The Guardian – Paul Vallely – 20/3/15
Các phát biểu của ngài trước công chúng về mọi chủ đề có vẻ không định hướng hay mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng giáo hoàng đang chơi một cuộc chơi dài đầy tính chiến thuật.
Thật là sai lầm khi quá để ý đến những gì giáo hoàng nói. Và cũng khôi hài, khi chính ngài là người đầu tiên nói thế. Nhưng khi nói như vậy, tôi không có ý nói là không cần phải nghe những bài diễn văn, tuyên bố của ngài trong tuần này hay trước hội đồng chung Liên hiệp quốc vào tháng 9 sắp tới. Giáo hoàng Phanxicô đang chuẩn bị công bố Tông thư đầu tiên của Giáo hội Công giáo về môi trường trong khoảng hai tháng sắp tới, và ngài sẽ lấy đây là điểm thảo luận ở New York để quốc tế dấn thân hơn nữa trong vấn đề giải quyết khí thải nhà kính. Có lẽ ngài sẽ kêu gọi người giàu phải làm hơn nữa để giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới đã và đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu.
Một ngày trước đó, sẽ là cảnh đứng ngồi không yên khi ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên nói chuyện trước Lưỡng viện Hoa Kỳ. Người ta kỳ vọng ngài sẽ lên án không nhân nhượng hệ tư tưởng thờ ngẫu tượng của thị trường tự do đang làm cho người trẻ không có việc làm và người già bị thải loại.
Và giữa hai chuyện này là chuyện mà bạn cần phải xem xét một cách hoài nghi hơn. Hãy xem bài phỏng vấn đánh dấu hai năm được bầu của ngài. Ngài nói với đài truyền hình Mễ Tây Cơ rằng, ngài có cảm giác là triều giáo hoàng của mình sẽ ngắn ngủi, hai hoặc ba năm nữa thôi. Có lẽ ngài sẽ thoái vị như bậc tiền nhiệm của mình. Nhưng bài phỏng vấn còn đầy những chủ đề khác nữa, về chuyện ngài “không để tâm” đến việc làm giáo hoàng thế nào. (Ngài thích điều này.) Hay về chuyện ngài không được tự nhiên đi ăn pizza. (Họ giao pizza cho ngài.) Hay phản ứng của ngài khi bị chỉ trích là nói quá nhiều và quá tự phát: “Tôi luôn luôn nói như vậy. Luôn là vậy. Với một số người, đây là điểm xấu, mà tôi chẳng biết nữa. Nhưng tôi nghĩ là mọi người hiểu tôi.” (Đúng thật là mọi người hiểu, ngay cả khi họ không thể trình bày rõ ràng thông điệp của ngài và hỏi lại ngài.)
Mới đây, một số người gọi ngài là “giáo hoàng phỏng vấn.” Chắc chắn ngài đã có nhiều cuộc phỏng vấn. Và có thể đọc thấy những ưu tiên hàng đầu của ngài qua những người phỏng vấn này: một tòa soạn dòng Tên, một nhà báo Argentina, một tạp chí cộng đồng ở khu phố nghèo, một trí thức vô thần, một vài tờ báo ở Roma, nơi ngài nhận là tòa giám mục của mình. Nhưng những lời nói tán rộng của ngài còn vượt quá những bài phỏng vấn, hay những buổi họp báo không hạn chế trên máy bay của ngài. Ngài có những bài giảng không cần giấy rất bình dân trong các thánh lễ thường ngày ở Nhà nguyện Thánh Mácta nơi ngài sống. Ngài gọi điện riêng cho những người viết thư trình bày với ngài hoàn cảnh của họ. Các chi tiết của những cuộc gọi này cứ không ngừng được tiết lộ. Đức Phanxicô dường như không để ý. Khi Eugenio Scalfari, một người vô thần, phỏng vấn Đức Phanxicô, thì ông đến mà không có máy ghi âm lẫn giấy viết. Khi ông muốn gởi Đức Phanxicô đọc trước bài của mình, giáo hoàng bảo ông đừng lo, ‘Tôi tin ở anh!’ Đây không phải là hành động của một người ngây thơ thánh thiện, mà là chiến thuật của một chính trị gia tinh vi.
Nói điều này với phòng báo chí Vatican, và họ sẽ chẳng tin bạn đâu. Xét cho cùng, đây là việc của họ, dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ. Phản ứng của phát ngôn viên của giáo hoàng, cha Federico Lombardi, một đồng bạn dòng Tên, cho rằng cần có một “chú giải mới” tập trung vào ý nghĩa chung trong những nhận định bất chợt của giáo hoàng hơn là phân tích tầm quan trọng của từng từ một.
Những người bảo thủ trong giáo hội là những người lo lắng đầu tiên và trên hết. Họ nhắc lại “sự rối rắm lạt lẽo” trong những lời ứng khẩu của ngài. Có người từng gọi ngài là “giáo hoàng ba hoa.” Triết gia luân lý bảo thủ Germain Grisez, một người rất kính trọng các giáo hoàng trước, đã cáo buộc Đức Phanxicô là nói chuyện với công chúng như đang “ngồi chơi với bạn bè sau bữa tối với vài ly rượu.” Hồng y Raymond Burke theo chủ nghĩa truyền thống, mà Đức Phanxicô đã thuyên chuyển khỏi chức thẩm phán tối cao Vatican hồi năm ngoái, đã cáo buộc ngài gây mơ hồ rối rắm cho các tín hữu.
