Tìm hiểu Kinh Nữ vương Thiên đàng được Đức Phanxicô đọc trong các chúa nhật sau Phục Sinh

61

Tìm hiểu Kinh Nữ vương Thiên đàng được Đức Phanxicô đọc trong các chúa nhật sau Phục Sinh

Từ ban công dinh tông tòa ngày chúa nhật 7 tháng 4, Đức Phanxicô  đọc Kinh Nữ vương Thiên đàng, Regina Caeli cầu nguyện với Đức Mẹ để nói lên niềm vui Chúa Kitô phục sinh, thay cho Kinh Truyền Tin thường lệ.

la-croix.com, I.Media, 2024-04-07

Đức Phanxicô trong giờ Kinh Nữ vương Thiên đàng từ ban công Quảng trường Thánh Phêrô ngày chúa nhật 7 tháng 4-2024.

Ngày chúa nhật 7 tháng 4, kết thúc bát nhật Phục Sinh, Đức Phanxicô đọc Kinh Nữ vương Thiên đàng dâng kính Đức Trinh Nữ Maria để bày tỏ niềm vui phục sinh của Chúa Kitô. Đó là điệp ca, một hình thức cầu nguyện được hát trong đối thoại. Hôm nay Kinh Nữ vương Thiên đàng đọc dưới hình thức đối thoại với giáo dân tụ tập tại Vatican đáp lại lời cầu nguyện của Đức Phanxicô.

“Hân hoan!”

Bài thánh ca Đức Mẹ thay thế Kinh Truyền Tin được giáo hoàng đọc vào các ngày chúa nhật và các ngày lễ trong mùa Phục Sinh, hát bằng tiếng la-tinh từ Đêm Vọng Phục Sinh cho đến chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi sau lễ Hiện Xuống.

Điệp ca Đức Mẹ là một trong những bài thánh ca của mùa Phục Sinh, được đưa vào phụng vụ các giờ kinh (cầu nguyện với thánh vịnh trong ngày), và thường được cầu nguyện trong giờ kinh tối. Ngắn gọn, gồm bốn câu diễn tả niềm vui Phục Sinh. Bắt đầu điệp ca là câu “Mừng vui lên, Nữ Vương Thiên Đàng, Alleluia,”, loan báo sự phục sinh, không còn hát Salve Regina “thung lũng nước mắt”.

Nguồn gốc của thánh ca la-mã ngày xưa

Kinh Regina Caeli rất xưa, có từ các niên đại thánh ca cổ của la-mã, phụng vụ chính thức của Vatican từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 12, sau đó được thay bằng thánh ca Gregorian. Dấu vết lịch sử lâu đời nhất của bài thánh ca này được tìm thấy năm 1030, ở một trong những bản thảo thánh ca la-mã cổ hiếm hoi của tu sĩ dòng Biển Đức Guido d’Arezzo. Hầu hết các bản thảo có niên đại từ thời kỳ phong cách la-mã cổ bị hủy sau khi giáo hoàng Innocent III áp dụng thánh ca Gregorian vào thế kỷ 13.

Tác giả của lời cầu nguyện chưa được biết, nhưng tổng giám mục Ý Jacques de Voragine, giáo phận Genoa cho rằng quyền tác giả là giáo hoàng Gregory Cả, tiến sĩ Giáo hội (590-604).

Trong Truyền thuyết vàng, tác phẩm nói về đời của các thánh và các vị tử đạo viết vào thế kỷ 13 cho rằng, giáo hoàng Gregory Cả đã nghe các thiên thần hát ba câu đầu tiên, sau cuộc rước kiệu vinh danh Đức Trinh Nữ Maria trên đường phố Roma. Trong bài hát, giáo hoàng Gregory Cả thêm câu thứ tư vào lời cầu nguyện: “Xin cầu cho chúng con.”

Trong phụng vụ, truyền thống hát kinh Regina Caeli có từ thế kỷ 12 và theo trang web Gaudium Press, chính cộng đồng dòng Phanxicô đã truyền bá kinh này.

Marta An Nguyễn dịch