la-croix.com, Claire Lesegretain, 2017-04-22
Sáng thứ bảy 22 tháng 4, trong một nghi lễ ở Đền thờ Thánh Báctôlômêô, Đức Phanxicô đã vinh danh các vị tử đạo của thời đại này, với sự có mặt của bà, Roselyne em gái Linh mục Jacques Hamel, bị quân khủng bố giết ngày 26 tháng 7-2016 tại nhà thờ Saint-Etienne-du Rouvray (Seine-Maritime), nước Pháp.
Vinh danh các vị “tân tử đạo” của thế kỷ 20 và 21, đó là mục đích của buổi lễ Đức Phanxicô dâng ở Đền thờ Thánh Báctôlômêo, đảo Tibérine, Rôma sáng thứ bảy 22 tháng 4-2017.
Đền thánh này có từ thế kỷ thứ 10 và kể tù Năm Toàn Xá 2000, đây là nơi để tưởng niệm các vị tử đạo kitô của thế kỷ 20 và 21. Một ủy bạn được Đức Gioan-Phaolô II thành lập đã làm việc tại đây và đã gom lại 12 00 hồ sơ các vị tử đạo và các chứng từ của đức tin được các địa phận trên khắp thế giới chuyển đến. Từ năm 1993, đền thánh được giao cho Cộng đoàn Sant’Egidio quản trị.
Sáu nhà nguyện sát nhau
Năm 2002, trong một thánh lễ đại kết, một bức tượng đặc biệt của các vị tử đạo thế kỷ 20 do nữ họa sĩ Renata Sciachì thuộc Cộng đoàn Sant’Egidio vẽ, được treo trên bàn thờ chính. Các thánh tích, các thập giá, Thánh Kinh, sách nhật tụng, thư từ, tập vở, vật dụng cá nhân của các vị tử đạo được trưng bày trong sáu nhà nguyện sát nhau trong thánh đường. Các vị tử đạo này là những vị tử đạo của Âu châu, Phi châu, Á châu, của cộng sản và của chế độ nazi.
Trong số các vật dùng này, tháng 9 năm 2016 được bổ túc thêm sách nhật tụng của Linh mục Jacques Hamel, bị giết chết ngày 26 tháng 7-2016 ở chính nhà thờ của ngài, nhà thờ Saint-Etienne-du Rouvray (Seine-Maritime).
Từ các cuộc chiến tranh Vendée
Ngày 26 tháng 12, ngày lễ Thánh Étienne (phó tế và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Kitô), sau khi nhắc lại “các tín hữu kitô vẫn tiếp tục chết vì đức tin của mình, nạn nhân của các vụ bách hại trầm trọng”, Đức Phanxicô đã vinh danh “danh sách các vị tử đạo rất dài” này, trong đó có Linh mục Jacques Hamel, linh mục bị giết lần đầu tiên ở Pháp do hận thù đức tin, kể từ sau các cuộc chiến Vendée. Linh mục Hamel bị các hung thủ “giết như những tội phạm”.
Ngày 13 tháng 4 vừa qua, Tòa Thánh đã chính thức mở án phong thánh cho Linh mục Jacques Hamel, thuộc địa phận Rouen, nước Pháp. Dù tiến trình phong thánh sẽ đơn giản cho tôi tớ phục vụ Chúa bị chết vì “ hận thù đức tin”, như trong trường hợp này, nhưng tiến trình cũng sẽ kéo dài vài năm.
Yếu nhưng anh cũng rất mạnh
Ngày thứ bảy 22 tháng 4, trong phần phụng vụ Lời Chúa do Đức Phanxicô chủ sự, bà Roselyne, em gái của Linh mục Jacques Hamel đã có đôi lời. Bà nói: “Jacques đã 85 tuổi khi hai thanh niên trẻ cực đoan vì hận thù giết cha, họ nghĩ rằng họ làm một cử chỉ anh hùng khi giết người một cách hung bạo như thế. Ở tuổi đó, Jacques đã yếu nhưng anh cũng rất mạnh. Mạnh trong đức tin đối với Chúa Kitô, mạnh trong tình yêu của mình đối với Phúc Âm và với người khác, dù họ là người như thế nào, kể cả người giết mình, tôi chắc chắn như thế”.
Như Đức Phanxicô đã nhắc lại trong bài giảng, bà Roselyne cũng nhắc lại, trước khi chết, từ trên bàn thờ, anh mình đã kêu lên “Satan, đi khuất mắt!”, Satan là thủ phạm vụ tấn công ghê gớm này. Như thế “một hành động giết người nhân danh Chúa luôn là việc làm của ma quỷ”.Bà Roselyne nói tiếp: “Cái chết của anh tôi đi song song với đời sống linh mục của anh, một đời sống tận hiến cho Chúa từ khi anh chịu chức. Một đời sống cho Giáo hội và cho giáo dân, nhất là những người bần cùng nhất, những người anh tôi luôn phục vụ trong các vùng ngoại ô Rouen”.
Trở nên người anh em của mọi người
Và để nhấn mạnh đến một nghịch lý, đến phản ứng của các kitô hữu khắp nơi sau cái chết của anh mình, đã chủ trương “gieo rắc tình yêu và lòng tha thứ”, để nói đến lòng tương trợ của người hồi giáo, muốn “dự thánh lễ chúa nhật sau vụ tấn công”, bà Roselyne cho biết: “Anh tôi, người không bao giờ muốn mình ở trọng tâm. Đối với chúng tôi, gia đình tôi, đây là cả một an ủi, bao nhiêu là cuộc gặp gỡ, bao nhiêu là tình yêu, lòng tương trợ phát sinh qua chứng từ của anh Jacques. Đúng, Jacques, anh tôi đã muốn mình là anh em của tất cả những ai được Chúa giao phó cho anh tôi; qua cái chết của anh, anh trở nên người anh em của mọi người.”
Từng ngọn nến được thắp lên sau mỗi lời cầu nguyện nhớ đến tất cả các vị tử đạo: cho các vị tử đạo Armenia và các tín hữu kitô bị thảm sát trong thời Thế Chiến Thứ Nhất; cho các tu sĩ Dòng Đức Bà ở Atlas, Algeria; cho những người bị mafia giết, cho các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ vẫn chưa có tin sau khi bị bắt cóc; cho biết bao nhiêu nhà truyền giáo khác…
Vào cuối buổi cầu nguyện, Đức Phanxicô gặp một nhóm người tị nạn đến nước Ý nhờ hành lang nhân đạo và gặp các phụ nữ nạn nhân của nạn buôn người.
Marta An Nguyễn dịch
Hình ảnh buổi lễ vinh danh các vị tử đạo rất cảm động