Bầu cử Donald Trump: “Trong thời đại hậu sự thật, đúng sai không còn quan trọng”
Phỏng vấn
Trong quyển sách Trump và giới truyền thông. Ảo tưởng về một cuộc chiến? (Trump et les médias. L’illusion d’une guerre?, Nxb. VA Éditions, 2020), nhà nghiên cứu văn minh Mỹ Alexis Pichard nghiên cứu mối quan hệ mơ hồ giữa Donald Trump với giới truyền thông và với sự thật. Tác giả nhìn lại chiến lược thông tin sai lệch Tổng thống Trump đã áp dụng.
la-croix.com, Maud Guilbeault, 2024-11-13
Ngày 4 tháng 10, trong một cuộc biểu tình của Đảng Cộng hòa ở Fayetteville, Bắc Carolina, bộ phận truyền thông Đảng Cộng hòa đã cáo buộc bà Kamala Harris nói dối, họ hướng đến một trang web được cho là để xác minh thông tin của họ. KENT NISHIMURA / Thời báo New York
Donald Trump có mối quan hệ rất mâu thuẫn với giới truyền thông. Có phải đây luôn là vấn đề của ông không?
Alexis Pichard: Trước khi đi vào con đường chính trị, Donald Trump rất thân thuộc với giới truyền thông, kể cả các phương tiện truyền thông tiến bộ như New York Times hay CNN. Nhưng khi bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông đã phải đối đầu với họ. Sự vỡ mộng xảy ra khá nhanh, khi ông bắt đầu tấn công thâm độc vào người nhập cư, đặc biệt những người nhập cư từ Mexico, những người mà ông cho họ là tội phạm, là kẻ hiếp dâm…
Vì thế từ thời đó mối liên hệ đã tan rã, mọi thứ càng ngày càng xấu. Ông ngày càng tấn công các phương tiện truyền thông đi ngược với ông, gọi họ là “phương tiện truyền thông đưa tin giả”. Khi ông nhậm chức lần đầu tiên, những cáo buộc này càng rõ hơn, chúng ta thấy sự xuất hiện cái mà cựu cố vấn Steve Bannon của ông gọi là kẻ thù của nhân dân. Các phương tiện truyền thông có trách nhiệm đưa tin để đảm bảo cơ sở dân chủ đã trở thành kẻ thù của họ.
Trong quyển sách của ông, ông nói về “ảo tưởng chiến tranh” giữa Trump và giới truyền thông. Ý của ông là gì?
Một sự phụ thuộc lẫn nhau đã được xây dựng giữa Donald Trump và giới truyền thông bị ông xem thường. Chính ông là người dàn dựng cuộc chiến này, ông tấn công các phương tiện truyền thông tiến bộ đủ mọi mặt, sức khỏe kinh tế, đạo đức của họ, bằng cách tuyên bố họ liên tục đưa tin sai lệch, họ đã không đưa tin công bằng về nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Sự lên án kịch liệt này đã làm cho các cơ quan báo chí – New York Times, các kênh NBC, MSNBC hay ABC News – đảm nhận vai trò là người bảo vệ nền dân chủ năm 2017 tham gia vào một loại phản kháng. Điều này được thấy qua các khẩu hiệu của họ, chẳng hạn khẩu hiệu năm 2017 của tờ Washington Post: “Dân chủ chết trong bóng tối”. Do đó, các phương tiện truyền thông này ghi lại tỉ mỉ những nỗi kinh hoàng trong nhiệm kỳ tổng thống ông. Họ còn được trao một số giải Pulitzer cho việc giám sát và điều tra này.
Nhưng đó lại là một việc rất có lợi. Nói về Donald Trump, những sai lầm của ông, những nhức đầu của ông với luật pháp, việc phủ nhận những lời dối trá của ông lại mang lại tiền cho các phương tiện truyền thông tự do, họ được hưởng lợi từ lượng người đăng ký và lượng độc giả kỷ lục tăng mạnh. Đó là lý do vì sao cuộc chiến này chỉ là ảo tưởng: mỗi bên đều được hưởng lợi từ đó. Một bên được hưởng lợi từ thành công về mặt thương mại và bên kia là từ sự xuất hiện vô song trên các phương tiện truyền thông, điều này tạo nên câu chuyện phản hệ thống của ông và địa vị của ông như một kẻ tử vì đạo trong giới truyền thông.
Các phương tiện truyền thông tiến bộ và Donald Trump có một điểm chung khác: mỗi bên đều cáo buộc bên kia lan truyền nhiều thông tin sai sự thật. Khái niệm về sự thật có bị đặt dấu hỏi không?
Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên hậu sự thật, nơi đúng và sai không còn quan trọng nữa. Kỷ nguyên này không bắt đầu với Donald Trump. Kể từ những năm 1980, sự phân cực truyền thông đã diễn ra ở Hoa Kỳ. Khi năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan bãi bỏ nguyên tắc vô tư (hay học thuyết công bằng), một nguyên tắc áp đặt chủ nghĩa đa nguyên ở mức tối thiểu trên sóng phát thanh và truyền hình, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của hai cực truyền thông đối lập nhau.
