Thế vận hội Paris 2024: họ có huy chương và có… đức tin
fr.aleteia.org, Anne-Sophie Retailleau, 2024-08-02
Hình ảnh Jérôme BROUILLET / AFP
Thế vận hội quy tụ những vận động viên thành công nhất thế giới trong bộ môn của họ. Dù được huy chương hay không, một số vận động viên đã không quên vinh danh Chúa cho tài năng đáng kinh ngạc của mình.
Sau nhiều năm tập luyện gay go, họ được vinh danh, được khán giả hoan nghênh, dù có huy chương hay không, một số vận động viên không ngần ngại tạ ơn Chúa cho thành công của mình.
Rayssa Leal trên ván trượt băng
Rayssa Leal tại Thế vận hội 2024, Công viên Concorde ngày 28 tháng 7. Kirill KUDRYAVTSEV / AFP
Leal 16 tuổi, người Brazil là một trong những vận động viên trẻ nhất Thế vận 2024, cô thi đấu môn trượt băng. Cô đã được huy chương bạc tại Thế vận hội Tokyo năm 2020 và bây giờ là huy chương đồng tại Paris ngày 28 tháng 7 năm 2024. Sau màn trình diễn, Rayssa Leal nói lên đức tin của cô “Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống” bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Andrea Sparelini Sirieix trong bộ môn bơi đồng bộ
Andrea Spendolini Sirieix là cô gái trẻ 19 tuổi, cô được huy chương vàng trong bộ môn bơi đồng bộ. Những lời đầu tiên của cô trên Instagram cô dành cho Chúa. Cô nhắc đến câu 9 sách tiên tri Giôsuê để tạ ơn Chúa: “Ngài ở bên chúng con mọi nơi mọi lúc. Ngài không bao giờ làm chúng con thất vọng.”
Adam Peaty, bộ môn bơi lội
Adam Peaty trong trận chung kết 100m bơi ếch, giành huy chương bạc ngày 28 tháng 7 năm 2024 tại Paris. Manan VATSYAYANA / AFP
Adam Peaty, 29 tuổi là một trong những vận động viên bơi lội giỏi nhất thế hệ của anh, ba lần vô địch Olympic, phá kỷ lục thế giới bơi ếch 50 và 100m. Anh là người dũng cảm, đã từng bị trầm cảm và nghiện rượu, và anh đã thoát ra được. Trở lại thi đấu, anh cho biết đức tin là trụ cột trong đời sống của anh như một vận động viên, một người cha. Một đức tin anh cho thấy trong mỗi cuộc thi, anh xăm cây thánh giá trên bụng có dòng chữ tiếng Pháp “Dans la Lumière, Trong Ánh sáng”. Ngày thứ hai anh được huy chương bạc 100 mét bơi ếch.
Lasha Bekauri trong bộ môn judo
Lasha Bekauri, người Georgia 24 tuổi tin vào sự giúp đỡ không điều kiện của gia đình và của… Đức Mẹ! Chiến thắng trong trận chung kết ở hạng 90 kilô ngày thứ tư 31 tháng 7. Cha của anh đã tạ ơn Đức Mẹ vì Mẹ đã đồng hành cùng con ông đến chiến thắng.
Odette Giuffrida trong bộ môn judo
Odette Giuffrida chúc mừng bạn được huy chương đồng sau trận đấu của họ ngày 28 tháng 7 năm 2024 tại Paris. JACK GUEZ / AFP
Đây chắc chắn là câu chuyện đẹp nhất về tình bạn của Thế vận hội Paris. Odette Giuffrida người Ý và Larissa Pimenta người Brazil tranh huy chương đồng judo ở hạng 52 kilô ngày 28 tháng 7. Odette chào Larissa, cô không muốn để sự thất vọng lấn át niềm vui khi thấy bạn mình chiến thắng. Rất thân nhau, hai cô có một tình yêu dành cho Chúa. Odette khám phá ra đức tin nhờ chứng từ của bạn mình. Sau khi thất bại, cô đăng lời cầu nguyện tạ ơn: “Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho con một điều quan trọng hơn nhiều so với huy chương: thấy được tình yêu của Chúa có thể thay đổi cuộc sống của chúng con như thế nào trong từng khoảnh khắc; qua chiến thắng cũng như thất bại. Con không chiến thắng hôm nay nhưng con nghĩ con đã thành công trong nhiệm vụ của con. Vinh danh Chúa muôn đời.”
Tatjana Smith, bơi lội
Cô đoạt huy chương vàng 100m mét bơi ếch ngày 29 tháng 7, đây là huy chương thứ tư trong sự nghiệp của cô. Tatjana Smith, 27 tuổi, là một trong những vận động viên bơi lội Nam Phi vĩ đại nhất trong lịch sử. Cô là tín hữu kitô nhiệt thành, cô luôn dành cho Chúa vị trí hàng đầu sau mỗi chiến thắng của cô. Sau khi được huy chương vàng, cô đăng ảnh cô mặc chiếc áo phông, phía sau có ghi tên tất cả những người đã giúp cô biến ước mơ thành hiện thực . Đứng đầu danh sách: “Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần để vinh danh Ngài.”
Vahine Fierro, Lướt sóng
Vahine Fierro lướt sóng Olympic ngày 1 tháng 8 năm 2024. Ed Sloane / POOL / AFP
Trong khi các vận động viên thi đấu ở thủ đô Paris thì các vận động viên lướt sóng tranh tài trên những con sóng Thái Bình Dương. Vahine Fierro, 24 tuổi, nữ lướt ván trẻ đầy triển vọng của Pháp đã thua ở vòng thứ 16 ngày 1 tháng 8 ở Teahupo’o, đảo Tahiti. Rất thất vọng nhưng cô làm chứng cho niềm hy vọng của mình vào Chúa, cô đăng trên trang Instagram: “Chúa chưa bao giờ ban cho tôi mọi thứ một cách dễ dàng, Ngài thích làm cho tôi trưởng thành, dạy dỗ tôi, làm tôi vững mạnh hơn, tôi biết Ngài luôn có những điều ngạc nhiên đẹp đẽ nhất dành cho tôi.”
Gabriel Medina, lướt sóng
Đây sẽ là bức ảnh nổi tiếng nhất của Thế vận hội Paris. Gabriel Medina, nhà vô địch lướt sóng thế giới ba lần, ăn mừng chiến thắng ngày thứ hai 29 tháng 7 tại Thế vận hội Paris. Vận động viên lướt sóng người Brazil thực sự bay trên các ngọn sóng cao 5 mét. Chính trong sự kiện này, Gabriel Medina đã phá vỡ điểm số theo đúng nghĩa đen, anh được 9,9 điểm, điều chưa từng có cho một vận động viên lướt sóng Thế vận. Trong bức ảnh, nhờ tài năng của nhiếp ảnh gia Jérôme Brouillet, anh dường như đang bay lơ lửng trên bầu trời, tấm ván của anh thẳng như chữ “I” bay bên cạnh. Điều đẹp nhất trong bức ảnh là anh đưa tay lên trời để tạ ơn Chúa. Sau đó, anh đăng bức này lên Instagram, kèm theo câu của Thánh Phaolô gởi tín hữu Philipphê: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl, 4, 11).
Caïo Bonfims, đi bộ
Những nỗ lực của anh cuối cùng đã được đền đáp. Caio Bonfims, 33 tuổi đã giành huy chương bạc với bộ môn đi bộ 20 cây số ngày 1 tháng 8 năm 2024. Đây là lần đầu tiên anh được huy chương Thế vận, anh đã tham gia Thế vận lần thứ tư. Anh không quên tạ ơn Chúa cho thành quả của mình. Đầu tiên anh quỳ gối tạ ơn, giơ hai tay lên trời. Sau đó anh ghi tên “Chúa Giêsu” trên bục vinh quang như Rayssa Leal, phó vô địch trượt băng Olympic. Anh viết trong dòng giới thiệu anh trên Instagram: “Tôi thuộc về Chúa Giêsu.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch