Nghệ nhân hòa bình, với đôi bàn tay trần Đức Phanxicô mơ chấm dứt chiến tranh
Ngày thứ bảy 18 tháng 5, trong Hội nghị Hòa bình ở Verona, Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo chấm dứt thái độ thờ ơ của họ trước chiến tranh. 12.000 người tụ tập dưới ánh nắng gay gắt ở Đấu trường Verona để tham dự diễn đàn về hòa bình. MARCO BERTORELLO / AFP
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2024-05-18
Trong bộ áo khoác nâu, linh mục Alex Zanotelli 85 tuổi đặt lá cờ biểu tượng hòa bình lên đầu gối Đức Phanxicô. Linh mục người Comboni đã sống 30 năm khó khăn ở Nairobi, Kenya. Tại Verona, Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt chiến tranh: “Hòa bình phải được thực hiện trong đối thoại, một công việc đòi hỏi kiên nhẫn. Chúng ta phải nhìn thẳng vào các xung đột, đối đầu với chúng để giải quyết chúng tốt hơn.”
“Giải Nobel của Quan Philatô”
Tại đấu trường Verona đã có từ 2.000 năm, Đức Phanxicô tiếp tục kêu gọi chấm dứt chiến tranh, ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo phải hành động, không được che giấu dưới những danh từ hoa mỹ hèn nhát: “Tôi nghĩ chúng ta có thể trao cho nhiều người giải Nobel Quan Philatô. Họ là những chuyên gia rửa tay. Không quan tâm đến hòa bình là một tội nghiêm trọng. Chúng ta nhìn vào danh sách các quốc gia sản xuất vũ khí. Hòa bình không bao giờ là kết quả của ngờ vực, của những bức tường, của vũ khí bắn nhau.”
Tại đấu trường Verona, tất cả các nhà vận động hòa bình Ý gặp nhau. Các lãnh đạo của cộng đồng Sant’Egidio bên cạnh Hiệp hội Pax Christi, các nhóm có mặt ở đấu trường vẫy những lá cờ nhiều màu ghi: “Bất bạo động. Xin ngừng lửa ngay bây giờ.”
Đức Phanxicô hiểu, bảo vệ hòa bình là một thách thức lớn và đi ngược dòng. Nhưng với ngài, không hành động là không thể, có một châm ngôn của người Tây Ban Nha: “Nước đọng là nước thối. Người bất động là người bị bệnh đầu tiên.”
Cám dỗ trả thù và hận thù
Trước đám đông, ngài xúc động khi nghe lời chứng của hai thương gia Israel và Palestine nói về sự mất mát người thân của họ. Trong cuộc tấn công khủng bố của Hamas ngày 7 tháng 10 năm 2023, cha mẹ của Inon Maoz bị sát hại ở một ngôi làng không xa Dải Gaza. Anh trai của Abu Sarah Aziz bị quân đội Israel giết chết vào cuối những năm 1980, trong phong trào Intifada đầu tiên.
Cả hai đều nếm kinh nghiệm muốn trả thù. Abu Sarah Aziz nhớ lại: “Khi anh trai tôi chết, tôi mới 10 tuổi. Suốt 8 năm tôi chỉ muốn trả thù. Tôi chỉ tập trung vào việc trả thù. Sau đó tôi hiểu, nếu tôi làm như vậy, tôi là con tin của những kẻ đã sát hại anh. Tôi phát bệnh cả thể chất và tinh thần vì đau đớn và căm ghét. Tôi hiểu, cách tốt nhất để chữa lành là ngừng ghét bỏ và chọn yêu thương.”
Sau lời chứng của hai người, cả đấu trường đã vỗ tay rất lâu. Đức Phanxicô nói: “Tôi nghĩ nỗi đau khổ của hai anh em cũng là nỗi đau khổ của hai dân tộc, chúng ta không thể nói gì. Nhưng họ đã có can đảm để ôm nhau trong vòng tay.”
Sức mạnh của người dân, sự yếu đuối của giới lãnh đạo
Sự cứu rỗi đến từ người dân hơn là từ giới lãnh đạo, từ các cường quốc, từ giới thượng lưu. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Tương lai của nhân loại nằm trong tay người dân và khả năng tổ chức của họ. Hòa bình phụ thuộc vào thực tế, chứ không phụ thuộc vào các hệ tư tưởng. Các hệ tư tưởng không có chân để đi, không có tay để chữa lành, không có mắt để nhìn thấy nỗi đau của người khác. Hòa bình được tạo ra bằng đôi chân, đôi tay và đôi mắt của những người trong cuộc.”
Ngồi ở hàng ghế đầu, giám mục Carlassare, giáo phận Rumbek, Nam Sudan gật đầu đồng ý với Đức Phanxicô, ngài hiểu sống giữa chiến tranh là như thế nào. Ngài biết những lời nói của Đức Phanxicô đôi khi như tiếng kêu trong sa mạc: “Đúng, tôi nghĩ tiếng nói của chúng ta là tiếng nói trong sa mạc, nhưng đó là những hạt giống đi vào sa mạc, nơi luôn có một chút sự sống. Không có con đường nào khác ngoài con đường hòa bình. Chúng ta phải đi con đường này, dù phải trải qua nhiều xung đột. Điều quan trọng là chúng ta không phản ứng lại bằng bạo lực. Khi đó hòa bình mới bắt đầu.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Hình ảnh Đức Phanxicô tại Verona ngày 18 tháng 5-2024