Một cực trung tả, nhằm mục đích duy trì một hình thức đạo đức báo chí và muốn tiếp tục dựa trên sự thật. Và một cực bảo thủ, từ những năm 1990, đặc biệt là trên đài phát thanh và các kênh như Fox News mang đến một thực tế khác cho người nghe và người xem. Xu hướng này phát triển dần dần cho đến khi được đội ngũ của Donald Trump đặt tên rõ ràng năm 2016, họ đưa ra thuật ngữ “sự thật xoay vần”. Như thể ý kiến là một sự thật giống như các sự việc.
Hai cực truyền thông này đã góp phần vào sự phân cực tổng thể của xã hội Mỹ, được thúc đẩy bởi hiện tượng các phòng phát âm trong đó các cử tri của mỗi phe được duy trì. Điều này đặc trưng ở khán giả của các kênh tin tức: khán giả CNN không xem Fox News và ngược lại. Không còn sự chia sẻ, không còn cơ sở thông tin chung và đã gây tổn hại lớn cho nền dân chủ.
Tại sao sự phân cực này lại phục vụ phe Cộng hòa và chính xác hơn là chính Donald Trump?
Vì thông tin sai lệch có tác dụng. Một khi lời nói dối đã bám chắc thì rất khó để đánh bật nó ra. Khi chúng ta tiếp xúc với nó, nếu chúng ta tin vào điều đó, chúng ta có cảm giác sự đính chính chỉ được thực hiện bởi phe đối lập – trong trường hợp này là các phương tiện truyền thông tiến bộ – để che giấu sự thật. Đây là lời hùng biện rất mạnh, đặc biệt trong giới âm mưu mà Donald Trump đã trở nên thân thiết trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của ông. Nó chứng thực niềm tin của họ, mang lại tính hợp pháp cho các lý thuyết mà trước đây vẫn chỉ giới hạn trong các mạng trực tuyến bên lề, trong đó Trump đã có được địa vị là người cứu tinh. Với chiến dịch tranh cử lần này, ông còn có bà Laura Loomer, một cố vấn về thông tin sai lệch, bà nổi tiếng là người đầy âm mưu. Chính bà là người nói với ông một trong những thông tin sai lệch lan truyền nhất vào cuối chiến dịch.
Trong cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ông và bà Kamala Harris, Donald Trump cho rằng cộng đồng Haiti ở thành phố Springfield ăn thịt chó và mèo của người dân. Khẳng định lố bịch này không chỉ gây xôn xao trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khắp nơi mà còn bị chính đội ngũ của ông bác bỏ. Ông J. D. Vance, phó tổng thống tương lai của Donald Trump cũng công nhận điều này là sai, đồng thời khẳng định nó phản ánh một thực tế nào đó. Phe ông Trump nói dối trắng trợn, nhưng các cử tri hoặc không chống lại ông hoặc tin ông.
Mạng xã hội X-Twitter trong tay Elon Musk kể từ năm 2022 có vai trò gì trong chiến dịch đưa thông tin sai lệch này?
Twitter là yếu tố trọng tâm trong chiến lược của Donald Trump, ngay cả trước khi Elon Musk tham gia. Nó chưa bao giờ là một mạng xã hội phổ biến với công chúng mà chỉ là một công cụ giám sát dành cho các nhà báo. Vì vậy, chính nhờ Twitter mà Donald Trump đã có thể chọc thủng mạng lưới của họ, những phát biểu của ông đã được đưa lên các phương tiện truyền thông thống trị. Nó là công cụ liên lạc và công kích chính của ông trong chiến dịch tranh cử đầu tiên. Ngay cả khi những người ủng hộ ông không đọc các bài đăng của ông, như thế cũng không thành vấn đề, vì các nhà báo sau đó sẽ đưa tin rộng rãi khi bình luận về chúng. Cho đến khi ông bị cấm tham gia mạng năm 2021, sau cuộc tấn công Điện Capitol của những người ủng hộ ông ngày 6 tháng 1. Một trong những hành động mạnh mẽ của Elon Musk sau khi mua Twitter là khôi phục lại tài khoản này cho ông Trump.
Sau đó Elon Musk đã biến mạng này thành vũ khí thuyết phục lớn để ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Ông có thuyết phục được các cử tri mới tập hợp xung quanh Donald Trump không?
Có lẽ là không. Nhưng Elon Musk chắc chắn đã cố gắng củng cố cơ sở bầu cử, giữ cho nó được huy động cho đến giây phút cuối cùng. Ông bảo đảm với ông Trump về lòng trung thành thiết yếu của các cử tri của ông, bà Kamala Harris đã không thể huy động đủ cánh tả của Mỹ.
Định lượng mức độ thông tin sai lệch
Theo thống kê của Washington Post, Donald Trump đã đưa ra 30.573 tuyên bố sai sự thật hoặc gây hiểu lầm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 1 năm 2021.
Trong cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Kamala Harris ngày 10 tháng 9, kênh tin tức CNN của Mỹ đếm được 33 thông tin sai lệch của Tổng thống tương lai chuyển tiếp trong một giờ ba mươi phút.
Theo số liệu của báo Le Monde, trong tháng 10, Elon Musk đã đăng hơn 3.000 tin nhắn trên X, trung bình 100 tin mỗi ngày, 27% các tin này ủng hộ Donald Trump, 25% tấn công phe Dân chủ, 11% chống lại giới truyền thông, 7% thuần túy là thông tin sai lệch.
Các nhà nghiên cứu từ trang web chuyên về thông tin sai lệch NewsGuard xác định có 963 trang web, 793 tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng đã đăng thông tin bầu cử sai sự thật trong chiến dịch tranh cử.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch