Từ đầu thế kỷ 20, Rôma đã hiểu rõ bạo lực tình dục trong Giáo hội

55

Từ đầu thế kỷ 20, Rôma đã hiểu rõ bạo lực tình dục trong Giáo hội

Ba năm sau khi công bố báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ủy ban Ciase), sử gia Agnès Desmazières đưa ra một nghiên cứu phong phú, phân tích một hệ thống dựa trên hàng thập kỷ về nỗi lo sợ tai tiếng và ủng hộ mọi hình thức ‘lạm dụng’.

lavie.fr, Blandine Doazan, 2024-10-14

Hình minh họa – Vatican

Nhà sử học, tiến sĩ lịch sử, thần học gia Agnès Desmazières dạy tại Trung tâm Sèvres, Paris. Chuyên về lịch sử kitô giáo, bà phát hành quyển sách Không luật lệ, không đức tin. Linh mục và bạo lực tình dục: trọng tâm của hệ thống công giáo (Sans loi ni foi. Prêtres et violences sexuelles: au cœur du système catholique, nxb. Payot). Chủ đề này là chủ đề của nhiều bài báo và tác phẩm, đặc biệt kể từ báo cáo của Ủy ban Ciase, bà đưa ra một nghiên cứu công phu, đặc biệt và rõ ràng về văn hóa im lặng và che giấu liên quan đến toàn bộ thể chế trên thế giới.

Xuất bản tháng 10 năm 2021, báo cáo Ciase có tác dụng như một quả bom. Tuy nhiên theo sử gia, từ đầu thế kỷ 20, Giáo hội công giáo đã nhận thức được mức độ bạo lực tình dục của các giáo sĩ, đặc biệt việc áp đặt các tòa giải tội, không cho phép tiếp xúc thân thể giữa linh mục giải tội và giáo dân. Vậy làm sao chúng ta có thể giải thích hiện tượng cấm nói omerta bà đề cập trong quyển sách và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay?

Thần học gia Agnès Desmazières: Mức độ bạo lực tình dục đã được biết đến ở Rôma từ đầu thế kỷ 20, nhưng cấp địa phương vẫn phủ nhận. Ngày nay sức nặng của luật cấm nói omerta thay đổi tùy theo bối cảnh văn hóa. Sự phản kháng hiện nay đặc biệt tập trung vào chiều kích mang tính hệ thống của bạo lực tình dục – vấn đề này đã được một số nhân vật trong Giáo hội nhận thức từ lâu, tiếc thay họ bị cô lập. Vào thời bắt đầu Công đồng Vatican II, bạo lực tình dục đã bị cho là “vi phạm công bằng xã hội”. Điều cấm kỵ ngự trị trên toàn bộ lĩnh vực lạm dụng: tài chính, xã hội (phân biệt đối xử, không tuân thủ luật lao động), lạm dụng quyền lực hoặc thậm chí tấn công quyền tự do ngôn luận. Hệ thống lạm dụng này thúc đẩy bạo lực tình dục.

Ngoài ra còn có việc từ chối không xem xét vô số các đồng lõa đã làm cho bạo lực tình dục xảy ra và được che đậy. Những điều này vẫn được bảo vệ và chúng ta đã không đặt câu hỏi về bản chất lạm dụng của một số tổ chức giáo hội – đặc biệt ở các dòng tu, hiệp hội và phong trào tín hữu. Họ ưu tiên cho việc bảo tồn các tổ chức này nên đã tạo bất lợi cho nạn nhân.

Chúng tôi cũng thấy, trong nhiều ví dụ bà đưa ra, các giám mục thường khoan dung với các linh mục lạm dụng, đi ngược lại chỉ dẫn của Tòa Thánh. Vì sao lại có sự khác biệt trong phản ứng này?

Quả thực các giám mục có khuynh hướng khoan dung, nhưng các bề trên dòng còn khoan dung hơn, họ từ chối phục tùng công lý của các giám mục và Tòa Thánh. Mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và những người dưới quyền, việc giữ gìn danh tiếng của các dòng, của giáo sĩ, việc thiếu linh mục hoặc sự thành công mục vụ của một số bị cáo đã đóng một vai trò quan trọng. Tòa Thánh vẫn dung thứ cho sự khoan hồng này vì sợ phản ứng kiên quyết sẽ làm cho các giám mục, các bề trên dòng càng ít phản ứng hơn.

Cuối cùng, khi đến gần Công đồng Vatican II, Tòa Thánh đã nhượng bộ trước quyền tự trị của các dòng tu, cho phép họ tự phán xét các thành viên của mình. Ngày nay tội phạm ấu dâm nơi các tu sĩ phần lớn vẫn còn là điều cấm kỵ. Đó không chỉ là trường hợp của các cộng đoàn gọi là “mới” nhưng còn tồn tại từ lâu ở các cộng đoàn xưa cổ, họ có những chiến lược khôn ngoan để che giấu hiện tượng này. Vai trò của đức vâng lời không được đặt thành vấn đề trong các vụ omerta.