Mới đây hơn, những người tự do cũng lãnh một liều cứng rắn khi Giáo hoàng Phanxicô bảo vệ luật Công giáo cấm tránh thai. Ngài nhắc lại giáo hoàng Phaolô VI, người đã tuyên bố điểm này trong Tông thư Đời sống Con người, và gọi Đức Phaolô VI là một thiên tư ngôn sứ. Ở Phi Luật Tân, hồi tháng 1, Đức Phanxicô đã ra khỏi bản văn soạn sẵn, ngài lặp lại điều này. Nhưng rồi, trên chuyến bay về Roma, ngài giải thích điều này với một loạt tuyên bố theo đủ mọi hướng như một cụm pháo hoa thần học vậy.
Những người Công giáo không nên “sinh như thỏ” nhưng nên “làm cha mẹ có trách nhiệm.” Ngài cho biết, các chuyên gia dân số nói rằng số 3 là số lý tưởng cho một gia đình, và cho biết, ngài từng “trách mắng” một bà đã “thiếu trách nhiệm” khi sinh tới 8 đứa con bằng phẫu thuật. Một lần nữa các phụ tá của ngài sau đó phải lên tiếng nói rằng Đức Phanxicô cho rằng các gia đình đông con là “ơn của Chúa,” rồi tiếp đó liên hiệp các gia đình lớn ở Ý đã lên tiếng phàn nàn với Vatican.
Tất cả những điều này nghĩa là gì? Giáo hoàng đang cố nói điều gì đó khiến cho tất cả mọi người đều hài lòng và đến khi làm thì lại chẳng ai hài lòng sao? Ngài nghĩ gì khi dẫn lại câu của Đức Gioan XXIII, “Tôi phải làm giáo hoàng cho cả người đạp chân ga lẫn người đạp chân phanh.” Có một điều rõ ràng trong tất cả các mâu thuẫn này. Đây là lập trường của một người mục vụ miền nam hơn là triết gia miền bắc. Điều mà giáo hoàng Argentina này đặc biệt khó chịu chính là cái mà ngài gọi là những giả định tân Malthus mà các nước giàu áp dụng để giảm nghèo đói, nhưng thực sự là để hạ giá người nghèo.
Ngài nhiều lần lặp lại rằng, thế giới có đủ thức ăn cho tất cả mọi người. Lý do người giàu muốn có ít người nghèo hơn là để họ có thể giữ lại nhiều hơn cho mình. Đây là chuyện giữa nhu cầu và tham lam. Phản ứng đúng đắn không phải là kiểm soát dân số nhưng là phân bổ công bằng hơn các tài nguyên của trái đất. Một câu tweet của giáo hoàng viết rằng: “Nghèo đói không phải do các gia đình đông con, nhưng là do nền kinh tế xem trọng lợi nhuận hơn con người.” Dù giáo hoàng có đúng hay không, rõ ràng ngài đang cố gắng tái định hình thảo luận này bằng những tiền đề khác hẳn.
Và phía sau những phát biểu đầy dẫy của giáo hoàng, cũng chính là nỗ lực tái định hình này. Một vài lời của ngài, tất nhiên, là những lời nói hớ rõ ràng. Ngài từng than về việc “Mễ hóa” Argentina với thuốc phiện và bạo lực lan tràn. Người Mễ tất nhiên là thấy bị xúc phạm. Đức Phanxicô phản ứng bằng cách nói rằng đây chỉ là một cụm từ chuyên ngành, như Balkanisation chẳng hạn. (Không biết thư của chính quyền Serbi đã gởi đến chưa.) Vấn đề là một bên nói đặc biệt về một tình huống, trong khi người khác lại nghe với những lập trường khác hẳn.
Nhưng những gì Đức Phanxicô đang cố gắng làm là chủ tâm giảm bớt sức nặng quy chuẩn trong những lời nói của giáo hoàng. Ngài đang làm một chuyện tương tự với Thượng hội đồng Giám mục. Trước đây, tất cả mọi hội đồng đều được điều phối kỹ lưỡng như kiểu quốc hội Xô-viết cũ vậy. Nhưng Đức Phanxicô đã bảo các giám mục rằng thảo luận không phải là không có bất đồng quan điểm, và từ đó ngài mở ra một con sóng thần dữ dội về các vấn đề đại kỵ như tránh thai, li hôn, và quan hệ đồng tính. Tất cả đều là một phần để triệu tiêu chế độ giáo hoàng quân vương cũ, và mở giáo hội hướng về phong cách điều hành tập đoàn hơn và (dù Đức Phanxicô sẽ không dùng từ này) dân chủ hơn. Ngài biết là ngài sẽ cần thêm vài năm nữa để đưa sâu tư tưởng nào vào trong hàng giáo phẩm Công giáo. Đây là lý do vì sao những thông tin về việc ngài sắp thoái vị phải được cân nhắc rất cẩn thận.
J.B.Thái Hòa chuyển dịch