Cha Thánh Piô, Giáo hội đứng trước các dấu thánh
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2018-03-14
Năm 1918, Cha Thánh Piô bắt đầu nhận các dấu thánh “hữu hình”. Sau khi ngài qua đời, các dấu này biến mất khỏi cơ thể ngài.
Chỉ có các dấu thánh của Thánh Phanxicô Axixi và Thánh Catarina Siêna là được chính thức công nhận. Từ khi được phong thánh, tiến trình công nhận dấu thánh của Cha Piô đang được tiến hành.
Cha Piô được Đức Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002. Tiến trình công nhận các dấu thánh của cha đang được tiến hành. Tiến trình được làm từ các vảy tróc ra từ các dấu thánh khi ngài còn sống và được dùng như thánh tích cho việc này. Vì, Cha Thánh Piô tuy bị đau ở tay, ở chân và ở ngực trên 50 năm, nhưng các dấu thánh này đã biến mất khi cha qua đời. Hiện nay tiến trình này chưa được làm xong. Giáo hội rất thận trọng trong việc công nhận này, sau khi công nhận dấu thánh của Thánh Phanxicô Axixi và Thánh Catarina Siêna thì chưa có dấu thánh nào khác được chính thức công nhận.
Tiến trình phức tạp
Tiến trình công nhận rất lâu dài vì đòi hỏi phải xem xét tỉ mỉ từng điểm một trong cuộc đời của thánh nhân. Một xem xét vượt lên một sự đơn thuần ghi nhận về thể lý. Đây không phải là để chứng nhận có thật hay không thật các dấu thánh – đã được kiểm chứng bởi các bác sĩ và các nhà khoa học giúp Giáo hội nhận định để làm hồ sơ phong thánh – nhưng là để chính thức công nhận vị thánh này là “hình tượng sống của Chúa Kitô”, vì khi nhận dấu thánh, vị thánh này trở nên “một với Chúa Kitô bị đóng đinh”. “Ơn” này đã được Đức Bênêđictô XVI tóm tắt trong một buổi tiếp kiến chung nói về Thánh Phanxicô Axixi, nói lên “căn tính mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”.
Xin đọc: “Quả tim nóng bỏng của Chúa” nơi Cha Piô
Đối với Thánh Catarina Siêna, các dấu thánh là vấn đề được đem ra tranh cãi trong hai thế kỷ. Các cha Dòng Đa Minh muốn công nhận, các cha Dòng Phanxicô thì không. Chủ đề tranh cãi: các tia rọi từ năm dấu thánh là ở trên cơ thể chứ không phải từ máu. Cuối cùng năm 1630, Đức Giáo hoàng Urbanô VIII quyết định, công nhận sự đích thực của các vết thương “rọi sáng” và không “chảy máu”. Lễ phụng vụ “các dấu thánh” của Thánh Catarina Siêna được lên lịch năm 1727 và được ấn định vào ngày 29 tháng 4.
Nhiều dấu thánh khác
Các dấu thánh là những vết thương ở da, giống như các vết thương của Chúa Kitô đã chịu đau đớn trên thập giá: ở tay, ở chân vì bị đóng đinh, ở lưng vì bị đánh đòn, ở sườn vì bị lưỡi đòng đâm, ở dầu vị bị đội mão gai. Người ta gọi đó là các “dấu thánh bắt chước”. Các vết thương khép lại và tự thành sẹo. Đó là các dấu thánh “thường xuyên”. Ngoài ra còn có các “dấu thánh tượng hình”, các vết thương chảy máu trên da hay trên áo, hoặc các biểu tượng tôn giáo như các chữ. Cuối cùng là các dấu thánh “vô hình”, các dấu thánh không thấy qua một vết thương nào nhưng đương sự cảm nhận đau dữ dội ở những nơi đó.
Nơi có dấu thánh và thời kỳ xuất hiện thay đổi tùy theo người, nhưng dù như thế nào, các dấu thánh này luôn có trước những dấu hiệu rất ấn tượng: xuất thần, thị kiến. Đương sự cảm thấy mình như bị đưa ra khỏi con người mình, lơ lửng giữa trời và đất. Một hiện tượng đáng kể khác: một mùi thơm “dễ chịu”, chứ không phải “mùi hôi” như trong trường hợp bị nhiễm trùng, xác ung rữa. Nơi Cha Thánh Piô, các sử gia ghi nhận mùi thơm của hoa tím (vi-ô-lét), trộn lẫn với mùi hoa hồng. Hoa tím tượng trưng cho lòng khiêm tốn, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu.
Khoa học bất lực
Các dấu thánh này đi theo một bối cảnh phụng vụ chính xác: mỗi thứ sáu, Thứ Sáu Tuần Thánh hay một vài lễ. Các dấu thánh có thể thấy trong nhiều giờ, nhiều tháng… hoặc suốt đời như trường hợp của Cha Thánh Piô, ngài luôn cảm thấy mình như bị tra tấn liên tục. Cha Thánh Piô có các vết thương đâm thủng ở hai tay, hai chân, vết thương bên cạnh sườn luôn rỉ máu. Không kể đến vết thương trên vai mặt do sức nặng của thánh giá, vết thương này làm cho Cha Thánh Piô đau nhất, sau này Đức Gioan-Phaolô II tương lai, Karol Wojtyla cho biết khi ngài đến thăm Cha Piô năm 1947. Dù các bác sĩ cố gắng săn sóc, các vết thương này không bao giờ khép lại, không nặng thêm, không thành sẹo, đã làm cho các bác sĩ cảm thấy mình bất lực.
Xin đọc: Vì sao Cha Thánh Piô có thể là vị thánh hoàn hảo ở kỷ nguyên Đức Phanxicô?
Theo sử gia người Pháp Patrick Sbalchiero, tác giả các tác phẩm, Đời sống nhỏ bé của Cha Piô và Mười hai chuyện khó hiểu thách đố khoa học, dù có một vài người cho rằng có đến từ một ngàn đến hai ngàn vụ dấu thánh trên thế giới, có người đưa ra con số 350, nhưng theo ông thì chỉ có khoảng mười mấy vụ. Trong số này có những khuôn mặt lớn như: nữ chân phước người Đức Anne-Catherine Emmerick (1774-1824), Thánh nữ người Ba Lan Marie-Faustine Kowalska (1905-1938), Cha Piô người Ý (1887-1968) và nữ Thánh Gemma Galgani (1878-1903) người Ý cũng rất được tôn kính ở Ý. Các người khác đang chờ được phong chân phước: bà Marthe Robin (1902-1981) người Pháp, bà Thérèse Neumann (1898-1962) người Đức và bà Adrienne Von Speyr (1902-1967) người Thụy Sĩ.
Xin đọc: Cuộc viếng thăm chớp nhoáng quê hương Cha Thánh Piô của Đức Phanxicô
Marta An Nguyễn dịch