Vào những năm 1930, vai trò nạn nhân đã được phát triển ở Tòa Thánh nhưng chưa hoàn chỉnh, vai trò này phụ thuộc vào sự non nớt về trí tuệ và tâm lý của nạn nhân. Có phải cách nhìn nhận nạn nhân này sẽ tạo một hệ thống phân cấp giữa nạn nhân “tốt” và nạn nhân “xấu” không?

Vấn đề trên hết là vấn đề về sự đồng ý thường không được giải quyết một cách rõ ràng. Ngoài ra, còn có vấn đề linh mục và các tu sĩ không cam kết tiết dục. Tác hại gây ra cho nạn nhân ít được tính đến. Những quan điểm xúc phạm phụ nữ – dù các câu nói sáo rỗng mang tính biếm họa như “người phụ nữ cuồng loạn” dần dần bị lên án nhưng vẫn còn tồn tại. Trên hết, sự phản đối ngày càng tăng của xã hội đối với tội ấu dâm được đặt dưới lăng kính của các vụ tai tiếng, phải được ngăn chặn bằng im lặng càng nhiều càng tốt. Khi các nhà chức trách Giáo hội nhận thức được cảm xúc do tội ấu dâm của hàng giáo sĩ gây ra, họ củng cố sự bí mật xung quanh những sự thật này. Thật không may, chiến lược này vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày nay.

Khi lên án các hành vi đồng tính và tội ác ấu dâm nghiêm trọng nhất, crimen pessimum (tội nặng nhất) thể hiện sự chênh lệch trong cách đối xử giữa bé gái và bé trai. Vì sao Giáo hội không có tầm nhìn toàn cầu hơn về bạo lực tình dục?

Việc dùng cụm từ crimen pessimum, trọng tâm để hiểu cách Giáo hội công giáo giải quyết việc giáo sĩ lạm dụng trẻ em, chắc chắn đã tạo ra phân biệt đối xử – chỉ những bé gái dưới 12 tuổi mới có thể thấy việc mình tố cáo được Tòa Thánh mở phiên tòa. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn giữa đồng tính và tội ấu dâm đặc biệt gây tổn hại rất nặng. Trong một thời gian dài, các tội phạm tình dục của giáo sĩ chỉ được đề cập trong khuôn khổ bí tích, với việc gạ gẫm tình dục của các linh mục khi giải tội, tệ nạn này này bây giờ đã bị triệt tiêu.

Vào đầu thế kỷ 20, việc tấn công tình dục, đặc biệt là với phụ nữ trẻ ngoài tòa giải tội ngày càng không được dung thứ. Tuy nhiên, vào thời điểm giáo hoàng tăng các đòi hỏi về vấn đề khiết tịnh của giáo sĩ, thì đầu tiên, việc các linh mục không tuân thủ nghĩa vụ độc thân đã bị lên án. Ngoài ra còn có sự khinh thường các quyền của nhà nước và sự nhầm lẫn giữa tội phạm và tội lỗi. Khả năng các giáo sĩ có thể bị tòa án thế tục xét xử gần như không có và tình huống này, nguồn gốc của các vụ tai tiếng phải được tránh càng nhiều càng tốt.

Quyển sách của bà được xuất bản ngay sau khi có các tiết lộ về Abbé Pierre, và bà đã dành một phần tái bút ngắn viết về vụ này. Liệu có sự tập trung hóa quyền lực giáo sĩ ngăn cản nhận thức về những lạm dụng đã xảy ra trong Giáo hội không?

Trong vụ Abbé Pierre, việc phân cấp quyền lực giáo sĩ không phải là vấn đề duy nhất, dù tất nhiên nó đã góp phần phủ nhận sự lạm dụng. Chắc chắn thành công của Abbé Pierre trong công việc từ thiện đã là một yếu tố có tác động: chúng ta nhắm mắt làm ngơ nhiều hơn với những nhân vật nổi tiếng. Mong muốn tránh làm mất uy tín công trình của họ là hàng đầu.

Vụ Abbé Pierre: “Chúng ta tạo ra một thần tượng hơn là thực thi công lý”

Chúng ta choáng váng trước sự im lặng của cả một tầng lớp trí thức, những người đã nắm rõ sự thật và bảo vệ bí mật của Abbé Pierre, họ theo logic đẳng cấp, họ vẫn tìm cách minh oan. Phong trào #MeToo chưa thâm nhập vào toàn bộ xã hội Pháp. Không chắc chắn các tiết lộ về vụ Abbé Pierre đủ để chấm dứt những liên minh lợi ích này hay không.

Đức Phanxicô: “Abbé Pierre là tội phạm khủng khiếp”

Không luật lệ, không đức tin. Linh mục và bạo lực tình dục: trọng tâm của hệ thống công giáo (Sans loi ni foi. Prêtres et violences sexuelles: au cœur du système catholique, nxb. Payot).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch