùng gọi cha như vậy, mỗi ngày cha đều làm việc ở nhà máy làm xúc xích và thịt muối. “Chúng tôi có thể vừa nuôi heo rất giỏi vừa rất vững về Sách Thánh”, vị đan sĩ không giống ai này nhấn mạnh, cha không tách công việc tay chân ra khỏi công việc trí óc. Đi đứng không còn vững, cử chỉ chậm chạp, chẳng qua cha đã 80 tuổi.
“Năm 1959 khi tôi mới vào đan viện, tôi giữ nhiệm vụ nuôi heo và lo chuồng heo, đó là sứ vụ của tôi trong cộng đoàn.” Hồi đó, các đan sĩ sống nhờ sản phẩm của nông trại, chúng tôi làm phô mai, nhưng xưởng chế biến sữa đã đóng cửa, với thời gian các đan sĩ già dần dần, chẳng còn ai nối nghiệp. Chỉ còn lại mấy con heo… khi đó cha Máccô đề nghị mở một xưởng thịt để cộng đoàn có thể sống còn… Con đường thì dài nhưng niềm say mê thì không tắt, và thế là cha có tên xưởng: “Các con heo của cha Máccô”, tên dán trên thịt dăm bông và chả heo của cha.
Niềm đam mê này cũng là một nghệ thuật sống giữa hai cuộc sống: cha lấy sức bên cạnh các con heo nái. Sau buổi ban đầu khó khăn, xí nghiệp dần dần phát triển, bây giờ mức sản xuất đã tăng gấp bốn, cha có 19 nhân viên làm việc và đảm bảo sự sống cho 12 đan sĩ. “Tôi làm luật ba-tám: tám giờ cầu nguyện, tám giờ làm việc tay chân và thì giờ săn sóc cho mình, bây giờ chúng tôi có ít nhu cầu nhưng thế giới đã thay đổi.”
Cha có hai điện thoại – đề phòng bị mất một cái – và một máy vi tính cầm tay, cha Máccô đảm nhiệm vai trò chủ xí nghiệp của mình, một công ty với sinh hoạt đơn giản (SAS, société par actions simplifiées). Cha điều khiển xí nghiệp cùng với ông Jean-Yves, một giáo dân 50 tuổi, cánh tay mặt của cha. Ông Jean-Yves kể, “tôi bắt đầu làm việc với cha cách đây 25 năm, và một ngày đẹp trời cha giao cho tôi chìa khóa… Khi đó tôi mới 28 tuổi, xí nghiệp không phát triển tốt nhưng cha tin tưởng ở tôi, đúng là một thách thức ‘thánh’, bây giờ thì tôi rất hãnh diện. Với một ông chủ là đan sĩ, điều khác biệt là mình có thể nói tất cả mọi sự với ông, có một tương quan rất tin tưởng ở đây.” Ông Jean-Yves rất mến chuộng khía cạnh lương tri của các “đan sĩ hùn hạp”: “Họ quản trị xí nghiệp như người cha gia đình. Nếu gặp khó khăn thì họ chịu thiếu thốn. Họ không sợ khi thấy cần phải đầu tư.”
Còn về phần cha Máccô, cha thấy khó nhất là quản trị nhân viên. “Ơn gọi của chúng tôi là yêu tha nhân, vậy mà khi bực mình hoặc khi phải sa thải nhân viên thì thật là khó.” Cha Máccô rất phóng khoáng: “Tôi muốn dùng tiền đầu tư lại hơn là cúng cho nhà thờ. Phải bỏ cấm kỵ về tiền bạc và phải tự hào khi xử dụng nó. Tiền bạc có trong tay là do đã lao động!” Bây giờ trong môi trường kinh tế của đan viện, cha là người duy nhất sản xuất thịt với nhãn hiệu “làm tại Pháp do một đan sĩ”. “Một góc” và một nghệ thuật sản xuất với con số kinh doanh 2,5 triệu ơrô mỗi năm. Các sản phẩm tươi như dăm bông và xúc xích thì bán trong vùng, còn các đồ đóng hộp thì gởi đi bán khắp nước Pháp.
“Tôi không cần nơi thờ phượng để nâng tâm hồn lên với Chúa. Mỗi sáng khi ngủ dậy tôi đều hướng tâm hồn mình về Chúa khi tôi lo cho mấy con heo nái hay khi tôi làm việc”, cha nói. Dự án cuối cùng của cha: đưa công đoạn bảo quản thực phẩm trong hộp đóng kín về đan viện để khi tôi chết thì các đan sĩ tiếp tục làm việc, để ai cũng có thể làm theo cách của mình duy trì truyền thống của xí nghiệp nhỏ được Chúa ban ơn này.
Marta An Nguyễn chuyển dịch