Về việc Đừng trau dồi sự Thao thức
17 Tháng Mười 2016
Ba mươi bốn năm trước, khi mở chuyên mục này, hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ nói rằng: Thao thức không phải là thứ để trau dồi, dù cho nó có lãng mạn đến đâu chăng nữa.
Đừng nhầm lẫn Chúa Giêsu với Hamlet, bình an với bất an, chiều sâu với sự bất mãn, hay hạnh phúc đích thật với sự bồn chồn cả đời của người nghệ sỹ. Thao thức bên trong chúng ta không cần được trau dồi thêm nữa, nó đã đủ tàn phá lắm rồi.
Từ thưở thơ ấu đến lúc trung niên, tôi đã gắn lãng mạn với sự thao thức, với khắc kỷ, với việc làm một kẻ cô đơn ngoài cuộc, với việc dự một bữa tiệc quá hời hợt không thể nào có được sự chân thực. Có lẽ điều này đã góp phần khiến tôi chọn chủng viện và chức linh mục, chắc chắn nó giúp tôi giải thích vì sao tôi đặt tên cho chuyên mục này là Tha hương. Hầu như cả đời, tôi đã đặt thao thức ngang với chiều sâu, là một sự đáng vun đắp trau dồi.
Điều này tự nhiên đến với tôi, và dần dà trong cuộc sống tôi tìm được những bậc thầy uy thế giúp tôi nắm bắt sự cô tịch của bản thân. Thời trung học, tôi ham thích vở Hamlet của Shakespeare. Tôi gần như thuộc lòng nó. Hamlet đại diện cho chiều sâu, mãnh liệt và lãng mạn, chứ không phải một kẻ đam mê hời hợt. Với tôi, Hamlet là ngôn sứ cô đơn, chiếu tỏa chiều sâu trên sự hời hợt thiển cận.
Thời chủng viện, tôi chuyển sang Platon (“Chúng ta được bắn vào đời với sự điên rồ đến từ các vị thần và khiến chúng ta tin rằng mình có thể đạt được thành tựu lớn lao, biến mình thành bất tử và dự liệu chuyện trên trời.”) rồi đến thánh Augustino (“Ngài đã tạo nên con cho Ngài, lạy Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”) rồi đến Gioan Thánh Giá (“Chúng ta đi qua cuộc đời với xung lực của khát khao cấp bách của tình yêu.”) và đến Karl Rahner (“Trong day dứt khi không được nắm trọn những sự có thể nắm bắt được, chúng ta học biết rằng trong cuộc đời này, mọi hòa âm phải còn dang dở.”) Đọc những tư tưởng gia này giúp tôi đẩy chủ nghĩa lãng mạn đi xa.
Cùng với các ngòi bút thiêng liêng, tôi còn chịu ảnh hưởng từ rất nhiều tiểu thuyết gia, những người giúp truyền cho tôi khái niệm rằng cuộc sống là để sống với sự mãnh liệt nội tâm và tinh thần lãng mạn để tránh bất kỳ sự thỏa mãn đơn giản nào trong những thú vui thường nhật bình thường của cuộc sống. Với tôi, các nhân vật của Nikos Kazantzakis chiếu tỏa một sự đam mê khiến cho họ thật sự như một vị thần và đáng thèm muốn không thể cưỡng lại, ngay cả khi họ phải vật lộn để không hủy hoại chính mình. Iris Murdoch thì mô tả tình yêu một cách quá ám ảnh và quá hấp dẫn, như thể mọi thứ xung quanh dường như vô thực, còn Doris Lessing và Albert Camus thì quyến rũ tôi bằng những hình ảnh của sự bất an nội tâm khiến cho cuộc sống bình thường có vẻ quá đều đều và không xứng đáng. Ý niệm này lớn dần và tôi thấy thà chết trong một khao khát chưa thành sự thì cao cả hơn nhiều so với sống vì tất cả mọi thứ khác. Chết mãnh liệt thì hơn là sống trong sự bình thường. Cần phải trau dồi sự thao thức.
Và trong văn hóa của chúng ta cũng thế, nhất là trong nghệ thuật và ngành công nghiệp giải trí, họ thúc đẩy cám dỗ này, cụ thể là làm sao để mình thao thức và xem sự bất an như là chiều sâu và sự dằn vặt của người nghệ sỹ Chúng ta đã từng định hình con người mình như thế, như những chuyện lãng mạn phức tạp không thể nào cho trọn, và chúng ta có lý do để biện minh cho sự khó tính và cả sự phản bội thiếu chung thủy. Như lời bài hát của The Eagles, đến bây giờ, chúng ta là những linh hồn thao thức trong cuộc chiến bất tận. Có thể hiểu là chúng ta bay vượt trên những quy luật bình thường của cuộc sống và hạnh phúc, và sự phức tạp của chúng ta đủ để bào chữa cho bất kỳ cách hành động nào của mình. Như Amy Winehouse từng có câu khẳng định nổi tiếng về mình rằng: “Tôi bảo anh là tôi đầy phức tạp, và anh cho là tôi không tốt.” Tại sao có người lại hoang mang vì chúng ta từ chối cuộc sống bình thường và hạnh phúc bình thường?
Có gì đó trong chúng ta, nhất là khi còn trẻ, nó cám dỗ chúng ta hướng đến một dạng tự xác định bản thân. Và tôi tin, trong giai đoạn đó của cuộc đời, như thế là lành mạnh. Người trẻ thì chủ nghĩa lý tưởng quá đáng, lãng mạn cực kỳ, và không tin tưởng việc lười biếng chấp nhận cái tốt thứ hai. Như Doris Lessing đã nói, trong đời chỉ có một tội lỗi thực sự, và đấy là việc gọi cái tốt thứ hai bằng bất kỳ một cái tên nào khác! Tôi ước mong rằng mọi người trẻ sẽ đọc Platon, Augustino, Gioan Thánh Giá, Karl Rahner, Nikos Kazantzakis, Iris Murdoch, Doris Lessing, Jane Austin, và Albert Camus.
Nhưng, trừ những tác giả như Platon, Augustino, Gioan Thánh Giá, và Karl Rahner, những người đưa sự thao thức vô tận và dằn vặt cả đời vào một câu chuyện lớn hơn và ý nghĩa hơn, chúng ta đừng nên xác định mình bằng phẩm chất thao thức và trau dồi nói. Chủ nghĩa lãng mạn cao độ sẽ chỉ có ích cho chúng ta, nếu cuối cùng nó nằm trong một sự tự nhận thức không biến thao thức thành mục đích cuối cùng của cuộc đời. Cảm giác mình cao cả sẽ không đem lại sự bình an cho cuộc sống chúng ta. Và khi thêm tuổi thêm trưởng thành, chính bình an là phần thưởng cho chúng ta. Romeo, Juliet, Hamlet, Zorba, Bác sĩ Zhivago, và những nhân vật siêu lãng mạn khác trên màn ảnh và trong tiểu thuyết, có thể thổi bùng trí tưởng tượng lãng mạn của chúng ta, nhưng đến tận cùng, họ không phải hình ảnh cho sự mật thiết của cuộc gặp gỡ vĩnh cửu của các linh hồn bên trong thân thể Chúa Kitô.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch