Khai mạc Thượng hội đồng ở Rôma: thử thách lớn của triều giáo hoàng Phanxicô

108

Khai mạc Thượng hội đồng ở Rôma: thử thách lớn của triều giáo hoàng Phanxicô

Đại hội toàn thể về tương lai Giáo hội sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 trước giai đoạn thứ hai vào năm 2024, hứa hẹn sẽ là thời điểm then chốt trong cuộc cải cách do Đức Phanxicô khởi xướng từ 10 năm trước.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2023-09-28

Nữ tu Nathalie Becquart thảo luận với linh mục Leonardo Sapienza (phía sau), trước buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 20 tháng 9 tại Vatican.  ALESSIA GIULIANI / CPP

Tháng 11 năm 2013, sáu tháng sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã  xuất bản tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium, một tông huấn có tầm quan trọng hàng đầu, tông huấn gởi đến toàn thể Giáo hội công giáo, ngài trình bày chương trình triều giáo hoàng của ngài, lên chương trình cho cuộc cải cách mà ngài đã kêu gọi.

Một hoán cải truyền giáo của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng tốt hơn trong thế giới đương đại. Ngài là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử, Jorge Mario Bergoglio, người thừa kế một lịch sử lâu dài về mặt truyền giáo: từ Thánh Phanxicô Xavier, “tông đồ người Ấn Độ”, đến Matteo Ricci, bậc thầy về hội nhập văn hóa ở Trung Quốc. Thêm nữa, khi còn trẻ ngài ước mơ đi truyền giáo ở Nhật Bản… Lăng kính này rất cần thiết để hiểu những gì ngài đã cố gắng làm trong 10 năm qua và những gì ngài đang chuẩn bị thực hiện bây giờ.

Các trực giác của Đức Phanxicô

Làm thế nào chúng ta có thể nói về Chúa Giêsu tốt hơn trong thế giới đương đại, khi càng ngày càng ít người mong chờ, trong xã hội phương Tây cũ đôi khi bị hụt hơi, nơi dường như chẳng còn kitô giáo, có nghĩa trong những vùng truyền giáo đầu tiên, như ở nhiều nước Á châu? Đây là thách thức của Thượng hội đồng chủ yếu với tương lai Giáo hội, sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023, trước phiên họp thứ hai dự kiến vào tháng 10 năm 2024. Chính yếu, vì Thượng hội đồng đề cập đến mối quan hệ giữa người công giáo với thế giới và thời hiện đại, điều mà 60 năm trước, Công đồng Vatican II muốn đưa ra câu trả lời và xung quanh đó người công giáo đã tranh luận, đôi khi đến mức đối đầu và rạn nứt kể từ đó.

Mười năm sau tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Phanxicô đã già đi nhưng ngài vẫn không đánh mất ước mơ của mình, và Thượng Hội đồng về tính đồng nghị ngài đang chuẩn bị ở Rôma, cùng các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới, một cách nào đó đánh dấu đỉnh cao triều của ngài, thời điểm thiết lập những trực giác của tông huấn năm 2013.

Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội: Người công giáo trên thế giới muốn nói gì với Rôma

Mô hình của cuộc cải cách này là lễ Hiện Xuống, giai đoạn sáng lập “Giáo hội đi ra ngoài” mà ngài đã không ngừng nói ngay từ đầu, và từ đó bát nguồn cho tất cả các trực giác khác của ngài, từ một mục vụ của lòng thương xót đến việc chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo, quan tâm đến các vùng ngoại vi và kêu gọi một sự giải tập trung để làm thuận lợi cho việc hội nhập văn hóa. Ngài viết trong tông huấn Niềm vui Tin mừng: “Vào lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đưa các tông đồ ra khỏi sự khép kín của họ, biến họ thành những người đi công bố những điều vĩ đại của Thiên Chúa, những điều mà mọi người bắt đầu hiểu theo ngôn ngữ của mình. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần ban sức mạnh để công bố tính mới mẻ của Tin Mừng một cách mạnh dạn (parresia), lớn tiếng, mọi nơi, mọi lúc ngay cả khi phải ngược dòng.”

Hướng tới một lễ Hiện Xuống mới

Vì thế, trong cách tổ chức cụ thể của Thượng hội đồng, một số đổi mới nào đó đã được đề xuất để cho phép hình thức Hiện Xuống mới này được thực hiện. Một tuần trước khi khai mạc đại hội, một buổi cầu nguyện đại kết lớn mang tên “Cùng nhau”, sẽ được tổ chức tại Rôma chiều 30 tháng 9, theo sáng kiến của cộng đồng Taizé. Ngoài giáo hoàng, còn có nhiều đại diện công giáo, tin lành và chính thống giáo sẽ tham dự như tổng giám mục giáo chủ Justin Welby của anh giáo, thượng phụ Bartholomew I của Constantinople. Với sự kiện độc đáo sẽ kéo dài từ tối thứ sáu đến trưa chúa nhật, ngoài các ngôi sao sáng còn có các bạn trẻ tuổi từ 18 đến 35  tham dự. Tất cả nhằm thúc đẩy sự hiệp nhất bằng cách dựa vào phép rửa tội và Kinh Thánh, như một phương tiện để vượt qua chia rẽ. Sau buổi canh thức sẽ là khóa tĩnh tâm ba ngày dành cho các người tham dự đại hội, một hình thức như linh thao.

Hồng y Grech và Hollerich được Đức Phanxicô chọn để lãnh đạo một thượng hội đồng quyết định

Một đổi mới lớn khác trong lần này là ở quá trình làm việc: trong số khoảng 400 người tham gia Thượng hội đồng, hơn 370 người sẽ có quyền bầu cử, gồm các giáo dân được giáo hoàng bổ nhiệm (trong đó 50% là phụ nữ), đây là một đổi mới mang tính lịch sử đầu tiên. Họ sẽ làm việc theo nhóm trong Hội trường Phaolô VI rộng lớn (có thể chứa 8.000 người) bằng phương pháp “đối thoại trong Chúa Thánh Thần”. Một phương pháp phối hợp việc lắng nghe, im lặng và cầu nguyện, theo linh mục Dòng Tên Giacomo Costa, cố vấn rất có ảnh hưởng của ban  Thư ký Thượng hội đồng, điều này mang lại “cơ hội lắng nghe anh chị em trong Chúa Kitô và, qua họ, Chúa Thánh Thần là nhân vật chính để cùng nhau giải quyết ngay cả những vấn đề gây tranh cãi, mà trong xã hội và trong Giáo hội, chúng ta thường đương đầu trực tiếp hoặc thông qua qua các phương tiện truyền thông xã hội, thay vì đối diện trực tiếp với nhau”.

Thật vậy, chúng ta thấy trong tài liệu làm việc, kết quả của những phản hồi từ các giai đoạn tham vấn khác nhau diễn ra trước đó tại các giáo xứ, cộng đồng, giáo phận và trên quy mô lục địa, các chủ đề nhạy cảm như vấn đề đồng tính, trách nhiệm của phụ nữ trong Giáo hội hay chia sẻ việc quản trị.

Thượng hội đồng giám mục: lần đầu tiên phụ nữ có thể bỏ phiếu

Chống lại mọi nghịch cảnh

Nếu hiện tại khó có thể nhìn thấy chân trời xuyên qua rừng dày đặc các câu hỏi được đặt ra và những mong chờ trái ngược nhau được bày tỏ ở cơ sở, thì Thượng hội đồng với hai giai đoạn này giống như một thử nghiệm lớn với triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Thời điểm để Đức Phanxicô kiểm xem liệu phương tiện có được dùng hay không, bất chấp sự phản kháng công khai đã có từ đó, những căng thẳng đáng kể nổi lên ngay cả trước khi bắt đầu các công việc, trong bối cảnh lo ngại về một “sự đồng nghị hóa buộc phải đi”. Và sẽ phải mất hai phiên họp để xác định xem liệu những trực giác mà ngài gieo trong suốt 10 năm nhằm “hoán cải sứ mệnh” Giáo hội có dẫn đến các biện pháp cơ cấu cụ thể hay không, nhưng trên hết là dẫn đến cuộc cách mạng văn hóa và sự thức tỉnh thiêng liêng.

Nữ tu Nathalie Becquart: “Tính đồng nghị là bước vào một văn hóa mới”

Nữ tu Nathalie Becquart là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí thư ký dưới quyền của Ban Thư ký thượng hội đồng tại Vatican, sơ giải thích: “Tính đồng nghị là bước vào một văn hóa mới. Cuộc cải cách của Giáo hội và tiến trình hoán cải có nghĩa Thượng hội đồng có hai chiều kích thiết yếu vì chúng không thể tách rời: tinh thần và cấu trúc. Tính đồng nghị là bước vào một văn hóa mới, một lối sống đổi mới trong các mối quan hệ của Giáo hội, học cách nhìn nhau như anh chị em trong Chúa Kitô, bình đẳng trong bí tích rửa tội. Đó là cách tiếp cận toàn diện mời gọi chúng ta phát triển sự tham gia của tất cả mọi người để cùng nhau thực hiện sứ mệnh tốt hơn, loan báo Tin Mừng tốt hơn trong thế giới đương đại. Nhưng điều này cũng liên quan đến việc đi sâu vào những vấn đề khó khăn, nghĩa là làm việc về các cơ cấu và giáo luật, mà không nghĩ rằng các cơ cấu phải là Alpha và Omega của cuộc cải cách. Nếu các não trạng không tuân theo thì pháp luật sẽ không có hiệu lực.

Tôi thường trích dẫn đoạn cuối của tài liệu chuẩn bị Thượng hội đồng, nhắc nhở rằng mục đích của cuộc tham vấn không phải là tạo ra các tài liệu, nhưng là mở ra những chân trời hy vọng cho việc hoàn thành sứ mệnh của Giáo hội, để khơi dậy những ước mơ và những lời tiên tri. Đây chính xác là những gì chúng ta thấy khi phương pháp lắng nghe và tham vấn này được triển khai, khi chúng ta giúp những người đã được rửa tội hiểu rằng họ có vai trò phải đóng. Một trong những thách thức lớn là tìm trong trí tưởng tượng và cách sống truyền giáo của chúng ta, sự việc, đây là một cộng đồng và dân Chúa đang chuyển động, không phủ nhận nguyên tắc phẩm trật, nhưng không đặt nó lên hàng đầu trên đường đi trong cách nghĩ về Giáo Hội. Cùng nhau thực hiện sứ mệnh và đương đầu với những thách thức sẽ tạo ra hoa trái của Chúa Thánh Thần, một Lễ Hiện Xuống mới. Và thách thức càng lớn thì chúng ta càng phải làm việc cùng nhau. Điều mà thế giới và Giáo hội ngày nay cần nhất, thay vì phân mảnh và phân cực hơn nữa, là cố gắng tạo ra sức mạnh tổng hợp để đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cực đoan đang cô lập và chia rẽ.”

Nữ tu Nathalie Becquart: “Con đường của Thượng hội đồng không được vạch ra trước”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch