Đức Phanxicô: “Nỗi sợ thực sự là sợ vứt bỏ cuộc sống của mình”
cath.ch, I.Media, 2023-06-25
Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 25 tháng 6 tại cửa sổ dinh tông tòa Vatican
Đức Phanxicô không phải là người bài-tự do: ngài chiến đấu cho tự do
Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 25 tháng 6, Đức Phanxicô nói: “Điều quan trọng là chúng ta không lãng phí tài sản quý giá nhất của mình: đó là cuộc sống của chúng ta.” Ngài kêu gọi giáo dân đừng sợ đi ngược dòng, nhưng giải phóng bản thân mình khỏi những điều kiện của một suy nghĩ thông thường, dù có nguy cơ bị đi ngược sóng với những người đi theo làn sóng.
Từ cửa sổ của dinh tông tòa, dưới cái nóng ngột ngạt của mùa hè Rôma, Đức Phanxicô ngỏ lời với giáo dân hành hương và du khách tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài lưu ý, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói chúng ta đừng sợ, vì không phải tất cả sẽ tốt đẹp, những cuộc đàn áp vẫn còn, nhưng vì sẽ không có điều gì tốt đẹp mà bị mất đi.
Ngược lại, người tín hữu kitô phải sống trong sợ hãi “Gehenna”, từ này đồng nghĩa với địa ngục, là tên một bãi rác rất lớn ở thung lũng gần Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu. Ngài nói: “Nỗi sợ hãi thực sự là sợ vứt bỏ cuộc sống của mình. Điều nguy hiểm là lãng phí cuộc sống của mình để chạy theo những thứ tầm thường. Để tránh điều này, chúng ta không được sợ những hiểu lầm và chỉ trích, không sợ mất uy tín và lợi thế kinh tế để trung thành với Tin Mừng”. Đức Phanxicô đưa ra ví dụ về các cha mẹ không dành đủ thì giờ cho con cái, các linh mục và tu sĩ không dành thì giờ đủ cho Chúa Giêsu, cả những người trẻ có nhiều “đam mê” và luôn ở trên mạng xã hội hơn là gặp gỡ người khác và thực hiện giấc mơ của mình.
Ngài công nhận, chúng ta có thể bị chế giễu hoặc phân biệt đối xử nếu chúng ta không theo một khuôn mẫu thời thượng nào đó. Trong xã hội, chúng ta thường bị khuyến khích theo những thực tế phụ, những sự việc thay vì con người, những hiệu năng thay vì các quan hệ.
Vì thế ngài xin chúng ta từ bỏ trước những thần tượng về hiệu quả và chủ nghĩa tiêu thụ. Ngài cũng xin chúng ta giúp đỡ những người sống trong “Gehenna ngày nay” và những người “bị đối xử như rác”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch